14/05 Rơi tự do - Kỳ 7: Khủng hoảng toàn cầu

Thứ Bảy, 14/05/2011, 20:00 (GMT+7)


TTO - Cuộc khủng hoảng nhanh chóng trở thành toàn cầu - và không đáng ngạc nhiên, khi gần một phần tư các khoản vay thế chấp của Hoa Kỳ đã được chuyển sang nước ngoài. Điều này vô tình đã giúp nước Mỹ: nếu các tổ chức nước ngoài không mua lại rất nhiều các công cụ độc hại và các khoản nợ vay, thì tình hình ở đây có thể còn tệ hại hơn nữa.

Nhưng trước tiên là Hoa Kỳ đã xuất khẩu được triết lý về việc hủy bỏ quy định (deregulatory philosophy) - nếu không thì những người nước ngoài hẳn sẽ chẳng mua quá nhiều các khoản thế chấp nguy hiểm kia. Suy cho cùng, Hoa Kỳ đã xuất khẩu được đợt suy thoái của họ. Tất nhiên, đây chỉ một trong nhiều kênh để thông qua đó cuộc khủng hoảng Hoa Kỳ trở thành khủng hoảng toàn cầu: nền kinh tế Mỹ vẫn là lớn nhất, và sự suy thoái của nó rất dễ ảnh hưởng đến toàn cầu. Hơn nữa, các thị trường tài chính toàn cầu đã trở nên gắn bó mật thiết với nhau - được chứng minh bởi thực tế là 2 trong số 3 đối tượng chủ chốt tham gia vào chiến dịch giải cứu AIG của Chính phủ Mỹ là các ngân hàng nước ngoài.

Thoạt đầu, nhiều người châu Âu đã nói đến chuyện độc lập không phụ thuộc nhau, rằng họ vẫn có thể duy trì tốc độ tăng trưởng kinh tế của mình ngay khi Hoa Kỳ rơi vào suy thoái: sự phát triển ở Châu Á sẽ cứu họ. Có vẻ như đây chỉ là mơ ước. Các nền kinh tế châu Á vẫn còn quá nhỏ (toàn bộ lượng tiêu thụ của châu Á cũng chỉ bằng 40% của Hoa Kỳ), và sự tăng trưởng của họ chủ yếu dựa vào xuất khẩu sang Hoa Kỳ. Ngay cả sau khi triển khai những gói kích thích kinh tế lớn, sự tăng trưởng của Trung Quốc trong năm 2009 cũng giảm sút khoảng 3 – 4% so với mức mà họ đã có được trước khi xảy ra khủng hoảng. Thế giới này là gắn kết chặt chẽ với nhau; một đợt suy thoái tại Hoa Kỳ rất có thể dẫn đến suy thoái toàn cầu. (Sự bất đối xứng ở đây là: vì có thị trường quốc nội rộng lớn và chưa được khai thác hoàn toàn, nên châu Á vẫn có thể tăng trưởng mạnh mẽ ngay cả khi Hoa Kỳ và Châu Âu đang yếu kém - tôi sẽ quay lại vấn đề này trong Chương 8).

Trong khi các định chế tài chính châu Âu phải hứng chịu hậu quả khi mua lại các khoản thế chấp độc hại và trò cờ bạc mạo hiểm mà họ đã chơi với các ngân hàng Mỹ, một số quốc gia châu Âu cũng phải vật lộn với những vấn đề khó khăn theo cách riêng của họ. Tây Ban Nha cũng đã để cho một bong bóng nhà ở phình to và hiện đang phải gánh chịu sự sụp đổ gần như hoàn toàn của thị trường bất động sản. Tuy nhiên, trái ngược với Hoa Kỳ, các quy định cứng rắn của giới ngân hàng Tây Ban Nha cho phép các ngân hàng của họ chịu đựng được một chấn thương nghiêm trọng và kết quả chữa trị tốt hơn - mặc dù không ngạc nhiên gì khi toàn bộ nền kinh tế đã bị tàn phá nặng nề.

Nước Anh cũng “bó tay” với bong bóng bất động sản. Nhưng tệ hơn, dưới ảnh hưởng của trung tâm tài chính London, họ rơi vào cái bẫy của “cuộc lặn đua xem ai tới đáy trước”, cố gắng làm bất cứ điều gì để có thể thu hút các doanh nghiệp tài chính. Quy định “lỏng” tại thị trường này đã chẳng tốt đẹp gì hơn so với ở Hoa Kỳ. Bởi vì người Anh đã để cho lĩnh vực tài chính nắm vai trò lớn hơn trong nền kinh tế của họ, chi phí cho các khoản giải cứu (tương ứng) thậm chí còn lớn hơn.

Giống như ở Hoa Kỳ, nền văn hóa của lương cao và tiền thưởng nhiều đã phát triển. Nhưng ít nhất người Anh hiểu rằng nếu bạn đem tiền của những người nộp thuế vào ngân hàng, bạn phải làm sao để có thể chắc chắn rằng ngân hàng sử dụng cho các mục đích như dự định - cho vay nhiều hơn, chứ không phải dùng làm tiền thưởng và chi trả cổ tức. Và ít nhất thì tại nước Anh, người ta hiểu rằng phải có người chịu trách nhiệm - lãnh đạo của các ngân hàng được giải cứu đã được thay thế - và chính phủ Anh yêu cầu rằng những người nộp thuế phải nhận được giá trị công bằng từ những vụ giải cứu trên, chứ không phải là thứ “hàng kính biếu” trong các đợt giải cứu dưới cả chính quyền Obama và Bush.

Iceland là một ví dụ tuyệt vời cho những sai lầm khi một nền kinh tế nhỏ và mở cửa đã vận dụng câu thần chú “bãi bỏ quy định” một cách mù quáng. Những người dân có học thức của đất nước này đã làm việc chăm chỉ và đã đi đầu trong các công nghệ hiện đại. Họ đã vượt qua những bất lợi do khoảng cách địa lý, thời tiết khắc nghiệt, và sự suy yếu của cổ phiếu các doanh nghiệp nghề cá - một trong những nguồn thu truyền thống của họ - để đạt mức thu nhập bình quân đầu người là 40.000 dollar. Vậy mà do hành vi thiếu thận trọng của các ngân hàng Iceland đã đặt tương lai của đất nước vào tình thế lâm nguy.

Tôi đã nhiều lần ghé thăm Iceland trong thập kỷ này và cảnh báo các rủi ro từ chính sách tự do hóa. Đất nước có 300.000 dân này chỉ có 3 ngân hàng nhận tiền gửi và mua một số tài sản có tổng trị giá khoảng 176 tỷ dollar, nghĩa là gấp 11 lần so với GDP. Với sự sụp đổ thảm khốc của hệ thống ngân hàng vào mùa thu năm 2008, Iceland đã trở thành quốc gia phát triển đầu tiên trong vòng hơn 30 năm phải quay sang cầu cứu IMF. Các ngân hàng Iceland, cũng như các ngân hàng ở nước khác, đã ứng dụng các đòn bẩy tài chính lớn và rủi ro cao. Khi các thị trường tài chính nhận ra những rủi ro và bắt đầu rút tiền ra, các ngân hàng này (nhất là Landsbanki) thu hút tiền gửi từ các người gửi tiền tại Anh và Hà Lan bằng cách cung cấp cho họ tài khoản “Icesaver” có lợi nhuận cao.

Người gửi tiền lại dại dột nghĩ rằng họ được mời một “bữa ăn trưa miễn phí”: có tiền lãi cao hơn mà không có rủi ro. Có lẽ họ cũng thiếu thông minh khi nghĩ rằng chính phủ đang làm công việc điều tiết. Nhưng, cũng như ở khắp mọi nơi, đa phần các cơ quan điều tiết đều giả định rằng thị trường sẽ tự lo cho bản thân chúng. Nhận vào tiền gửi chỉ làm trì hoãn “ngày đại họa”. Iceland không thể đủ khả năng bơm hàng trăm tỷ dollar vào các ngân hàng suy yếu. Khi sự thật này dần dần hé lộ trước mắt những người đã cung cấp tiền vào các ngân hàng, sự sụp đổ trong hệ thống ngân hàng chỉ là vấn đề thời gian; sự hỗn loạn toàn cầu sau sự sụp đổ của Lehman Brothers dẫn đến những điều tất yếu trong mọi trường hợp.

Không giống như Hoa Kỳ, chính phủ Iceland biết rằng họ không thể cứu các trái chủ hoặc các cổ đông. Vấn đề ở đây là liệu chính phủ có giải cứu các tập đoàn đã từng cam kết với người gửi tiền hay không, và họ hào phóng đến mức nào đối với những người gửi tiền nước ngoài. Nước Anh đã sử dụng chiến thuật “bàn tay sắt” - đến mức dùng cả luật chống khủng bố để giành lại các tài sản từ Iceland - và khi Iceland quay sang cầu viện IMF và các nước Bắc Âu, họ khẳng định rằng những người nộp thuế của Iceland đã cứu những người gửi tiền của Anh và Hà Lan, thậm chí còn vượt hơn cả số tiền trong tài khoản đã được bảo đảm.

Trong chuyến trở lại thăm Iceland vào tháng 9 năm 2009, nghĩa là gần một năm sau đó, tôi thấy sự giận dữ đã trở nên rất rõ ràng. Tại sao người nộp thuế của Iceland phải trả giá cho sự thất bại của một ngân hàng tư nhân, đặc biệt là khi các cơ quan điều tiết của nước ngoài đã không làm được công việc bảo vệ các công dân của họ? Trước những phản ứng mạnh mẽ của các chính phủ châu Âu, người ta thường cho rằng Iceland đã phạm một sai lầm cơ bản trong quá trình hội nhập Châu Âu: “thị trường chung”, có nghĩa là bất kỳ ngân hàng châu Âu nào cũng đều có thể hoạt động ở bất cứ quốc gia nào. Trách nhiệm địều tiết, quản lý đã được chuyển về nước xuất xứ. Nhưng nếu một quốc gia không hoàn thành công việc, thì công dân của họ ở các nước khác có thể mất tiền tỷ. Châu Âu không muốn nghĩ đến điều này cũng như những hàm ý sâu xa của nó; vậy thì tốt hơn là để mặc Iceland nhỏ bé gánh chịu khoản tiền này, số tiền tương đương 100% GDP của họ!

Khi cuộc khủng hoảng trở nên tồi tệ hơn ở Hoa Kỳ và Châu Âu, các nước khác trên thế giới cũng phải gánh chịu sự sút giảm trong lượng tổng cầu của thế giới. Các nước đang phát triển đặc biệt phải gánh chịu nhiều nhất, khi kiều hối giảm (chuyển tiền từ các thành viên trong gia đình từ các nước phát triển) và luồng vốn chảy vào trong nước cũng giảm mạnh, và trong một số trường hợp còn là đảo chiều. Nếu như cuộc khủng hoảng của Hoa Kỳ bắt đầu từ ngành tài chính và sau đó lan ra các phần còn lại của nền kinh tế, thì ở nhiều nước đang phát triển - bao gồm cả những quốc gia có quy định tài chính tốt hơn nhiều so với Hoa Kỳ - những vấn đề trong “nền kinh tế thật” là rất lớn, đến mức cuối cùng chúng đã gây ảnh hưởng đến lĩnh vực tài chính.

Cuộc khủng hoảng lan nhanh một phần là do các chính sách, đặc biệt là chính sách tự do hóa thị trường vốn và tài chính, mà IMF và Bộ Tài chính Hoa Kỳ đã tuồn vào các nước này – dựa trên cùng một ý thức hệ về thị trường tự do đã từng làm nước Mỹ khốn đốn trước kia. Nhưng ngay cả Hoa Kỳ còn nhận thấy rất khó để có đủ hàng ngàn tỷ dollar cho việc giải cứu và kích thích nền kinh tế, thì những hành động tương tự của các quốc gia nghèo hơn đúng là vượt quá năng lực của họ.

JOSEPH E. STIGLITZ

Kỳ tới: Bức tranh lớn

Đằng sau tất cả các triệu chứng rối loạn chức năng như trên là một sự thật lớn hơn: nền kinh tế thế giới đang trải qua cơn địa chấn.

No comments:

Post a Comment