18/05 Tăng cường phục hồi kinh tế châu Âu

(18/05/2011)

Với mức tăng trưởng kinh tế đạt 2,4% năm 2010, châu Âu đã có mức tăng trưởng ấn tượng hơn mong đợi. Đây là đánh giá mới nhất của Qũy tiền tệ quốc tế (IMF) về triển vọng kinh tế châu Âu. Bản báo cáo mới này được công bố ngày 13/5/2011 trên tạp chí trực tuyến Nghiên cứu của IMF; theo đó IMF đánh giá rằng trong 2 năm tiếp theo, 2011 và 2012, khu vực châu Âu vẫn duy trì được tốc độ tăng trưởng như thời gian vừa qua.

Báo cáo cho hay các nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Âu sẽ có mức tăng trưởng mạnh mẽ hơn so với các nền kinh tế phát triển của khu vực. Tuy nhiên, đối với cả hai phần của châu lục này, vẫn còn một số rủi ro đối với triển vọng phát triển của khu vực, trong đó nợ công đang là thách thức lớn nhất cho các nhà hoạch định chính sách.


Các nước trong khu vực đã triển khai nhiều biện pháp đáng kể nhằm vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới. Ở cấp quốc gia, các chính sách điều chỉnh mạnh mẽ đang được thực hiện để xây dựng lại và củng cố niềm tin của nhà đầu tư cũng như người tiêu dùng. Ở cấp khu vực, khả năng quản lý khủng hoảng của Liên minh châu Âu (EU) đang được tăng cường và khuôn khổ quản trị điều hành đang được cải tổ. Tuy nhiên, những hành động quan trọng vẫn còn cần thiết để giải quyết dứt khoát với các ngân hàng yếu kém tại các nước phát triển của khu vực, để các nước thành viên tuân theo và triển khai rộng rãi các cuộc cải cách trong khu vực châu Âu mở rộng mà trước đó đã đạt được đồng thuận về mặt nguyên tắc.


Rủi ro đối với triển vọng phát triển của các nền kinh tế mới nổi trong khu vực châu Âu sẽ được giảm bớt khi mà khu vực này đang giải quyết tình trạng tài chính căng thẳng của mình. Tuy nhiên, cuộc suy thoái sâu của năm 2009 đã làm cho các khoản dự trữ tài chính và ngân sách cạn kiệt mà bây giờ cần phải xây dựng lại. Điều này đặc biệt đúng đối với tài chính công và các lĩnh vực tài chính, nơi mà nhiều ngân hàng vẫn chưa hồi phục và chưa đủ khả năng để cho vay.

Vấn đề nợ công cao của khu vực châu Âu

Tăng trưởng của khu vực châu Âu đã đạt mức 1,7% trong năm 2010 và dự kiến ở mức 1,6% trong năm 2011 và 1,8% trong năm 2012. Các quốc gia có thâm hụt tài khoản vãng lai lớn, tỷ lệ nợ công cao, bong bóng bất động sản trong những năm trước khi xảy ra khủng hoảng đang được quản lý chặt chẽ để phục hồi nhanh chóng từ cuộc khủng hoảng toàn cầu nhờ vào nền kinh tế cạnh tranh cao của mình. Đức và Thụy Điển là 2 quốc gia có tăng trưởng nổi bật trong thời gian qua. Năm 2010, Đức đã đạt mức tăng trưởng là 3,5% và dự kiến đạt 2,5% và 2,1% trong 2 năm tiếp theo. Trong khi đó, Thụy Điển có mức tăng trưởng ấn tượng hơn với con số 5,5% năm 2010 và dự kiến đạt 3,8% và 3,5% trong các năm 2011 và 2012.

Tuy nhiên, một số quốc gia rơi vào tình trạng nợ công lớn và có tỷ lệ đòn bẩy cao vào năm 2008 đang đi qua giai đoạn khó khăn của việc điều chỉnh. Hy Lạp, Ailen và Bồ Đào Nha đều cần tới hỗ trợ tài chính từ EU và IMF. Mặc dù, triển vọng tăng trưởng trong thời gian trước mắt của các quốc gia này là mờ mịt, nhưng những gói cứu trợ đang được thực hiện bao gồm hàng loạt những giải pháp được thiết kế làm dịu bớt khó khăn hiện tại và hồi phục tăng trưởng trong tương lai.


Hiện tại, vấn đề về nợ công tại một số quốc gia đã được kiềm chế, do vậy hoạt động kinh tế tổng thể của các nền kinh tế phát triển khu vực châu Âu duy trì được tăng trưởng khá mạnh mẽ.

Củng cố khu vực tài chính

Sự liên kết chặt chẽ về mặt tài chính giữa các nước châu Âu hiện đang gặp khó khăn với các khoản nợ chính phủ và các nước còn lại trong cùng khu vực có thể đặt ra một số thách thức cho triển vọng kinh tế của khu vực. Việc nắm giữ một khoản lớn đồng EUR trên sổ sách hiện đang đặt một số ngân hàng lớn của châu Âu vào rủi ro lớn, và nếu một cuộc khủng hoảng xuất phát từ sự mất lòng tin xảy ra thì rất có thể nó sẽ nhanh chóng lan ra toàn châu Âu.


Dù sao, kênh tài chính này vẫn được giữ an toàn và bảo mật bằng một chính sách cứng rắn, liên quan đến một số biện pháp sau:


+ Hỗ trợ tài chính trong trường hợp khẩn cấp thông qua Tổ chức Ổn định Tài chính châu Âu (EFSF) và từ năm 2013, thay thế bởi Hệ thống Ổn định Châu Âu (ESM).

+ Tăng cường cơ chế giám sát và điều hành hệ thống ngân hàng châu Âu thông qua việc thiết lập Tổ chức Giám sát châu Âu và Ban điều hành Rủi ro hệ thống châu Âu.

+ Hiệp ước Tăng trưởng và Bền vững, và những quy định kiểm soát sự mất cần bằng nghiêm trọng. Những thỏa thuận này góp phần hỗ trợ củng cố sức mạnh đồng EUR, ngăn ngừa tình trạng mất cân bằng có khả năng xảy ra.

+ Ở cấp độ quốc gia, tăng cường củng cố, cải cách hệ thống tài chính, góp phần nâng cao niềm tin thị trường.


Tuy nhiên, những hệ lụy từ những nước đang gặp khó khăn với các khoản vay chính phủ vẫn là những thách thức trước mắt. Bởi vậy, tăng cường củng cố cơ chế chính sách đối phó với cuộc khủng hoảng đồng EUR có thể xảy ra là yêu cầu hết sức cấp bách hiện nay.


Đồng thời, các nhà lãnh đạo các nước cũng cần tăng cường cải cách các ngân hàng có năng lực yếu, nhất là nâng cao khả năng lãnh đạo và ứng biến với tình hình. Đây là nhân tố quan trọng góp phần giảm thiểu rủi ro đe dọa toàn hệ thống tài chính khu vực và các chi phí phát sinh khi rủi ro xảy ra.


Tiếp tục tái cơ cấu nguồn vốn cũng là một yêu cầu cấp bách nhằm đối phó với tình trạng thiếu vốn có thể xảy ra, đe dọa trực tiếp đến triển vọng kinh tế chung. Những chương trình ứng phó với khủng hoảng có thể xảy ra với châu Âu sắp tới được thử nghiệm sẽ góp phần nhận diện những ngân hàng có năng lực yếu. Tuy nhiên, để chương trình thử nghiệm thực sự hiệu quả thì cần đi đôi với quá trình tái cơ cấu nguồn vốn, cơ cấu tổ chức và điều hành.

Củng cố ngân sách và cải tổ nguồn vốn

Các nền kinh tế mới nổi khu vực châu Âu đã vượt qua cuộc khủng hoảng sâu toàn cầu năm 2008-09. Năm 2010, khu vực này đã đạt mức tăng trưởng là 4,2% nhưng không đồng đều giữa các quốc gia. Thổ Nhĩ Kỳ, Ba Lan và các thành viên châu Âu của Cộng đồng các quốc gia độc lập (Nga, Belarut, Ukraina và Moldova) đang là những quốc gia dẫn đầu, nhưng sự phục hồi vẫn đang trong giai đoạn đầu tại các nước Đông Nam châu Âu này. Trong năm 2011 và 2012, tăng trưởng của khu vực này được dự kiến đạt mức 4,3% và tất cả các thành viên đều có mức tăng trưởng dương và không có nhiều sự khác biệt giữa các nước.

Tuy nhiên, thách thức chính cho sự hồi phục vần còn. Đó là những rủi ro về tỷ lệ nợ công cao, các ngân hàng vẫn miễn cưỡng trong việc cho vay và rất nhiều quốc gia đang phải đối mặt với tỷ lệ thất nghiệp cao. Hơn nữa, lạm phát leo thang đang xuất hiện tại nhiều quốc gia trong khu vực.

Củng cố ngân sách cần phải được thực hiện nhằm xây dựng các khoản dự phòng. Những quốc gia chịu nhiều áp lực thị trường đã thực hiện nhiều biện pháp tiết kiếm đáng kể và trong năm nay nhiều quốc gia đã lên kế hoạch củng cố hơn nữa ngân sách của mình. Tuy nhiên, ở nhiều nước, các chỉ số tài chính vẫn ở trên ngưỡng thận trọng. Điều đó có nghĩa là củng cố lại hệ thống tài chính vẫn đang được thực hiện. Tại các quốc gia có tỷ lệ tăng trưởng nhanh, củng cố ngân sách cũng sẽ giúp ngăn chặn lạm phát.

Loại trừ một vài ngoại lệ, cho vay trong hệ thống ngân hàng vẫn khó khăn. Điều đó làm kìm giữ nhu cầu nội địa và làm chậm trễ tiến trình cải tổ vốn và lao động trong các lĩnh vực bất động sản, xây dựng và tài chính.

Cải tổ trên sẽ dẫn đến yêu cầu về đầu tư, và đến lượt nó đầu tư sẽ đòi hỏi phải tăng tín dụng. Tuy nhiên, các ngân hàng trong khu vực vẫn đang bị cản trở bởi tỷ lệ nợ quá hạn cao và sự sụt giảm nguồn vốn được cấp từ các ngân hàng mẹ ở nước ngoài. Vì lý do này, nhiều ngân hàng cần phải chuyển sang một mô hình tài trợ mới để hồi sinh hoạt động cho vay lành mạnh.

VTH-HLS (tổng hợp từ imf.org)

No comments:

Post a Comment