Thứ năm, 2/6/2011, 10:32 GMT+7
Nguồn vốn tư nhân đổ vào các thị trường đang phát triển sẽ đạt 1.000 tỷ USD trong năm nay, giúp thúc đẩy sự phát triển của nền kinh tế thế giới, Viện Tài chính Quốc tế (IIF) dự báo.
IIF cho biết nguồn vốn tư nhân chảy vào 30 nền kinh tế mới nổi chủ chốt có thể đạt tới 1.040 tỷ USD trong năm nay, và đến năm 2012 sẽ là 1.056 nghìn tỷ USD.
Năm 2010, dòng vốn đổ vào các thị trường này đã tăng 55% lên khoảng 990 tỷ USD sau khi nền kinh tế thế giới thoát khỏi cơn suy thoái năm 2009.
“Việc vốn đổ mạnh vào các thị trường mới nổi cho thấy những nền kinh tế này càng ngày càng có sức nặng trên thế giới và ngang ngửa với các nước phát triển trong vài năm gần đây. Khoảng 40% trong số đó là đầu tư trực tiếp nước ngoài”, Charles Dallara, Giám đốc điều hành của IIF, nói với AFP.
Theo IIF, mức độ vốn đầu tư vào các thị trường đang phát triển nhanh tại châu Á và Mỹ Latin trong năm 2011 và 2012 sẽ thấp hơn một chút so năm 2010. Năm 2010 là thời điểm dòng vốn chảy vào các nước này tăng mạnh nhất bởi đây là các quốc gia phục hồi nhanh hơn cả sau cuộc đại suy thoái.
Một khu vực cũng cho thấy tín hiệu tích cực là các nước châu Âu mới nổi, bao gồm Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và các nước Đông Âu. Vốn đầu tư vào các nước trên đã cạn kiệt trong năm 2009.
Tại Trung Đông và châu Phi, kinh tế nhiều nước bị kìm hãm do bất ổn chính trị. Do vậy, IIF dự báo dòng vốn đổ vào đây sẽ giảm đáng kể so với năm 2010 nhưng sẽ hồi phục vào năm tới.
Tuy nhiên, ông Dallara cảnh báo chính áp lực lạm phát chứ không phải nguồn vốn đầu tư dồi dào mới là mối đe dọa lớn nhất đối với sự phát triển bền vững ở các nền kinh tế mới nổi. Vì vậy, các nước này nên sử dụng các công cụ khác ngoài kiểm soát vốn để chống lạm phát, chẳng hạn như để đồng nội tệ tăng giá.
An Lâm
No comments:
Post a Comment