27/07 Châu Á trước bài toán nợ công của Mỹ và châu Âu


Đối với khu vực châu Á, vấn đề nợ công nghiêm trọng tại phương Tây giống như một hành tinh có quỹ đạo bay hướng thẳng về Trái Đất. Hành tinh đó quá to để có thể né tránh, cũng như quá khó để xác định chính xác mức độ thiệt hại sau cú va chạm.

Với khoảng 3.000 tỷ USD dự trữ ngoại tệ nắm giữ dưới hình thức trái phiếu của Bộ Tài chính Mỹ, trong đó riêng Trung Quốc và Nhật Bản đã sở hữu tổng cộng trên 2.000 tỷ USD, rõ ràng châu Á sẽ là khu vực chịu ảnh hưởng trực tiếp nếu Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Nhà kinh tế trưởng tại Ngân hàng Bank of Tokyo-Mitsubishi UFJ (có trụ sở tại New York), Chris Rupkey nói: "Liệu các nhà đầu tư có thể chuyển lượng tiền mặt khổng lồ này sang các kênh nào khác? Câu trả lời là không."

Nhìn chung, các quốc gia chủ nợ của Mỹ không còn lựa chọn nào khác là kiên nhẫn chờ đợi trong hy vọng rằng điều tốt đẹp nhất sẽ tới khi Washington đang tìm mọi cách để giải quyết vấn đề trần nợ công trước hạn chót vào ngày 2/8.

Trên thực tế, một số quan chức còn bày tỏ sự lo ngại lớn hơn về những rủi ro của cuộc khủng hoảng nợ chưa có dấu hiệu hạ nhiệt tại châu Âu, nơi "cơn bão" nợ công đã lan rộng từ Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, sang cả nền kinh tế lớn hơn nhiều là Italy. Một quan chức chính phủ Nhật Bản giấu tên cho biết: "Nhật Bản có thể thiệt hại đôi chút trong trường hợp trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ bị hạ cấp, song đây vẫn là kênh đầu tư ít rủi ro nhất. Bên cạnh đó, chúng tôi còn lựa chọn nào khác nếu bán ra USD. Euro chăng? Có gì đảm bảo đây sẽ là khoản đầu tư an toàn hơn USD."

Mối lo lớn nhất của Nhật Bản là đồng yen tăng giá so với USD hay euro trong trường hợp cuộc khủng hoảng nợ diễn biến theo chiều hướng xấu đi. Đồng yên tăng giá chắc chắn sẽ tác động xấu tới hoạt động xuất khẩu của Nhật Bản và ảnh hưởng tới tiến trình phục hồi kinh tế đất nước "Mặt Trời mọc" sau thảm họa kép động đất và sóng thần kinh hoàng hồi tháng Ba vừa qua.

Đối với Trung Quốc, quốc gia "chủ nợ" lớn nhất của Mỹ, tiếp tục mua thêm 7,3 tỷ USD trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ trong tháng 5 vừa qua, đánh dấu tháng tăng thứ hai liên tiếp sau 5 tháng sụt giảm. Giới chuyên gia cho rằng, chính Trung Quốc đã tự đẩy mình vào "thế khó" để bảo vệ quyền lợi kinh tế của riêng mình.


Nhằm giúp nền kinh tế tăng trưởng, Trung Quốc đã tập trung vào chính sách khuyến khích tiết kiệm nội địa và giữ tỷ giá đồng Nhân dân tệ ở mức thấp để tạo đà cho hoạt động xuất khẩu. Do thặng dư thương mại cao và nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ (chủ yếu là USD), số USD này quay lại Mỹ thông qua kênh đầu tư vào trái phiếu chính phủ Mỹ và một số loại tài sản được định giá bằng USD khác, kể cả cổ phiếu.

Cho dù một phần dự trữ ngoại hối của Trung Quốc được chuyển vào nguồn trái phiếu chính phủ châu Âu và Nhật, nhưng những thị trường này không đủ thanh khoản để hấp thụ số dự trữ ngoại tệ khổng lồ của Trung Quốc.

Chuyên gia phân tích tại tổ chức đầu tư CLSA ở Thượng Hải, Andy Rothman, cho rằng mối quan hệ kinh tế ràng buộc giữa Trung Quốc-Mỹ là quá lớn để sụp đổ. Nếu Bắc Kinh cố gắng bán một phần nợ Mỹ, chính phủ nhiều nước khác có thể cũng sẽ làm như vậy và điều này sẽ khiến khối tài sản mà Trung Quốc đang nắm giữ mất giá. Vì vậy, Trung Quốc cũng không còn lựa chọn nào khác là tiếp tục mua thêm trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ, đồng thời kêu gọi chính phủ Mỹ triển khai một chính sách phù hợp và trách nhiệm để đảm bảo lợi ích các nhà đầu tư.

Trên phương diện khu vực châu Á, vấn đề đáng quan ngại nhất là những hiệu ứng tiêu cực toàn cầu, tương tự như những gì từng xảy ra sau sự sụp đổ của Ngân hàng đầu tư Lehman Brothers hồi năm 2008. Điều này có thể khiến các nhà đầu tư rút tiền ra khỏi các thị trường đang phát triển, cho dù triển vọng tăng trưởng của các nền kinh tế này sáng sủa hơn hẳn so với nhiều quốc gia phát triển khác. Mặt khác, các ngân hàng phải dựa vào Trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ như là nguồn dự trữ ngoại tệ an toàn có thể phải ngừng cho vay hoặc bán các tài sản rủi ro hơn để gia tăng vốn.

Việc Mỹ có thể bị hạ mức xếp hạng tín nhiệm như cảnh báo của một số cơ quan xếp hạng tín dụng cũng sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng, nhất là đối với các thị trường tài chính châu Á.

Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) cho biết, trái phiếu Bộ Tài chính Mỹ thường được sử dụng như một bản vị hay hệ quy chiếu, vì vậy nếu Mỹ rơi vào tình trạng vỡ nợ thì toàn bộ hệ thống tài chính sẽ rơi vào tình trạng "hỗn loạn."

Chuyên gia phân tích tại MF Global (có trụ sở tạiWashington), Chris Krueger dự báo, khả năng Quốc hội và chính phủ Mỹ không đạt được thống nhất về trần nợ công trước hạn chót là 40%.

Cơ quan xếp hạng tín dụng Standard & Poor's thì tuyên bố rằng nguy cơ Mỹ mất thứ hạng tín nhiệm AAA trong ba tháng tới là 50/50, ngay cả khi Quốc hội và Chính phủ đạt được thoả thuận nâng trần nợ. Thế nhưng, một số nhà hoạch định chính sách châu Á cho biết họ không có kế hoạch dự phòng chính thức trước nguy cơ này.

Trả lời phỏng vấn Reuters, Bộ trưởng Tài chính Hàn Quốc Bahk Jae-wan cho biết, "xứ sở Kim Chi" chưa có kế hoạch đối phó nếu Mỹ vỡ nợ, vì ông vẫn tin tưởng rằng các nhà lập pháp Mỹ cuối cùng sẽ đạt được thỏa thuận chung để tránh xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu khác./.

Việt Khoa (TTXVN/Vietnam+)

No comments:

Post a Comment