22/06 Tăng trưởng kinh tế 'ám ảnh' các quốc gia phát triển


Thứ tư, 22/6/2011, 09:53 GMT+7
Tốc độ tăng trưởng của Brazil, Nga, Ấn Độ và Trung Quốc đạt từ 4,4% đến 9,8% đang là niềm ao ước của nhiều quốc gia phát triển, trong đó có cả Anh và Mỹ.


Theo dự đoán trong khoảng từ năm 2010 đến 2012 kinh tế Mỹ chỉ tăng trưởng trung bình 2,7%. Trong suốt thập kỉ qua, GDP trung bình của Mỹ tăng 1,7% và chưa bao giờ đạt đỉnh 4% như từng 5 lần xảy ra trong những năm 90, khi toàn cầu hóa thuận đà với các nền kinh tế phát triển. Tốc độ tăng trưởng của các quốc gia phát triển khác từ 2010 đến 2012 nhận định còn thấp hơn, với khu vực châu Âu 1,8%, Nhật Bản 2%, Anh quốc 1,7%,...

Trái ngược với đó là những con số đáng ngưỡng mộ từ Brazil (5,2%), Nga (4,4%), Ấn Độ (8,8%), Trung Quốc (9,8), ngay cả khu vực châu Phi cận Sahara (bao gồm Nam Phi) cũng được 5,5%.

Trong khi các
Trong khi các "ông lớn" tăng trưởng kém đi thì các thị trường mới nổi lại trở nên năng động và bùng nổ. Ảnh: AP
Những thay đổi vốn từ từ và mờ nhạt trong suốt thời kì ổn định của kinh tế đã trở nên rõ nét hơn từ sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008. Jorge Heine, chính trị gia, nhà ngoại giao và chuyên gia hoạch định chính sách người Chile nhận định: "Chúng ta phải nhìn nhận rằng sự bùng nổ cho nền kinh tế toàn cầu đã thay đổi một cách đột ngột. Tăng trưởng và sự hứng khởi giờ lại do các nước kinh tế mới nổi nắm giữ". Heine cũng là đồng tác giả của cuốn sách "Mặt tối của toàn cầu hóa".

"Một khi các nước đã đạt đến độ phát triển nhất định thì tăng trưởng kinh tế sẽ giới hạn trong khoảng từ 2 đến 3%, còn vấn đề phục hồi thì 'tậm tịt'", Heine cho hay. Quỹ tiền tệ quốc tế (IMF) cũng vừa công bố một bản điều tra có tên "Toàn cảnh kinh tế thế giới" có nhiều quan điểm ủng hộ cho suy nghĩ của Heine.

Kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu đã có nhiều thay đổi kể từ lần suy thoái nặng nề nhất của Mỹ vào đầu những năm 80. Ở thời điểm hiện tại, nhu cầu khách hàng và công việc được tạo ra không còn liên quan tới nhau, một phần là do thay đổi của cán cân thương mại.

Theo IMF, các thị trường mới nổi giờ nắm giữ hơn 40% thương mại quốc tế, gần gấp đôi so với năm 1995. Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) nhận định thương mại của các nước đang phát triển sẽ tăng khoảng 9,5% trong năm 2011, hơn gấp đôi so với các nước phát triển.

Heine lưu ý Ấn Độ như một ví dụ. Nước này chỉ sản xuất được 180.000 chiếc xe hơi năm 1991 nhưng bây giờ đã lên tới 2 triệu xe mỗi năm. "Toàn cầu hóa đang thay đổi sự phân chia lao động thế giới. Bây giờ các kĩ sư phần mềm ở Bangalore (Ấn Độ) còn nhiều hơn ở Thung lũng Silicon (Mỹ)".

Các công ty thép phía Tây giờ đang phải cạnh tranh với các đối thủ đến từ Trung Quốc, Nga, Hàn Quốc, Brazil, Ấn Độ... trong khi một vài trong số các nước trên đang thúc đẩy phát triển các ngành mũi nhọn như hàng không.

Michael Mussa, cựu chuyên gia kinh tế của IMF, nói: "Chẳng có lí do rõ ràng nào giải thích việc phần còn lại của thế giới tăng trưởng mạnh mẽ hơn sẽ ảnh hưởng tới sự phát triển của Mỹ về lâu về dài, dù tốc độ phục hồi của Mỹ, châu Âu và Nhật thực sự đáng thất vọng, trong khi các nền kinh tế mới nổi làm việc này cực tốt. Nhưng điều đó không có nghĩa rằng chúng ta (các nước phát triển) chậm chạp mà là do họ năng động và nhanh nhẹn".

Công Tâm (theo CNBC)

No comments:

Post a Comment