01/03 “Cuộc chiến tiền tệ” đã chuyển thành cuộc chiến chống lạm phát trên toàn cầu

Thứ 3, 01/03/2011, 08:06

Việc làm mạnh đồng nội tệ được coi như cách hiệu quả để kiềm chế lạm phát vốn đang tăng nhanh trên khắp thế giới, đặc biệt nhóm thị trường mới nổi.

Mới chỉ tháng trước, chính phủ nhiều nước mới nổi, từ Nam Phi cho đến Braxin, cảnh báo rằng hoạt động đua hạ giá đồng nội tệ có thể cần thiết để giúp hỗ trợ xuất khẩu và tăng trưởng kinh tế.

Hiện nay, người ta không còn bàn đến các biện pháp kiểm soát tiền tệ nhiều như trước. Lãi suất đang tăng lên bởi giá hàng hóa ở mức cao kỷ lục và giá dầu 100USD/thùng khiến lạm phát trở thành mối rủi ro lớn hơn.

Morgan Stanley dự báo đồng tiền của nhóm nước mới nổi sẽ tiếp tục tăng giá mạnh hơn đồng tiền của nhóm nước phát triển.

Tuần trước, Bộ trưởng Tài chính Nam Phi và phó thống đốc Ngân hàng Trung ương Indonexia cho rằng đồng tiền mạnh lên có thể giúp kiềm chế giá cả tăng.

Bộ trưởng Tài chính Nga tuyên bố ủng hộ chính sách tỷ giá linh hoạt.

Tháng 9/2010, Bộ trưởng Tài chính Braxin tuyên bố về một “cuộc chiến tiền tệ”, khi đó ông cam kết mua đồng USD để ngăn đồng real tăng giá và sau đó 2 tháng tuyên bố ngừng lại.

Tháng 2/2011, Peru, Trung Quốc, Colombia, Indonexia và Nga đã nâng lãi suất cơ bản.

Ông Jens Nordvig, giám đốc điều hành bộ phận nghiên cứu tiền tệ tại Nomura Holdings, cho rằng: “Nếu vấn đề kinh tế vĩ mô chuyển từ tăng trưởng yếu sang lạm phát cao, chắc chắn chính phủ sẽ phải tiến hành thắt chặt chính sách tiền tệ. Cách nhanh nhất để kiềm chế lạm phát chính là tìm cách làm mạnh đồng nội tệ.”

Thông tin về các cuộc biểu tình tại Ai Cập, Baranh, Libya và Tunisia đã đẩy giá dầu tại thị trường New York tăng lên hơn 100USD/thùng lần đầu tiên từ tháng 10/2008. Điều này không khỏi khiến người ta lo lắng về khả năng giá năng lượng tăng sẽ kéo theo lạm phát trầm trọng.

So với cùng kỳ năm trước, chỉ số của 55 loại thực phẩm tăng 3,5% trong tháng 1/2011 lên mức kỷ lục 231 điểm.

Các chuyên gia kinh tế tại Barclays Capital dự báo lạm phát tại nhóm nước mới nổi hiện đang ở mức khoảng 6% trong khi đó lạm phát tại nhóm nước phát triển khoảng 2%.


Ngọc Diệp

Theo Businessweek

01/03 Tài sản nào sinh lời nhiều nhất trong tháng 2/2011?

Thứ 3, 01/03/2011, 09:19

Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu phục hồi, tốt nhất nhà đầu tư nên chú ý đến các loại hàng hóa.

Tháng 2/2011, tăng trưởng của giá kim loại và các loại ngũ cốc cao hơn so với cổ phiếu, trái phiếu và đồng USD đến tháng thứ 3 liên tiếp.

Lạm phát khiến giá bông, ca cao tăng lên, nhà đầu tư cho rằng bất ổn tại Trung Đông và Bắc Phi sẽ hạn chế nguồn cung năng lượng.

Chỉ số S&P GSCI Total Return của 24 loại hàng hóa tăng 3,8% trong tháng 2/2011 và như vậy tăng đến tháng thứ 6 liên tiếp, chuỗi thời gian tăng dài nhất từ năm 2004.

Chỉ số MSCI All-Country World của thị trường chứng khoán 45 nước tăng 3% tính cả cổ tức trong khi đó giá trái phiếu của doanh nghiệp và chính phủ tăng 0,13%.

Chỉ số USD, chỉ số đo biến động của đồng USD so với một số loại tiền tệ lớn như đồng euro hay đồng yên, hạ 1,1%.

Từ tháng 9/2010 đến nay, tăng trưởng kinh tế toàn cầu lên mạnh hơn, giá hàng hóa nguyên liệu thô vì thế tăng. Cùng lúc đó, Ngân hàng Trung ương nhóm nước phát triển từ Trung Quốc cho đến Nga đang nâng lãi suất cơ bản và tỷ lệ dự trữ bắt buộc trong cuộc chiến kiềm chế lạm phát, thị trường chứng khoán vì vậy khó tăng điểm.

Ông Kevin Rendino, chuyên gia quản lý tiền tệ tại BlackRock, cho rằng: “Giá hàng hóa đang tăng chậm lại. Mỗi loại hàng hóa có đặc tính khác nhau thế nhưng nguồn cung dầu chắc chắn có vấn đề. Kinh tế phát triển hơn, nhu cầu hàng hóa vì thế tăng theo.”

Lần gần nhất tăng trưởng của giá hàng hóa cao hơn so với cổ phiếu, trái phiếu và đồng USD đến 3 tháng liên tiếp diễn ra vào tháng 6/2008 khi đó giá dầu tăng bởi tình hình bất ổn tại Iraq.

Tháng 2/2011, giá các kim loại tăng sau khi báo cáo cho thấy sản xuất Trung Quốc tăng trưởng và sản xuất Mỹ lên mạnh.

Giá bạc tăng tới 20% trong tháng, mức cao nhất so với bất kỳ kim loại nào trong nhóm tính chỉ số S&P GSCI.

FED nâng dự báo về tăng trưởng kinh tế Mỹ từ mức 3,4% đến 3,9% từ mức 3% đến 3,6%.


Ngọc Diệp

Theo Reuters,Bloomberg

02/03 FED khẳng định kinh tế Mỹ khó đương đầu với giảm phát

Thứ 4, 02/03/2011, 07:54

Chủ tịch FED tin giá dầu cao sẽ không tác động xấu đến kinh tế Mỹ trừ khi mức cao được duy trì trong thời gian dài.

Ông Ben Bernanke, chủ tịch FED, trong ngày thứ Ba tuyên bố rằng việc giá dầu tăng cao sẽ không ảnh hưởng đến kinh tế Mỹ trừ khi tình trạng này kéo dài bởi nhà đầu tư bán chứng khoán với lo lắng kinh tế tăng trưởng chững lại.

Trong bài phát biểu đầu tiên từ khi bất ổn tại Libya xảy ra, ông Bernanke cho biết ông kỳ vọng giá dầu tăng cao sẽ chỉ ảnh hưởng nhẹ đẩy lạm phát tại Mỹ tăng.

Phát biểu với Ủy ban ngân hàng thuộc Thượng viện Trung Quốc, chủ tịch FED nói ông nhìn thấy bằng chứng rằng kinh tế đã phục hồi đủ mạnh để có thể tự hỗ trợ, tuy nhiên tăng trưởng trên thị trường việc làm vẫn ở mức quá yếu, như vậy FED sẽ không hạn chế bớt đi chương trình 600 tỷ USD mua trái phiếu.

Ông nói: “Chúng tôi nhìn thấy căn cứ để lạc quan về thị trường việc làm trong vài quý tới.”

Chủ tịch FED, người sẽ tiếp tục điều trần trong ngày hôm nay trước ủy ban thuộc Hạ viện Mỹ, cũng nhắc lại lời cảnh báo rằng việc Quốc hội Mỹ không nâng mức trần nợ sẽ dẫn đến khả năng vỡ nợ cao.

Ông nói: “Sẽ cực kỳ nguy hiểm và đà phục hồi của kinh tế Mỹ có thể chấm dứt.” Ngày thứ Ba, Bộ Tài chính Mỹ cho biết có thể có được mức giới hạn nợ trước ngày 15/04, 10 ngày sau dự báo lần gần nhất.

Cảnh báo của chủ tịch FED được đưa ra vài giờ trước khi Hạ viện Mỹ chấp thuận dự thảo luật ngắn hạn để ngăn khả năng sụp đổ và có thêm thời gian để tính toán về ngân sách dài hạn. Thượng viện Mỹ sẽ nhanh chóng chấp nhận dự thảo trên.

Phát biểu trước các nhà hoạch định chính sách, chủ tịch FED cho rằng rủi ro đi xuống đối với tăng trưởng kinh tế đã giảm đi. Lần đầu tiên ông khẳng định rủi ro giảm phát không lớn. Rủi ro giảm phát, việc lương và giá cả không ngừng hạ và sẽ cản trở đà phục hồi của nền kinh tế, được tính đến trong chương trình mua trái phiếu của FED.

Ngọc Diệp
Theo Reuters

02/03 Nhiều tín hiệu để lạc quan về kinh tế Úc

Thứ 4, 02/03/2011, 13:54

Nhu cầu quặng sắt và than của Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty như BHP Billiton Ltd., mở rộng sản xuất và tác động tích cực với thị trường lao động trong nước.

Kinh tế Úc đã tăng trưởng trong quý 4 /2010 do chính phủ tăng cường chi tiêu và đầu tư cho máy móc thiết bị.

Theo Cục thống kê Úc tại Sydney, tổng sản phẩm quốc nội (GDP) tăng 0,7% so với quý 3/2010. Mức tăng này đúng với dự báo trong khảo sát của Bloomberg News thực hiện với 25 nhà kinh tế học.

Nhu cầu quặng sắt và than của Trung Quốc đã thúc đẩy các công ty như BHP Billiton Ltd., mở rộng sản xuất và tác động tích cực với thị trường lao động trong nước.

Ngân hàng Dự trữ Úc đã nâng lãi suất lần thứ 7 kể từ tháng 10/2009 đến tháng 11/2010, nhằm hạn chế chi tiêu của các hộ gia đình, tăng tiết kiệm, vì thế nên ngân hàng Trung Ương tạm thời chưa nâng lãi suất cơ bản.

Matthew Circosta, nhà kinh tế học tại Moody’s Analytics tại Sydney, nhận xét: “Đầu tư cho kinh doanh đang tăng và xu hướng này vẫn tiếp tục trong năm 2011. Trong quý 4/2010, đầu tư cho cơ sở hạ tầng và lĩnh vực khai khoáng tăng lên do triển vọng sáng sủa của kinh tế năm 2011”.

Theo báo cáo ngày hôm nay, xuất khẩu và nhập khẩu đều tăng 3% trong quý 4/2010, triệt tiêu mọi đóng góp cho GDP. Chi tiêu của chính phủ tăng 1,1%, bổ sung thêm 0,2% cho tổng sản lượng của quý, trong khi đầu tư cho máy móc thiết bị tăng 5,1%, bổ sung thêm 0,3% tổng sản lượng của quý.

Quý 4/2010, kinh tế Úc tăng trưởng 2,7% so với một năm trước đó, tốc độ tương tự như trong quý 3/2010. Các nhà kinh tế dự báo mức tăng trưởng là 2,8%.

Stevens ngày hôm qua vẫn giữ nguyên lãi suất 4,75% trong phiên họp thứ 3 liên tiếp và lặp lại điệp khúc chưa thể tăng chi phí cho vay. Trong một bản báo cáo, ông ấy đã gọi chính sách tiền tệ hiện nay là chính sách hạn chế nhẹ nhàng và thích hợp với triển vọng của nền kinh tế.

Đôla Úc, đồng tiền giao dịch nhiều thứ năm trên thế giới, đã lên mức kỷ lục 1,0256 USD vào ngày 31/12/2010. Sau khi báo cáo GDP được công bố ngày hôm nay, đồng đôla Úc đã giảm xuống 1,0126 USD tại Sydney từ mức giá 1,0145 USD trước bản báo cáo này.

Ông Stevens tuyên bố: “Các điều kiện thương mại của Úc hiện đang ở mức độ tốt nhất kể từ những năm 50 và thu nhập quốc gia đang tăng lên mạnh mẽ. Đầu tư tư nhân đang tăng mạnh chủ yếu trong lĩnh vực khai thác tài nguyên do giá cả các loại hàng hóa tăng”.

Đầu tư kinh doanh của Úc tăng kỷ lục trong quý 4/2010 và trong một báo cáo của chính phủ tháng trước cho thấy số người Úc có việc làm mới tăng thêm 24.000 trong tháng 1/2011, nhiều hơn mức dự đoán trước đó 17.500 người trong một khảo sát của Bloomberg với 20 nhà kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp là 5%, mức thấp nhất trong vòng 2 năm.

Stephen Robert,nhà kinh tế học cấp cao thuộc Nomura Australia Ltd tại Sydney, cho rằng : “Tốc độ tăng trưởng GDP tương đối cao chủ yếu là dựa vào xuất khẩu.Lũ lụt và cơn bão Yasi sẽ làm giảm GDP của quý 1/2011”.

Những trận mưa xối xả ở miền đông bắc bang Queensland trong tháng 12 và tháng 1 đã làm phá hoại 30.000 ngôi nhà, đóng cửa mỏ than, tê liệt đường sắt và thiệt hại mùa màng. Bang Victoria cũng bị ảnh hưởng bởi lũ lụt.

Tháng trước RBA đã nâng dự báo tăng trưởng kinh tế lên 4,25%, từ mức dự báo trong tháng 11/2010 là 3,75% và cho rằng hoạt động tái thiết sau lũ lụt sẽ diễn ra mạnh mẽ vào nửa năm sau. Giá cả tiêu dùng sẽ tăng 3%, so với mức dự báo trước đó là 2,75%.

Các nhà hoạch định chính sách cho rằng năm nay GDP sẽ tăng trưởng nhờ vào nhiều dự án lớn chẳng hạn như dự án khí hóa lỏng tự nhiên tại bang Queensland của BG Group Plc trị giá 15 tỷ USD sẽ tạo ra khoảng 5000 việc làm trong nghành xây dựng

BG, Chevron Corp, Royal Dutch Shell Plc và Conoco Philip nằm trong số các công ty năng lượng đầu tư 200 tỷ AD vào dự án khí hóa lỏng tại Úc.

Ông Stevens tháng trước đã ám chỉ tính cấp thiết phải tăng lãi suất trong tương lai gần. Trong cuộc trao đổi với các nhà làm luật tại Canbera, ông nói: “Chúng ta đang bắt đầu vào một cuộc chơi, các bạn muốn mình sẽ ở đâu trong cuộc chơi ấy, và liệu có đủ thời gian cho bạn ngồi, chờ đợi và quan sát hay không? Đôi khi đó có thể là một khoảng thời gian dài vừa phải”.

My Vân
Theo Bloomberg,Nytimes