10/06 CNTT Ấn Độ - Chờ một bước nhảy mới

10/06/2011 08:00:47 AM
1a.jpg
Ngành CNTT Ấn Độ hiện mỗi năm mang về cho ngân sách quốc gia 59 tỷ USD



ICTnews - 20 năm phát triển, Ấn Độ trở thành một cường quốc về CNTT với những thành tựu ấn tượng. Nhưng những gì đang diễn ra trong năm 2011 cho thấy, đã đến lúc Ấn Độ cần có một bước nhảy mới cho lĩnh vực này.

Từ con số 0

Ông S. Gopalakrishnan – Tổng giám đốc điều hành Infosys đã có lần nói: “CNTT đã góp một phần lớn trong việc thay đổi nhận thức coi Ấn Độ là một quốc gia thuộc thế giới thứ 3”. Nhưng sau hơn 2 thập kỷ, những con đường ở Bangalore – trái tim của ngành CNTT Ấn Độ - vẫn gập gềnh và đầy ổ gà, những lần cắt điện đột ngột khiến hệ thống của các hãng gia công “chết đứng” trong vài phút trước khi máy nổ của họ kịp khởi động….

Có thể nói, ngành CNTT Ấn Độ ra đời từ con số không nhưng hiện nay mỗi năm mang về cho ngân sách quốc gia tới 59 tỷ USD và trở thành một “thương hiệu quốc gia”, góp phần thúc đẩy sự phát triển của hàng loạt các ngành kinh tế khác.

C ó điều, bắt đầu từ năm 2010 và thể hiện rõ nhất là những tháng vừa qua của năm 2011, Infosys và Wipro – 2 trong số 3 hãng CNTT lớn nhất của Ấn Độ đang đau đầu tìm giải pháp để chữa căn bệnh lợi nhuận đạt thấp hơn kỳ vọng của các nhà đầu tư.

Một loạt các hãng CNTT chủ chốt còn đang trong giai đoạn cải tổ bộ máy lãnh đạo, chuyển hướng và thay đổi chiến lược kinh doanh. Chỉ có duy nhất Tata (TSC) là đang “chạy hết công suất” dù nguy cơ “chết máy” giữa chừng không phải là không có.

Trên thực tế dù hiệu quả kinh doanh vẫn đang ở tình trạng khá tốt nhưng cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới vừa qua đã để lại những di chứng khá nặng nề cho ngành CNTT Ấn Độ. Các đối tác, khách hàng liên tục cắt giảm ngân sách và chi phí cho lĩnh vực gia công.

Các hãng CNTT phương Tây như IBM, HP… hay thậm chí là các đối thủ cạnh tranh đến từ châu Á cũng ngày càng trở nên “thiện chiến” không kém so với các doanh nghiệp Ấn Độ khiến thị trường cạnh tranh trở nên vô cùng khốc liệt.

Gỡ mác “chợ lao động giá rẻ”

Với các doanh nghiệp CNTT Ấn Độ, mục tiêu quan trọng nhất của họ hiện nay là chuyển đổi chiến lược kinh doanh nhằm gỡ mác “chợ lao động giá rẻ” trong mắt các khách hàng phương Tây – hay nói cách khác là giảm dần lợi thế về giá nhân công và tăng hàm lượng chất xám trong các sản phẩm, dịch vụ của mình. Nhưng điều này không hề dễ dàng.

Hiện tại, mức lương trung bình của các chuyên gia Ấn Độ vẫn chỉ bằng ½ so với chuyên gia của các nước Âu – Mỹ. Trong khi đó, mức lương trung bình của lao động trong nước lại đang có xu hướng gia tăng ngày càng cao và hiện đã cao hơn so với năm 2010 khoảng 10%.

Chưa hết, lĩnh vực CNTT Ấn Độ cũng đang chịu ảnh hưởng không ít từ những “dư chấn” liên quan đến chính sách, chính trị, đặc biệt là của Mỹ như việc thay đổi cơ chế cấp visa, giấy phép lao động cho các kỹ sư Ấn Độ hay việc siết chặt quy định về gia công.

Mới đây nhất, chính quyền bang Ohio (Mỹ) còn ban hành lệnh cấm việc sử dụng nguồn ngân sách công cộng để chi trả cho các dịch vụ được cung cấp bởi hãng nước ngoài. Sự thay đổi này đã giáng những đòn khá mạnh vào triển vọng kinh doanh trong những năm tiếp theo của Infosys.

Vậy diện mạo sắp tới của ngành công nghiệp CNTT Ấn Độ sẽ là gì? Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, giải pháp tốt nhất dành cho họ là phải nhanh chóng tìm cách chen chân để đoạt những khách hàng là doanh nghiệp lớn thuộc các thị trường mới nổi như Trung Quốc, Braxin, Nga… đồng thời trở thành những nhà cung cấp dịch vụ hoàn chỉnh và cao cấp chứ không chỉ là “người giúp việc ở hậu trường” như hiện nay.

Không chịu trói mình trong lĩnh vực gia công, nhiều doanh nghiệp Ấn Độ còn đang tận dụng kinh nghiệm của mình để tích cực chuyển hướng sang những lĩnh vực mới mẻ nhưng nhiều tiềm năng như điện toán đám mây, dịch vụ di động…

Có điều, hướng phát triển này cũng tiềm ẩn những rủi ro nhất định như phải phụ thuộc khá nhiều vào các hợp đồng dài hạn, giá dịch vụ buộc phải cố định trong nhiều năm và khó khăn hơn trong việc đàm phán với khách hàng.
“Phải dám đối mặt và chấp nhận rủi ro nếu muốn thành công và lợi nhuận. Đặc biệt, với những giai đoạn phát triển bước nhảy như hiện nay, rủi ro là điều không tránh khỏi và tôi tin rằng Ấn Độ sẽ vượt qua”, ông Senapaty của Wipro nói.

Du Phong
Theo Economist
Bài viết đã đăng trên báo Bưu điện Việt Nam số 69 ra ngày 10/6/2011