30/01 WEF: Sẽ lập mạng lưới đối phó nguy cơ toàn cầu

30/01/2011 17:05:00

Phiên bế mạc WEF 2011. (Ảnh: Đức Hùng/Vietnam+)

Ngày 30/1, sau năm ngày làm việc, Hội nghị thường niên lần thứ 41 Diễn đàn Kinh tế Thế giới (WEF) 2011 đã bế mạc tại Davos, Thụy Sĩ, với cam kết của các nhà lãnh đạo, chuyên gia kinh tế, xã hội, tổ chức quốc tế và nhiều doanh nghiệp trên thế giới nhằm hợp tác ngăn chặn các nguy cơ đe dọa toàn cầu.

Các nguy cơ đe dọa toàn cầu như tội phạm có tổ chức, tham nhũng, sự mất ổn định về kinh tế và chính trị tại nhiều quốc gia trên thế giới, các nguy cơ liên quan tới nguồn nước, lương thực và năng lượng, những nguy cơ gây bất ổn đối với kinh tế vĩ mô của thế giới.

Trên 35 nguyên thủ quốc gia và khoảng 2.500 đại diện doanh nghiệp, học giả, tổ chức quốc tế đã nhất trí phối hợp hành động nhằm tìm ra giải pháp để đối phó với các nguy cơ nêu trên và đặc biệt tìm ra tiếng nói chung cho việc thiết lập mạng lưới đối phó với khủng hoảng theo đề xuất của WEF.

Ngoài ra, hội nghị cũng đã thống nhất việc xác định các chính sách chung cho hỗ trợ tăng trưởng toàn cầu.

Diễn đàn năm nay cũng đã thảo luận những vấn đề thời sự và mang tính toàn cầu như khủng hoảng tại Ai Cập, Tunisia, tái thiết hệ thống tiền tệ quốc tế, vấn đề tăng trưởng sạch, ổn định giá cả hàng hóa và nguồn cung trong bối cảnh tài nguyên thế giới có hạn…/.


Đức Hùng (Vietnam+)

28/01 "Nhật sẽ đưa cán cân ngân sách trở lại thặng dư"

28/01/2011 21:30:00

Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan. (Nguồn: Internet)

Ngày 28/1, Thủ tướng Nhật Bản Naoto Kan khẳng định chính phủ nước này sẽ tiếp tục củng cố nền tài chính công trên cơ sở chiến lược quản lý ngân sách được xây dựng năm 2010, với mục tiêu đưa cán cân ngân sách cơ bản trở lại trạng thái thặng dư trước tài khóa 2020.

Trước đó, ngày 27/1, tổ chức Standard & Poor's (S&P) của Mỹ đã hạ mức xếp hạng tín dụng của Nhật Bản lần đầu tiên kể từ năm 2002 vì cho rằng Chính phủ Nhật Bản thiếu một chiến lược chặt chẽ để giảm nợ công hiện ở mức cao nhất trong các nước công nghiệp hóa.

Cụ thể, S&P hạ mức xếp hạng đối với các trái phiếu dài hạn của Nhật Bản từ AA xuống AA-. Đây cũng là lần đầu tiên kể từ tháng 10/2006 một nước trong nhóm G7 bị hạ xếp hạng tín dụng.

S&P cho rằng thâm hụt tài chính của Nhật Bản sẽ tiếp tục tăng cao hơn dự tính trước khi kinh tế nước này bị hút vào cuộc suy thoái kinh tế toàn cầu và đà tăng này sẽ chỉ chấm dứt vào giữa những năm 2020, đồng thời nhận định Chính phủ Nhật Bản đang thiếu một chiến lược chặt chẽ để đối phó với những mặt bất lợi của tình trạng nợ công tăng cao.

Thủ tướng Kan cho rằng đánh giá trên của S&P không có ảnh hưởng lớn đối với các thị trường tài chính. Điều này thể hiện sự tin tưởng của thị trường đối với khả năng quản lý tài chính của Nhật Bản.

Vào chiều 28/1, tỷ giá yen/USD vẫn đứng ở mức 82,88-82,98 yen đổi 1 USD ở thị trường New York và 82,85-82,86 yen ở Tokyo, cho dù trước đó có biến động nhẹ sau khi S&P công bố xếp hạng.

Theo các chuyên gia phân tích, nguyên nhân khiến tỷ giá giữa đồng yen và các ngoại tệ khác, nhất là USD, không có biến động lớn là do có khả năng các tổ chức xếp hạng tín dụng quốc tế cũng sẽ điều chỉnh xếp hạng đối với nền kinh tế Mỹ.

Trong khi đó, chiến lược gia Norihiro Tsuruta của Công ty Nghiên cứu và Tư vấn Chứng khoán Mizuho cho rằng sở dĩ việc S&P hạ mức xếp hạng tín dụng của Nhật Bản không tạo ra ảnh hưởng lớn là do phần lớn lượng trái phiếu mà Chính phủ Nhật Bản phát hành hiện đang do các nhà đầu tư trong nước nắm giữ.

Trong bối cảnh Nhật Bản vẫn giữ vai trò nước chủ nợ, khả năng bán tháo trái phiếu chính phủ Nhật Bản do xếp hạng của S&P là không cao./.


(TTXVN/Vietnam+)


TIN MỚI NHẬN
Điều lệ tổ chức, hoạt động Công ty mẹ-Vinashin
Không hoàn thành kế hoạch, Chủ tịch sao lấy thưởng?

IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga năm 2011
Các biện pháp hạ nhiệt nền kinh tế của Trung Quốc
WEF: Sẽ lập mạng lưới đối phó nguy cơ toàn cầu
EU có thể gia hạn với các khoản vay của Hy Lạp
Alpha Natural chi 7,1 tỷ USD mua Massey Energy
Ban hành cơ chế đặc thù cho thủy điện Lai Châu
Đầu tư gần 325 tỷ đồng đóng mới 300 toa xe hàng
Một doanh nghiệp Việt vào Hội đồng Tư vấn WEF

30/01 IMF nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga năm 2011

30/01/2011 21:07:00

Quỹ tiền tệ thế giới (IMF) vừa điều chỉnh nâng dự báo tăng trưởng kinh tế Nga năm 2011 lên 4,5%.

Căn cứ vào tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga trong những năm gần đây thì sức tăng này sẽ chậm hơn Trung Quốc và Ấn Độ hai lần.

Trung Quốc dự đoán tăng trưởng kinh tế nước này ở mức 9,5% năm 2011 và 9,6% năm 2012, trong khi Ấn Độ đạt tương ứng là 8,4 và 8%.

Đặc biệt, IMF vẫn giữ nguyên dự báo tăng trưởng GDP của Nga năm 2012 là 4,4%.

Nền kinh tế của các nước thuộc Cộng đồng các quốc gia độc lập (SNG) sẽ tăng trưởng 4,7% năm 2011 và 4,6% năm 2012.

Theo các chuyên gia của IMF, nếu không tính Nga, thì GDP của các nước SNG năm 2011 và 2012 sẽ tăng với nhịp độ 5,1% và 5,2%. Các con số này đã được điều chỉnh giảm đi 0,1%.

Theo IMF, nền kinh tế của các nước đang phát triển sẽ tăng với nhịp độ ở mức 6,5%, chậm hơn một chút so với năm 2010 (7%).

IMF nâng mức dự đoán giá dầu mỏ trung bình trong năm 2011 lên 90 USD/thùng, so với mức 79 USD/thùng đưa ra hồi tháng 10/2010.

Dự báo, thiệt hại do thời tiết xấu gây ra đối với mùa màng có thể lớn hơn thời kỳ cuối năm 2010.

Do đó, IMF cho rằng trong năm 2011, giá các nguyên liệu không phải là năng lượng sẽ tăng lên 11%. Bình luận về những số liệu của IMF, các chuyên gia đồng ý rằng nền kinh tế Nga rất dễ bị tổn thương.

Ông Anton Safonov, chuyên gia của Công ty phân tích độc lập “Investkafe”, nhận định: đánh giá của IMF rất lạc quan, còn vấn đề nâng mức dự báo dường như còn tương đối khiêm tốn.

Theo ông, một trong những vấn đề chủ yếu gây lo ngại, đó là thâm hụt ngân sách liên bang. Trong thời gian tới, vấn đề này chỉ có thể giải quyết được nhờ giá dầu mỏ tăng cao và tăng thuế.

Ngoài ra, Nga chưa giải quyết được vấn đề lạm phát cao. Ông Safonov cho rằng, lạm phát sẽ giảm dần, chủ yếu là do tác động của Ngân hàng trung ương.

Theo những dự báo chính thức, lạm phát của Nga sẽ ở mức 6-7% năm 2011 và 5-6% năm 2012, nhưng ông Safonov cho rằng con số này sẽ ở mức 7,5-8% năm 2011.

Cũng theo ông Safonov, sang năm 2012, tình hình sẽ khó khăn hơn, và kinh tế Nga sẽ khó có thể tăng trưởng cao hơn mức 4-4,2%. Vì thế, Ngân hàng thế giới (WB) và IMF cũng như các nhà lãnh đạo có thể sẽ phải thay đổi những đánh giá của mình.

Nga không thể theo kịp nhịp độ tăng trưởng của Trung Quốc và Ấn Độ - "những đầu tầu" của kinh tế thế giới trong thời gian tới.

Ông Andrey Cherniavski, chuyên gia tư vấn của Công ty 2K Aydit-tư vấn nghiệp vụ/Morison International nhận định: có thể việc nâng dự đoán về tốc độ tăng trưởng kinh tế của Nga liên quan tới việc giá dầu tăng lên.

Cho tới nay, những rủi ro đối với kinh tế Nga chủ yếu là do phụ thuộc nhiều vào những yếu tố bên ngoài, còn những nguồn nội lực bảo đảm cho tăng trưởng rất ít. Mặc dù năm 2010 kinh tế Nga khá ổn định, niềm tin của giới doanh nhân được cải thiện, nhưng nền kinh tế này vẫn rất dễ bị tổn thương.

Theo ông, Nga cần có một chính sách kinh tế vĩ mô và chính sách thuế sáng suốt, khuyến khích các nhà đầu tư, tạo thêm công ăn việc làm. Chỉ trong những điều kiện như vậy Nga mới có thể đạt được nhịp độ tăng trưởng mạnh./.


Cường Dũng (TTXVN/Vietnam+)

29/01 Trung Quốc muốn được xây dựng luật chơi tại WTO

29/01/2011 | 09:45:00

Tại Hội nghị Thường niên lần thứ 41 Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) Davos 2011, Trung Quốc đã kỷ niệm 10 năm gia nhập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO).

Kể từ khi gia nhập WTO tới nay, tổng sản phẩm quốc nội của Trung Quốc đã tăng gấp đôi.

Phát tại WEF 2011, Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc, Trần Đức Minh đã tuyên bố: "Trung Quốc đã trả giá rất nhiều để có tấm vé gia nhập WTO."

Trong 10 năm, mức thuế trung bình đối với hàng hóa nhập khẩu vào Trung Quốc đã giảm từ 15,3% xuống còn 9,8%.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng cho biết thêm, hiện nay, Bắc Kinh đã thực hiện đầy đủ luật chơi của WTO và đã trở thành đối tác chín chắn để có thể xây dựng luật lệ của Tổ chức Thương mại lớn nhất hành tinh này.

Đối với Trung Quốc, lần kỷ niệm gia nhập WTO này có ý nghĩa đánh dấu mốc trưởng thành của Bắc Kinh trong thương mại đa phương.

Bộ trưởng Thương mại Trung Quốc cũng khẳng định tại Diễn đàn Davos rằng, Trung Quốc muốn kết thúc vòng đàm phán Doha để đạt được "các kết quả hợp lý."

Vốn được khởi động từ năm 2001, các vòng đàm phán Doha cho tới nay vẫn bị bế tắc./.


Đức Hùng (Vietnam+)

19/01 Tập đoàn Citigroup lãi 10,6 tỷ USD trong năm 2010

19/01/2011 09:14:00
Tập đoàn tài chính ngân hàng Citigroup của Mỹ ngày 18/1 thông báo trong năm 2010 đã làm ăn có lãi trở lại, với mức lợi nhuận ròng đạt 10,6 tỷ USD, sau một khoảng thời gian khủng hoảng kéo dài.

Đây là một kết quả thực sự khích lệ đối với Citigroup và ngạc nhiên đối với nhiều người bởi trước đó một năm Citi vẫn đang bị lỗ 1,6 tỷ USD.

Tổng Giám đốc điều hành Citigroup Vikram Pandit đã mô tả năm 2010 là năm của những "cột mốc." Ông nói rằng: "Mục tiêu của chúng tôi là đạt được lợi nhuận ổn định và tôi rất hài lòng rằng với việc quý thứ tư liên tiếp làm ăn có lãi, lợi nhuận ròng của chúng tôi đã đạt 10,6 tỷ USD."

Trong quý 4 vừa qua, Citi đạt mức lãi 1,3 tỷ USD. Tuy nhiên, nhìn tổng thể Citi vẫn chưa thật sự thoát khỏi những tác động của cuộc khủng hoảng tài chính-kinh tế năm 2008.

Citi Holdings - công ty được thiết lập nên nhằm cách ly tập đoàn khỏi các khoản đầu tư "độc hại" và không có lãi - vẫn đang gặp rất nhiều khó khăn. Trong năm 2010, Citi Holdings vẫn bị lỗ khoảng 4,2 tỷ USD.

Tổng Giám đốc Pandit nói rằng trong năm 2010, tập đoàn đã tiếp tục giảm bớt quy mô của Citi Holdings theo một cách thức hợp lý, giảm giá trị tài sản của Citi Holdings xuống chỉ còn 128 triệu USD.

"Mặc dù môi trường kinh tế vẫn còn đang bất ổn, nhưng con đường trong tương lai của chúng tôi rất rõ ràng. Là một ngân hàng tầm cỡ toàn cầu của Mỹ, chúng tôi đã xây dựng được nền tảng có đủ khả năng để tạo ra lợi nhuận bền vững và mục tiêu tiếp theo của chúng tôi là đạt được sự tăng trưởng có trách nhiệm," ông Pandit phát biểu./.


Khắc Hiếu (Vietnam+)

28/01 "Hoàn toàn có thể ngăn chặn được bão tài chính"

28/01/2011 15:47:00

Ủy ban Thanh tra về khủng hoảng tài chính, do Quốc hội Mỹ thành lập nhằm xác định nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008-2009, khẳng định đây là thảm họa hoàn toàn có thể ngăn chặn được.

Theo phóng viên TTXVN tại Washington, báo cáo cuối cùng về nguyên nhân của cuộc khủng hoảng, công bố ngày 27/1, dày 576 trang, của Ủy ban trên đã chỉ ra nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu năm 2008-2009.

Theo đó, Ngân hàng Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) và một số cơ quan khác đã chấp thuận các hoạt động kinh doanh gây hậu quả lớn như cho vay thế chấp xấu, đóng gói các khoản vay và bán cho nhà đầu tư, cũng như các hoạt động kinh doanh đầy mạo hiểm, những loại chứng khoán được đảm bảo bằng khoản vay.

Đáng lưu ý là các hoạt động này đều được thực hiện trong một "hệ thống ngân hàng mờ ám" gồm Lehman Brothers và Bear Stearn, Goldman Sachs, Merrill Lynch và Citibank. Không chỉ vậy, hoạt động cho vay của các ngân hàng thương mại như Countrywide, hiện do Bank of America quản lý, Wachovia và JPMorgan Chase cũng có nhiều sai phạm.

Ủy ban này nêu rõ Washington phải chịu trách nhiệm về những hậu quả do cuộc khủng hoảng tài chính gây ra đối với nền kinh tế toàn cầu, cũng như đối với hàng triệu người bị mất việc làm.

Các ngân hàng, các nhà xây dựng luật pháp và các thể chế cũng phải chịu trách nhiệm vì không thực hiện được nghĩa vụ đạo đức, nghề nghiệp, để xảy ra cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu. Thậm chí, ngay cả người dân Mỹ cũng có lỗi vì đã để lại cho hệ thống tài chính một món nợ khổng lồ trong nhiều thập kỷ qua.

Bên cạnh đó, Ủy ban cũng nêu tên những người có liên đới đến cuộc khủng hoảng tài chính, trong đó có cựu Tổng thống George W. Bush, Tổng thống đương nhiệm Barack Obama - những người trực tiếp đưa ra chính sách trong thời gian đó, cựu Chủ tịch FED Alan Greenspan và Chủ tịch đương nhiệm Ben Bernanke, Bộ trưởng Tài chính Timothy Geithner - người giữ vai trò là Chủ tịch FED khu vực New York trong thời kỳ khủng hoảng và người tiền nhiệm Henry Paulson.

Các đơn vị và cá nhân này đã không sẵn sàng đối phó với các sự kiện diễn ra trong năm 2007-2008, bỏ qua những dấu hiệu cảnh báo như sự bùng nổ của việc cho vay thế chấp thứ cấp, kéo theo các khoản nợ quá lớn của chủ sở hữu nhà đất và việc giá nhà đất tăng không bền vững.

Báo cáo trên là kết quả của các cuộc điều tra được thực hiện trong suốt hơn một năm qua và 19 ngày điều trần cùng các cuộc phỏng vấn với hơn 700 nhân chứng.

Song, theo giới phân tích, bản báo cáo này vẫn bị ảnh hưởng của những yếu tố chính trị vì 6/10 thành viên của Ủy ban là người của Đảng Dân chủ ủng hộ còn bốn thành viên còn lại thuộc đảng Cộng hòa lại không tán thành kết luận của Ủy ban.

Các thành viên Đảng Cộng hòa cho rằng nguyên nhân của cuộc khủng hoảng tài chính là do tỷ lệ lãi suất thấp tạo ra bong bóng tín dụng toàn cầu và sự hỗ trợ của chính phủ đối với tập đoàn cho vay thế chấp Fannie Mae và Freddie Mac./.


(TTXVN/Vietnam+)