Giới chức Mỹ ngày 28/9 cho biết viện trợ phát triển của nước này có thể sẽ giảm trong những năm tới do những khó khăn kinh tế và nợ nần đang đè nặng lên ngân sách liên bang.
Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nhấn mạnh "viện trợ phát triển là một đòi hòi cấp bách về mặt đạo đức," nhưng Mỹ hiện đang phải đối phó với tỷ lệ thất nghiệp cao gần 10%, cứ tám người Mỹ lại có một người phải sống dựa vào trợ giúp lương thực. Chưa kể Chính phủ Mỹ cũng đang chịu sức ép trước tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài hết sức nghiêm trọng.
Đề cập vấn đề viện trợ giúp đỡ các nước nghèo phát triển, Bộ trưởng Geithner nêu rõ Washington không có cách gì giải thích hay biện hộ rằng việc sử dụng nguồn ngân sách eo hẹp cho viện trợ phát triển là hợp lý và phát huy hiệu quả, đáp ứng lợi ích của chính nước Mỹ.
Tuần trước, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đã cảnh báo trước Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng Pháp và các nước công nghiệp phát triển khác có nguy cơ không thể duy trì ngân sách viện trợ phát triển như hiện nay, bất chấp nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rằng những khoản viện trợ này là chưa đủ.
Nhà lãnh đạo Pháp chỉ rõ trong bối cảnh tất cả các nước phát triển đang bị thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, cần phải tìm những nguồn tài chính mới để hỗ trợ cuộc chiến chống đói nghèo, phát triển giáo dục và loại bỏ các dịch bệnh đe dọa sức khỏe con người trên hành tinh.
Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Mỹ và Pháp là hai quốc gia cung cấp các khoản viện trợ phát triển lớn nhất thế giới trong năm 2009, lần lượt là 28.665 tỷ USD và 12.431 tỷ USD./.
(TTXVN/Vietnam+)
No comments:
Post a Comment