04/08 Đồng rúp Nga: Nguy cơ mất giá đang đến rất gần


Báo Độc lập (Nga) ngày 2/8 dẫn dự báo của các nhà kinh tế cho biết, 10 tháng nữa đồng rúp sẽ mất giá.

Nguy cơ đồng rúp mất giá dường như đang đến gần hơn rất nhiều so với nhận định của các quan chức Chính phủ Nga.

Trong năm 2011, nhập khẩu vào Nga tăng với tốc độ kỷ lục, hơn 40%, so với cùng thời kỳ năm ngoái. Trong báo cáo mới nhất về tình hình kinh tế, Bộ Phát triển Kinh tế Nga cho biết, trong năm tháng đầu năm, nhập khẩu tăng gần 49%.

Các chuyên gia độc lập nhận định, do tình trạng trên, sau 10 tháng nữa, đồng rúp của Nga có thể sẽ rơi vào vùng mất giá. Trong trường hợp khả quan nhất, đồng rúp dự kiến mất giá tới 10 -15%/năm, thậm chí ngay cả trong điều kiện giá dầu mỏ cao.

Các nhà kinh tế Nga cho rằng nhập khẩu tăng lên là do khả năng cạnh tranh của sản phẩm trong nước thấp, trong đó có cả nguyên nhân do đồng rúp được củng cố, làm cho sản phẩm của các xí nghiệp trong nước mất đi lợi thế về giá.

Các chuyên gia độc lập của Trung tâm Phát triển thuộc Trường Cao đẳng Kinh tế (Nga) nhận định, ngay cả trong điều kiện nhịp độ gia tăng nhập khẩu chậm hơn, thì đồng rúp cũng có nguy cơ mất giá.

Trong năm tới, có khả năng tốc độ tăng trưởng nhập khẩu sẽ được duy trì ở mức 25-30%/năm. Sự gia tăng nhập khẩu cao như vậy có thể dẫn đến nguy cơ đồng rúp bị mất giá sớm hơn nhiều so với cảnh báo của Bộ Phát triển Kinh tế, có nghĩa là sự mất giá này sẽ xảy ra trước năm 2014.

Theo tính toán của các nhà kinh tế thuộc Trường Cao đẳng Kinh tế, nguy cơ mất giá, trên thực tế, có thể xảy ra gần như ngay sau cuộc bầu cử tổng thống. Họ đưa ra dự báo kinh tế vĩ mô cho năm 2012 như sau: "Từ tháng 4 tới tháng 6/2012, Nga có thể sẽ di chuyển vào vùng có nguy cơ đồng nội tệ ngày càng mất giá. Khó có thể nói áp lực sẽ mạnh tới mức nào, bởi vì mức độ mất giá thường không phải do tình trạng mất cân đối trong các hoạt động thương mại hiện nay quy định, mà do tác động giữa những người đầu cơ tiền tệ và Ngân hàng Nga; tỷ lệ mất giá sẽ là 10-15%/năm (như trong những năm 2000 - 2002)."

Trong khi đó, theo dự báo của Chính phủ Nga, sự mất giá đồng rúp ở mức 33,8 rúp/USD chỉ được phép xảy ra trong trường hợp giá dầu mỏ thế giới giảm đột ngột - tới 70 USD/thùng. Kịch bản cơ sở của Chính phủ giả định, năm 2012, tỷ giá đồng rúp so với mức hiện nay gần như sẽ không thay đổi và tính trung bình cả năm, tỷ giá trao đổi sẽ là 27,9 rúp/USD.

Ông George Yeltsov, nhà quản lý danh mục đầu tư thuộc Công ty Solid Menezhment, cho biết: "Nhịp độ tăng trưởng nhập khẩu trên 40%, là nguy cơ thực sự trong trường hợp, nếu như xuất khẩu không tăng lên. Chúng tôi nhận thấy xuất khẩu hoàn toàn phụ thuộc vào giá nguyên nhiên liệu. Việc này làm cho đồng rúp rất dễ “bay hơi.” Theo đó, có nguy cơ mất giá. Đây là thực tế ở Nga."

Ông Maksim Lobada, nhà phân tích thuộc Tập đoàn dịch vụ tín dụng BCS, đồng ý với đánh giá trên. Ông cho rằng: "Tình trạng nhập siêu mà chúng ta đang tiến tới, từ lâu không còn là điều bí mật đối với ai cả. Việc xuất khẩu năng lượng từ Nga không có gì thay đổi. Đồng thời, sự gia tăng nhập khẩu đang diễn ra. Tình trạng này đang làm giảm thặng dư cán cân thương mại. Trong khi đó, nhịp độ nhập khẩu lại gia tăng quá cao."

Nếu giá dầu mỏ giảm đi, sự tính toán hiện nay sẽ trở nên tiêu cực và không có nguồn bù đắp bởi thiếu dòng vốn đầu tư. Ông Lobada cảnh báo: "Hiện nay thị trường đang dự đoán giá dầu mỏ hạ, trong trường hợp vấn đề nợ ở châu Âu hay ở Mỹ chuyển sang giai đoạn cấp tính hoặc nghiêm trọng thì giá sẽ giảm rất nhanh. Ở Nga, việc giảm giá đồng rúp là rõ ràng hơn nhiều. Nhưng có khả năng, việc mất giá sẽ diễn ra với phương thức thả nổi và không có bất kỳ cú sốc mạnh nào đối với người dân.”

Ông Ilya Balakirev, nhà phân tích thuộc Công ty đầu tư UFS, cho rằng: "Nga có cơ hội để đạt thặng dư đáng kể trong cán cân thương mại vào cuối năm nay." Theo ông Balakirev, việc giảm giá đồng rúp một cách đột ngột chỉ xảy ra trong trường hợp làn sóng khủng hoảng lần thứ hai trên quy mô rộng lớn quay trở lại - với sự sụp đổ thị trường hàng hóa.

Trong trường hợp ngược lại, thậm chí cả trong trường hợp giá cả trên thị trường hàng hoá có giảm đi đáng kể, cũng không nên dự đoán đồng rúp suy yếu mạnh. Ông nhấn mạnh: "Cử tri không phải lo lắng về khả năng đồng rúp mất giá, tuy nhiên đồng rúp không rẻ, mà còn đắt không nguy hại đối với nền kinh tế. Căn cứ vào khả năng mua thực tế, đồng rúp có tiềm năng để tăng giá.”

Ông Aghvan Mikaelian, Tổng Giám đốc Công ty FinExpertiza cho biết: "Những đánh giá cho rằng đồng rúp sẽ mất giá trong những năm 2012-2013 là gần với thực tế, mặc dù đây là các dự báo. Giả định quan trọng nhất là các xu hướng hiện nay tiếp tục được duy trì. Nếu mọi thứ vẫn không thay đổi, đến cuối năm 2012, tình trạng đồng rúp giảm giá sẽ xảy ra.”

Nhiều nhà kinh tế chỉ ra những tác động tích cực và tiêu cực việc đồng rúp mất giá trong tương lai. Ông Yeltsov cho rằng: "Trong số các mặt tích cực của việc giảm giá đồng rúp là gia tăng khả năng cạnh tranh của các doanh nghiệp Nga so với các đối tác quốc tế. Việc giảm giá đồng rúp có thể sẽ thúc đẩy nền kinh tế Nga phát triển. Tuy nhiên, ở Nga tỷ lệ các xí nghiệp sản xuất ra giá trị gia tăng thấp, do đó hiệu quả sẽ rất ít."

Nhưng nói chung, đồng rúp mất giá sẽ mang lại nhiều điều tiêu cực hơn cho các doanh nghiệp và cho người dân, đặc biệt là do các công ty lớn nhất của Nga thường vay vốn bằng ngoại tệ. Việc này cũng sẽ đánh vào lợi nhuận của các doanh nghiệp.

Ông Alecxander Fedorov, lãnh đạo một đơn vị thuộc Công ty Delovaya Rossia, nhận định: "Vào cuối năm, tỷ giá đồng rúp sẽ giảm khoảng 10%. Và việc này sẽ diễn ra từ từ. Việc giảm tỷ giá tất nhiên sẽ tác động tiêu cực tới cuộc sống của người dân. Tuy nhiên, sẽ không xảy ra thảm họa. Đơn giản, chỉ một số loại hàng hoá sẽ lên giá khoảng 10-15%”./.
Cường Dũng (TTXVN/Vietnam+)

No comments:

Post a Comment