27/10 Trung Quốc vận hành tàu nhanh nhất thế giới

Tàu cao tốc hiện đại nhất của Trung Quốc với vận tốc hơn 350 km/h đã chính thức hoạt động sáng qua với lộ trình từ Thượng Hải đến Hàng Châu.

> Trung Quốc mơ dẫn đầu thế giới về tàu siêu tốc


Tàu tốc hành CRH380A tại Thượng Hải, sáng qua. Ảnh: Xinhua


Hai tàu tốc hành được trang bị hệ thống CRH380A đã cùng khởi hành lúc 9h sáng qua từ Thượng Hải và Hàng Châu.

Tàu CRH380A khi thử nghiệm hồi đầu tháng trước đã có thể đạt đến vận tốc gần 421 km/h, kỷ lục cao nhất thế giới hiện nay của tàu tốc hành. Tuy nhiên, trong quá trình vận hành, tàu này thường duy trì vận tốc tối đa khoảng hơn 350 km/h.

Với CRH380A, chỉ mất 45 phút để đi quãng đường dài 202 km từ Thượng Hải, trung tâm kinh tế của Trung Quốc, tới Hàng Châu, thủ phủ tỉnh Chiết Giang. Trước đây, thời gian đi là 78 phút.

Video chuyến đi đầu tiên của tàu nhanh nhất thế giới

Giá vé cho chuyến đi với 9 ga dừng giữa Thượng Hải và Hàng Châu là 23,4 USD cho ghế hạng nhất và 14,7 USD cho ghế hạng hai.

Đoạn đường ray tốc hành Thượng Hải-Hàng Châu ra mắt đã tăng mạng lưới đường sắt cao tốc đang hoạt động của Trung Quốc lên 7.431 km. Nước này đang có tham vọng xây dựng mạng đường ray cao tốc dài nhất thế giới.

Trung Quốc cho ra mắt tuyến cao tốc đầu tiên trong thời gian trước Olympic 2008, nối Bắc Kinh với Thiên Tân. Kể từ đó, nước này đã đưa nhiều tuyến cao tốc mới vào phục vụ, như tuyến Vũ Hán- Quảng Châu, nối miền trung với nam Trung Quốc, tuyến Thượng Hải-Nam Ninh ở phía đông.

Theo Bộ đường sắt, Trung Quốc sẽ mở rộng mạng lưới đường sắt dài đến 110.000 km trước 2012, trong đó có 13.000 km cao tốc.

Tâm điểm của hệ thống đường ray cao tốc của Trung Quốc sẽ là tuyến Bắc Kinh-Thượng Hải, dài 1.318 km. Tuyến này đang trong quá trình xây dựng với chi phí 33,1 tỷ USD. Dự kiến khi hoàn thành, thời gian đi giữa hai thành phố quan trọng nhất của Trung Quốc sẽ giảm một nửa, chỉ còn chưa đến 5 giờ.

Hải Minh

21/10 Kinh tế Trung Quốc tác động chứng khoán châu Á

21/10/2010 17:59:00

Các thị trường chứng khoán châu Á biến động trái chiều trong phiên giao dịch ngày 21/10 sau khi Trung Quốc thông báo kinh tế đang tăng trưởng chậm lại, làm giảm sự đóng góp của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đối với sự phục hồi trên toàn cầu.

Chỉ số chứng khoán MSCI của khu vực châu Á-Thái Bình Dương (trừ Nhật Bản) phiên này tăng 0,4%, do các cổ phiếu liên quan đến hàng tiêu dùng lâu bền và chăm sóc sức khỏe tăng giá giúp bù đắp sự đi xuống của khối tài chính và viễn thông.

Ngày 21/10, Trung Quốc cho biết tăng trưởng kinh tế nhanh chóng của nước này đã giảm tốc trong quý 3, từ 10,3% quý 2 xuống 9,6%, do tác động của việc Bắc Kinh hạ nhiệt sự bùng nổ trong hoạt động tín dụng và cố gắng đưa tốc độ tăng trưởng trở lại các mức bền vững hơn.

Mặc dù con số này vẫn là cao nhất so với các nền kinh tế lớn, ông Tey Tze Ming, nhà giao dịch thuộc công ty Saxo Capital Markets ở Singapore, cho rằng nó vẫn là quá thấp đối với Trung Quốc, bởi nền kinh tế tăng trưởng ở tốc độ này có thể làm gia tăng tỷ lệ thất nghiệp cũng như nguy cơ bất ổn xã hội.

Ông Tey Tze Ming cho rằng các thị trường có thể sẽ xảy ra nhiều biến động trong trung hạn do những nghi ngờ về triển vọng tăng trưởng kinh tế. Ông đánh giá đà tăng điểm trong 5-6 tháng qua là khá suôn sẻ, nhưng hiện nay do có rất nhiều bất ổn, nên xu hướng biến động như vài phiên vừa qua sẽ còn tiếp diễn.

Tại thị trường chứng khoán Nhật Bản, chỉ số Nikkei nằm trong xu hướng tăng điểm vào phiên giao dịch buổi sáng, và có lúc đã tăng hơn 1% lên mức cao 9.479,25 điểm, do đồng yên giảm giá sau bình luận của Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner rằng các đồng tiền mạnh hiện nay khá cân bằng, khiến người ta nghĩ ông cho rằng không cần thiết phải phá giá đồng USD.

Tuy nhiên, thị trường không thể giữ được đà đi lên khi đồng yên phục hồi trở lại và kéo giá các cổ phiếu đi xuống. Kết thúc phiên giao dịch, chỉ số Nikkei-225 giảm 5,12 điểm (0,1%) xuống 9.376,48 điểm - mức thấp nhất kể từ ngày 30/9.

Yumi Nishimura, Phó Tổng Giám đốc công ty Daiwa Securities Capital Markets, nhận định những biến động trên thị trường phiên này cho thấy giới đầu tư đang lo ngại về sự lên giá của đồng yen.

Theo ông, các số liệu kinh tế Trung Quốc hầu như nằm trong dự đoán, và có vài người cho rằng Bắc Kinh sẽ sớm tăng thêm lãi suất, nhưng thị trường chứng khoán Thượng Hải lại giảm điểm cùng những nhân tố ngoại lai khác đang chi phối thị trường chứng khoán Nhật Bản.

Tại thị trường chứng khoán Thượng Hải, chỉ số Shanghai Composite phiên này cũng giảm 20,42 điểm (0,68%) xuống 2.983,53 điểm, khi giới đầu tư đua nhau bán ra các cổ phiếu ngân hàng để chốt lời sau khi tăng vào phiên sáng. Trong khi đó, tại Sydney, chỉ số S&P/ASX 200 giảm 2 điểm xuống 4.622,9 điểm. Các thị trường chứng khoán tại Singapore và Malaysia cũng đều đi xuống.

Trong số các thị trường chứng khoán tăng điểm trong phiên này, thị trường chứng khoán Hongkong đã tăng 0,39%, với chỉ số Hang Seng Composite ghi thêm 92,98 điểm lên phổ biến ở mức 23.649,48 điểm vào cuối phiên. Chỉ số KOSPI tăng 4,25 điểm (0,1%) lên 1.873,09 điểm.

Ngoài ra, các thị trường chứng khoán tại Ấn Độ, Đài Loan và Indonesia đều tăng điểm./.

Phương Thảo (TTXVN/Vietnam+)

22/10 Yasuo Hamanaka: 'Vua' đầu cơ lẫy lừng xứ Phù Tang

Thứ Sáu, 22/10/2010 - 06:16

John Law: Cứu nhân hay tội đồ?
Ông tổ đầu cơ xứ Phù Tang
Thủ phạm của “ngày thứ sáu đen tối”

Yasuo Hamanaka

Nếu như cần có một bằng chứng sống về cái bạc bẽo trong thế giới đầu cơ cả về tính liều lĩnh của nhà đầu cơ trong hoạt động đầu cơ và sự lạm dụng nhà đầu cơ của giới chủ thì Yasuo Hamanaka có thể được coi là trường hợp điển hình.

Tên tuổi của Hamanaka gắn liền với thị trường đồng thế giới trong thập kỷ 80 và 90 của thế kỷ trước và gắn với một trong những vụ bê bối tài chính lớn nhất trên thế giới...

Tiền vận sang như sao

Năm 1985, Tập đoàn Sumitomo Corporation của Nhật Bản tuyển dụng một chuyên gia về kinh doanh chứng khoán theo thời hạn, đặc biệt về kim loại đồng, mới 37 tuổi tên là Yasuo Hamanaka. Tập đoàn này kinh doanh nhiều lĩnh vực khác nhau, nhưng kinh doanh chứng khoán được đặc biệt coi trọng. Đồng là kim loại được sử dụng nhiều trong công nghiệp, nhất là trong bối cảnh nhu cầu của Trung Quốc về đồng lại ngày càng tăng.

Triết lý đầu cơ của Hamanaka rất đơn giản và thật ra thì cũng chẳng có gì mới lạ trong thế giới đầu cơ: một khi đầu cơ thành công, thực hiện phi vụ nào thắng đậm phi vụ ấy thì đương nhiên sẽ gây dựng được uy tín cá nhân đến mức đủ để có thể thao túng thị trường bằng chính hoạt động của mình hay thậm chí chỉ bằng vài phát ngôn. Đầu tiên, Hamanaka tập trung mua cổ phiếu của các tập đoàn và công ty khai thác, luyện và chế biến kim loại đồng. Để có tiền, Hamanaka thuyết phục lãnh đạo tập đoàn cho sử dụng nguồn vốn của các chi nhánh của tập đoàn. Trong những trường hợp không được phép, Hamanaka giả mạo chữ ký để lấy tiền. Chỉ riêng các khoản tiền Hamanaka lấy về bằng giả mạo chữ ký đã lên tới 770 triệu USD - ở thời điểm giữa thập kỷ 80 của thế kỷ trước. Công cụ được Hamanaka sử dụng là các hợp đồng bán theo thời hạn mà ngôn ngữ chuyên môn kinh doanh chứng khoán gọi là Futures. Sau khi đã có các hợp đồng như vậy, Hamanaka tạo sự khan hiếm giả để đẩy giá đồng trên thị trường lên cao. Đến thời hạn đó, Hamanaka lại tung ra bán hết để kiếm lời. Thị trường đồng diễn biến theo chiều hướng ngược lại và cuộc chơi được Hamanaka chơi lại từ đầu. Bằng cách đó, Hamanaka kiếm được rất nhiều tiền cho tập đoàn và cho chính mình, thừa sống cuộc sống giàu sang và vương giả. Cũng bằng cách đó, Hamanaka một mình kiểm soát 5% thị trường đồng trên thế giới, vì thế mà còn được gắn cho biệt danh “Ngài 5 phần trăm”.

Tuy thế, nếu cứ nhìn cuộc sống thường nhật của Hamanaka, không ai có thể ngờ rằng con người này đã tiến hành các phi vụ đầu cơ mạo hiểm và phạm pháp đến như vậy. Hamanaka sống cùng vợ, hai con và một con chó trong một ngôi nhà nhỏ ở một thị trấn rất bình thường vùng ngoại ô thủ đô Tokyo. Chiếc xe ô tô mà Hamanaka và gia đình sử dụng cũng bình thường như của mọi gia đình trung lưu khác trên đất nước này. Và không ai có thể ngờ rằng Hamanaka có tài khoản nhiều triệu USD ở Thụy Sỹ và “chăm lo chu đáo” cho một người tình.

Mười một năm liền Hamanaka đầu cơ theo cung cách ấy và rất thành công. Sau này, khi vụ bê bối vỡ lở, thiên hạ đặt câu hỏi là tại sao trong suốt thời gian dài đến như vậy không ai phát hiện ra thủ đoạn đầu cơ của Hamanaka và có biện pháp ngăn chặn? Thật ra thì cơ quan kiểm soát kinh doanh chứng khoán của Mỹ và Anh đã nghi ngờ Hamanaka và đã tiến hành điều tra ngay từ cuối thập kỷ 80, đầu thập kỷ 90, nhưng rồi đều không đi đến kết luận gì và cũng không áp dụng biện pháp gì đối với Hamanaka. Cho tới nay, không ai xác nhận, nhưng cũng không ai bác bỏ nghi ngờ - và thậm chí cả sự cáo buộc - là tập đoàn Sumitomo Corporation đã cố tình làm ngơ những hoạt động đầu cơ của Hamanaka vì suy cho cùng tập đoàn chỉ được lợi chừng nào Hamanaka còn kiếm được tiền về. Điều mà chính tập đoàn này cũng không thể ngờ tới có lẽ là Hamanaka đã đầu cơ ở quy mô quá lớn nên khi thất bại đã gây thiệt hại hữu hình và vô hình khổng lồ cho họ.

Hậu vận đen đủi

Thành tích đầu cơ đã giúp Hamanaka chỉ trong thời gian ngắn, thậm chí rất ngắn, từ một chuyên gia phâ n tích về thị trường nguyên vật liệu, đặc biệt là kim loại đồng, trở thành một minh tinh trên bầu trời thế giới đầu cơ. Một câu nói ỡm ờ của Hamanaka cũng có thể làm biến động giá kim loại đồng trên thị trường chứ chưa nói đến chủ định đầu cơ của ông ta. Nguyên nhân thất bại của Hamanaka không phải do phân tích và dự báo sai về diễn biến trên thị trường, không phải do bị phát hiện ra thủ đoạn gian lận tài chính để có tiền đầu cơ, mà chính là đánh giá sai đối tượng đầu cơ vào năm 1993 - Trung Quốc.

Năm ấy, để ý thấy nhu cầu của Trung Quốc về đồng tăng đột biến, Hamanaka cho rằng đó là cơ hội đầu cơ béo bở. Cách làm vẫn như trước, chỉ có đối tượng được nhằm vào là thị trường kim loại đồng ở Trung Quốc. Chính phủ Trung Quốc đã sớm phát hiện ra ý đồ của Hamanaka và đã có biện pháp đối phó hữu hiệu, trong đó đặc biệt là biện pháp can thiệp vào thị trường bằng các cam kết miệng khiến cho giá kim loại đồng trên thị trường không tăng và không bị thao túng như Hamanaka dự định. Phi vụ đầu cơ mà Hamanaka vốn rất thuần thục, thường rất chắc thắng và đã giúp Hamanaka nổi danh trong thế giới đầu cơ nay bỗng nhiên trở thành trò mèo vờn chuột giữa chính phủ Trung Quốc và Hamanaka - mà trong đó con chuột tên là Hamanaka ngày càng yếu thế và đuối sức. Trong hoàn cảnh đó, ông ta phạm tiếp một sai lầm chết người là gian dối trong báo cáo cân đối tài chính để che giấu thua lỗ. Năm 1996, chuyện ấy bị vỡ lở và đi vào lịch sử với tên gọi Vụ bê bối Sumimoto - vụ bê bối tài chính lớn nhất thế giới cho tới thời điểm đó. Không biết trong những năm trước đó Hamanaka kiếm về cho tập đoàn bao nhiêu tiền, chỉ biết khi vụ việc vỡ lở thì thiệt hại vật chất thống kê được mà ông ta gây ra cho tập đoàn là 2,6 tỷ USD, bằng một phần mười tổng số vốn kinh doanh của Sumitomo. Năm 1998, Hamanaka bị một tòa án ở Tokyo xử 8 năm tù về tội lừa đảo và gian dối. Hamanaka ngồi bóc lịch 6 năm và được trả tự do vào mùa hè năm 2004. Ra tù khi 54 tuổi, Hamanaka bắt đầu cuộc sống mới với việc làm đầu tiên là học thi lấy bằng lái xe ô tô. Thỉnh thoảng, mỗi khi không cưỡng lại được tiếng gọi của quá khứ, Hamanaka lại làm một vài vụ đầu cơ nho nhỏ - cũng vẫn về kim loại đồng. Chỉ có điều thành công ở tiền vận không lặp lại nữa.

Thế đấy, không chỉ thành công, mà cả thất bại cũng làm không ít nhà đầu cơ nổi danh...

Bắc Hà

25/10 Nhà đầu cơ trứ danh André Kostolany: Tiền bạc trước, đạo đức sau

Thứ Hai, 25/10/2010 - 06:25

Có rất nhiều nhà đầu cơ chứng khoán. Nhưng gắn bó đến mức coi đầu cơ là cuộc sống, coi đó là sân chơi để bỡn cợt, là sòng bạc để kiếm tiền và thành công đến mức có thể tôn thờ nó như nghệ thuật và triết lý hóa nó cho hậu thế thì chỉ có một người, đó là André Kostolany.

Đạo đức hay tình nghĩa không khiến Kostolany bận tâm nếu không đem lại tiền của

Từ khi 13 tuổi cho tới lúc qua đời ở tuổi 93, Andre Kostolany luôn tự hào và thấy hãnh diện về danh hiệu “nhà đầu cơ”, trong khi kẻ khác nếu bị gọi như vậy thường cảm thấy như thể mình bị thóa mạ. Bí quyết thành công của Kostolany trên thị trường chứng khoán là luôn đầu cơ giá xuống.
Bài học vỡ lòng đầu tiên của Kostolany là đầu cơ tiền tệ và ở thủ đô Viên của nước Áo. Andre Kostolany vốn là người Hungari. Sau chiến tranh thế giới thứ nhất, gia đình ông di cư từ Budapest sang Viên. Cậu bé Andre khi đó mới 13 tuổi đã biết kiếm tiền bằng việc mua tiền của nước này để đổi sang tiền của nước khác kiếm lời. Năm 1924, Kostolany sang Paris với dự định theo học phê bình nghệ thuật. Nhưng kể từ khi nhận ra rằng, có thể dễ dàng kiếm tiền bằng đầu cơ cổ phiếu trên thị trường chứng khoán thì Kostolany mất hết hẳn nhiệt huyết học hành tại trường đại học. Kiếm tiền và làm giàu được Kostolany nâng lên thành lẽ sống. Tiền là tất cả, vì tiền Kostolany sẵn sàng hy sinh tất cả. Đạo đức hay tình nghĩa không khiến Kostolany bận tâm nếu không đem lại tiền của. “Quan điểm về giá trị của tôi đã thay đổi hoàn toàn. Tôi chỉ còn quan tâm đến tiền”, ông đã nhiều lần tuyên bố như vậy. Vì thế, đầu cơ trên thị trường chứng khoán được Kostolany khái quát thành “kiếm tiền từ nỗi đau của kẻ khác”.

Sau khi học lỏm được một vài chiêu của một nhà môi giới chứng khoán rất thành đạt trên Sở giao dịch chứng khoán Paris, Kostolany đăng ký hành nghề môi giới chứng khoán độc lập. Vì luật pháp không cho phép người hành nghề môi giới chứng khoán trực tiếp kinh doanh chứng khoán nên Kostolany đã kinh doanh dưới danh của người khác. Luật pháp không cho phép đi thẳng thì Kostolany tìm đường đi vòng hoặc đường quanh co nào cũng được, miễn là nó đưa ông đến với tiền. Để tranh thủ khách hàng là những ông chủ ngân hàng người Thụy Sỹ, Kostolany còn đích thân dẫn họ đến nhà thổ ở kinh thành Paris.

Kostolany sống gần như trọn thế kỷ 20 và do vậy là nhân chứng của chiến tranh và khủng hoảng kinh tế, tài chính và tiền tệ. Bài học mà Kostolany nhận ra được từ rất sớm là khủng hoảng đưa lại cơ hội đầu cơ béo bở nhất. Vấn đề là biết trước thông tin và dự báo chính xác. Năm 1929, vào Ngày Thứ Sáu đen tối, khi giá cổ phiếu ở các nơi khác trên thế giới trượt dốc thì ở Paris vẫn như thể không có gì xảy ra. Trong khi số đông cho rằng giá cổ phiếu ở Paris vẫn còn tăng thì Kostolany đã trù tính khả năng suy giảm và đến khi giá cổ phiếu ở Paris giảm thê thảm thì Kostolany chỉ trong phút chốc đã trở thành người giàu có. “Thành công trên thị trường chứng khoán là một nghệ thuật, chứ không phải một môn khoa học”, đó là kết luận của Kostolany từ phi vụ đầu cơ này.
“Ai nhiều tiền thì có thể đầu cơ, ai ít tiền thì không được phép đầu cơ, ai không có tiền thì phải đầu cơ” cũng như “trên thị trường chứng khoán, 2 nhân 2 không bao giờ bằng 4, mà bằng 5 trừ 1. Người ta phải có đủ bản lĩnh để chịu đựng được cái trừ 1 đó”. Đây là hai triết lý đầu cơ nổi tiếng nhất của Kostolany. Rất có thể đó là bài học cay đắng của Kostolany từ phi vụ đầu cơ bị thất bại thảm hại năm 1931. Lúc ấy ông trù tính giá cổ phiếu giảm nhưng đùng một cái, tổng thống Mỹ Hoover xóa cho nước Đức nhiều khoản bồi thường chiến tranh nên giá tăng cao khiến Kostolany mất gần hết những gì đã có được. Kostolany tự an ủi, được thua là chuyện bình thường. Điều quyết định là số lần đầu cơ đúng nhiều hơn số lần đầu cơ sai. Kostolany đoán rằng Đảng quốc xã lên nắm quyền ở nước Đức sớm muộn cũng sẽ đẩy các nước Châu Âu và thị trường tài chính, tiền tệ vào thảm họa, chậm nhất cũng chỉ đến cuối thập kỷ 30. Thực tế đã xảy ra đúng như vậy và Kostolany gỡ gạc lại được những gì đã bị mất.

Trong đầu cơ và cuộc sống, Kostolany dựa vào linh tính, bản năng nhiều hơn là tính toán lô gic, khoa học. Cũng có thể gọi đó là năng khiếu đầu cơ của con người này. Sau phi vụ nói trên, Kostolany đoán rằng chiến tranh sẽ xảy ra ở Châu Âu và khi đó thì Paris không còn là thánh địa cho đầu cơ chứng khoán nữa. Kostolany lại có gốc Do Thái. Vì thế cao chạy xa bay là thượng sách. Ngay trước khi quân đội Đức đánh chiếm Paris, Kostolany đã chạy sang Mỹ. Vẫn tư duy và triết lý ấy, vẫn nhằm vào giá cổ phiếu giảm để đầu cơ và vẫn không làm những gì mà số đông trên thị trường chứng khoán ở Mỹ thường làm, ông đã nhanh chóng trở thành cây đa cây đề ở Phố Wall, đầu cơ trận nào thắng trận ấy. Thành tích đầu cơ của Kostolany ở Mỹ vang dội đến mức làm chính nhà đầu cơ này đủ tự tin để mở khóa dạy về kinh doanh và đầu tư chứng khoán. Kostolany trở thành nhà đầu cơ chứng khoán đầu tiên công khai truyền bá ý tưởng và kinh nghiệm, triết lý và thủ thuật đầu cơ. Những cuốn sách của Kostolany bán chạy như tôm tươi. Những bài bình luận về thị trường chứng khoán của Kostolany trên các báo và tạp chí, đài phát thanh và truyền hình đều được đón nhận và trả giá cao. Thế hệ đầu cơ trẻ vốn rất khoái những khái quát hóa đầy hài hước của Kostolany như “Thị trường chứng khoán phụ thuộc vào việc ở đó có nhiều thằng ngốc hơn hay nhiều cổ phiếu hơn. Nếu ở đó có nhiều thằng ngốc hơn cổ phiếu thì giá sẽ giảm và ngược lại”.

Theo Kostolany, nhà đầu cơ muốn thành công phải hội tụ được cả hai tố chất và hai nhân tố. Đó là, ý tưởng và kiên nhẫn, tiền và may mắn. Không nên ăn sổi ở thì mà phải có chiến lược lâu dài, không nên để bị chi phối bởi biến động giá cổ phiếu hàng ngày mà nên lựa chọn loại cổ phiếu thích hợp để đầu tư hoặc đầu cơ dài hạn, nên chọn cổ phiếu làm đối tượng để đầu tư hoặc đầu cơ chứ không nên chọn các hình thức hay sản phẩm khác trên thị trường chứng khoán bởi theo Kostolany “cổ phiếu chỉ rủi ro về ngắn hạn chứ không rủi ro về dài hạn” - đó là những kết luận thường được Kostolany nhắc đi nhắc lại.

Những năm tháng cuối đời, Kostolany sống ở Paris với vợ là người Pháp, bị giằng xé giữa lý trí và tình cảm: vẫn ham muốn xung trận đầu cơ, nhưng lại không sẵn sàng chấp nhận mạo hiểm như trước nữa. Ông công khai thổ lộ điều đó: “Bi kịch đối với những nhà đầu cơ già như chúng tôi là kinh nghiệm có thừa nhưng không còn đủ can đảm để đầu cơ nữa”. Ông tự ví mình như một phi công mà theo ông thì có phi công già và phi công quả cảm, nhưng lại không thể có phi công già mà quả cảm. Kostolany mất ở tuổi 93. Rất ít nhà đầu cơ trứ danh thọ được đến như vậy.

Bắc Hà

27/10 John Maynard Keynes: Nhà đầu cơ khởi phát cách mạng kinh tế

Thứ Tư, 27/10/2010 - 06:04

Keynes được coi là một trong những nhà kinh tế học có ảnh hưởng nhất trên thế giới. Trường phái chính sách kinh tế mới do ông gây dựng nên từ những năm 30 của thế kỷ trước vẫn được coi là một trong những cuộc cách mạng quan trọng nhất trong khoa học kinh tế. Thế nhưng, có lẽ rất ít người biết rằng ông đã từng là một nhà đầu cơ thành đạt.

Đầu cơ là cái mà Keynes vừa thích vừa sợ, vừa đam mê lại vừa nghi ngại

Để có được một nhà kinh tế học lỗi lạc Keynes, rất nhiều bài học kinh nghiệm thu được qua hoạt động đầu cơ được ông phát triển lên thành luận điểm trong học thuyết của mình. Sẽ không ngoa chút nào nếu nói rằng, không có nhà đầu cơ John Maynard Keynes thì không thể có nhà kinh tế học John Maynard Keynes, không có học thuyết kinh tế trọng cầu gắn liền với tên tuổi này.

Keynes sinh năm 1883 trong một gia đình có truyền thống học cao đỗ đạt ở Cambridge. Truyền thống hiếu học ấy của gia đình được ông phát huy, nhưng truyền thống xã hội và đạo đức của tầng lớp trí thức thời ấy ở nước Anh thì lại bị ông sao nhãng.

Ngay khi bước vào đại học, ông đã tham gia ngay Nhóm Bloomsbury - tập hợp các trí thức xung quanh nữ văn sỹ Virginia Woolf theo quan điểm bác bỏ tất cả những truyền thống và chuẩn mực giá trị của xã hội Anh. Những thành viên của nhóm này quan tâm đến nghệ thuật, thẩm mỹ học và triết học nhiều hơn là đến tiền tài và danh vọng, phẩm cách đạo đức trong lao động và tình dục vốn được cả nhà thờ Thiên chúa giáo lẫn Tin lành đề cao. Keynes công khai chuyện mình đồng tính luyến ái, cho dù đến năm 1924 lại kết hôn với nữ vũ công ba-lê Lydia Lopokova mà phù rể cho ông không phải ai khác ngoài chính anh chàng học sỹ Duncan Grant đã từng quan hệ yêu đương đồng tính với ông suốt bao năm trời. Tuy nhiên, khác với đa số thành viên trong nhóm, Keynes vẫn giữ mối liên hệ trực tiếp với cuộc sống bình thường chứ không hoàn toàn trên mây trên gió. Có lẽ chính vì thế mà ông vẫn thành đạt với tư cách là nhà kinh tế, quan chức chính phủ và cả nhà đầu cơ.

Tất cả mọi phi vụ đầu cơ chứng khoán của mình đều được ông ghi chép lại tỷ mỉ cho nên hậu thế biết rằng phi vụ đầu cơ đầu tiên của ông được thực hiện ngày 6-7-1905. Vào ngày đó ông mua 4 cổ phiếu của công ty bảo hiểm hàng hải Marine Insurance Company với giá 160,06 Bảng Anh - tương đương với 9.000 EURO bây giờ. Số tiền này được Keynes tiết kiệm từ những khoản tiền thưởng trong học tập và tiền bố mừng sinh nhật trong những năm học đại học. Ngay từ lần đầu tiên này, ông đã nhận thức được rằng đầu cơ luôn rủi ro nhưng có thể làm giàu nhanh chóng. Suốt sự nghiệp đầu cơ chứng khoán, ông luôn bị giằng xé giữa cảm giác không cưỡng lại được sự cuốn hút của đầu cơ và lo ngại về rủi ro. Có lẽ chính vì thế là ông luôn rất thận trọng khi sử dụng tiền của người khác hoặc đi vay để đầu cơ. Chậm và ít nhưng chắc chắn thắng là phương châm tối thượng của Keynes trong đầu cơ. Đầu cơ là cái mà ông vừa thích vừa sợ, vừa đam mê lại vừa nghi ngại, một lần vướng vào rồi rất khó dứt ra được.

Khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, ông đã có số tiền 16.431 Bảng Anh, gấp 100 lần số tiền bỏ ra để mua 4 cổ phiếu đầu tiên. Những phi vụ đầu cơ của John không quy mô và tầm cỡ, nhưng cứ đều đều và hiệu quả, đủ để ông kiếm được tiền triệu và không bị sa cơ lỡ vận, trắng tay phơi áo mỗi lần bị thua. Nhìn vào số liệu thống kê thì có thể thấy ông thường thắng đậm ở đầu cơ cổ phiếu trong khi thường thua đậm ở đầu cơ tiền tệ. Mà thua lại là chuyện chẳng có gì lạ trong thế giới đầu cơ.

Sử sách còn ghi lại hai vụ đầu cơ thất bại lớn nhất của ông. Lần thứ nhất vào năm 1924, ông cho rằng Đảng Tự do Anh sẽ thắng cử và Đảng Bảo thủ sẽ thua. Khi đó, vấn đề đặt ra cho nước Anh là có trở lại chế độ bản vị vàng hay không. Nếu Đảng Tự do thắng cử sẽ không thi hành chính sách trở lại chế độ bản vị vàng như ông khuyến nghị, khi đó tỷ giá đồng Bảng Anh sẽ giảm. Nhưng Đảng Bảo thủ lại thắng cử, thực hiện ngay việc trở lại chế độ bản vị vàng và tỷ giá đồng Bảng Anh tăng cao. Về phương diện chính sách kinh tế, quan điểm của Keynes rất đúng, nhưng ông lại không thạo việc đoán biết quyết định của cử tri.

Lần thứ hai vào năm 1937-1938, John Maynard Keynes đã đánh giá sai mức độ và thời gian suy thoái kinh tế ở Mỹ nên đã thua lỗ ở Phố Wall. Không phải lương bổng của quan chức chính phủ Anh mà đầu cơ đã giúp John Maynard Keynes từ có vài đồng trong túi trở thành triệu phú. Khi mất năm 1946, Keynes để lại gia sản cá nhân gần 500.000 Bảng Anh (tương đương hơn 10 triệu EURO bây giờ), một điền trang rộng ở gần London và cả một Nhà hát nhỏ ở Cambridge tặng vợ. Thận trọng và theo mách bảo của bản năng được Keynes coi là bí quyết thành công của mình trong các phi vụ đầu cơ. Ẩn chứa đằng sau đó là một trạng thái tâm lý rất đặc biệt của nhà đầu cơ và đầu tư mà Keynes gọi là “tình yêu tiền bạc”. Theo Keynes, muốn thành công thì nhà đầu cơ phải nhìn nhận mối quan hệ giữa mình với cổ phiếu của mình như mối quan hệ giữa vợ và chồng, có nghĩa là phải có tầm nhìn dài hạn, không vội vàng hấp tấp, tình cảm và lý trí phải hài hòa.

Khác với Adam Smith tin vào khả năng điều tiết của “bàn tay vô hình” của thị trường, Keynes nghi ngờ khả năng tự điều chỉnh và tự lành mạnh trở lại của thị trường. Keynes cho rằng, con người thích giữ tiền hơn là đầu tư vì lo ngại rủi ro, nhưng giữ tiền cũng là một dạng đầu cơ vào lãi suất, đầu tư giảm thì thất nghiệp sẽ tăng, thị trường tự nó không giải quyết được vấn đề này, vì thế phải cần đến vai trò của nhà nước. Nhà nước phải kích cầu, chấp nhận vay nợ và thâm hụt ngân sách để kích cầu. Thâm hụt ngân sách (deficit spending) là biệt hiệu học thuyết của Keynes và ngôn từ cửa miệng suốt một thời mà ngày nay lại được thực hiện ở không ít quốc gia. Keynes cho rằng, cá nhân có thể đầu cơ thì tại sao nhà nước lại không. Cá nhân đầu cơ để kiếm tiền, kết quả hoạt động đầu cơ của nhà nước hiện diện dưới những hình thức khác. Keynes cho rằng đầu cơ “vô hại như bong bóng trong dòng chảy kinh doanh liên tục” nhưng sẽ rất tai hại khi “kinh doanh trở thành bong bóng trong vòng xoáy của đầu cơ”.

Tại Hội nghị ở Bretton Woods, Keynes là trưởng đoàn đàm phán của Anh và đã đưa ra một kế hoạch tổng thể về trật tự tài chính và tiền tệ thế giới, kiến nghị sử dụng đồng tiền chủ đạo trên thế giới bao gồm một “rổ nhiều đồng tiền khác nhau” với tên gọi là Bancor, nhưng bị Mỹ lấn lướt và giành giật vai trò ấy cho đồng USD. 65 năm sau, nhân tác động của khủng hoảng tài chính toàn cầu, Trung Quốc và Nga dẫn đầu một số nước lên tiếng đòi có đồng tiền chủ đạo mới trên thế giới thay thế đồng USD. John Maynard Keynes lại được nhắc tới, lại được trích dẫn và sử dụng như một chiếc “túi khôn” trong thời khốn khó.

Cả khi ấy, việc John Maynard Keynes đã từng là nhà đầu cơ thành đạt cũng không được nhắc tới. Đúng là Keynes nổi tiếng hơn nhờ học thuyết kinh tế của mình, nhưng học thuyết ấy thật ra là kết quả của quá trình đi từ thực tiễn đến lý luận qua các hoạt động đầu cơ của chính ông.

Bắc Hà