21/09 Hai "gã khổng lồ" châu Á đang hướng tới đối đầu?



EmailInPDF.
Theo tờ The Straits Times Singapore của Singapore ngày 20/9 có đăng bài Asian giants edging towards confrontation. trong hơn hai năm qua, các nhà lãnh đạo hàng đầu của Ấn Độ đã xem nhẹ tin tức về việc Trung Quốc tăng cường lực lượng chiến đấu dọc khu vực mà hai nước đang tranh chấp khi nói rằng khu vực này đã yên bình hơn 20 năm qua.
Các quan chức Ấn Độ cũng phản bác cảnh báo của giới phân tích về việc Trung Quốc thiết lập “chuỗi ngọc trai” chiến lược nhằm phong tỏa Ấn Độ và cho rằng “một chuỗi ngọc trai như vậy không phải là thứ vũ khí hữu hiệu”. 
Tuy nhiên, giờ đây Niu Đêli không làm ngơ trước mối đe dọa từ Trung Quốc và thậm chí còn tỏ ra sẵn sàng đối chọi với nước láng giềng lớn và mạnh hơn. Cùng với việc gấp rút cải thiện hệ thống hạ tầng quốc phòng dọc biên giới với Trung Quốc, Ấn Độ cũng đang tích cực tăng cường sức mạnh cho hai lực lượng tấn công có khả năng thâm nhập tuyến phòng thủ của Trung Quốc ở khu vực Tây Tạng. Tuần trước, Ấn Độ - nước đang phát triển nhanh mối quan hệ chiến lược với Việt Nam - cũng tuyên bố sẽ hợp tác thăm dò dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông, bất chấp sự phản đối của Trung Quốc. 
Một số nhà chiến lược chuyên về Trung Quốc cho rằng hai năm gần đây là thời gian không mấy dễ chịu với Ấn Độ khi phải chịu mọi sức ép từ Trung Quốc. Mặc dù ít có khả năng một bên nào đó (Ấn Độ hoặc Trung Quốc) gây xung đột, nhưng Ấn Độ vẫn cần có sự chuẩn bị và không thể thụ động trước Trung Quốc. Ấn Độ và Trung Quốc từng đối đầu trong cuộc chiến tranh biên giới năm 1962 vào thời điểm quân đội Ấn Độ không có sự chuẩn bị. Nhiều thập kỷ trôi qua, tình hình biên giới giữa hai nước cơ bản bình ổn và quan hệ thương mại không ngừng được cải thiện, nhưng ký ức thất bại trong cuộc chiến biên giới năm đó vẫn ám ảnh người Ấn Độ.
Mặc dù năm 1988, Trung Quốc từ bỏ chính sách ủng hộ các nhóm phiến quân thiểu số ở khu vực hẻo lánh bất ổn miền Đông Bắc Ấn Độ, nhưng các quan chức Ấn Độ nhận ra rằng Trung Quốc gần đây đã tái triển khai chính sách này. Tuần trước, phát biểu tại hội nghị những người đứng đầu lực lượng cảnh sát các bang, Giám đốc Cơ quan Tình báo Ấn Độ (IIB) - ông Nehchal Sandhu - nhấn mạnh: “Đã đến lúc phải xem xét các bằng chứng mới về sự dính líu của Trung Quốc trong hoạt động của các nhóm phiến quân thiểu số". Phát biểu này được đưa ra vài tuần sau khi Niu Đêli yêu cầu Bắc Kinh ngừng xây dựng các đập và đường sá trong phần lãnh thổ Kashmir do Pakixtan kiểm soát. Động thái này cho thấy sự lo ngại ngày càng tăng của Niu Đêli về sự hậu thuẫn của Bắc Kinh đối với các nhóm thiểu số ở Ấn Độ. 
Ấn Độ lo ngại một làn sóng cực đoan mới ở khu vực Đông Bắc sẽ buộc nước này phải triển khai một lực lượng lớn binh sỹ tại đó, khiến binh lực của Ấn Độ bị dàn mỏng hơn. Ấn Độ cũng đang đối mặt với cơn ác mộng về an ninh nội địa khi có tới 1/3 quận huyện của nước này đứng trước mối đe dọa ngày càng lớn mà phe nổi dậy Maoist gây ra. Giới phân tích cũng chỉ ra rằng vùng Kashmir tương đối bình yên, nhưng nếu Mỹ rút quân khỏi Ápganixtan thì các nhóm thánh chiến nhiều khả năng sẽ chú ý tới khu vực này. Khi đó, Ấn Độ buộc phải duy trì hàng trăm nghìn binh sỹ tại Jammu và Kashmir, nơi 1/3 quân số lục quân của Ấn Độ đang được triển khai.
Một nhân tố quan trọng trong chính sách của Ấn Độ để chống áp lực từ Trung Quốc là phát triển quan hệ với Việt Nam. Ấn Độ đã phớt lờ việc Trung Quốc phản đối công ty ONGC Videsh của Ấn Độ hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực thăm dò và khai thác dầu khí tại Biển Đông với lập luận rằng phản đối của Trung Quốc không có cơ sở pháp lý vì khu vực này thuộc chủ quyền của Việt Nam. Một số nhà phân tích nhìn nhận động thái trên đồng nghĩa với việc Niu Đêli phát đi thông điệp công nhận lập trường của Việt Nam trong tranh chấp với Trung Quốc. Chiến lược gia Bahukutumbi Raman của Viện nghiên cứu Chennai cảnh báo động thái của Ấn Độ có thể dẫn tới “một cuộc đối đầu với Trung Quốc”. Mặc dù các quan chức Ấn Độ thừa nhận việc đối đầu với Trung Quốc trên Biển Đông là nguy hiểm, nhưng quả quyết rằng “việc từ bỏ chiến lược hợp tác với Việt Nam sẽ gây nguy hiểm hơn cho Ấn Độ về lâu dài”.
Theo The Strait Times Singapore
Nguyễn Tuấn(gt)

No comments:

Post a Comment