13/06 Triển vọng hợp tác kinh tế và tiền tệ ASEAN



Xung quanh Hội nghị thượng đỉnh An ninh châu Á (gọi là Đối thoại Shangri-La) tại Singapore trong ba ngày 03-05/6 vừa qua, các nước tham Hội nghị tỏ ra lo ngại về tình hình an ninh trong khu vực ASEAN, điều này ảnh hưởng phần nào đến tiến trình hình thành cộng đồng ASEAN vào năm 2015, bao gồm 3 lĩnh vực: Cộng đồng an ninh ASEAN, cộng đồng kinh tế ASEAN, cộng đồng văn hóa – xã hội ASEAN, đã được bàn thảo tại Hội nghị cấp cao các nước thành viên ASEAN tổ chức ngày 08/5 tại Jakarta (Indonesia).

Trong lĩnh vực kinh tế, ý tưởng xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN đã được các nước thành viên thông qua vào năm 2007, làm nền tảng phát triển khu vực kinh tế ASEAN thành một thị trường chung, có khả năng cạnh tranh và phát triển bền vững, góp phần đẩy nhanh quá trình hội nhập của khu vực vào nền kinh tế toàn cầu, mục tiêu cuối cùng là hình thành đồng tiền riêng trong khu vực ASEAN nhằm tránh sự lệ thuộc vào đồng tiền thứ ba và giảm thiểu tác động của biến động tài chính từ bên ngoài.
Đây là mô hình đã được hình thành năm 1953 tại châu Âu với tên gọi là “thị trường chung châu Âu” với mục tiêu cơ bản là lập liên minh thuế quan trong cộng đồng; xóa bỏ rào cản về tự do di chuyển vốn, lao động và dịch vụ; xây dựng chính sách thương mại thống nhất với các nước ngoài cộng đồng; thành lập liên minh kinh tế và tiền tệ; đề ra các nguyên tắc và chính sách kinh tế thống nhất; mở rộng hợp tác công nghệ và bảo vệ môi trường... Sau gần 50 năm hợp tác và phát triển, đồng tiền chung đã ra đời và bắt đầu lưu hành từ 01/01/1999. Mặc dù đồng euro đang khủng hoảng, nhưng một châu Âu hòa bình đã hình thành nhờ sự ra đời của liên minh châu Âu và cộng đồng kinh tế chung.
Tuy nhiên, ý tưởng nêu trên của các nước ASEAN khó trở thành hiện thực trong tương lai gần do GDP khác nhau và sự thiếu vắng một định chế lớn để giải quyết những đe dọa trong khu vực tài chính, giữa các nước còn nhiều khác biệt, nhất là về mức độ rủi ro và kỷ luật tài chínhMột lựa chọn khác được các quan chức đưa ra là sử dụng đồng bản tệ trong giao dịch thương mại giữa các nước thành viên và giữa các nước ASEAN với Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc nhằm tránh rủi ro có thể phát sinh khi sử dụng đồng tiền thứ ba. Để chuẩn bị cho việc thực hiện ý tưởng này, các ngân hàng trung ương các nước ASEAN + 3 đang nghiên cứu khả năng thực hiện thỏa thuận hoán đổi song phương, làm cơ sở để mở rộng hệ thống hoán đổi đa phương theo sáng kiến Chiang Mai. Việc hình thành hệ thống tiền tệ khu vực có tác dụng tăng cường sự phối hợp về chính sách tiền tệ giữa các nước, ngăn ngừa thăng giáng tiền tệ, nhanh chóng thoát khỏi sự lệ thuộc vào hệ thống kinh tế của các nước phương tây, một nước châu Á vấp phải khủng hoảng ngoại hối (như đã xảy ra năm 1997) có thể vay ngoại tệ (thường là USD) từ nước khác nhằm củng cố dự trữ ngoại hối cho đến khi thoát khỏi khủng hoảng.
Về con số, thương mại các nước ASEAN tăng rất mạnh với tổng giá trị xuất nhập khẩu hiện nay đạt gần 2.000 tỉ USD, nhưng thương mại nội khối chỉ chiếm 20-25%. Các nguồn đầu tư trực tiếp vào ASEAN vẫn chủ yếu từ Liên minh Châu Âu, Nhật Bản và Mỹ, nguồn vốn đầu tư nội khối chỉ chiếm trên dưới 10% tổng vốn đầu tư. Nỗ lực hạn chế sự phụ thuộc vào USD đã được các nước trên thế giới và khu vực ASEAN thực hiện từ khi đồng euro chính thức lưu hành năm 1999, nhưng tỉ trọng USD trong giao dịch thương mại và đầu tư giảm rất chậm mặc dù USD mất giá mạnh. Có thể nói, do USD vẫn chiếm tỉ trọng áp đảo trong các quan hệ thương mại, đầu tư và thanh toán quốc tế nên các nước ASEAN vẫn ưu tiên sử dụng USD hơn là hoán đổi tiền tệ.
Trong bối cảnh suy thoái kinh tế toàn cầu và khủng hoảng đồng euro hiện nay, các nước ASEAN tỏ ra rất thận trọng trong việc xây dựng cộng đồng kinh tế ASEAN, và càng do dự trong việc hình thành đồng tiền chung. Bên cạnh đó, lo ngại mang tính chính trị cũng tăng lên do những vấn đề biên giới và chủ quyền quốc gia, các nước ASEAN nghi ngờ về những lợi ích có thể đạt được với một Trung Quốc quá tham vọng. Với giá trị thương mại hai chiều giữa các nước ASEAN với Trung Quốc năm 2010 đạt 300 tỉ USD, tăng trên 50% so năm trước, các loại thuế nhập khẩu đang giảm dần với hàng loạt mặt hàng, từ thực phẩm, sản phẩm dệt may, đồ điện đến sắt, thép. Nhiều doanh nghiệp ASEAN bất bình trước sự tràn ngập của hàng nhập khẩu Trung Quốc và lo ngại xu hướng người tiêu dùng chuyển sang những mặt hàng nhập khẩu này, điều này đã làm nảy sinh yêu cầu xem xét và đàm phán lại nội dung Hiệp định thương mại hoặc áp thuế chống bảo hộ giá cả đối với những mặt hàng nhập khẩu từ Trung Quốc hoặc áp đặt rào cản phi thuế quan.
Hiện nay, Trung Quốc đang tích cực đẩy mạnh việc sử dụng NDT trong giao dịch thanh toán thương mại với Nhật Bản, Ấn Độ, Hàn Quốc và các nước ASEAN. Trong điều kiện đó, nếu các nước ASEAN thúc đẩy hoán đổi song phương thì dễ trở thành tiền lệ để Trung Quốc yêu cầu phát triển hoán đối tiền tệ với Trung Quốc và phần thiệt sẽ thuộc về các nước nhập siêu, trong khi đó cán cân thương mại đang nghiêng về phía Trung Quốc, một điều đã và đang diễn ra trong quan hệ thương mại Mỹ - Trung Quốc.
Để xây dựng cộng đồng kinh tế và một hệ thống tiền tệ chung tối ưu, các nước châu Á cần nghiên cứu kinh nghiệm và cách làm của châu Âu, hóa giải những nguy cơ tiền tệ do sự biến động của USD gây ra. Điều cơ bản là phải tăng cường hợp tác trong việc giải quyết những khó khăn của từng nước thành viên và của cả khối, coi khó khăn của từng nước là khó khăn chung, quan trọng nhất là đoàn kết trong việc giải quyết xung đột giữa một số nước ASEAN với Trung Quốc, tạo thành một ASEAN đoàn kết, vững chắc và tin tưởng lẫn nhau.
Hoàng Thế Thoả