Ngày 9/10 - ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã không tìm ra được tiếng nói chung nhằm xoa dịu những bất đồng sâu sắc, được cho là có thể làm bùng lên một "cuộc chiến tiền tệ" giữa các nước trên thế giới.
Hội nghị chỉ dừng lại ở việc cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hơn chính sách tiền tệ của các nước nhằm hướng tới một giải pháp đối phó với sự mất cân bằng ngày càng tăng giữa các nền kinh tế.
Kết thúc cuộc họp, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế của IMF ra thông cáo khẳng định mặc dù hệ thống tiền tệ quốc tế đang trên đà phục hồi sau khủng hoảng, song việc mất cân bằng toàn cầu ngày một tăng đang được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng căng thẳng, tiếp tục gây ảnh hưởng đến dòng vốn, tỷ giá hối đoái và các vấn đề liên quan đến nguồn cung và dự trữ tiền tệ của các nước.
Do đó, các thành viên IMF cần tiếp tục hành động, đặc biệt cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những chính sách hiệu quả hơn nhằm quản lý các dòng vốn. Ủy ban trên khẳng định khôi phục thương mại và đầu tư sẽ là hai nhân tố quan trọng hỗ trợ cho sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, vì vậy, các nước thành viên cần tránh mọi hình thức bảo hộ. Các quốc gia đang phát triển sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong sự tăng trưởng và thương mại toàn cầu.
Tuy nhiên, thông cáo trên không đưa ra được lời kêu gọi cụ thể nào đối với Trung Quốc cũng như một số quốc gia khác, được cho là đang định giá thấp đồng nội tệ của mình và tăng dự trữ tiền tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu.
Phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Tiền tệ Quốc tế Youssef Boutros-Ghali thừa nhận rõ ràng đang có bất đồng giữa các nước về chính sách tiền tệ, và vấn đề này đang được giải quyết. Hội nghị đi đến kết luận IMF sẽ phải là nơi giải quyết những vấn đề trên.
Về phần mình, trả lời phỏng vấn báo giới, Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn khẳng định ông không coi kết quả của hội nghị này là một thất bại. Trở ngại duy nhất khiến hội nghị không thể đưa ra tuyên bố mạnh mẽ hơn đó là sự đồng thuận của các thành viên. Theo ông, để giải quyết được vấn đề này chỉ có con đường duy nhất là hợp tác.
Bên cạnh đó, Giám đốc IMF còn nhấn mạnh hội nghị này được coi là mở đường cho những tiến triển sâu sắc hơn tại Hội nghị Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi (G-20), dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Seoul (Hàn Quốc), cũng như tại các cuộc gặp tiếp theo của IMF.
Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã hối thúc IMF giám sát chặt chẽ hơn tỷ giá hối đoái trên thế giới. Ông cho rằng cơ quan này nên hành động như một tổ chức giám sát hệ thống tài chính thế giới và IMF nên cảnh báo những quốc gia về việc định giá thấp tiền tệ hoặc dự trữ quá mức tiền mặt.
IMF đã đề nghị thiết lập một khuôn khổ toàn cầu các hệ thống an toàn tài chính khu vực để có thể phát hiện và xử lý hiệu quả hơn các cuộc khủng hoảng tiềm tàng trong tương lai. Ông Strauss-Kahn cho biết IMF đang hành động để đạt được các thỏa thuận về cơ cấu theo hướng này với các thể chế tài chính khu vực hiện hành trên thế giới.
Các nhà kinh tế thế giới nhấn mạnh rằng phản ứng chậm trễ đối với việc thiết lập Quỹ ổn định châu Âu đã làm trầm trọng hơn thiệt hại và mở rộng quy mô tàn phá của cuộc khủng hoảng nợ khắp châu Âu. Một khuôn khổ toàn cầu các quỹ khu vực có thể thanh toán bằng tiền mặt sẽ phát triển chế độ hợp tác để xây dựng các quy chế thích hợp, tạo sự ổn định hơn về tài chính đối với cả các chính phủ và các thị trường.
IMF cũng đề xuất thuế ngân hàng mới và giám sát tài chính chặt chẽ hơn, đồng thời cảnh báo rằng việc trở lại tập quán kinh doanh cũ có thể gieo mầm một cuộc khủng hoảng mới./.
(TTXVN/Vietnam+)
No comments:
Post a Comment