Thứ Sáu, 22/10/2010 - 06:16
John Law: Cứu nhân hay tội đồ?
Ông tổ đầu cơ xứ Phù Tang
Thủ phạm của “ngày thứ sáu đen tối”
Yasuo Hamanaka
Nếu như cần có một bằng chứng sống về cái bạc bẽo trong thế giới đầu cơ cả về tính liều lĩnh của nhà đầu cơ trong hoạt động đầu cơ và sự lạm dụng nhà đầu cơ của giới chủ thì Yasuo Hamanaka có thể được coi là trường hợp điển hình.
Tên tuổi của Hamanaka gắn liền với thị trường đồng thế giới trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước và gắn với một trong những vụ bê bối tài chính lớn nhất trên thế giới...
Tiền vận sang như sao
Năm 1985, Tập đoàn Sumitomo Corporation của Nhật Bản tuyển dụng một chuyên gia về kinh doanh chứng khoán theo thời hạn, đặc biệt về kim loại đồng, mới 37 tuổi tên là Yasuo Hamanaka. Tập đoàn này kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng kinh doanh chứng khoán được đặc biệt coi trọng. Đồng là kim loại được sử dụng nhiều trong công nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc về đồng lại ngày càng tăng.
Triết lý đầu cơ của Hamanaka rất đơn giản và thật ra thì cũng chẳng có gì mới lạ trong thế giới đầu cơ: một khi đầu cơ thành công, thực hiện phi vụ nào thắng đậm phi vụ ấy thì đương nhiên sẽ gây dựng được uy tín cá nhân đến mức đủ để có thể thao túng thị trường bằng chính hoạt động của mình hay thậm chí chỉ bằng vài phát ngôn. Đầu tiên, Hamanaka tập trung mua cổ phiếu của các tập đoàn và công ty khai thác, luyện và chế biến kim loại đồng. Để có tiền, Hamanaka thuyết phục lãnh đạo tập đoàn cho sử dụng nguồn vốn của các chi nhánh của tập đoàn. Trong những trường hợp không được phép, Hamanaka giả mạo chữ ký để lấy tiền. Chỉ riêng các khoản tiền Hamanaka lấy về bằng giả mạo chữ ký đã lên tới 770 triệu USD - ở thời điểm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Công cụ được Hamanaka sử dụng là các hợp đồng bán theo thời hạn mà ngôn ngữ chuyên môn kinh doanh chứng khoán gọi là Futures. Sau khi đã có các hợp đồng như vậy, Hamanaka tạo sự khan hiếm giả để đẩy giá đồng trên thị trường lên cao. Đến thời hạn đó, Hamanaka lại tung ra bán hết để kiếm lời. Thị trường đồng diễn biến theo chiều hướng ngược lại và cuộc chơi được Hamanaka chơi lại từ đầu. Bằng cách đó, Hamanaka kiếm được rất nhiều tiền cho tập đoàn và cho chính mình, thừa sống cuộc sống giàu sang và vương giả. Cũng bằng cách đó, Hamanaka một mình kiểm soát 5% thị trường đồng trên thế giới, vì thế mà còn được gắn cho biệt danh “Ngài 5 phần trăm”.
Tuy thế, nếu cứ nhìn cuộc sống thường nhật của Hamanaka, không ai có thể ngờ rằng con người này đã tiến hành các phi vụ đầu cơ mạo hiểm và phạm pháp đến như vậy. Hamanaka sống cùng vợ, hai con và một con chó trong một ngôi nhà nhỏ ở một thị trấn rất bình thường vùng ngoại ô thủ đô Tokyo. Chiếc xe ô tô mà Hamanaka và gia đình sử dụng cũng bình thường như của mọi gia đình trung lưu khác trên đất nước này. Và không ai có thể ngờ rằng Hamanaka có tài khoản nhiều triệu USD ở Thụy Sỹ và “chăm lo chu đáo” cho một người tình.
Mười một năm liền Hamanaka đầu cơ theo cung cách ấy và rất thành công. Sau này, khi vụ bê bối vỡ lở, thiên hạ đặt câu hỏi là tại sao trong suốt thời gian dài đến như vậy không ai phát hiện ra thủ đoạn đầu cơ của Hamanaka và có biện pháp ngăn chặn? Thật ra thì cơ quan kiểm soát kinh doanh chứng khoán của Mỹ và Anh đã nghi ngờ Hamanaka và đã tiến hành điều tra ngay từ cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, nhưng rồi đều không đi đến kết luận gì và cũng không áp dụng biện pháp gì đối với Hamanaka. Cho tới nay, không ai xác nhận, nhưng cũng không ai bác bỏ nghi ngờ - và thậm chí cả sự cáo buộc - là tập đoàn Sumitomo Corporation đã cố tình làm ngơ những hoạt động đầu cơ của Hamanaka vì suy cho cùng tập đoàn chỉ được lợi chừng nào Hamanaka còn kiếm được tiền về. Điều mà chính tập đoàn này cũng không thể ngờ tới có lẽ là Hamanaka đã đầu cơ ở quy mô quá lớn nên khi thất bại đã gây thiệt hại hữu hình và vô hình khổng lồ cho họ.
Hậu vận đen đủi
Thành tích đầu cơ đã giúp Hamanaka chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn, từ một chuyên gia phâ n tích về thị trường nguyên vật liệu, đặc biệt là kim loại đồng, trở thành một minh tinh trên bầu trời thế giới đầu cơ. Một câu nói ỡm ờ của Hamanaka cũng có thể làm biến động giá kim loại đồng trên thị trường chứ chưa nói đến chủ định đầu cơ của ông ta. Nguyên nhân thất bại của Hamanaka không phải do phân tích và dự báo sai về diễn biến trên thị trường, không phải do bị phát hiện ra thủ đoạn gian lận tài chính để có tiền đầu cơ, mà chính là đánh giá sai đối tượng đầu cơ vào năm 1993 - Trung Quốc.
Năm ấy, để ý thấy nhu cầu của Trung Quốc về đồng tăng đột biến, Hamanaka cho rằng đó là cơ hội đầu cơ béo bở. Cách làm vẫn như trước, chỉ có đối tượng được nhằm vào là thị trường kim loại đồng ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã sớm phát hiện ra ý đồ của Hamanaka và đã có biện pháp đối phó hữu hiệu, trong đó đặc biệt là biện pháp can thiệp vào thị trường bằng các cam kết miệng khiến cho giá kim loại đồng trên thị trường không tăng và không bị thao túng như Hamanaka dự định. Phi vụ đầu cơ mà Hamanaka vốn rất thuần thục, thường rất chắc thắng và đã giúp Hamanaka nổi danh trong thế giới đầu cơ nay bỗng nhiên trở thành trò mèo vờn chuột giữa chính phủ Trung Quốc và Hamanaka - mà trong đó con chuột tên là Hamanaka ngày càng yếu thế và đuối sức. Trong hoàn cảnh đó, ông ta phạm tiếp một sai lầm chết người là gian dối trong báo cáo cân đối tài chính để che giấu thua lỗ. Năm 1996, chuyện ấy bị vỡ lở và đi vào lịch sử với tên gọi Vụ bê bối Sumimoto - vụ bê bối tài chính lớn nhất thế giới cho tới thời điểm đó. Không biết trong những năm trước đó Hamanaka kiếm về cho tập đoàn bao nhiêu tiền, chỉ biết khi vụ việc vỡ lở thì thiệt hại vật chất thống kê được mà ông ta gây ra cho tập đoàn là 2,6 tỷ USD, bằng một phần mười tổng số vốn kinh doanh của Sumitomo. Năm 1998, Hamanaka bị một tòa án ở Tokyo xử 8 năm tù về tội lừa đảo và gian dối. Hamanaka ngồi bóc lịch 6 năm và được trả tự do vào mùa hè năm 2004. Ra tù khi 54 tuổi, Hamanaka bắt đầu cuộc sống mới với việc làm đầu tiên là học thi lấy bằng lái xe ô tô. Thỉnh thoảng, mỗi khi không cưỡng lại được tiếng gọi của quá khứ, Hamanaka lại làm một vài vụ đầu cơ nho nhỏ - cũng vẫn về kim loại đồng. Chỉ có điều thành công ở tiền vận không lặp lại nữa.
Thế đấy, không chỉ thành công, mà cả thất bại cũng làm không ít nhà đầu cơ nổi danh...
Bắc Hà
No comments:
Post a Comment