Thứ Bảy, 26/03/2011 | 11:01
Sức ép lạm phát ở châu Á hiện nay lớn hơn các khu vực khác bởi tăng trưởng của châu lục này đã vượt xa Mỹ và châu Âu. Lạm phát tại đây đang de dọa sự phục hồi kinh tế toàn cầu.
Tại Singapore, tỷ lệ lạm phát tháng một đã lên mức cao nhất trong 2 năm qua, ở mức 5,5% so với cùng kỳ năm trước, cao hơn mức tăng 4,6% của tháng 12/2010. Tỷ lệ này cũng cao hơn nhiều so với dự báo của giới phân tích. Trong tháng 2, lạm phát của nước này có giảm nhẹ nhưng vẫn ở mức cao. Đây cũng là tình hình chung của các nước châu Á, đặc biệt với những nền kinh tế mới nổi.
Lạm phát của Singapore tăng lên là mặt trái của nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, chủ yếu do sự gia tăng chi phí giao thông vận tải, thực phẩm, và giải trí. Chính phủ Singapore dự đoán CPI năm 2011 của nước này vào khoảng 3-4%.
Ở Trung Quốc, người dân đang phải đối mặt với bão giá và lạm phát. Trong tháng 1/2011, lạm phát của nước này tăng 4,9% (tháng 12/2010 là 4,6%), cao hơn mục tiêu của Chính phủ Trung Quốc đến tháng thứ 5 liên tiếp, trong đó giá thực phẩm tăng tới 10,3%. Giới phân tích nhận định, Trung Quốc sẽ phải đối đầu với lạm phát tăng cao hơn nữa trong những tháng tới bởi Chính phủ không thể tăng nhanh nguồn cung cấp thực phẩm. Đáng ngại hơn nữa khi giá xăng dầu tại Trung Quốc tăng do giá thế giới vẫn đi lên.
Các nhà đầu tư lo ngại rằng các biện pháp thắt chặt tiền tệ để kiềm chế lạm phát sẽ khiến kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, ảnh hưởng đến đà phục hồi của kinh tế toàn cầu vốn chịu tác động bởi tăng trưởng kinh tế Mỹ còn yếu và khủng hoảng nợ công tại châu Âu. Thủ tướng Trung Quốc Ôn Gia Bảo mới đây đã tuyên bố kiềm chế lạm phát là mục tiêu quan trọng nhất của Chính phủ Trung Quốc trong năm nay. Ngoài việc nâng lãi suất cơ bản, Chính phủ Trung Quốc cũng đã yêu cầu các ngân hàng tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc.
Theo số liệu thống kê, tỷ lệ lạm phát ở Hàn Quốc tháng 2 đã tăng lên mức cao nhất trong 27 tháng qua. Chỉ số giá tiêu dùng của Hàn Quốc tháng 2 đã tăng lên mức 4,5% so với cùng kỳ năm ngoái và tăng 0,8% so với tháng một.
Trong thời gian tới, châu Á phải đối mặt với một thách thức lớn đó là kiềm chế tỷ lệ lạm phát đang tăng ngoài dự đoán, theo Alicia Garcia Herrero - Trưởng ban Kinh tế thuộc BBVA Research. Giới phân tích đang kỳ vọng, ngân hàng trung ương các nước sẽ thắt chặt chính sách tiền tệ hơn nữa.
Theo Moody's Analytics, lạm phát đang ngày càng trở nên đáng lo ngại ở cả 2 khía cạnh là áp lực nhu cầu và giá cả hàng hóa. Trong một số trường hợp, đặc biệt là ở các thị trường mới nổi, lạm phát chủ yếu do nhu cầu tăng mạnh từ việc nền kinh tế tăng trưởng quá nóng. Ở một số nước khác, lạm phát chủ yếu do những tác động bên ngoài như sự tăng lên của giá cả hàng hóa ngoại, đặc biệt là lương thực và năng lượng.
Mặc dù thắt chặt tiền tệ có thể đem lại hiệu quả trong việc chống lạm phát do tăng mạnh của nhu cầu nội địa, nhưng chính sách này lại không mấy tác động tới lạm phát nhập khẩu – điều mà hầu hết các nước, đặc biệt là những nền kinh tế mới nổi đang phải đối mặt. Khu vực duy nhất chính sách tiền tệ thặt chặt có thể tác động đến lạm phát toàn cầu là Mỹ và châu Âu, nhưng việc này là bất khả thi trong thời gian tới bởi mức nhu cầu tăng thấp tại đây.
“Nhìn chung, thế giới buộc phải sống chung với mức lạm phát tăng cao trong những năm tới. Nguy cơ chính của sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu là những nhà hoạch định chính sách không nhận thấy sự khác biệt và việc giá cả hàng hóa tăng cao sẽ dẫn tới phong trào thắt chặt tiền tệ”, Alfredo Coutino, Giám đốc điều hành Moody's Analytics nhận định.
Còn báo cáo của Credit Suisse cho rằng: “Lạm phát tại châu Á là một trong số những yếu tố nhạy cảm nhất và có thể gây ra một cú sốc giá lương thực trên thế giới, ảnh hưởng đến đời sống nhiều người dân, dù các nước có trợ cấp và biện pháp kiểm soát giá lương thực đi nữa”.
Thảm họa động đất và sóng thần gần đây đã ảnh hưởng nghiêm trọng tới nền kinh tế Nhật Bản và tình trạng căng thẳng tại khu vực Trung Đông cũng làm gia tăng áp lực lên giá cả hàng hóa thế giới, tác động tiêu cực đến tăng trưởng kinh tế thế giới, ông Tharman Shanmugaratnam, Bộ trưởng Tài chính Singapore bình luận.
Tuyến Nguyễn
VNEXPRESS
No comments:
Post a Comment