11/05 Rơi tự do - Kỳ 5: Ngoại ứng, hay các tác động bên ngoài

Thứ Tư, 11/05/2011, 20:00 (GMT+7)


TTO - Hôm nay TTO trích đăng kỳ 5 của cuốn sách "Rơi tự do" (Freefall) của Joseph E.Stiglitz. 5 kỳ chỉ là một phần trong cuốn sách dày lý thú này.

Các quan chức ngân hàng đã không nghĩ rằng một số các công cụ tài chính là nguy hiểm đối với phần còn lại của thị trường như thế nào, nguy hiểm trên phạm vi bên ngoài rộng lớn đã ra sao. Trong kinh tế học, thuật ngữ kỹ thuật ngoại ứng (externalities) đề cập đến những tình huống khi mà một giao dịch thị trường lại tạo ra chi phí hoặc lợi ích lên những bên khác không tham gia giao dịch.

Nếu bạn đang kinh doanh bằng tài khoản của mình và bạn thua lỗ, mất tiền thì chuyện này thực sự chẳng ảnh hưởng đến bất cứ ai khác. Tuy nhiên, hệ thống tài chính ngày nay là đan xen vào nhau và là trung tâm của nền kinh tế, một khi một tổ chức lớn trong đó đổ vỡ cũng có thể khiến cho toàn bộ hệ thống sụp đổ theo. Sự đổ vỡ hiện nay đã ảnh hưởng đến tất cả mọi người: hàng triệu người bị mất nhà cửa, và hàng triệu người nữa đã thấy nhà cửa của họ không còn giá trị; toàn bộ cộng đồng bị tàn phá; người nộp thuế phải thanh toán cho các khoản thua lỗ của các ngân hàng và người lao động bị mất công ăn việc làm. Cái giá phải trả không chỉ ở Mỹ mà còn là trên toàn thế giới, bởi hàng tỷ người không có lợi ích gì từ những hành động thiếu thận trọng của các ngân hàng.

Khi nảy sinh những vấn đề nghiêm trọng về sự đại diện và các ngoại ứng, theo cách điển hình thì các thị trường sẽ không làm việc hiệu quả – trái với quan điểm phổ biến về năng lực của thị trường. Đây là một trong những căn nguyên để điều tiết, quản lý thị trường tài chính. Các cơ quan điều tiết là tấm lá chắn cuối cùng để chống lại những hành vi vừa quá mạo hiểm vừa vô nguyên tắc của các ngân hàng, nhưng sau nhiều năm tập trung nỗ lực vận động hành lang của giới ngân hàng, chính phủ đã không những gỡ bỏ các quy định hiện tại mà còn không thể áp dụng những quy định mới nhằm ứng phó với bối cảnh tài chính đang thay đổi.

Những người không hiểu tại sao các quy định là cần thiết – và do đó tin rằng không cần các quy định – lại trở thành những người quản lý, điều tiết bằng các quy định. Việc bãi bỏ vào năm 1999 đối với đạo luật Glass – Steagall trước kia đã tách biệt các ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại (luật được Quốc hội Mỹ thông qua từ năm 1933, nghiêm cấm các ngân hàng thương mại cấu kết với các tổ chức môi giới có đầy đủ chức năng hoặc tham gia vào các hoạt động đầu tư – ND) đã tạo ra các ngân hàng khổng lồ chưa từng có, quá lớn với ảo tưởng không thể sụp đổ. Khi nhận thức rằng mình quá lớn không thể “chết” được thì họ lại càng hăng máu trong việc chấp nhận rủi ro.

Cuối cùng, các ngân hàng đã rơi vào tình thế “gậy ông đập lưng ông”: các công cụ tài chính mà họ đã sử dụng để khai thác người nghèo đã quay lại đánh vào thị trường tài chính và nhấn chìm các ngân hàng. Khi bong bóng vỡ, phần lớn các ngân hàng vẫn còn đang nắm giữ các chứng khoán nguy hiểm đe dọa sự sống còn của họ – rõ ràng là họ đã không thực hiện tốt công việc chuyển giao rủi ro sang những người khác như họ đã nghĩ.

Nhưng đây là một trong nhiều sự trớ trêu nổi bật lên từ cuộc khủng hoảng: với các nỗ lực của Greenspan và Bush để giảm thiểu vai trò của chính phủ trong nền kinh tế, chính phủ đã đảm nhận một vai trò chưa từng thấy trước kia trên một phạm vi rộng – trở thành chủ sở hữu của công ty xe hơi lớn nhất thế giới, công ty bảo hiểm lớn nhất, và (để lấy lại những gì họ đã gửi các ngân hàng) một số ngân hàng lớn nhất. Một quốc gia, nơi mà chủ nghĩa xã hội thường bị nguyền rủa nay lại xã hội hóa các rủi ro và đã can thiệp vào thị trường theo những cách thức chưa từng thấy.

Những nghịch lý trớ trêu này là tương ứng với bề ngoài không nhất quán trong những lập luận của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Hoa Kỳ trước, trong và sau thời gian diễn ra cuộc khủng hoảng tại Đông Á – và mâu thuẫn giữa các chính sách trước đó và bây giờ. IMF cho rằng họ có thể tin tưởng tuyệt đối vào thị trường – cho rằng các thị trường có năng lực, có thể tự điều chỉnh, và theo đó tốt nhất là cứ để cho những yếu tố cấu thành nên chúng tự xử lý nếu có sự tối đa hóa mức tăng trưởng và hiệu suất – nhưng thời điểm khủng hoảng xảy ra, cơ quan này đã kêu gọi sự hỗ trợ to lớn từ chính phủ, lo lắng về “khả năng lây lan”, sự lan tràn căn bệnh từ một quốc gia này sang các quốc gia khác.

Nhưng sự lây lan là nét điển hình của ngoại ứng, và nếu có những ngoại ứng này thì (theo logic) không thể trông cậy vào thuyết thị trường tuyệt đối được nữa. Ngay cả sau khi có những khoản giải cứu hàng tỷ dollar, IMF và Bộ Tài chính Hoa Kỳ vẫn chống lại việc áp đặt các biện pháp (những quy định) để có thể hạn chế khả năng xảy ra “các vụ tai nạn” và giảm bớt tổn thất, vì họ tin rằng về cơ bản thì các thị trường vẫn tự “chạy tốt”, ngay cả khi họ đã liên tục trải nghiệm các trường hợp trục trặc.

Các gói giải cứu chính là ví dụ về một tập hợp các chính sách không nhất quán, tiềm ẩn các hậu quả trong dài hạn. Các nhà kinh tế học lo lắng về các động cơ – có thể nói rằng đây là mối quan tâm hàng đầu của họ. Một trong những lý luận được đưa ra trên các thị trường tài chính nhằm lý giải tại sao không hỗ trợ các chủ sở hữu tài sản thế chấp khi những người này không thể hoàn trả được nợ là: việc này sẽ làm tăng thêm “rủi ro đạo đức”, có nghĩa là động cơ để thanh toán nợ sẽ suy yếu, nếu chủ sở hữu tài sản thế chấp biết rằng vẫn có một số cơ hội hỗ trợ họ khi họ không trả được nợ.

Những lo lắng về rủi ro đạo đức đã khiến cho IMF và Bộ Tài chính Hoa Kỳ tranh luận kịch liệt chống lại các khoản giải cứu tại Indonesia và Thái Lan – gây ra sự sụp đổ trên diện rộng của hệ thống ngân hàng và làm trầm trọng hơn sự suy thoái tại các nước này. Lo lắng về rủi ro đạo đức đã góp phần vào quyết định không giải cứu Lehman Brothers. Nhưng quyết định này, đến lượt nó, lại dẫn đến chương trình giải cứu lớn nhất trong lịch sử. Nhưng khi những hậu quả từ Lehman Brothers lan sang các ngân hàng lớn tại Mỹ, mối quan tâm về rủi ro đạo đức đã được đặt sang một bên, và sự thay đổi này lớn đến nỗi các nhân viên ngân hàng được phép hưởng khoản tiền thưởng lớn ngay khi ngân hàng có các khoản lỗ kỷ lục, cổ tức tiếp tục không suy giảm, các cổ đông và trái chủ vẫn được bảo vệ.

Các cuộc giải cứu lặp đi lặp lại (không chỉ là bơm tiền, mà còn sẵn sàng cung cấp thanh khoản từ Cục Dự trữ Liên bang khi xảy ra sự cố) góp phần lý giải về cuộc khủng hoảng hiện nay: họ khuyến khích các ngân hàng ngày càng trở nên bất cẩn, khi biết rằng đây là một cơ hội tốt vì nếu có chuyện gì bất trắc xảy ra thì cũng sẽ được cứu thoát. (Các thị trường tài chính gọi hiện tượng này là “quyền chọn bán của Greenspan/Bernanke” [theo cụm từ Greenspan put, nói đến việc Greenspan luôn sẵn sàng giảm lãi suất để hỗ trợ thanh khoản cho thị trường]). Các cơ quan điều tiết đã có một đánh giá sai lầm rằng bởi nền kinh tế đã “sống sót”, nên đúng là các thị trường tự vận hành tốt và chẳng cần các quy định – mà họ đã không nhận ra rằng sự tồn tại đó chỉ có được nhờ sự can thiệp sâu rộng của chính phủ. Cho đến nay, vấn đề rủi ro đạo đức là lớn hơn bao giờ hết.

Các vấn đề đại diện và những ngoại ứng có nghĩa là chính phủ có một vai trò nhất định. Nếu nó làm tốt công việc của mình, sẽ có ít tai nạn xảy ra hơn, và nếu có thì sẽ ít tốn kém hơn. Khi có sự cố, chính phủ sẽ hỗ trợ việc khắc phục hậu quả. Nhưng cách thức khắc phục của chính phủ cũng ảnh hưởng đến khả năng diễn ra các cuộc khủng hoảng trong tương lai – và ý thức xã hội về tính công bằng và công lý.

Mỗi nền kinh tế thành công – và mỗi xã hội thành công – đều bao gồm cả chính phủ và các thị trường. Cần có sự cân bằng giữa các vai trò. Đó không chỉ là vấn đề “bao nhiêu” mà còn là “cái gì”. Trong nhiệm kỳ tổng thống Reagan và cả chính quyền Bush, Hoa Kỳ bị mất sự cân bằng này – khi trước làm quá ít có nghĩa là bây giờ phải làm quá nhiều. Phạm sai lầm ngày nay có nghĩa là còn có thể sai lầm hơn trong tương lai.

JOSEPH E. STIGLITZ

No comments:

Post a Comment