15/05 Rơi tự do - Kỳ 8: Bức tranh lớn

Chủ Nhật, 15/05/2011, 20:00 (GMT+7)


TTO - Đằng sau tất cả các triệu chứng rối loạn chức năng như trên là một sự thật lớn hơn: nền kinh tế thế giới đang trải qua cơn địa chấn. Trước kia, Đại suy thoái đã xảy ra trùng hợp với sự suy giảm trong nền sản xuất nông nghiệp Hoa Kỳ; giá cả trong ngành nông nghiệp đã sụt giảm ngay trước khi thị trường chứng khoán sụp đổ vào năm 1929.

Sự gia tăng năng suất nông nghiệp thật đáng nể và chỉ cần một tỷ lệ nhỏ dân số cũng có thể sản xuất ra tất cả những thực phẩm đáp ứng tiêu thụ toàn quốc. Việc chuyển đổi từ một nền kinh tế dựa vào nông nghiệp sang một nền kinh tế trong đó ngành chế tạo đóng vai trò thống trị là không dễ dàng. Trong thực tế, nền kinh tế chỉ tiếp tục tăng trưởng trở lại khi Chính sách Kinh tế mới (New Deal) được khởi động và Thế Chiến II thu hút nhân công đến làm việc trong các nhà máy.

Xu hướng tiềm ẩn ngày nay tại Hoa Kỳ là: thoát ra khỏi sản xuất và bước vào lĩnh vực dịch vụ. Cũng giống như trước, điều này một phần là vì sự thành công trong việc tăng năng suất trong ngành chế tạo, do đó một phần nhỏ trong tổng dân số có thể sản xuất ra tất cả các đồ chơi, xe hơi, TV đáp ứng được nhu cầu của một xã hội thậm chí là quá thiên về vật chất và tiêu dùng hoang phí nhất. Nhưng tại Hoa Kỳ và Châu Âu, còn có thêm một chiều hướng bổ sung: toàn cầu hóa, có nghĩa là sự thay đổi trong vị thế sản xuất và lợi thế so sánh với Trung Quốc, Ấn Độ, và các nước đang phát triển khác.

Đi kèm với sự điều chỉnh “kinh tế vi mô” này là một tập các sự mất cân bằng trong kinh tế vĩ mô: trong khi Hoa Kỳ nên tiết kiệm cho các quỹ hưu trí của thế hệ baby-boom (những người ra đời trong giai đoạn bùng nổ dân số sau Thế chiến, từ năm 1946 đến 1964 – ND) đang lão hóa, quốc gia này lại sống vượt ra ngoài lượng của cải sở hữu được, được tài trợ trên quy mô rộng lớn bởi Trung Quốc và các nước đang phát triển khác – những quốc gia đã sản xuất được nhiều hơn mức họ tiêu dùng.

Việc các quốc gia cho nhau vay tiền là bình thường – một số nước muốn giảm mức thâm hụt thương mại, những nước khác lại muốn giảm mức thặng dư – nhưng mô hình theo đó các nước nghèo cho nước giàu vay tiền là khá kỳ lạ và độ lớn của mức thâm hụt dường như không bền vững. Khi các quốc gia đi vay nhiều hơn, bên cho vay có thể mất dần đi niềm tin rằng con nợ có thể trả được nợ vay và điều này có thể đúng ngay cả đối với một con nợ giàu có như Mỹ. Để giúp nền kinh tế Mỹ và kinh tế toàn cầu hồi phục, cần tái cơ cấu các nền kinh tế này theo kinh tế học kiểu mới và điều chỉnh lại sự mất cân bằng toàn cầu.

Chúng ta không thể quay trở lại tình hình mà chúng ta đã có trước khi bong bóng vỡ vào năm 2007. Mà chúng ta cũng không nên quay lại. Có rất nhiều vấn đề với nền kinh tế này – như chúng ta đã thấy. Tất nhiên, cũng có cơ hội để cho một bong bóng mới sẽ thay thế các bong bóng nhà ở, cũng giống như bong bóng nhà ở đã từng thế chỗ cho bong bóng công nghệ. Nhưng những “giải pháp” kiểu này chỉ có thể trì hoãn “ngày đại họa”. Bất kỳ bong bóng mới nào cũng có thể gây nguy hiểm: các bong bóng dầu mỏ đã đẩy nền kinh tế đến bờ vực thẳm. Chúng ta càng chậm trễ trong việc đối phó với những vấn đề cốt lõi thì việc thế giới tăng trưởng mạnh mẽ trở lại sẽ càng lâu xảy ra hơn.

Có một phép thử đơn giản để xem liệu Hoa Kỳ đã có những bước tiến đủ dài nhằm bảo đảm sẽ không có một cuộc khủng hoảng nữa hay chưa: nếu các đề xuất cải cách đã được thực thi, thì có thể tránh được cuộc khủng hoảng hiện nay không? Hay là dù sao thì khủng hoảng cũng xảy ra? Ví dụ, trao nhiều quyền lực hơn cho Cục Dự trữ Liên bang là nội dung cốt lõi trong các đề xuất cải cách công tác điều tiết của chính quyền Obama. Nhưng khi cuộc khủng hoảng bắt đầu, Cục Dự trữ Liên bang đã có quyền hạn nhiều hơn mức mà nó đã sử dụng.

Trong hầu hết các lời lý giải về cuộc khủng hoảng này, họ đã luôn là trung tâm của việc tạo ra các bong bóng hiện nay và trước đó. Có lẽ chủ tịch của FED đã nhận được bài học của riêng mình. Nhưng chúng ta đang sống trong một đất nước của pháp luật, chứ không phải chỉ là của những con người: chúng ta có nên có một chế độ với yêu cầu trước tiên là phải thiêu hủy FED để đảm bảo rằng sẽ không thiết lập nên một tổ chức nào khác nữa? Liệu chúng ta có thể tin vào một hệ thống mong manh chỉ dựa vào triết lý kinh tế và sự hiểu biết của một người – hoặc thậm chí là cả 7 thành viên trong Hội đồng Quản trị của FED? Khi cuốn sách này được phát hành, rõ ràng là các biện pháp cải cách đã không đi đủ xa.

Chúng ta không thể chờ thời gian sau cuộc khủng hoảng. Thật vậy, cách thức mà chúng ta đã xử lý cuộc khủng hoảng có thể làm cho việc nhận ra được toàn bộ những vấn đề sâu xa hơn trở nên khó khăn thêm. Chương kế tiếp sẽ phác họa những gì chúng ta lẽ ra nên làm để giải quyết cuộc khủng hoảng – và tại sao những gì chúng ta đã làm là thiếu sót rất nhiều.

JOSEPH E. STIGLITZ

Kỳ tới: Rơi tự do và hậu quả của nó

Tháng 10 năm 2008, nền kinh tế Mỹ rơi tự do, đe dọa kéo theo toàn bộ nền kinh tế thế giới đi xuống dốc. Trước đó chúng ta đã từng chứng kiến các thị trường chứng khoán sụp đổ, tín dụng bất ổn, thị trường nhà ở đình trệ, và sự điều chỉnh lượng hàng tồn kho. Nhưng đây là lần đầu tiên kể từ cuộc Đại suy thoái, tất cả những sự kiện này cùng lúc xảy ra.

No comments:

Post a Comment