11/10 Camimex được chấp thuận nguyên tắc niêm yết 11.5 triệu cp

Ngày 11/10, Sở Giao dịch Chứng khoán TPHCM đã có công văn chấp thuận về nguyên tắc cho Công ty Cổ phần Chế biến thủy sản và Xuất nhập khẩu Cà Mau (Camimex)được niêm yết 11,496,797 cổ phiếu. Để hoàn tất thủ tục cấp Quyết định niêm yết chính thức, Công ty cần hoàn chỉnh Hồ sơ theo yêu cầu.

HOSE

10/10 George Soros: Nước Mỹ cần tiền!

Mỹ nên tiếp tục kích thích kinh tế và chẳng nên quá lo lắng nếu nợ chính phủ có tăng trong ngắn hạn.


Người viết là ông George Soros, Chủ tịch quỹ đầu tư Soros Fund Management LLC.

Chính quyền Obama nỗ lực giữ kỷ luật tài khóa chẳng phải vì lý do tài chính mà vì những toan tính chính trị.

Mỹ không ở trong cảnh nợ nần chồng chất như các nước Châu Âu và phải chịu khoản chênh lệch lợi suất so với trái phiếu chính phủ Đức đắng miệng.

Lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ đang giảm và đã ở gần mức thấp kỷ lục. Thị trường tài chính dự báo sẽ có giảm phát chứ không phải lạm phát.

TT Barack Obama đang chịu nhiều sức ép chính trị. Người Mỹ rất quan ngại về con số nợ chính phủ. Phe Cộng hòa đã rất thành công trong việc gán khủng hoảng 2008 cùng đợt suy thoái và tỷ lệ thất nghiệp cao sau đó cho “sự bất tài của chính phủ”.

Nhưng khủng hoảng 2008 chủ yếu là do khu vực tư nhân. Các cơ quan giám sát ở Mỹ (và nhiều quốc gia khác) đáng bị chê trách vì đã không hoàn thành nhiệm vụ.

Nếu không có gói cứu trợ, hệ thống tài chính có lẽ vẫn còn tê liệt và khiến cuộc suy thoái sau đó kéo dài và nặng nề hơn. Tương tự như vậy, gói kích thích tài khóa là một biện pháp cần thiết.

Vì áp lực thời gian nên không thể tránh khỏi chuyện phần lớn gói kích thích được dùng để duy trì tiêu dùng thay vì sửa chữa các mất cân đối vĩ mô.

Chính quyền Obama chỉ sai ở cái cách họ cứu trợ hệ thống ngân hàng: họ giúp ngân hàng thoát hiểm bằng cách mua lại các khoản nợ xấu và cung cấp tín dụng giá rẻ.

Ngay điều này cũng là vì các toan tính chính trị: bơm vốn cổ phần vào ngân hàng đáng lẽ đã hiệu quả hơn nhiều nhưng TT sợ bị quy kết là đang “quốc hữu hóa”.

Quyết định ấy nay lại có tác dụng ngược và gây nên những hậu quả chính trị nghiêm trọng. Dân chúng thấy lãi suất vay tiền qua thẻ tín dụng tăng từ 8% lên gần 30% trong khi ngân hàng kiếm lời “khủng” rồi mạnh tay chi thưởng đậm.

Phong trào Tea Party đã khai thác sự bất bình này và TT Obama hiện đang phải ở thế thủ.

Phe Cộng hòa lên chiến dịch chống lại bất kỳ một gói kích thích nào và chính quyền chỉ biết nói đãi bôi về “kỷ luật tài khóa” dù biết rằng có thể giảm thâm hụt ngay là quá sớm.

Tôi tin rằng rất nên tiếp tục kích thích kinh tế. Phải thừa nhận rằng không thể duy trì tiêu dùng bằng cách tăng nợ quốc gia mãi.

Cần phải điều chỉnh sự mất cân đối giữa tiêu dùng và đầu tư. Nhưng cắt giảm chi tiêu công đúng lúc thất nghiệp nhiều như hiện nay là đã lờ đi những bài học trong lịch sử.

Rõ ràng phải phân biệt giữa đầu tư và tiêu dùng hiện tại, tăng đầu tư trong khi giảm tiêu dùng.

Nhưng điều này khó khả thi về mặt chính trị. Đa phần người Mỹ tin rằng chính phủ không biết đầu tư ra sao để cải thiện các nguồn lực hữu hình và vô hình của đất nước.

Một lần nữa, niềm tin ấy không phải không có cơ sở: một phần tư thế kỷ nói xấu chính phủ rút cục đã khiến chính phủ xấu đi thật.

Nhưng cho rằng chắc chắn kích thích kinh tế quá lãng phí lại hiển nhiên sai: Chương trình Kinh tế - Xã hội thời Roosevelt đã tạo nên Chính quyền thung lũng Tennesse (Tennessee Valley Authority), cầu Triborough ở New York và nhiều công trình công cộng khác vẫn còn được sử dụng cho đến ngày nay.

Hơn nữa, khu vực tư nhân đơn giản không sử dụng các nguồn lực sẵn có. Thực tế TT Obama rất thân thiện với doanh nghiệp, và doanh nghiệp cũng đang làm ăn có lãi. Nhưng thay vì đầu tư, họ lại đang củng cố khả năng thanh khoản.

Có lẽ chiến thắng của phe Cộng hòa sẽ làm họ tự tin hơn nhưng cùng lúc đó, đầu tư và việc làm lại cần các gói kích thích tài khóa (kích thích bằng chính sách tiền tệ khiến doanh nghiệp quan tâm tới chuyện nuốt chửng lẫn nhau hơn là thuê mướn nhân công).

Chính phủ nợ thế nào thì gọi là nhiều là câu hỏi vẫn còn bỏ ngỏ vì chấp nhận nợ công được bao nhiêu phụ thuộc nhiều vào nhận thức của xã hội.

Phần bù rủi ro trong lãi suất là một biến cực kỳ quan trọng: một khi nó tăng, tỷ lệ thâm hụt hiện nay sẽ trở nên thiếu bền vững. Nhưng nợ nhiều chưa chắc đã đồng nghĩa với thảm họa.

Lấy ví dụ như Nhật Bản, tỷ lệ nợ trên GDP đã gần 200%. Dù vậy lợi suất trái phiếu 10 năm chỉ hơn 1%. Lý do là khu vực tư nhân không thích đầu tư ra nước ngoài và thà mua trái phiếu chính phủ 10 năm lãi suất 1% còn hơn giữ tiền với lãi suất 0%.

Chừng nào ngân hàng Mỹ còn có thể vay mượn với lãi suất gần 0% rồi mua trái phiếu chính phủ mà chẳng cần dự trữ bắt buộc, USD không mất giá so với Nhân dân tệ, thì lãi suất trái phiếu chính phủ Mỹ sẽ còn đi theo vết xe đổ của Nhật.

Điều đó không có nghĩa Mỹ nên duy trì tỷ lệ chiết khấu gần 0 và tăng vay nợ mãi mãi. Tốt nhất nên giảm sự mất cân đối càng nhanh càng tốt trong khi giảm tối đa việc vay mượn.

Có nhiều cách để thực hiện được điều đó, nhưng mục tiêu của chính quyền Obama giảm một nửa thâm hụt ngân sách trước năm 2013 trong khi nền kinh tế vẫn hoạt động dưới xa mức tiềm năng thì không.

Đầu tư vào giáo dục và cơ sở hạ tầng sẽ có nhiều ý nghĩa hơn. Tương tự là sắp xếp để USD mất giá dần so với NDT.

Không phải những tranh cãi về kinh tế học mà chính nhận thức sai lầm về thâm hụt ngân sách mới đang bị lợi dụng vì mục đích đảng phái và ý thức hệ.

Minh Tuấn
Theo Economist

29/09 Mỹ có thể giảm viện trợ quốc tế do khủng hoảng

Giới chức Mỹ ngày 28/9 cho biết viện trợ phát triển của nước này có thể sẽ giảm trong những năm tới do những khó khăn kinh tế và nợ nần đang đè nặng lên ngân sách liên bang.

Phát biểu tại cuộc họp báo ở Washington, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner nhấn mạnh "viện trợ phát triển là một đòi hòi cấp bách về mặt đạo đức," nhưng Mỹ hiện đang phải đối phó với tỷ lệ thất nghiệp cao gần 10%, cứ tám người Mỹ lại có một người phải sống dựa vào trợ giúp lương thực. Chưa kể Chính phủ Mỹ cũng đang chịu sức ép trước tình trạng thâm hụt ngân sách kéo dài hết sức nghiêm trọng.

Đề cập vấn đề viện trợ giúp đỡ các nước nghèo phát triển, Bộ trưởng Geithner nêu rõ Washington không có cách gì giải thích hay biện hộ rằng việc sử dụng nguồn ngân sách eo hẹp cho viện trợ phát triển là hợp lý và phát huy hiệu quả, đáp ứng lợi ích của chính nước Mỹ.

Tuần trước, Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy cũng đã cảnh báo trước Đại hội đồng Liên hợp quốc rằng Pháp và các nước công nghiệp phát triển khác có nguy cơ không thể duy trì ngân sách viện trợ phát triển như hiện nay, bất chấp nhiều tổ chức quốc tế đánh giá rằng những khoản viện trợ này là chưa đủ.

Nhà lãnh đạo Pháp chỉ rõ trong bối cảnh tất cả các nước phát triển đang bị thâm hụt ngân sách nghiêm trọng, cần phải tìm những nguồn tài chính mới để hỗ trợ cuộc chiến chống đói nghèo, phát triển giáo dục và loại bỏ các dịch bệnh đe dọa sức khỏe con người trên hành tinh.

Theo Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế, Mỹ và Pháp là hai quốc gia cung cấp các khoản viện trợ phát triển lớn nhất thế giới trong năm 2009, lần lượt là 28.665 tỷ USD và 12.431 tỷ USD./.


(TTXVN/Vietnam+)

11/10 Đồng USD đã xuống mức thấp nhất so với đồng yen

Đồng USD giảm xuống mức thấp nhất trong vòng 15 năm so với đồng yen trong phiên giao dịch tại châu Á ngày 11/10.

Đồng USD giảm giữa lúc có những dự đoán FED sẽ bơm thêm tiền nhằm kích thích nền kinh tế Mỹ vẫn chưa thoát khỏi khó khăn và cuộc họp của nhóm 7 nước phát triển (G7) đã không giúp giảm bớt những căng thẳng tiền tệ toàn cầu.

Trong phiên giao dịch buổi chiều, đồng USD giảm xuống 82,03 yen, so với 82,06 yen trong phiên giao dịch cuối tuần trước tại New York, trong khi đồng euro giao dịch ở mức 1,3973 USD, so với 1,3926 USD.

Đồng bạc xanh có lúc giảm xuống 81,37 yen - mức thấp nhất kể từ tháng 4/1995.

Việc đồng USD trượt giá có thể là yếu tố cảnh báo các thị trường về khả năng can thiệp của Ngân hàng Trung ương Nhật Bản, đặc biệt kể từ khi G7 và Quỹ Tiền tệ Quốc tế không chỉ trích công khai về động thái bán yen của ngân hàng này.

Các nhà phân tích ở ngân hàng DBS của Singapore đã hạ thấp triển vọng của đồng USD, trong khi dự đoán đồng tiền châu Âu sẽ tăng giá và duy trì ở mức trên 1,4 USD trong năm 2011.

Kể từ tháng Tám vừa qua, FED đã thiên về thực hiện các biện pháp nới lỏng định lượng nhằm hỗ trợ đà phục hồi còn yếu của kinh tế Mỹ.

Những phát biểu gần đây của Ủy ban thị trường mở Liên bang của FED là một dấu hiệu rõ ràng về khả năng FED sẽ tiến hành một đợt mua các tài sản trong tháng 11 tới.

Trong phiên giao dịch cùng ngày, đồng Nhân dân tệ chạm mức cao mới so với đồng USD, khi tỷ lệ ngang giá chung tăng lên 6,6732 Nhân dân tệ/USD, so với mức kỷ lục 6,683 Nhân dân tệ/USD trong ngày 8/10 và mức 6,8275 Nhân dân tệ/USD, một ngày trước khi Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC) cam kết gia tăng tính linh hoạt của đồng Nhân dân tệ vào ngày 19/6.

Thống đốc PboC Châu Tiểu Xuyen nói Trung Quốc sẽ tiếp tục cải cách cơ chế thông tin về tỷ giá nhằm gia tăng tính linh hoạt của đồng nội tệ, song sẽ thực hiện từng bước điều này.

Đồng USD cũng giảm giá so với các đồng tiền châu Á khác như đồng won Hàn Quốc, đồng đôla Đài Loan, đồng đôla Singapore, trong khi tăng giá so với đồng rupiah Indonesia và đồng peso Philippines./.


Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

11/10 Trung Quốc bán ra kỷ lục trái phiếu của Nhật Bản

Trong tháng 8/2010, các nhà đầu tư Trung Quốc đã bán ra số lượng kỷ lục trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản, với trị giá lên tới 2.018 tỷ yen (24,5 tỷ USD).

Đây là lần bán ra lớn nhất/tháng của các nhà đầu tư Trung Quốc kể từ năm 2005. Động thái có thể làm lắng xuống những nhận định cho rằng Trung Quốc mau lượng lớn trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản là nhằm đa dạng nguồn dự trữ ngoại hối của nước này, vốn chỉ tập trung vào châu Âu và Mỹ, trong bối cảnh những nền kinh tế tại Mỹ và châu Âu vẫn đang trong tình trạng khó khăn và trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản lại khá ổn định.

Trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc đã mua khoản nợ của Nhật Bản trị giá 1.730 tỷ yen, gấp 7 lần so với năm 2005 (253,8 tỷ yen). Riêng tháng 7/2010, Trung Quốc đã mua lượng trái phiếu của Chính phủ Nhật Bản trị giá 583,1 tỷ yen.

Theo một số nhà kinh doanh tiền tệ, lượng trái phiếu mà Trung Quốc mua lại quá nhỏ để đẩy giá đồng yên tăng mạnh, song nó vẫn là một yếu tố gián tiếp khiến giá đồng yen tăng giá.

Tháng trước, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda đã bày tỏ nghi ngờ về việc Trung Quốc mua lại các khoản nợ của Chính phủ Nhật Bản, trong khi Nhật Bản không thể đầu tư vào thị trường Trung Quốc./.


Trà My (TTXVN/Vietnam+)

10/10 G7 nhóm họp giữa lúc căng thẳng tiền tệ gia tăng

Cuối tuần qua tại Washington, các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương nhóm 7 nước phát triển (G7) đã nhóm họp giữa lúc những căng thẳng về chính sách ngoại hối gia tăng khi một số nước hạ giá đồng nội tệ, đe dọa làm nổ ra một cuộc chiến tiền tệ trên toàn cầu.

Ngày 15/9 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã lần đầu tiên trong hơn sáu năm qua đã can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm làm yếu đồng yen. Sau hành động can thiệp, đồng tiền của nước này giảm xuống mức 85 yen/USD.

Tuy nhiên, đồng tiền này tăng lên mức cao nhất trong hơn 15 năm, giao dịch ở mức 81,72 yen/USD trong phiên giao dịch cuối tuần qua tại New York, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa.

Trong khi đó, cùng với Trung Quốc, một số nước châu Á khác, trong đó có Hàn Quốc, cũng đang áp dụng những biện pháp nhằm làm giảm giá đồng nội tệ để duy trì khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Các nghị sỹ Mỹ và châu Âu đã chỉ trích hành động can thiệp vào thị trường tiền tệ của Nhật Bản vì điều này sẽ làm phức tạp những nỗ lực của họ trong việc khuyến khích Trung Quốc thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda nói nước này không thể cho phép đồng yen tăng giá quá mức để tránh những ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn trước tình trạng giảm phát.

Ông nói Nhật Bản vẫn giữ vững quan điểm về việc thực hiện những bước đi mạnh mẽ trong trường hợp cần thiết, trong đó có thể có những can thiệp tiếp theo vào thị trường, nhằm ngăn chặn việc đồng yên tăng giá mạnh.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Masaaki Shirakawa nói BoJ sẽ nghiên cứu việc thiết lập một quỹ nhằm tăng khả năng thanh khoản trong nền kinh tế và hỗ trợ các hoạt động kinh doanh thông qua việc tạo thuận lợi trong cấp vốn cho các doanh nghiệp. Ngân hàng này mới đây đã áp dụng trở lại mức lãi suất thực tế 0%.

Nhiệm vụ của các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương G7 tại cuộc họp là tìm kiếm một giải pháp để những căng thẳng tiền tệ đang gia tăng không gây ảnh hưởng xấu đến sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Các bên sẽ hợp tác trong việc yêu cầu các nền kinh tế đang nổi đạt thặng dư thương mại, trong đó có Trung Quốc, áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Kinh tế toàn cầu đang trong quá trình phục hồi ổn định, song với tốc độ chậm và khác nhau ở mỗi nước./.


Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

10/10 EC xem xét kế hoạch đánh thuế khu vực tài chính

Ủy ban châu Âu (EC) vừa đề xuất ý tưởng đánh thuế khu vực tài chính, vì cho rằng khu vực tài chính cần có sự đóng góp công bằng vào các khoản tài chính công và các chính phủ đang rất cần những nguồn thu mới trong bối cảnh kinh tế hiện nay.

Kế hoạch trên được triển khai ở hai cấp độ. Ở cấp độ toàn cầu, EC đề xuất việc đánh thuế các giao dịch tài chính (FTT), để có thể giúp tài trợ các nỗ lực đối phó với những thách thức toàn cầu như phát triển hoặc biến đổi khí hậu. Ở cấp độ khu vực, EC đề xuất đánh thuế các hoạt động tài chính (FAT) trong Liên minh châu Âu.

Theo EC, việc áp dụng FAT trong khối có thể đem lại nguồn thu đáng kể và giúp đảm bảo sự ổn định lớn hơn của các thị trường tài chính, mà không tạo ra những rủi ro quá mức đối với sự cạnh tranh của EU.

Nếu đạt được những mục tiêu đầy tham vọng ở cấp độ toàn cầu, trong những lĩnh vực như trợ giúp phát triển và biến đổi khí hậu, các đối tác quốc tế sẽ cần nhất trí về các công cụ tài chính toàn cầu.

Kế hoạch FTT sẽ đánh thuế mỗi giao dịch dựa trên giá trị của giao dịch đó, tạo ra các nguồn thu có giá trị thực sự. EC cho rằng nếu được thực thi nghiêm túc và được áp dụng trên thị trường quốc tế, kế hoạch FTT có thể sẽ trở thành một phương thức hấp dẫn để huy động nguồn ngân quỹ cần thiết cho các chính sách quan trọng mang tính toàn cầu.

Dự kiến, EC sẽ trình bày đề xuất trên trước Hội đồng châu Âu vào cuối tháng 10 và tại Hội nghị thượng đỉnh G20 vào tháng 11./.


Thái Vân (TTXVN/Vietnam+)

10/10 IMF không tìm được tiếng nói chung về tiền tệ

Ngày 9/10 - ngày thứ hai và cũng là ngày cuối cùng của Hội nghị thường niên của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) đã không tìm ra được tiếng nói chung nhằm xoa dịu những bất đồng sâu sắc, được cho là có thể làm bùng lên một "cuộc chiến tiền tệ" giữa các nước trên thế giới.

Hội nghị chỉ dừng lại ở việc cam kết sẽ tiếp tục nghiên cứu kỹ lưỡng hơn chính sách tiền tệ của các nước nhằm hướng tới một giải pháp đối phó với sự mất cân bằng ngày càng tăng giữa các nền kinh tế.

Kết thúc cuộc họp, Ủy ban Tài chính và Tiền tệ Quốc tế của IMF ra thông cáo khẳng định mặc dù hệ thống tiền tệ quốc tế đang trên đà phục hồi sau khủng hoảng, song việc mất cân bằng toàn cầu ngày một tăng đang được coi là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng căng thẳng, tiếp tục gây ảnh hưởng đến dòng vốn, tỷ giá hối đoái và các vấn đề liên quan đến nguồn cung và dự trữ tiền tệ của các nước.

Do đó, các thành viên IMF cần tiếp tục hành động, đặc biệt cần tiếp tục nghiên cứu để đưa ra những chính sách hiệu quả hơn nhằm quản lý các dòng vốn. Ủy ban trên khẳng định khôi phục thương mại và đầu tư sẽ là hai nhân tố quan trọng hỗ trợ cho sự phục hồi và tăng trưởng của nền kinh tế thế giới, vì vậy, các nước thành viên cần tránh mọi hình thức bảo hộ. Các quốc gia đang phát triển sẽ đóng vai trò ngày càng lớn trong sự tăng trưởng và thương mại toàn cầu.

Tuy nhiên, thông cáo trên không đưa ra được lời kêu gọi cụ thể nào đối với Trung Quốc cũng như một số quốc gia khác, được cho là đang định giá thấp đồng nội tệ của mình và tăng dự trữ tiền tệ nhằm thúc đẩy xuất khẩu.

Phát biểu tại phiên bế mạc hội nghị, Chủ tịch Ủy ban Tài chính Tiền tệ Quốc tế Youssef Boutros-Ghali thừa nhận rõ ràng đang có bất đồng giữa các nước về chính sách tiền tệ, và vấn đề này đang được giải quyết. Hội nghị đi đến kết luận IMF sẽ phải là nơi giải quyết những vấn đề trên.

Về phần mình, trả lời phỏng vấn báo giới, Giám đốc IMF Dominique Strauss-Kahn khẳng định ông không coi kết quả của hội nghị này là một thất bại. Trở ngại duy nhất khiến hội nghị không thể đưa ra tuyên bố mạnh mẽ hơn đó là sự đồng thuận của các thành viên. Theo ông, để giải quyết được vấn đề này chỉ có con đường duy nhất là hợp tác.

Bên cạnh đó, Giám đốc IMF còn nhấn mạnh hội nghị này được coi là mở đường cho những tiến triển sâu sắc hơn tại Hội nghị Nhóm 20 nền kinh tế phát triển và đang nổi (G-20), dự kiến diễn ra vào tháng 11 tới tại Seoul (Hàn Quốc), cũng như tại các cuộc gặp tiếp theo của IMF.

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner đã hối thúc IMF giám sát chặt chẽ hơn tỷ giá hối đoái trên thế giới. Ông cho rằng cơ quan này nên hành động như một tổ chức giám sát hệ thống tài chính thế giới và IMF nên cảnh báo những quốc gia về việc định giá thấp tiền tệ hoặc dự trữ quá mức tiền mặt.

IMF đã đề nghị thiết lập một khuôn khổ toàn cầu các hệ thống an toàn tài chính khu vực để có thể phát hiện và xử lý hiệu quả hơn các cuộc khủng hoảng tiềm tàng trong tương lai. Ông Strauss-Kahn cho biết IMF đang hành động để đạt được các thỏa thuận về cơ cấu theo hướng này với các thể chế tài chính khu vực hiện hành trên thế giới.

Các nhà kinh tế thế giới nhấn mạnh rằng phản ứng chậm trễ đối với việc thiết lập Quỹ ổn định châu Âu đã làm trầm trọng hơn thiệt hại và mở rộng quy mô tàn phá của cuộc khủng hoảng nợ khắp châu Âu. Một khuôn khổ toàn cầu các quỹ khu vực có thể thanh toán bằng tiền mặt sẽ phát triển chế độ hợp tác để xây dựng các quy chế thích hợp, tạo sự ổn định hơn về tài chính đối với cả các chính phủ và các thị trường.

IMF cũng đề xuất thuế ngân hàng mới và giám sát tài chính chặt chẽ hơn, đồng thời cảnh báo rằng việc trở lại tập quán kinh doanh cũ có thể gieo mầm một cuộc khủng hoảng mới./.


(TTXVN/Vietnam+)

09/10 IMF cảnh báo nguy cơ bùng nổ chiến tranh tiền tệ

Giám đốc điều hành IMF Dominique Strauss-Kahn đã cảnh báo các bộ trưởng tài chính toàn cầu không nên sử dụng giá trị đồng tiền của nước họ như một vũ khí kinh tế.

Cảnh bảo được đưa ra tại hội nghị hàng năm của các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương 187 nước thành viên Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) tại Washington, Mỹ ngày 8/10.

Ông Kahn cho rằng nền kinh tế toàn cầu đang tiếp tục khó khăn trong khi tìm cách vượt qua cuộc suy thoái tồi tệ nhất kể từ khi kết thúc Chiến tranh Thế giới Thứ II.

Ông khẳng định thế giới đang phải đối mặt với một tương lai không chắc chắn. Nền kinh tế đang tăng trưởng trở lại, nhưng đó là sự tăng trưởng mong manh và không đồng đều.

Người đứng đầu IMF cảnh báo mối đe dọa nghiêm trọng khi các nước không hợp tác và điều này càng thể hiện rõ xuất hiện những quan ngại về nguy cơ xảy ra một cuộc chiến tranh tiền tệ giữa các nước.

Những ngày gần đây, Chính quyền của Tổng thống Mỹ Barack Obama tăng sức ép đòi Trung Quốc định giá lại đồng Nhân dân tệ. Nhiều nước khác, trong đó có Nhật Bản, Brazil và Hàn Quốc, cũng áp dụng các biện pháp để kìm giá đồng nội tệ của mình thấp nhằm đẩy mạnh xuất khẩu. Giám đốc Kahn khẳng định đây là một chính sách sai lầm.

Theo ông, thay vào đó, các nước cần phối hợp với nhau để xây dựng mối quan hệ hợp tác kinh tế. Nếu không đẩy mạnh hợp tác, nền kinh tế toàn cầu sẽ tiếp tục khó khăn và không thể tạo nhiều việc làm. Ông cho biết từ khi cuộc suy thoái kinh tế bắt đầu năm 2007, thế giới đã mất đi hơn 30 triệu việc làm.

Giám đốc Kahn cảnh báo chừng nào mức tăng trưởng việc làm chưa mạnh hơn, thế giới sẽ phải đối mặt với nguy cơ một thế hệ trẻ không thể tham gia lực lượng lao động.

Hội nghị bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương các nước thành viên IMF diễn ra nhằm xoa dịu những tranh cãi căng thẳng giữa các nước giàu và các nước đang phát triển về vấn đề thương mại tác động tới những chính sách tiền tệ.

Song, những hy vọng về khả năng thu hẹp bất đồng đã nhanh chóng tan thành mây khói khi Mỹ tiếp tục cho rằng Trung Quốc đã không hành động tích cực để tăng giá đồng Nhân dân tệ đúng với giá thị trường trong khi Bắc Kinh bác bỏ những đề xuất về cải cách chính sách tiền tệ.

Phát biểu hội nghị, Bộ trưởng Tài chính Mỹ Timothy Geithner cho rằng cải cách tiền tệ tại Trung Quốc là cần thiết trong bối cảnh các nền kinh tế lớn của thế giới như Mỹ, Nhật Bản và châu Âu vẫn đang phục hồi khá mong manh sau "bão" tài chính.

Quan chức Mỹ nêu rõ Washington tin rằng tái cân bằng toàn cầu đang không diễn ra và cần phải tránh các nguy cơ đe dọa quá trình phục hồi của nền kinh tế thế giới.

Trong khi đó, các quan chức châu Âu cũng cho rằng kim ngạch xuất khẩu của họ bị ảnh hưởng nghiêm trọng do đồng USD và Nhân dân tệ thấp hơn giá trị thực, khiến đồng euro tăng giá mạnh.

Đáp lại, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Trung Quốc Chu Tiểu Xuyên đã bác bỏ những yêu cầu nâng giá đồng Nhân dân tệ, tuyên bố rằng Bắc Kinh sẽ tiến hành cải cách từng bước thay vì một "liệu pháp sốc" nâng đồng nội tệ của mình lên mức "cân bằng"./.


(TTXVN/Vietnam+)

11/10 BoJ cảnh báo hậu quả nới lỏng chính sách tiền tệ

Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Masaaki Shirakawa cảnh báo việc các nước phát triển đua nhau nới lỏng chính sách tiền tệ có thể tạo ra bong bóng ở các nền kinh tế đang nổi bởi hành động đó gây ra sự chuyển dịch dòng vốn.

Phát biểu tại Hội nghị thường niên của Viện Tài chính Quốc tế diễn ra tại Washington, sau khi tham dự Hội nghị các bộ trưởng tài chính và thống đốc ngân hàng trung ương nhóm G-7, ông Shirakawa, cho rằng chính sách nới lỏng tiền tệ chưa có tiền lệ mà các nước như Nhật Bản, Mỹ và châu Âu đang thực hiện, sẽ gây ra "hậu quả không lường trước được" nếu tiếp tục duy trì trong một thời gian dài.

Ông chỉ rõ tốc độ tăng trưởng mạnh mẽ hiện nay ở các nền kinh tế đang nổi dường như đang bị tác động trước việc cắt giảm lãi suất ở các nền kinh tế phát triển lãi suất bởi nó khuyến khích tình trạng chảy vốn khỏi các nền kinh tế đang nổi như Trung Quốc hay Hàn Quốc.

Ông Shirakawa nhấn mạnh chỉ thực hiện chính sách tiền tệ dễ dãi không thể giải quyết được từng vấn đề.

Nhân dịp này Thống đốc BoJ, Shirakawa, cũng kêu gọi Chính phủ Nhật Bản đẩy mạnh cải cách cơ cấu nhằm đảm bảo sự phục hồi bền vững cho nền kinh tế. Theo ông, cải cách là nhân tố không thể thiếu bởi cải cách có thể giúp thúc đẩy tăng năng suất lao động thông qua việc cải tổ các doanh nghiệp hoạt động không có hiệu quả và làm hồi sinh nền kinh tế.

Mới đây BoJ đã nới lỏng chính sách tiền tệ để hỗ trợ đà phục hồi của nền kinh tế Nhật, trong đó bất ngờ hạ lãi suất cơ bản xuống biên độ 0-0,1%, đưa ra chương trình bơm thêm tiền vào nền kinh tế thông qua nghiệp vụ mua trái phiếu chính phủ hay trái phiếu doanh nghiệp.

Chính phủ Nhật Bản đang chật vật vực dậy nền kinh tế bằng cách triển khai hàng loạt sáng kiến cải cách như hỗ trợ các ngành năng lượng và môi trường cũng như các ngành có tiềm năng tăng trưởng như y tế và chăm sóc sức khỏe./.


Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)