12/09 Thế giới đã sang khủng hoảng tăng trưởng?


▪  HỒNG NGỌC
12/09/2011 06:50 (GMT+7)
 
Kinh tế thế giới hiện chủ yếu xoay quanh vấn đề chậm tăng trưởng, từ đó dẫn tới những nguy cơ nghiêm trọng hơn.
Thế giới đang đi từ khủng hoảng kinh tế tài chính sang khủng hoảng tăng trưởng, Tổng giám đốc Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) Pascal Lamy cho biết hôm 7/9 tại Hội nghị các nhà nghiên cứu đô thị quốc tế diễn ra ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ.

Nỗi lo của ông Pascal Lamy cũng là một trong các chương trình nghị sự quan trọng tại hội nghị các nước G7 hôm 9/9 vừa qua. Tại đó, các bộ trưởng tài chính của Anh, Canada, Pháp, Đức, Italy, Nhật Bản và Mỹ đã nhất trí vể những biện pháp cân bằng nhu cầu giảm nợ với nhu cầu hỗ trợ tăng trưởng.

Kinh tế thế giới đang trải qua giai đoạn khó khăn với những thách thức nghiêm trọng như khủng hoảng nợ công, giới đầu tư mất lòng tin vào các thị trường tài chính, trong khi các nước thiếu sự hợp tác giải quyết các vấn đề cơ cấu, khiến tăng trưởng chậm lại, thất nghiệp vọt cao và thâm hụt tài chính sâu rộng.

Theo báo cáo “Những thách thức chính sách sau khủng hoảng trong nền kinh tế thế giới” năm 2011 của Hội nghị Liên hiệp quốc về buôn bán và phát triển (UNCTAD), kinh tế toàn cầu hiện cực kỳ nguy hiểm, không còn động lực, chính sách kinh tế là thảm họa và kịch bản được coi là khả dĩ nhất là một thập kỷ trì trệ.

Theo Tổng giám đốc WTO Pascal Lamy cho rằng, mặc dù đã phải thực hiện các biện pháp kích thích kinh tế bất thường nhưng nhiều nền kinh tế trên thế giới tăng trưởng không đạt đủ mức cần thiết để phục hồi tài chính và giảm tỷ lệ thất nghiệp cao, từ đó gây ra những biến động về mặt xã hội.

Buôn bán toàn cầu tăng trưởng 14,5% năm 2010 nhưng sẽ giảm mạnh xuống mức 6,5% trong năm 2011. Hệ thống buôn bán đa phương quốc tế trong tương lai sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức toàn cầu, đặc biệt là sự không rõ ràng giữa chính sách buôn bán và các chính sách hối đoái, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và năng lượng.

Trên thực tế, những nhận định của ông Pascal Lamy không phải là không có cơ sở. Các báo cáo kinh tế từ Mỹ, châu Âu, Nhật Bản, Trung Quốc trong tuần qua cũng đều xoay quanh một nan đề, đó là sự tăng trưởng yếu kém và đánh giá triển vọng tăng trưởng thời gian tới khá gian truân.

Theo báo cáo Beige Book về tình hình kinh tế Mỹ trong tháng 8 vừa qua được Cục Dự trữ Liên bang Mỹ công bố hôm 7/9, nền kinh tế số một thế giới tiếp tục tăng trưởng với tốc độ chậm hoặc trung bình ở nhiều khu vực. Báo cáo cho biết, 5 trong số 12 khu vực trên toàn nước Mỹ thông báo mức tăng trưởng "vừa phải" trong các hoạt động kinh doanh và kinh tế.

Trong khi hoạt động kinh tế tại bốn khu vực được ghi nhận mức "còn yếu" và ba khu vực còn lại "chậm hơn". Báo cáo còn cho thấy sự biến động của thị trường chứng khoán cũng như sự không ổn định trong hoạt động của một số thị trường đã khiến nhiều khu vực phải hạ bớt chỉ số đánh giá kinh tế khu vực hoặc thận trọng hơn trong dự báo triển vọng kinh tế.

Về thị trường việc làm, FED nhận định về cơ bản, tình hình ổn định tại một số khu vực và phát triển ở mức độ vừa phải tại các khu vực còn lại, trong khi nhu cầu tuyển người vào các vị trí cần có kỹ năng cao như kỹ sư, thợ cơ khí và phát triển phần mềm máy tính đang gia tăng.

Theo báo cáo, trong tháng 8 vừa qua, chi tiêu cho tiêu dùng tăng nhẹ ở hầu hết các khu vực, hoạt động du lịch vẫn phát triển ổn định và nhu cầu đối với các ngành dịch vụ nói chung là tích cực. Tuy nhiên, nền kinh tế Mỹ đã bị thiệt hại đáng kể do thiên tai, đặc biệt sau cơn bão lịch sử Irene đổ bộ vào miền Đông nước Mỹ hồi cuối tháng.

Tình hình ở châu Âu cũng không khả quan hơn. Hôm 8/9, Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đã hạ mức dự báo tăng trưởng kinh tế của các nước thuộc Khu vực sử dụng đồng euro (Eurozone) trong năm nay và năm tới. Tuy nhiên, ngân hàng này vẫn giữ nguyên dự báo về tỷ lệ lạm phát tại 17 nước trong khu vực trên.

Chủ tịch ECB Jean-Claude Trichet cho biết, ngân hàng đã hạ mức dự đoán tăng trưởng GDP của Eurozone xuống chỉ còn 1,6% trong năm 2011 và 1,3% trong năm 2012 so với mức lần lượt là 1,7% và 1,9% của dự báo trước đó. Trong khi đó, tỷ lệ lạm phát tại khu vực này vẫn được giữ nguyên là 2,6% trong năm 2011 và 1,7% trong năm 2012.

Phát biểu trước báo giới, Chủ tịch Trichet cho biết trong tương lai, một số yếu tố tăng trưởng bị suy yếu ảnh hưởng đến đà tăng trưởng của toàn khu vực Eurozone.

Những yếu tố đó bao gồm sự điều tiết nhịp độ tăng trưởng toàn cầu, liên quan đến sự sụt giảm của giá cả cũng như lòng tin của doanh nghiệp, và những ảnh hưởng bất lợi trong tương lai do những căng thẳng gia tăng tại một loạt nước trong khu vực đang bị vướng vào vấn đề nợ công.

Trước đó, cùng ngày, tại một cuộc họp định kỳ hàng tháng, ECB đã quyết định giữ nguyên tỷ lệ lãi suất ở mức ổn định là 1,5% nhằm hỗ trợ sức tăng trưởng kinh tế khu vực và trấn an giới đầu tư. Quyết định này trái ngược với thông tin hồi tháng trước, rằng ECB đã quyết định sẽ tăng tỷ lệ lãi suất vào mùa Thu hoặc cuối năm nay.

Trong lúc này, Nhật Bản - nền kinh tế lớn thứ ba thế giới, đang phải vật lộn với bài toán đồng Yên. Phát biểu trước thềm phiên họp tài chính của nhóm G7, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Jun Azumi khẳng định ông sẽ cố gắng thuyết phục các đối tác trong G7 rằng đồng Yên mạnh là mối đe dọa đối với nền kinh tế lớn thứ ba thế giới này.

Sau động thái quy định tỷ lệ hối đoái tối thiểu và tuyên bố chuẩn bị mua số lượng lớn ngoại tệ của Ngân hàng Quốc gia Thụy Sỹ, ngày càng nhiều nước, trong đó có Nhật Bản, được "khích lệ" để can thiệp vào thị trường ngoại hối nhằm bảo vệ nền kinh tế quốc gia trước những biến động mạnh trên thị trường tiền tệ.

Đồng Yên mạnh làm giảm lợi nhuận của các nhà xuất khẩu Nhật Bản, đồng thời khiến các sản phẩm được làm tại nước này trở nên đắt đỏ hơn khi bán ra nước ngoài. Ngày càng nhiều công ty đang tính chuyển hoạt động sản xuất và điều hành ra nước ngoài, gây ra những lo lắng về khả năng Nhật Bản "rỗng ruột" trong các ngành công nghiệp.

Trong tháng 8 vừa qua, đồng Yên đã vọt lên 75,95 Yên/USD, mức cao nhất của thời kỳ hậu chiến tranh thế giới lần 2. Thị trường lo ngại rằng sức mạnh của đồng Yên có thể xói mòn nỗ lực phục hồi kinh tế sau thảm họa động đất-sóng thần xảy ra hôm 11/3 năm nay. Nhật Bản từng ba lần can thiệp vào thị trường ngoại hối, nhưng đồng Yên vẫn tăng giá mạnh.

Cũng có quan điểm tương tự như ông Pascal Lamy, tờ The Global and Mail của Canada số ra mới đây cho rằng, ngày càng khó dự đoán sự tăng trưởng kinh tế toàn cầu trong tương lai sẽ xuất phát từ đâu khi mức tăng trưởng việc làm tại Mỹ đang chững lại, và tăng trưởng kinh tế tại khu vực đồng Euro cũng vậy trong khi kinh tế Nhật Bản tiếp tục đình đốn.

Tờ báo trên nhận định, tuy có nói về tầm quan trọng của Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil như các động lực mới của tăng trưởng kinh tế toàn cầu, nhưng kinh tế toàn cầu có thể tăng trưởng nhanh đến đâu nếu không có ít nhất là một trong những nền kinh tế phát triển nhất thế giới tham gia tiến trình này.
 
Thảo luận (1 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
Thiên Tính 09:44 (GMT+7) - Thứ Hai, 12/9/2011
Nếu thật sự khủng hoảng tăng trưởng là không đáng lo.

Một nhà có thể làm ăn 5 năm mà không dư tiền, không mua sắm được gì nhưng cuộc sống không chật vật, bữa ăn vẫn có chút cá chút thì vẫn đạt.

Chứ cứ bảo tăng trưởng 6-7%, tiền làm thấy có đó nhưng mà cuộc sống khó khăn bữa ăn đạm bạc thiếu chất cá thịt, kinh tế bất ổn, vật giá leo thang không xuống... thì tăng trưởng làm gì.

12/09 Hy Lạp lại nguy ngập, đồng Euro giảm giá sâu


▪  DIỆP ANH
12/09/2011 09:23 (GMT+7)
 
Đồng Euro lại lao dốc mạnh truớc bối cảnh Hy Lạp không thể giải quyết được bài toán nợ nần.
Phiên giao dịch sáng nay (12/9), đồng Euro đã sụt giá mạnh, xuống mức thấp nhất kể từ năm 2001 so với đồng Yên và giảm so với đồng USD, do thị trường dự báo Thủ tướng Đức Angela Merkel đang chuẩn bị kịch bản Hy Lạp vỡ nợ.

Cụ thể, tại thị trường Tokyo, đồng Euro sụt xuống 105,44 Yên, từ mức 105,99 Yên hồi cuối tuần trước. Trước đó, có lúc cặp tỷ giá này sụt xuống 104,92 Yên/Euro, thấp nhất từ tháng 7/2001. So với USD, Euro giảm xuống mức 1,3555 USD/Euro, thấp nhất từ ngày 22/2 và sau đó giao dịch ở mức 1,3606 USD/Euro.

Đồng dollar của Australia và Nea Zealand cũng suy yếu do các nhà đầu tư bán tháo các tài sản rủi ro cao, trong bối cảnh lợi tức trái phiếu Hy Lạp leo thang lên mức cao kỷ lục và báo cáo tuần trước cho thấy 3 ngân hàng lớn của Pháp có thể bị hạ xếp hạng tín nhiệm.

Tin tức cho biết, chính phủ của Thủ tướng Đức Angela Merkel đang tranh cãi về việc làm thế nào để vực dậy các ngân hàng Đức trong trường hợp Hy Lạp không đáp ứng được các cam kết về cắt giảm ngân sách của gói cứu trợ và không chi trả được các khoản vay hỗ trợ.

Chính phủ Hy Lạp đã cam kết cắt giảm chi tiêu cho lĩnh vực công, tự do hóa thị trường lao động và bán tất cả các doanh nghiệp nhà nước. Đổi lại, các nhà lãnh đạo khu vực đồng Euro tuyên bố gói giải cứu 159 tỷ Euro (223 tỷ USD) cho nước này hồi tháng 7. Tuy nhiên, hiện Athens chưa thể đáp ứng các yêu cầu cho đợt giải ngân tiếp theo.

Trước đó, tờ Der Spiegel của Đức dẫn lời Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble nghi ngờ khả năng Hy Lạp có thể tránh được một vụ phá sản và đang chuẩn bị cho viễn cảnh tồi tệ nhất, theo hai kịch bản, hoặc Hy Lạp vẫn ở lại Khu vực đồng Euro, hoặc phải sử dụng lại đồng tiền cũ của họ, đồng drachma.

Tuy nhiên, hôm 11/9, phát biểu ý kiến về tình hình kinh tế tại một hội chợ ở phía bắc Hy Lạp, Thủ tướng nước này khẳng định, ông sẽ làm mọi cách để cứu đất nước thoát khỏi vỡ nợ và ở lại trong khu vực đồng Euro, nhằm xóa bỏ những tin đồn về việc Athens sắp bị loại khỏi khu vực này do khủng hoảng nợ đang tăng lên.

Ông khẳng định, Chính phủ Hy Lạp sẽ đấu tranh để tránh thảm họa cho đất nước, nhân dân và ở lại trong khu vực đồng Euro; đồng thời cam kết sẽ tuân thủ chặt chẽ các biện pháp khắc khổ mà các nước chủ nợ đưa ra, bất chấp các cuộc biểu tình phản đối các biện pháp này ngày một tăng.

Hôm 10/9, Bộ trưởng Bộ Tài chính Hy Lạp cũng cam kết sẽ tiếp tục giảm mạnh khu vực công, đẩy mạnh tư nhân hóa các xí nghiệp nhà nước và tự do hóa thị trường lao động để tránh nguy cơ vỡ nợ. Quan chức này cho biết, kinh tế Hy Lạp có thể suy thoái 5% trong năm nay, mức giảm tồi tệ hơn nhiều so với dự đoán trước đó.

Cũng trong ngày 11/9, 25.000 người Hy Lạp đã xuống đường biểu tình phản đối thắt lưng buộc bụng, nhiều người đã căng băng-rôn lớn với dòng chữ: “Chúng tôi không nợ nần gì hết, không trả gì hết, không bán gì hết, không sợ gì hết”. Khoảng 7.000 cảnh sát đã được điều động. Cảnh sát đã bắn hơi cay vào những người biểu tình quá khích.

Nhiều người Hy Lạp sợ rằng tài sản nhà nước sẽ bị bán với giá quá rẻ và tức giận vì khoảng 20.000 nhân viên trong lĩnh vực công sẽ bị sa thải, nhiều người khác bị cắt giảm lương trong bối cảnh tỷ lệ thất nghiệp đã lên tới 16% vào tháng 6.

12/09 Gián điệp kinh tế hoành hành ở Pháp


▪  HỒNG NGỌC
12/09/2011 10:17 (GMT+7)
 
Đầu năm nay, Pháp từng rúng động bởi vụ gián điệp bị phát hiện ở tập đoàn xe hơi Renault.
"Chiến tranh kinh tế" đang ngấm ngầm đe dọa các doanh nghiệp của Pháp, RFI dẫn bài viết trên tờ Le Figaro của Pháp cho biết. Theo Cơ quan Phản gián (DCRI) Pháp, thì cứ bảy tiếng lại có một doanh nghiệp của Pháp bị tấn công.

Trong vòng có 4 năm, có khoảng 3.900 vụ tình nghi gián điệp bị phát hiện, trong đó 1/3 số hồ sơ này liên quan đến các vụ tấn công vốn, chiếm phần góp vốn hay mưu toan mua lại các xí nghiệp gia công của các tập đoàn lớn.

Tờ Le Figaro cho hay, trong vòng có 4 năm, các doanh nghiệp của Pháp, thuộc mọi loại hình từ các doanh nghiệp lớn cho đến các xí nghiệp nhỏ, đã trở thành mục tiêu tấn công dưới đủ hình thức: mưu toan chiếm đoạt công thức, ăn cắp bằng sáng chế, cài đặt người…

Le Figaro liệt kê lại các vụ gián điệp công nghiệp với những thủ đoạn tinh vi như giả lạc đường để lén chụp hình các dây chuyền lắp ráp. Gần đây, người ta bất ngờ phát hiện một người lạ mặt trong đoàn tham quan một đơn vị sản xuất đang tẩm ướt chiếc cà-vạt của mình, được may đệm thêm một lớp xốp, trong một dung dịch hóa chất.

Hoặc trong một sự cố khác, người ta đã phát giác ra kẻ gián điệp đã giấu những miếng nam châm trong lớp miếng lót giày để thu nhặt những phần tử kim loại quý trong một nhà máy luyện kim. Vào năm 2005, tập đoàn Valeo phát hiện một nữ thực tập sinh Trung Quốc ăn cắp các dữ liệu mật thuộc bộ phận xử lý nhiệt.

Le Figaro cho rằng các đối tượng này tập trung chủ yếu tại Ấn Độ, Mỹ Latin hay các tập đoàn lớn của châu Á. Đứng đầu danh sách là Trung Quốc, với 30.000 sinh viên đang theo học chủ yếu là thạc sĩ hay sau Tiến sĩ.

Cơ quan phản gián Pháp cho biết, "mục tiêu tấn công hàng đầu chính là các phòng thí nghiệm, những nơi nghiên cứu các công nghệ cho tương lai trực thuộc Ủy ban Năng lượng Nguyên tử, Trung tâm nghiên cứu Khoa học Quốc gia, Viện Nghiên cứu quốc gia Nông học, Trường Bách Khoa hay Viện Pasteur".

Trong đó, tấn công bằng tin học dường như là đáng ngại nhất và hiệu quả nhất. Với sự phát triển lan tràn của Internet, các vụ tấn công kiểu này cũng chiếm số lượng quan trọng như là các vụ trộm cắp tại chỗ.

Theo thống kê cho biết những ngành được các gián điệp quan tâm nhiều nhất là hàng không, tiếp đến là sản xuất xe hơi, luyện kim và cuối cùng là chế biến thực phẩm. 

Hồi đầu năm nay, nước Pháp từng bị rúng động bởi vụ gián điệp trong ngành công nghiệp ô tô sau khi tập đoàn xe hơi Renault đình chỉ công tác 3 lãnh đạo cao cấp vì nghi ngờ họ tiết lộ thông tin mật về dự án xe hơi điện - niềm tự hào của ngành sản xuất ô tô của Pháp trong tương lai.

Ba quan chức của hãng Renault liên quan vụ rò rỉ thông tin mật, bao gồm 2 người phụ trách các dự án sản xuất xe ô tô điện và một thành viên ban quản lý công ty. Đây là những dự án mà hãng đang cùng công ty Nissan của Nhật Bản phát triển và dự định cho ra đời một số mẫu vào năm 2014.

Theo nhật báo Le Parisien, cả ba người kể trên đều nắm giữ những vị trí then chốt của tập đoàn. Người thứ nhất là Michel Balthazar, 56 tuổi, một trong 30 thành viên của ban lãnh đạo tập đoàn.

Balthazar tốt nghiệp kỹ sư trường Đại học Lyon, vào Renault năm 1980, từng giữ nhiều vị trí quan trọng trước khi được bổ nhiệm làm Giám đốc phòng thiết kế các dòng xe hơi mới của hãng vào năm 2006. Hai năm sau, ông vào ban lãnh đạo tập đoàn và được coi là người đáng tin cậy của Tổng giám đốc Carlos Ghosn.

Người thứ hai là Matthieu Tenenbaum vào Trung tâm công nghệ của tập đoàn từ năm 1997. Hiện nay, ông là Phó giám đốc dự án xe hơi điện. Ông cũng là người quảng cáo xe điện Twizy của Renault tại triển lãm thế giới xe hơi 2011 ở Paris.

Cuối cùng là Gérard Rochette, cánh tay mặt của Balthazar, phụ trách phòng nghiên cứu. Ở vị trí này, ông Rochette nắm được những công nghệ mới nhất của tập đoàn.

Bộ trưởng Bộ Công nghiệp Pháp Eric Besson cho rằng, vụ bê bối này đe doạ đến ngành công nghiệp ô tô của Pháp. "Vụ bê bối này cho thấy nguy cơ các công ty của chúng ta đang phải đối mặt với hoạt động gián điệp trong lĩnh vực công nghiệp và kinh tế", ông Besson nói.