14/11 Cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton nói chuyện với sinh viên Việt Nam

Chủ Nhật, 14/11/2010, 14:03 (GMT+7)


TTO - Sáng nay 14-11, tại Hà Nội, cựu tổng thống Mỹ Bill Clinton đã có buổi nói chuyện với gần 600 sinh viên Đại học Ngoại trương và Học viện Ngoại giao nhân chuyến đi của ông tới Việt Nam và nhân dịp kỷ niệm 15 năm bình thường hóa quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ.



Sáng nay 14-11, cựu tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton đã có buổi nói chuyện với gần 600 sinh viên Đại học Ngoại trương và Học viện Ngoại giao nhân chuyến đi của ông tới Việt Nam - Ảnh: Việt Dũng




Ông Clinton nói: “Việc bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là thời khắc tự hào nhất trong cuộc đời tổng thống của tôi”.


Tại buổi gặp gỡ, ông Clinton đã bày tỏ vinh dự được tới Việt Nam năm nay để đánh dấu sự kiện 15 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ.

Ông Clinton nói: “Việc bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là thời khắc tự hào nhất trong cuộc đời tổng thống của tôi”. Theo ông, việc bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam và Hoa Kỳ đã cho cả thế giới biết về việc tính nhân văn có thể vượt qua mọi khác biệt.

Đã 15 năm kể từ khi bình thường hóa quan hệ, 10 năm kể từ khi kí hiệp định thương mại song phương và 5 năm kể từ khi Quỹ Clinton được thiết lập ở Việt Nam. Nhắc lại lịch sử bình thường hóa quan hệ hai nước, cựu tổng thống Bill Clinton nhấn mạnh: “Chúng ta đã cùng hợp tác về giáo dục, y tế, an ninh, rà phá bom mìn, hỗ trợ nạn nhân chất độc da cam Việt Nam và tìm hài cốt của quân nhân Mỹ mất tích trong chiến tranh Việt Nam. Điều này cho thấy sự sẵn sàng trong việc tăng cường hiểu biết giữa hai nước”.



Ông Clinton đã bày tỏ rất vinh dự được tới Việt Nam năm nay để đánh dấu sự kiện 15 năm bình thường hóa quan hệ giữa Việt Nam - Hoa Kỳ- Ảnh: Việt Dũng


Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có buổi tiếp cựu Tổng thống Bill Clinton. Hai bên đã trao đổi về những tiến triển tích cực trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ sau 15 năm bình thường hóa, triển vọng trong những năm tới và về hoạt động hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS và biến đổi khí hậu của Quỹ Clinton ở Việt Nam.

Cựu tổng thống Hoa Kỳ bày tỏ ấn tượng sâu sắc về những đổi thay mạnh mẽ ở Việt Nam mà ông chứng kiến kể từ chuyến thăm Việt Nam năm 2005.

Nhân buổi gặp, cựu tổng thống Clinton khẳng định Quỹ Clinton sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động trợ giúp Việt Nam trong thời gian tới, tập trung vào lĩnh vực hỗ trợ phòng chống HIV/AIDS, nhất là đối tượng trẻ em, đồng thời mở rộng hợp tác trong lĩnh vực biến đổi khí hậu và quản lý nguồn nước, nhất là ở khu vực Mekong.

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng khẳng định Việt Nam coi trọng quan hệ với Hoa Kỳ và mong muốn hợp tác thúc đẩy, nâng tầm quan hệ hữu nghị, hợp tác nhiều mặt trong thời gian tới, đồng thời đề nghị Hoa Kỳ tiếp tục hợp tác, giúp đỡ Việt Nam trong việc hàn gắn, khắc phục hậu quả chiến tranh, trong đó có vấn đề khắc phục hậu quả chất độc da cam, rà phá bom mìn...



Ông Bill Clinton: “Việc bình thường hóa quan hệ giữa Hoa Kỳ và Việt Nam là thời khắc tự hào nhất trong cuộc đời tổng thống của tôi” - Ảnh: Việt Dũng




Ông Clinton khẳng định Quỹ Clinton sẽ tiếp tục triển khai những hoạt động trợ giúp Việt Nam trong thời gian tới - Ảnh: Việt Dũng

Đông đảo sinh viên chờ đón ông Clinton - Ảnh: Việt Dũng


LƯU TÚ ANH

14/11 Pháp: Chính phủ của thủ tướng Fillon từ chức

Tuổi Trẻ Online - Chủ Nhật, 14/11GửiNhắn tinIn.
Pháp: Chính phủ của thủ tướng Fillon từ chức

TT- – TTO - Hôm 13-11, chính phủ Pháp đã từ chức về mặt thủ tục để cho phép Tổng thống Nicolas Sarkozy thay đổi nhân sự và tăng cường cơ hội tái đắc cử vào năm 2012.

>> Pháp: các cuộc biểu tình đã “hạ nhiệt” >> Pháp: chính quyền quyết “không nhượng bộ”

Hãng tin AP cho hay sau khi thủ tướng Francois Fillon giao lại chính phủ, nước Pháp sẽ có sự đổi mới ở các vị trí cấp bộ trưởng trong vài ngày nữa.

Nhiều chuyên gia và chính trị gia mong chờ ông Sarkozy sẽ tái bổ nhiệm đồng minh Fillon làm thủ tướng và tránh những thay đổi gây sốc khi chỉ định mới nhiều vị trí bộ trưởng.

Báo Le Figaro cho rằng ông Fillon sẽ vẫn giữ chức cùng với Bộ trưởng Kinh tế Christine Lagarde, Bộ trưởng Nội vụ Brice Hortefeux, Bộ trưởng Giáo dục Luc Chatel, Bộ trưởng Ngân sách Francois Baroin và Bộ trưởng Nông nghiệp Bruno le Maire.

Tuy nhiên, Bộ trưởng Năng lượng Jean-Louis Borloo, người từng được coi là có thể thay thế Fillon, cũng gặp gỡ Sarkozy tại điện Elysee hôm qua cùng với ông Fillon.

Jean-Pierre Raffarin, một cựu thủ tướng của Pháp, bình luận rằng ông Fillon sẽ thôi chức vì chính phủ cần nhiều thay đổi sâu sắc hơn. “Tôi kính trọng con người này nhưng ê kíp này không đủ đáp ứng những điều chúng ta cần nữa và tổng thống phải có một đội ngũ mới”, ông nói với tờ Le Monde.

Hồi tháng 6, ông Sarkozy cho biết ông đang lập kế hoạch thay đổi nội các khi dự thảo luật về hệ thống lương hưu được thông qua và dự thảo đã trở thành luật hôm 10-11 vừa qua. Điểm chú ý trong luật hưu trí mới là độ tuổi nghỉ hưu sẽ tăng từ 60 lên 62. Điều này đã gây ra một làn sóng phản đối trên đất Pháp trong nhiều tuần, gây ảnh hưởng đến hình ảnh của ông Sarkozy vốn đang đối mặt với tỉ lệ ủng hộ thấp trong thời gian qua.

Người ta cho rằng chính phủ mới là biện pháp giúp ông tạo ra nền móng vững chắc hơn cho cuộc bầu cử năm 2012.

Pháp đã trải qua vài cuộc thay đổi nội các quy mô nhỏ dưới thời Sarkozy, mới đây nhất là tháng 3. Lần thay đổi lớn nhất là tháng 6-2007, một tháng sau khi ông nhậm chức.

Hiện tỉ lệ ủng hộ Sarkozy là 35%.

PHAN ANH