16/05 Rơi tự do - Kỳ 9: Rơi tự do và hậu quả của nó

Thứ Hai, 16/05/2011, 20:00 (GMT+7)


TTO - Tháng 10-2008, nền kinh tế Mỹ rơi tự do, đe dọa kéo theo toàn bộ nền kinh tế thế giới đi xuống dốc. Trước đó chúng ta đã từng chứng kiến các thị trường chứng khoán sụp đổ, tín dụng bất ổn, thị trường nhà ở đình trệ, và sự điều chỉnh lượng hàng tồn kho. Nhưng đây là lần đầu tiên kể từ cuộc Đại suy thoái, tất cả những sự kiện này cùng lúc xảy ra.

Và cũng chưa bao giờ những đám mây báo bão lại di chuyển qua Đại Tây Dương và Thái Bình Dương nhanh đến vậy, tập trung thêm sức tàn phá khi chúng đi qua. Nhưng trong khi mọi thứ dường như đang rơi rụng từng phần cùng một lúc, người ta nhìn thấy có một nguồn gốc chung: sự cho vay thiếu thận trọng của lĩnh vực tài chính, vốn đã nuôi dưỡng bong bóng nhà ở để cuối cùng đã nổ tung.

Sự kiện thực tế được phơi bày là: những hậu quả này có thể được dự đoán và đã được dự đoán từ. Các bong bóng này và hậu quả của chúng cũng chẳng có gì mới lạ, như chính chủ nghĩa tư bản và giới ngân hàng. Đơn giản chỉ là Hoa Kỳ đã xóa bỏ được các bong bóng này trong nhiều thập kỷ từ sau cuộc Đại suy thoái, với các quy định do chính phủ ban hành sau khi bị “chấn thương”. Một khi quy định bị bãi bỏ, việc tái diễn các nỗi kinh hoàng của quá khứ sẽ chỉ còn là vấn đề thời gian. Cái gọi là “cải cách tài chính” chỉ làm cho các bong bóng phình to hơn trước khi nó nổ tung, và làm cho việc thu dọn sau vụ nổ trở nên khó khăn hơn.1

Yêu cầu cần phải có các biện pháp quyết liệt đã trở nên rõ ràng từ hồi tháng 8 năm 2007. Thời điểm này, sự khác biệt giữa các mức lãi suất cho vay liên ngân hàng (lãi suất mà các ngân hàng cho nhau vay) và lãi suất từ trái phiếu chính phủ ngắn hạn T-bills (mức lãi suất mà chính phủ đi vay tiền trong ngắn hạn) là rất lớn. Trong một nền kinh tế “bình thường”, các mức lãi suất này chỉ khác nhau chút ít. Khi có khác biệt lớn, nghĩa là các ngân hàng đã không tin tưởng lẫn nhau.

Các thị trường tín dụng có nguy cơ bị đóng băng – và vì một lý do chính đáng. Ai cũng biết những rủi ro lớn họ phải đối mặt trên bảng cân đối tài chính, khi các khoản thế chấp mà họ nắm giữ đang trở nên bất lợi và còn thêm các khoản mất mát khác. Họ biết tình hình đang bấp bênh đến mức nào – và họ chỉ có thể dự đoán về sự bấp bênh của các ngân hàng khác.

Bong bóng vỡ tan và thắt chặt tín dụng là những hậu quả không thể tránh khỏi. Chưa thể cảm nhận được ngay sau một đêm mà sẽ phải mất hàng tháng, nhưng chẳng có lối tư duy ảo tưởng nào có thể ngăn chặn quá trình này lại. Nền kinh tế đi xuống. Và khi kinh tế xuống dốc sẽ kéo theo số lượng các vụ tịch biên tài sản thế chấp ngày càng tăng thêm. Những vấn đề liên quan đến bất động sản đầu tiên chỉ lộ diện trên thị trường tín dụng dưới chuẩn, nhưng sau đó nhanh chóng xuất hiện trong các lĩnh vực khác.

Nếu người Mỹ không thể thanh toán việc mua nhà, thì họ cũng sẽ gặp khó khăn khi phải thanh toán các thẻ tín dụng. Khi giá bất động sản giảm sút, việc nảy sinh các rắc rối trong trong lĩnh vực bất động sản dân cư và thương mại chỉ còn là vấn đề thời gian. Khi lượng chi cho tiêu dùng cạn kiệt, chắc chắn rằng nhiều doanh nghiệp sẽ phá sản – đồng nghĩa với việc tỷ lệ vỡ nợ từ các khoản vay thương mại cũng sẽ tăng thêm.

Tổng thống Bush đã khẳng định rằng chỉ có những gợn sóng nhỏ trên thị trường nhà ở và một vài chủ sở hữu nhà chịu tổn thương. Khi thị trường nhà đã giảm đến mức thấp nhất trong 14 năm qua, ông đã trấn an cả nước vào ngày 17 tháng 10 năm 2007: “Tôi cảm thấy ổn trong nhiều chỉ số kinh tế tại Hoa Kỳ”. Ngày 13 tháng 11, ông khẳng định lại: “Nền tảng của kinh tế nước ta rất mạnh, và chúng ta có một nền kinh tế với sức bật tốt”. Nhưng những căn bệnh trong lĩnh vực ngân hàng và bất động sản vẫn tiếp tục diễn biến xấu đi. Khi nền kinh tế đi vào suy thoái trong tháng 12 năm 2007, ông bắt đầu phải thừa nhận rằng có thể có vấn đề: “rõ ràng là đang xuất hiện những đám mây của cơn bão và sự quan ngại, nhưng căn bản vẫn là tốt”.

Khi ngày càng có nhiều lời kêu gọi hành động từ các nhà kinh tế học và từ lĩnh vực kinh doanh, Tổng thống Bush đã quay sang dùng liệu pháp quen thuộc mà ông dành cho mọi căn bệnh của nền kinh tế và đã thông qua việc cắt giảm 168 tỷ dollar tiền thuế trong tháng 2 năm 2008. Hầu hết các nhà kinh tế học theo trường phái Keynes đều dự đoán rằng liều thuốc này sẽ không hiệu quả. Người Mỹ đã phải gồng gánh nợ nần và chịu đựng những nỗi lo lớn, vậy tại sao họ sẽ chi tiêu, chứ không phải là tiết kiệm, từ khoản cắt giảm thuế nho nhỏ này? Trên thực tế, họ đã để dành lại hơn một nửa, do đó chỉ kích thích được chút ít cho một nền kinh tế đang trì trệ.

Nhưng mặc dù ủng hộ việc cắt giảm thuế, Tổng thống vẫn không chịu tin rằng nền kinh tế đang phải đối đầu với suy thoái. Thật vậy, ngay cả khi đất nước đã rơi vào suy thoái được vài tháng, ông vẫn không chịu thừa nhận khi tuyên bố vào ngày 28 tháng 2 năm 2008, “tôi không nghĩ rằng chúng ta đang đương đầu với suy thoái”. Ngay sau đó, khi các quan chức của Cục Dự trữ Liên bang và Bộ Tài chính mai mối cho một “đám cưới chạy” giữa gã khổng lồ trong ngành đầu tư là Bear Stearns với JP Morgan Chase với giá chỉ là 2 dollar một cổ phiếu (sau đó sửa thành 10 dollar), thì rõ ràng là vụ nổ bong bóng đã gây ra thiệt hại nhiều hơn chứ không chỉ là một gợn sóng nhỏ cho nền kinh tế.

Khi Lehman Brothers phải đối mặt với nguy cơ phá sản trong tháng 9, cũng chính những quan chức này đột ngột đổi hướng và cho phép ngân hàng sụp đổ, khởi động một dòng thác giải cứu trị giá hàng tỉ dollar. Sau đó, việc suy thoái kinh tế không thể bị phớt lờ được nữa. Nhưng sự sụp đổ của Lehman Brothers là hệ quả, chứ không phải nguyên nhân, của nền kinh tế đang tan rã, giúp tăng tốc quá trình đã được xác lập.

Bất chấp thất nghiệp tăng cao (trong 9 tháng đầu năm 2008, có khoảng 1.8 triệu người mất việc làm, cùng với 6.1 triệu người Mỹ phải làm việc bán thời gian, vì họ không thể có được một công việc toàn thời gian) và chỉ số Dow Jones trung bình giảm 24% từ tháng 1 năm 2008, Tổng thống Bush và các cố vấn của ông vẫn khăng khăng cho rằng điều này không tệ như vẻ bề ngoài của chúng. Tổng thống Bush đã nói trong bài diễn văn ngày 10 tháng 10 năm 2008, “Chúng ta đã biết những vấn đề ở đây là gì, chúng ta có những công cụ cần thiết để xử lý chúng, và chúng ta đang nhanh chóng làm điều đó”.

Tuy nhiên, trên thực tế thì chính quyền Bush đã chuyển sang một tập hợp hữu hạn các công cụ – và thậm chí sau đó không thể chọn lựa được cách thức nào để làm cho các công cụ đó phát huy hiệu quả. Chính phủ đã từ chối không giúp các chủ sở hữu nhà, không hỗ trợ những người thất nghiệp, và không kích thích nền kinh tế thông qua các biện pháp phổ thông thường thấy (tăng chi tiêu, hoặc thậm chí là “các công cụ lựa chọn” của nó, hay cắt giảm thuế nhiều hơn nữa). Chính phủ lại tập trung vào việc ném tiền cho các ngân hàng nhưng đã lúng túng vì phải chật vật nhằm tìm ra một phương cách hiệu quả, một phương thức sẽ nhanh chóng khởi động lại tiến trình cho vay.

Sau sự sụp đổ của Lehman Brothers, vụ quốc hữu hóa Fannie Mae và Freddie Mac, và đợt giải cứu AIG, ông Bush vội vã đi cứu các ngân hàng với khoản tiền khổng lồ 700 tỷ dollar, với một chương trình có tên hoa mỹ là “Chương trình xử lý các tài sản có vấn đề” (TARP: Troubled Asset Relief Program). Chính sách của Tổng thống Bush vào mùa thu 2008 nhằm giúp các ngân hàng nhưng lại bỏ qua hàng triệu ngôi nhà bị tịch biên cũng gần giống như việc truyền thêm nhiều máu cho một bệnh nhân đã tử vong vì xuất huyết nội.

Lẽ ra cần phải làm rõ một điều là: nếu không tác động gì đến các nền tảng căn bản của nền kinh tế và can thiệp vào dòng lũ của các khoản thế chấp bị tịch biên, thì việc đổ tiền vào các ngân hàng cũng chẳng thể giải cứu chúng được. Ở mức tối đa thì việc bơm tiền mặt chỉ là một thứ thuốc giảm đau tạm thời. Các đợt giải cứu nối đuôi nhau, thậm chí một ngân hàng được giải cứu nhiều lần 5 (chẳng hạn như Citibank, ngân hàng lớn nhất của Mỹ tại thời điểm đó).

JOSEPH E. STIGLITZ

Kỳ cuối: Tranh luận về sự phục hồi và chiến dịch vận động tranh cử tổng thống

Khi cuộc bầu cử tổng thống vào tháng 11-2008 đang đến gần, hầu như tất cả mọi người (tất nhiên là trừ Tổng thống Bush) đều thấy rõ ràng là cần phải làm nhiều việc hơn nữa để đưa được nền kinh tế ra khỏi suy thoái. Chính phủ vẫn hy vọng rằng, sau khi giải cứu các ngân hàng, các mức lãi suất thấp sẽ đủ đáp ứng yêu cầu công việc trên. Nhưng...

No comments:

Post a Comment