19/05 Triển vọng ra đời Quỹ Tiền tệ châu Á đang đến gần

19/05/2011 | 14:58:00

Ảnh chỉ mang tính minh họa. (Nguồn: Internet)
Tạp chí Á-Âu vừa đưa ra nhận định rằng, việc thành lập Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô (AMRO) của Hiệp hội các Nước Đông Nam Á và ba nước đối tác Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc (ASEAN+3) gần đây và cơ chế Đa phương hóa Sáng kiến Chiang Mai (CMIM) năm 2010 đã và đang thúc đẩy mạnh mẽ tiến trình hình thành Quỹ Tiền tệ châu Á (AMF).

Theo tạp chí trên, ngày 4/5 tại Hà Nội, các nước thành viên ASEAN+3 đã thực hiện một bước đi quan trọng để tiến tới thành lập AMF.

Các bộ trưởng tài chính ASEAN+3 đã hội đàm với ông Benhua Wei, Giám đốc mới được chỉ định của Cơ quan Nghiên cứu Kinh tế Vĩ mô ASEAN+3 đặt trụ sở tại Singapore.

Các bộ trưởng tài chính ASEAN+3 cũng chỉ đạo xem xét khả năng của AMRO và hy vọng cơ quan này sẽ sớm đi vào hoạt động.

Các bộ trưởng cũng chỉ đạo các thứ trưởng đưa ra các đánh giá nhằm tăng cường vị thế pháp lý của AMRO, để sớm thành lập một tổ chức có đầy đủ tư cách pháp lý quốc tế.

Thực tế, đề nghị thành lập AMF được đưa ra đúng thời điểm đỉnh cao của cuộc khủng khoảng tài chính châu Á năm 1997-1998. Nhưng sau đó đề nghị này lắng xuống do sức ép từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) và Bộ Tài chính Mỹ.

Tuy nhiên, việc cải tổ IMF về cung cách quản lý, hiến chương, phần đóng góp và quyền bỏ phiếu nhằm mang lại sức mạnh lớn hơn cho các nền kinh tế lớn mới nổi như Trung Quốc, Ấn Độ và Brazil gặp khó khăn, từ đó đòi hỏi phải có một cơ cấu tiền tệ toàn cầu phi tập trung hóa và linh hoạt hơn.

Theo cơ cấu phi tập trung hóa, IMF là tổ chức toàn cầu “cấp cao” được gắn kết với các quỹ tiền tệ ở các khu vực khác nhau trên thế giới để hỗ trợ và bổ sung cho nhau.

Hiện nay, Quỹ Tiền tệ Arập và Quỹ Dự trữ Mỹ Latin đã được thành lập và nhiều khả năng một Quỹ Tiền tệ châu Âu sẽ ra đời trong tương lai. Do đó, ý tưởng thành lập AMF càng được củng cố mạnh mẽ.

Kết quả một cuộc thăm dò ý kiến các nhà lãnh đạo ASEAN+3 (gồm các quan chức chính phủ, các học giả, giới nghiên cứu và thống đốc ngân hàng các nước), do các nhà nghiên cứu thuộc trường Đại học Tổng hợp Công nghệ Nanyang (NTU) của Singapore thực hiện, cho thấy, gần 2/3 trong số những người được hỏi cho rằng quyết định thành lập AMRO là rất quan trọng và nó sẽ thức đẩy việc sử dụng CMIM.

Một số nhà lãnh đạo còn cho rằng, tương lai CMIM và AMRO nên sáp nhập để thành lập AMF, bổ sung cho IMF.

Tuy nhiên, châu Á không nên hy vọng AMF sẽ ra đời sớm. Mặc dù được thành lập, nhưng hiện nay AMRO chưa đi vào hoạt động và tư cách pháp nhân cũng chưa được xác định.

Ngoài ra, nhiệm vụ thành lập một đơn vị độc lập, hiệu quả và được trang bị một hệ thống cảnh báo khủng hoảng sớm, cũng như hoạt động đầy đủ nhằm bổ sung cho IMF chắc chắn sẽ mất một thời gian khá dài.

Thăm dò ý kiến nói trên của NTU còn cho biết, gần 1/2 các nhà lãnh đạo ASEAN+3 dự đoán, AMF có thể được thành lập trong khoảng thời gian từ năm 2016-2020; 1/3 nhà lãnh đạo cho rằng, AMF chỉ có thể được thành lập sau năm 2020; 1/10 nhà lãnh đạo dự kiến AMF có thể được thành lập trong vòng 5 năm nữa./.

Nguyễn Hữu Trung (TTXVN/Vietnam+)

19/05 IMF và ECB kêu gọi Hy Lạp phải nỗ lực cải cách

19/05/2011 | 19:23:00

Một cuộc biểu tình của người lao động Hy Lạp. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cảnh báo kỳ vọng vực dậy nền tài chính công đang bên bờ vực thẳm của Hy Lạp sẽ tiêu tan, nếu nước này không nỗ lực cải cách hơn nữa, trong khi Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) cũng cho rằng tái cơ cấu nợ "mềm" không phải là giải pháp hay.

Ông Poul Thomsen, Phó giám đốc IMF phụ trách khu vực châu Âu và là người vừa có chuyến đi thị sát để đánh giá tiến bộ của Athens trong việc đáp ứng các mục tiêu tài chính liên quan tới gói cứu trợ chung IMF/EU, nhấn mạnh tiến trình phục hồi sẽ chệch hướng, nếu Athens không đưa ra cam kết mạnh mẽ về cải cách cơ cấu trong những tháng tới.

Ông chỉ rõ tư nhân hóa tạo ra sự khác biệt thực sự và số tiền thu được từ tiến trình đó sẽ đưa đến sự thay đổi đáng kể trong sự bền vững nợ. Đã ba tháng trôi qua kể từ khi Chính phủ Hy Lạp loan báo kế hoạch tư nhân hóa trị giá 50 tỷ euro, nhưng theo đánh giá của IMF hầu như chưa có tiến bộ đáng kể.

Sau lời cảnh báo đó, Bộ trưởng Tài chính George Papaconstantinou đã cam kết đẩy nhanh các nỗ lực củng cố ngân sách quốc gia với kế hoạch tinh giảm thêm nhân công trong khu vực nhà nước, khởi động tiến trình từ nhân hóa bắt đầu từ các công ty quốc doanh đã niêm yết. Chính phủ sẽ đàm phán với các nghiệp đoàn và các đảng đối lập để tìm được tiếng nói chung đối với các biện pháp khắc khổ.

Trong nỗ lực mới nhất ngày 18/5, Athens đã chỉ định nhóm các nhà tư vấn cho 15 dự án tư nhân hóa, trong đó có dự án bán 34% cổ phần trong công ty cung cấp dịch vụ cá cược OPAP, một trong số ít ỏi các công ty làm ăn có lãi.

Đối mặt với năm thứ ba liên tiếp kinh tế rơi vào suy thoái, Chính phủ của Thủ tướng tạm quyền George Papandreau đang chật vật đối phó với tình trạng trốn thuế lan tràn và bị sức ép cổ phần hóa một số tài sản nhà nước trị giá hàng chục tỷ euro để có tài chính lấp lỗ hổng ngân sách.

Theo các điều khoản của gói cứu trợ 110 tỷ euro mà IMF và EU dành cho Hy Lạp, năm nay Athens phải đưa thâm hụt ngân sách xuống 7,6% GDP. Theo ông Thomsen, nếu không có các biện pháp khác quyết liệt hơn, Athens không thể đưa thâm hụt ngân sách xuống dưới 10% GDP.

Trong khi đó ECB, ngân hàng đang nắm giữ 50 tỷ euro nợ trái phiếu chính phủ của Hy Lạp, cũng cảnh báo tái cơ cấu nợ "mềm" cho Hy Lạp có thể đặt sự ổn định của Eurozone vào tình thế nguy hiểm. Ông Lorenzo Bini Smaghi, ủy viên ECB người Italy, đã phản đối kế hoạch tái cơ cấu nợ "mềm" cho Hy Lạp với lý do không hiểu được vấn đề và cần thận trọng khi đánh đi các tín hiệu đối với các thị trường tài chính.

Thậm chí một ủy viên khác là ông Juergen Stark còn chỉ rõ các nhà hoạch định chính sách rằng thật là ảo tưởng khi khi nghĩ rằng động thái đó có thể giải quyết được những vấn đề của Hy Lạp. Không những thế ông Stark còn chỉ rõ kêu gọi thay đổi các điều khoản thanh toán nợ của Hy Lạp là "đơn thuốc tai họa." Tái cơ cấu nợ mềm tức là kéo dài thời hạn trả nợ và hạ bớt lãi suất. Còn tái cơ cấu nợ cứng nghĩa là các nước xóa một phần nợ, lộ trình mà Argentina và Mexico từng trải qua khi bị vỡ nợ.

Trong khuôn khổ cuộc họp diễn ra đầu tuần này tại Brussels (Bỉ), Chủ tịch nhóm Bộ trưởng tài chính Eurozone Jean-Claude Juncker có nhắc tới khả năng tái cơ cấu "mềm" dành cho Hy Lạp nhằm giúp giảm gánh nặng nợ nần đã lên tới 150% GDP, với điều kiện Athens cam kết thực hiện chương trình cải cách sâu rộng và tư nhân hóa./.

Hoàng Hà (TTXVN/Vietnam+)

18/05 10 vụ IPO lớn nhất trong lĩnh vực Internet

Thứ Tư, 18/05/2011 | 11:54

Phản hồi: 0

Sau Google, RenRen là hãng Internet thu được nhiều tiền nhất từ IPO.

Kể từ sau vụ phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng (IPO) đình đám thu về 1,67 tỷ USD của người khổng lồ Google hồi tháng 8/2004, làn sóng IPO của các doanh nghiệp trong lĩnh vực Internet đã có những thay đổi chóng mặt, cả về lượng lẫn chất.

Tạp chí Fortune đã liệt kê ra 10 vụ IPO hoành tráng nhất của các hãng công nghệ liên quan tới Internet kể từ sau vụ Google.

1. RenRen (Mã cổ phiếu: RENN)

Công ty khai thác mạng xã hội của Trung Quốc đã thu được 743 triệu USD trong đợt IPO đầu tháng này, với giá 14 USD/cổ phiếu. Giá cổ phiếu của RenRen tới cuối phiên 17/5 là 12,73 USD.

2. ClearWire Corp. (Mã cổ phiếu: CLWR)

Hãng cung cấp dịch vụ Internet băng rộng không dây này đã thu được 600 triệu USD trong lần phát hành lần đầu cổ phiếu ra công chúng hồi tháng 3/2007, với giá 25 USD/cổ phiếu. Giá của ClearWire tới hết phiên hôm qua là 4,27 USD/cổ phiếu.

3. ICE Intercontinental Exchange (Mã cổ phiếu: ICE)

Nền tảng giao dịch tài chính trực tuyến này trong đợt IPO hồi tháng 3/2005 đã thu được 415 triệu USD, với giá 26 USD/cổ phiếu. Giá cổ phiếu của hãng tới hết phiên 17/5 là 120,48 USD.

4. E-Commerce China Dangdang (Mã cổ phiếu: DANG)

Công ty thương mại điện tử của Trung Quốc đã thu được 272 triệu USD trong lần IPO tháng 10/2010, với giá 16 USD/cổ phiếu. Cổ phiếu của Dangdang đứng ở 19,92 USD khi chốt phiên 17/5.

5. Limelight Networks (Mã cổ phiếu: LLNW)

Hãng cung cấp dịch vụ nội dung Internet này đã nhận về 240 triệu USD trong đợt IPO thực hiện hồi tháng 6/2010, với giá 15 USD/cổ phiếu. Giá cổ phiếu của Limelight tới chốt hôm qua là 5,55 USD.

6. Dice Holdings (Mã cổ phiếu: DHX)

Hãng tuyển dụng trực tuyến này đã kiếm được 217 triệu USD khi phát hành cổ phiếu lần đầu ra công chúng hồi tháng 7/2007. Hôm qua, chốt phiên, giá cổ phiếu của Dive là 14,46 USD.

7. NetSpend Corp. (Mã cổ phiếu: NTSP)

NetSpend đã hốt được 204 triệu USD khi tiến hành IPO đợt tháng 10/2010, với mức giá cổ phiếu bán ra là 13 USD. Giá cổ phiếu của NetSpend tính tới hết phiên 17/5 là 9,52 USD.

8. Youku.com (Mã cổ phiếu: YOKU)

Hãng cung cấp dịch vụ chia sẻ video trực tuyến của Trung Quốc đứng thứ 8 với 203 triệu USD thu về trong đợt IPO hồi tháng 12/2010, với giá 12,8 USD/cổ phiếu. Chốt phiên 17/5, giá cổ phiếu của Youku là 47,4 USD.

9. 21ViaNet (Mã cổ phiếu: VNET)

Nhà cung cấp dịch vụ Internet Trung Quốc đã kiếm được 195 triệu USD trong lần IPO hồi tháng 4/2011, với giá 15 USD mỗi cổ phiếu mở bán. Giá chốt phiên hôm qua của cổ phiếu VNET là 12,02 USD.

10. RackSpace (Mã cổ phiếu: RAX)

Hãng cung cấp dịch vụ hosting Internet này trong đợt phát hành cổ phiếu lần đầu hồi tháng 8/2008 đã thu được 187,5 triệu USD, với giá 12,5 USD/cổ phiếu. Chốt phiên 17/5, giá của cổ phiếu này đứng ở 41,12 USD.

Hồng Ngọc

TBKTVN