29/08 FED lấp lửng, cơ hội “xoay chuyển” giá vàng?


.
▪  DIỆP ANH
29/08/2011 08:28 (GMT+7)
 
Hai đợt xả hàng liên tiếp của giới đầu tư đã đưa giá vàng quốc tế xuống 3,5% trong tuần qua.
Hai đợt xả hàng liên tiếp của giới đầu tư đã đưa giá vàng quốc tế xuống 3,5% trong tuần qua. Đặc biệt, trong tuần, quỹ tín thác vàng lớn nhất thế giới, SPDR Gold Trust, đã bán ra 59,96 tấn vàng, đẩy lượng vàng đang nắm giữ xuống còn 1.230,8 tấn.

Từ góc độ này, nhiều nhà phân tích thị trường kim loại quý cho rằng, giá vàng vừa qua đã tăng nóng và kéo dài, từ đó buộc phải điều chỉnh trở lại và sẽ còn giảm sâu trong thời gian tới. Thậm chí, có người còn nói, bong bóng vàng đang vỡ.

Tuy nhiên, việc giá vàng tăng mạnh trở lại trong hai phiên cuối tuần, đặc biệt là phiên 26/8, sau bài phát biểu được chờ đợi của Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) dường như đã phá vỡ những đồn đoán về xu hướng điều chỉnh xuống.

Hôm 26/8, trong bài phát biểu tại thành phố Jackson Hole, bang Wyoming, Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) Ben Bernanke đã tỏ thái độ khá lấp lửng khi nói về việc giải cứu nền kinh tế lớn nhất thế giới ra khỏi vũng lầy suy thoái.

Chủ tịch FED thừa nhận, việc tổ chức định mức tín nhiệm Standard & Poor's hạ bậc tín dụng cao nhất của Mỹ hôm 5/8 đã ít nhiều ảnh hưởng tới lòng tin của giới đầu tư, nhưng ông vẫn tỏ ra lạc quan về triển vọng của nền kinh tế này.

Theo ông, kinh tế Mỹ vẫn tiếp tục chiều hướng phục hồi, dựa trên nền tảng sức mạnh nội tại và từ hiệu quả hai đợt nới lỏng định lượng (QE1 và QE2) tung ra trước đây, đồng thời tái khẳng định việc duy trì lãi suất cơ bản từ 0 - 0,25%.

Riêng về QE3, Chủ tịch Bernanke cho rằng, FED còn nhiều công cụ khác trong tay có thể sử dụng để thúc đẩy kinh tế Mỹ phát triển, do vậy không nhất thiết phải đề nghị Quốc hội Mỹ thông qua gói kích thích tài chính thứ 3 (QE3).

Tuy nhiên, ông cũng "để ngỏ" cánh cửa cho khả năng FED sẽ có các hành động can thiệp thị trường khác để hỗ trợ kinh tế, trong cuộc họp chính sách của định chế này sẽ diễn ra vào hai ngày 20 - 21/9 tới.

"Bernanke không bật đèn xanh cho QE3. Ông ấy cũng không bật đèn đỏ cho QE3", Kevin Caron, một chiến lược gia thị trường ở New Jersey nhận xét. Chính sự lấp lửng này, theo nhiều nhà phân tích, đã khiến thị trường chứng khoán và vàng cùng đi lên mạnh mẽ.

Tại Phố Wall, chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 134,72 điểm, tương ứng 1,21%, lên 11.284,54 điểm. Chỉ số S&P 500 tiến 17,53 điểm, tương ứng 1,51%, lên 1.176,80 điểm. Chỉ số Nasdaq nhảy 60,22 điểm, tương ứng 2,49%, lên 2.479,85 điểm.

Chỉ số VIX đo lường trạng thái bất ổn của Phố Wall giảm mạnh 10,2% xuống còn 35,68 điểm sau bài phát biểu của ông Bernanke. Trong phiên giao dịch, có lúc chỉ số này còn rớt mạnh 14% xuống mức thấp nhất 34,33 điểm.

Trên sàn Comex, New York, giá vàng giao tháng 12 tăng 34,1 USD tương đương 1,9% chốt phiên hôm 25/8 tại 1.797,3 USD/oz. Giá vàng giao tháng 12 tăng 28,5 USD lên 1.791,7 USD/oz lúc 21h35' ngày 26/8, sau khi chạm mức 1.800 USD/oz trước đó.

Giới chuyên môn nhận định, mặc dù FED không nhắc tới QE3 nhưng vẫn phát đi tín hiệu, sẽ nghiêm túc xem xét tới các biện pháp hỗ trợ kinh tế trong cuộc họp diễn ra vào hạ tuần tháng 9 đã giúp giá vàng tăng vọt.

Giá vàng tăng cao thời gian qua phần lớn xuất phát từ tình hình kinh tế Mỹ, châu Âu có nhiều nguy cơ rơi vào suy thoái lần nữa, trong khi lạm phát trên thế giới tăng cao, đồng USD mất giá mạnh so với các ngoại tế khác.

Thực tế này, cho tới giờ, vẫn chưa có mấy thay đổi đủ xoay chuyển tình thế. Hôm 27/8, phát biểu tại diễn đàn kinh tế ở Kansas (Mỹ), Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde cảnh báo, rủi ro đối với nền kinh tế toàn cầu đang ngày một gia tăng.

Theo bà, những diễn biến trong mùa hè qua đã cho thấy kinh tế thế giới hiện rơi vào "một giai đoạn mới đầy nguy hiểm", sự hồi phục kinh tế mong manh đã bị trệch hướng, do đó "chúng ta cần phải hành động ngay".

Tổng giám đốc IMF cũng khẳng định rằng thế giới cần có cách tiếp cận mới để thực thi một kế hoạch toàn diện theo hướng phối hợp toàn cầu dựa trên hành động chính trị mạnh dạn.

Cùng ngày, thông cáo của Nhà Trắng cho biết, Tổng thống Mỹ Barack Obama và Thủ tướng Đức Angela Merkel đã tiến hành thảo luận về cuộc khủng hoảng nợ của khu vực sử dụng chung đồng tiền chung châu Âu (Eurozone), sự hỗn loạn trên thị trường tài chính.

"Hai lãnh đạo đã nhất trí tầm quan trọng của hành động phối hợp này, trong đó thông qua G-20 giải quyết những thách thức kinh tế hiện nay và nhằm thúc đẩy tăng trưởng, tạo công ăn việc làm trong nền kinh tế toàn cầu", thông cáo nêu rõ.

Trong một diễn biến khác, tổ chức xếp hạng tín dụng Moody's mới đây cảnh báo, gói cứu trợ mới của Liên minh châu Âu (EU) dành cho Hy Lạp có thể làm bùng nổ nhu cầu về các thỏa thuận cho vay song song.

Các thỏa thuận này giống như thỏa thuận giữa Phần Lan và Hy Lạp, về những đảm bảo đối với các khoản vay để đổi lấy phần đóng góp của các nước vào gói cứu trợ thứ hai dành cho Hy Lạp.

Moody's cho rằng, bất đồng ngày càng gia tăng về các thỏa thuận cho vay song song sẽ đặt ra nghi ngờ về khả năng của các nước Eurozone trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng nợ công đang bao trùm khu vực.

Tuyên bố của FED, nhận định của giới chuyên môn và bản thông cáo sau cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Mỹ - Đức đã củng cố thêm những luận điểm cho rằng, nền kinh tế thế giới vẫn còn quá nhiều yếu kém và nguy cơ rình rập. Điều này có thể là cơ hội để giá vàng tăng tiếp.

“Chúng tôi cho rằng, thị trường vàng vừa trải qua một đợt điều chỉnh lành mạnh, nhưng bất chấp những áp lực giảm giá trong ngắn hạn, xu hướng tăng giá trong dài hạn của vàng vẫn còn, xét tới những bất ổn vĩ mô hiện nay”, Barclays Capital nhận định.

Chuyên gia phân tích Darin Newsom thuộc công ty TelventDTN cũng đồng tình khi cho rằng, “mặc dù giá vàng giao tháng 12 đã giảm mạnh trong tuần này, những yếu tố căn bản về kinh tế Mỹ và toàn cầu sẽ tiếp tục hỗ trợ giá vàng”.

Trước đó, cựu Chủ tịch hãng khai khoáng Newmont Mining, ông Pierre Lassonde nhận định, cơ hội để giá vàng tiến về vùng 2.500 USD/oz trong 2 năm nữa là điều hoàn toàn có thể xảy ra.

Ngân hàng Citigroup cũng cho rằng, tuy đà tăng của vàng thời gian qua là không bền vững, nhưng vẫn có tới 25% cơ hội để giá đạt 2.500 USD/ounce trong năm 2012 nếu nỗi lo nợ công vẫn còn và các loại tiền tệ tiếp tục mất giá.

Nhận định về giá vàng tuần này, trong số 23 nhà giao dịch, chuyên gia phân tích tham dự cuộc điều tra dư luận của Kitco, thì có tới 10 người dự báo giá tăng, 6 người dự báo giá giảm, và 7 người dự báo giá đi ngang.

Tương tự, 13/26 nhà giao dịch, chuyên gia phân tích tham dự cuộc điều tra dư luận do hãng tin tài chính Bloomberg tổ chức, cho rằng giá vàng trong tuần này sẽ tiếp tục đi lên, trong khi 8 người dự báo giá giảm và 5 người nhận định giá đi ngang.

29/08 Tổng giám đốc IMF bi quan về kinh tế thế giới


.
▪  AN HUY
29/08/2011 16:20 (GMT+7)
 
Theo Tổng giám đốc IMF, kinh tế toàn cầu đang đối mặt với một số rủi ro trong tiến trình phục hồi.
Người đứng đầu Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), bà Christine Lagarde cho rằng, nền kinh tế toàn cầu đang tăng trưởng với tốc độ không đủ nhanh và đối mặt với một số rủi ro trong tiến trình phục hồi.

Hãng tin BBC cho biết, trong bài phát biểu tại hội nghị ngân hàng trung ương thường niên của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) diễn ra tại Jackson Hole, Mỹ, ngày 28/8, bà Lagarde kêu gọi sự phối hợp chính sách toàn cầu để đối phó với những thách thức mà nền kinh tế toàn cầu đang đương đầu. 

“Những diễn biến mới đây cho thấy, chúng ta đang ở trong một giai đoạn nguy hiểm mới. Sự phục hồi mong manh của nền kinh tế thế giới có nguy cơ đi chệch hướng. Bởi thế, chúng ta cần hành động ngay”, bà Lagarde phát biểu.

Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2008-2009, tăng trưởng kinh tế tại Mỹ và châu Âu hiện vẫn ì ạch, trong khi những nỗi lo về vấn đề nợ công của cả hai nền kinh tế này đều đã làm niềm tin của thị trường toàn cầu suy giảm mạnh.

“Nền kinh tế toàn cầu tiếp tục tăng trưởng, nhưng chưa đủ. Một số nguyên nhân của cuộc khủng hoảng 2008 chưa được giải quyết triệt để. Triển vọng phục hồi vẫn có, nhưng chúng ta không có nhiều thời gian”, bà Lagarde nhận định.

Theo bà Lagarde, các nền kinh tế phát triển đang đương đầu thách thức cần vạch ra kế hoạch dài hạn để đưa nợ nần về tầm kiểm soát, đồng thời cũng không nên áp dụng quá mạnh tay những biện pháp thắt lưng buộc bụng vì có thể tác động xấu tới tiến trình phục hồi.

“Nói một cách đơn giản, các chính sách kinh tế vĩ mô cần hỗ trợ tăng trưởng”, bà Lagarde nói. Đây là bài phát biểu chính sách quan trọng đầu tiên của bà Lagarde kể từ khi nhậm chức Tổng giám đốc IMF vào tháng 7 vừa qua.

“Chính sách tiền tệ cần duy trì độ nới lỏng cao, vì những rủi ro suy thoái hiện lớn hơn cả rủi ro lạm phát”, bà Lagarde khuyến nghị.