25/05 Kinh tế thế giới khó có thể tránh được suy thoái?

25/05/2011 | 15:26:00

Ảnh minh họa. (Nguồn: Internet)
Theo báo Bưu điện Tài chính ngày 24/5, khi đợt nới lỏng có định lượng lần hai (QE II) của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) sẽ kết thúc trong vòng 5 tuần tới và Hy Lạp đang có nguy cơ vỡ nợ, thế giới khó có thể chống chọi với sự suy giảm kinh tế.

Tuy nhiên, điều đó còn tùy thuộc vào việc điều gì sẽ xảy ra do nhu cầu của châu Á giảm sút, khi kinh tế Trung Quốc tăng trưởng chậm lại, còn kinh tế Nhật Bản đang phải vật lộn với nhiều khó khăn.

Kinh tế Nhật Bản đã sụt giảm 0,9% trong quý 1 năm 2011 do động đất, sóng thần và cuộc khủng hoảng hạt nhân đang diễn ra. Chỉ số sức mua sơ bộ HSBC/Markit của Trung Quốc trong tháng 5 đã giảm xuống 51,1 điểm, từ mức 51,8 điểm của tháng 4.

Nhu cầu của Trung Quốc đối với nguyên liệu thô và các mặt hàng bán thành phẩm đang là một trong những cột trụ chính của kinh tế toàn cầu. Nhưng giờ đây, việc siết chặt chính sách tiền tệ có thể làm giảm nhu cầu này.

Tại Mỹ, chỉ số quốc gia FED Chicago, tổng hợp từ 85 chỉ số kinh tế, tháng 4 là - 0,45 điểm so với mức +0,32 điểm của tháng 3. Chỉ số này báo hiệu sự sụt giảm công nghiệp tại Mỹ, trong khi thị trường nhà đất tiếp tục suy yếu, đe dọa sự ổn định tài chính và chi tiêu tiêu dùng.

Cuối cùng, tại châu Âu, chỉ số PMI kết hợp khu vực dịch vụ và sức mua chế tạo đã giảm từ 57,8 điểm xuống còn 55,4 điểm. Điều đáng ngại hơn là chỉ số chế tạo cơ bản đã có mức giảm mạnh nhất kể từ khi Lehman Brothers sụp đổ, giảm tới 3,1%, xuống còn 54,8 điểm.

Ông Charlie Minter, giám đốc quản lý quỹ thuộc Comstock Partners, cho rằng tất cả những dấu hiệu trên cho thấy sự suy thoái kinh tế toàn cầu đã diễn ra. Tại Mỹ, sự suy thoái này xuất hiện chỉ vài tuần trước khi kết thúc QE2, một chương trình nhằm thúc đẩy sự phục hồi của kinh tế Mỹ.

Sự suy thoái này đã bắt đầu ảnh hưởng đến thị trường chứng khoán, đang giảm trong những phiên giao dịch gần đây sau một đợt tăng giá kéo dài. Thị trường trái phiếu cũng vậy. Kể từ giữa tháng 4 lãi suất trái phiếu thời hạn 10 năm của Mỹ đã giảm từ hơn 12%, xuống còn 3,12%, cho thấy những nghi ngờ thực tế về triển vọng tăng trưởng tương lai.

Điều đáng lưu ý là lần này những khó khăn tại Khu vực đồng euro không chỉ xuất hiện tại các nước yếu kém về kinh tế ở phía nam, mà cả Đức cũng bị ảnh hưởng. Các thị trường toàn cầu đã phớt lờ những khó khăn của khu vực đồng euro trong hơn một năm.

Sự suy thoái kinh tế, ngoài việc ảnh hưởng đến nhu cầu của Trung Quốc, còn khiến các nhà đầu tư tập trung vào những triển vọng thực tế của Khu vực đồng euro. Liệu Đức và Pháp có muốn thanh toán khoản tiền cứu trợ Hy Lạp nếu các cơ sở chế tạo của họ bắt đầu bị thu hẹp hay không? Nhiều khả năng là không, trong bối cảnh ngoài Hy Lạp đang gặp khó khăn, Bỉ và Italy cũng đang bị Hãng xếp hạng tín dụng Fitch dọa đánh tụt hạng tín dụng.

Hiện nay, FED đang đứng trước một sự lựa chọn khó khăn: Liệu họ sẽ gia hạn và mở rộng QE để hỗ trợ nền kinh tế lại sa sút, hay khoanh tay ngồi im để chờ suy thoái?

Thanh Hoa (TTXVN/Vietnam+)

Mỹ có rơi vào khủng hoảng nợ?

24/05/2011

ImageHơn 200 năm qua Mỹ chưa từng vỡ nợ, ngay cả trong 2 cuộc Thế chiến. Liệu họ có tiếp tục giải quyết được các vấn đề tài chính trong năm nay?

John Boehner, phát ngôn viên của Hạ viện Mỹ, người phụ trách tài chính của đảng Cộng hòa cho rằng, cần phải xem xét cắt giảm hàng nghìn tỷ USD trong chi tiêu để Quốc hội phê duyệt tăng trần nợ. Nhưng vấn đề này có thể nhanh chóng gây ra những phản ứng trực tiếp từ phía các doanh nghiệp.

Tập trung vào nợ trần tạo ra một cái bẫy chính trị cho Boehner và đảng Cộng hòa. Bộ Tài chính Mỹ sẽ hết khả năng vay nợ vào đầu tháng 8, và bất cứ tín hiệu nào về vấn đề tăng trần nợ sẽ khiến giá trái phiếu giảm và lãi suất tăng lên. Như lời cảnh báo của Tổng thống Obama cũng như Bộ trưởng Tài chính Mỹ và nhiều chuyên gia khác, không nâng trần nợ sẽ gây ra thảm họa.

Trong toàn bộ hệ thống tín dụng ở Mỹ và tại nhiều nền kinh tế trên thế giới luôn quan niệm rằng, có một thứ tài sản phi rủi ro, đó là chứng khoán Chính phủ Mỹ. Điều đó thể hiện niềm tin đã tồn tại trong nhiều năm của giới đầu tư vào nền tài chính Mỹ.

Không có quy định nào trong Hiến pháp Mỹ đảm bảo rằng, nước này sẽ luôn hoàn trả mọi khoản nợ, nhưng Chính phủ Mỹ đã chứng minh điều đó trong hơn 200 năm nay. Và liệu rằng, năm 2011, đứng trước những khó khăn tài chính lớn hơn bao giờ hết, họ còn đủ khả năng để giữ vững điều đó? Khả năng giải quyết khó khăn tài chính của Mỹ đã được chứng minh ít nhất 5 lần: khi Mỹ độc lập, trong cuộc chiến tranh năm 1812, trong và sau cuộc nội chiến, và trong Thế chiến I và Thế chiến II.

Một câu hỏi gây nhiều tranh cãi là, bao nhiêu nợ sẽ là quá nhiều đối với nước Mỹ trong hiện tại? Thực tế là rất nhiều nhà đầu tư quốc tế, bao gồm cả khu vực tưnhân và các Chính phủ, thường đắn đo lo ngại về thâm hụt ngân sách của Mỹ, nhưng cuối cùng họ vẫn tiếp tục đổ rất nhiều tiền vào đầu tư nợ công của nước này.

Không quá khó khăn để xác định, ai sẽ là người chịu thiệt hại nếu Mỹ vỡ nợ, hoặc gián đoạn thị trường bằng cách không tăng trần nợ. Tất cả những người vay mượn hoặc có liên quan tới hệ thống tín dụng dưới bất kì hình thức nào sẽ phải chịu một cú sốc giống như cuộc khủng hoảng tài chính 2008 thu nhỏ.

Một đối tượng có thể chịu nhiều ảnh hưởng lớn, đó là khu vực doanh nghiệp của Mỹ. Một điều chắc chắn là các doanh nghiệp đều không muốn tình trạng thâm hụt tài chính hiện thời của Mỹ. Một số doanh nghiệp tham gia các cuộc tranh luộn về việc làm thế nào để kiểm soát chi phí chăm sóc sức khỏe, ngăn ngừa các cuộc khủng hoảng tài chính trong tương lai, và kết thúc những cuộc chiến tốn kém của Mỹ ở nước ngoài.

Nhưng đó là những vấn đề cho cuộc bầu cử tổng thống năm 2012, với hi vọng rằng, các cuộc tranh luận rằng sẽ thiết lập một chương trình nghị sự, khuyến khích gia tăng tài chính cho 20-30 năm tới. Khi nào và làm thế nào Chính phủ Mỹ giải quyết được vấn đề ngân sách là điều không ai biết, nhưng lịch sử tài chính Mỹ đãkhuyến khích những dự báo lạc quan. Đảng Cộng hòa đã giải quyết và vượt qua cuộc khủng hoảng tài chính trước đó. Đó không hẳn là một cuộc chiến tài chính mà nó còn gắn liền với 1 cuộc chiến chính trị. Và vấn đề nâng trần nợ, sẽ phụ thuộc vào tình hình chính trị và kết quả của những cuộc đua giữa 2 đảng. Việc chờ đợi một quyết định nâng trần nợ hay việc Chính phủ bị đe dọa là có nguy cơ đóng cửa hồi đầu năm, đơn thuần cũng chỉ là quảng cáo cho cuộc đua chính trị giữa 2 bên.

Rất nhiều Chính phủ nước ngoài còn đặt niềm tin vào nợ công của Mỹ là có lý do của họ. Các chính trị gia 2 bên, bằng cách này hay cách khác, cùng với những cuộc chạy đua chính trị có thể sẽ tiếp tục giúp nước Mỹ giữ được lòng tin của nhà đầu tư, điều mà Chính phủ nước này đã làm được trong hơn 200 năm qua.

Theo Diễn đàn kinh tế Việt Nam

25/05 "Bầu chọn TGĐ IMF cần phản ánh thực trạng thế giới"

25/05/2011 | 13:58:00

Ông Dominique Strauss-Khan rời Tòa án Tối cao New York, ngày 19/5. (Nguồn: AFP/TTXVN)

Việc bầu chọn người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cần phản ánh tính chất thay đổi của nền kinh tế toàn cầu và không thể căn cứ vào tiêu chí quốc tịch.

Các Giám đốc của IMF phụ trách nhóm 5 nền kinh tế mới nổi hàng đầu (BRICS) ngày 24/5 đã tuyên bố như vậy khi đề cập vấn đề chọn người kế nhiệm ông Dominique Strauss-Kahn - người mới đệ đơn từ chức Tổng Giám đốc IMF do liên quan vụ bê bối tình dục.

Theo "luật bất thành văn" từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai đến nay, chiếc ghế này luôn thuộc về một người châu Âu.

Trong một thông cáo chung, các giám đốc của IMF tại 5 nước thành viên khối BRICS gồm Trung Quốc, Brazil, Ấn Độ, Nam Phi và Nga tuyên bố "thỏa thuận ngầm" về việc bầu chọn Tổng Giám đốc IMF dựa theo tiêu chí quốc tịch trên thực tế đã làm suy yếu tính hợp pháp của định chế tài chính đa phương lớn nhất thế giới này.

Thông cáo cũng bác bỏ việc người kế nhiệm cựu Tổng Giám đốc Strauss-Kahn - chính trị gia kỳ cựu người Pháp - sẽ tiếp tục là một nhân vật đến từ châu Âu.

Thông cáo nêu rõ cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu mới đây bắt nguồn từ các nước phát triển cho thấy nhu cầu cấp bách của việc cải cách các định chế tài chính quốc tế cũng như phản ánh vai trò đang gia tăng của các nước đang phát triển trong nền kinh tế thế giới.

Thực trạng kinh tế toàn cầu hiện nay đòi hỏi phải xóa bỏ thỏa thuận ngầm vốn đã lỗi thời giữa Mỹ và châu Âu, theo đó chức vụ Tổng Giám đốc IMF thuộc về một người châu Âu, còn người Mỹ giữ chiếc ghế Chủ tịch Ngân hàng Thế giới (WB).

Vẫn theo thông cáo trên, lãnh đạo IMF sắp tới sẽ được chọn căn cứ vào tài năng chứ không phải quốc tịch, và việc này sẽ được quyết định sau khi Ban Giám đốc IMF tham vấn với tất cả các thành viên, để chứng tỏ tính hợp pháp và đáng tin cậy của cơ quan này.

Trong một diễn biến liên quan, ngày 24/5, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Mexico, ông Agustin Carstens cho biết nỗ lực trở thành người ngoài châu Âu đầu tiên giữ chức vụ Tổng Giám đốc IMF của ông đã được chấp nhận và ông hy vọng sẽ nhận được sự ủng hộ từ các nước phát triển cũng như đang phát triển. Ông Carstens nói với phóng viên hãng tin Reuters rằng ông đã thảo luận vấn đề này với nhiều nước gồm cả Mỹ, cổ đông lớn nhất của IMF.

Trước đó, Paris cũng tuyên bố Trung Quốc ủng hộ nữ Bộ trưởng Tài chính Pháp Christine Lagarde trở thành tân Tổng Giám đốc IMF. Tuy nhiên, Bộ Ngoại giao Trung Quốc không đưa ra bình luận.

Đầu tuần này, Ban giám đốc IMF gồm 24 thành viên đã bắt đầu xúc tiến việc đề cử để chọn người đứng đầu cơ quan này. Quá trình này dự kiến sẽ kết thúc vào ngày 10/6 tới./.

(TTXVN/Vietnam+)