(Chinhphu.vn) - Quốc hội Đức hôm qua (28/10) đã thông qua gói biện pháp "thắt lưng buộc bụng" trị giá hàng chục tỷ Euro nhằm giảm thâm hụt ngân sách.
Ảnh chỉ có tính minh họa
Từ tháng 9, Chính phủ Đức đã thông qua kế hoạch cắt giảm chi tiêu khoảng 80 tỷ Euro vào năm 2014, cũng là kế hoạch cắt giảm chi tiêu lớn nhất của nước này kể từ Chiến tranh thế giới thứ II đến nay.
Theo đó, Chính phủ Đức sẽ cắt giảm mạnh các khoản trợ cấp xã hội, chi tiêu công và sẽ tăng thuế đánh trên vé máy bay đối với các chuyến bay khởi hành từ Đức.
Kinh tế Đức năm 2009 đã phục hồi nhanh hơn so với dự kiến sau cuộc khủng hoảng kinh tế, chủ yếu do nhu cầu thế giới tăng mạnh đối với các mặt hàng xuất khẩu của Đức.
Bộ Tài chính Đức cho biết thâm hụt ngân sách của Đức năm nay dự kiến tương đương 4% GDP và quốc gia này hy vọng sẽ đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới mức trần quy định của EU là 3% GDP vào năm 2011.
Tổng đình công ở Pháp
Ngày 28/10, hơn 560.000 người đã tham gia hàng trăm cuộc biểu tình tại nhiều thành phố trên toàn nước Pháp để phản đối kế hoạch cải cách hệ thống hưu trí của Chính phủ vừa được Quốc hội nước này thông qua lần cuối cùng trước khi Tổng thống ký ban hành thành luật. Theo đó, tuổi nghỉ hưu của người lao động sẽ tăng từ 60 lên 62 tuổi.
Đây là lần thứ 9 trong vòng 2 tháng qua, giới công đoàn Pháp phát động "Ngày hành động toàn quốc" để phản đối dự luật này.
Bộ Nội vụ Pháp cho biết khoảng 50% số chuyến bay dự định đi và đến Pháp tại một số sân bay trong nước đã bị hủy bỏ do cuộc đình công của nhân viên kiểm soát không lưu, một số dịch vụ đường sắt cũng bị ảnh hưởng do nhân viên nhà ga tham gia biểu tình.
Trong ngày 28/10, 4 nhà máy lọc dầu vẫn tiếp tục bị phong tỏa, khiến việc cung ứng nhiên liệu gặp khó khăn. Khoảng 20% trạm xăng dầu vẫn trong tình trạng thiếu nhiên liệu.
Mai Hằng
No comments:
Post a Comment