10/01 'Nghịch lý' về thương hiệu trong lĩnh vực di động

Người tiêu dùng Việt Nam thường chuộng các thương hiệu nước ngoài hơn trong nước nhưng trong lĩnh vực thông tin di động, điều ngược lại đang xảy ra khi thương hiệu và nhân tố nội chiếm ưu thế hoàn toàn.

Khi thông tin di động mới xuất hiện tại Việt Nam, dấu ấn của Comvik - một thương hiệu nước ngoài khá rõ nét, khi hãng này hỗ trợ MobiFone trong những ngày đầu cung cấp dịch vụ. Tuy nhiên, mức độ quan trọng của thương hiệu mang yếu tố nước ngoài này chỉ được đo lường chính xác sau khi họ rút khỏi mạng di động đầu tiên của Việt Nam.

Vài năm sau khi Comvik rời MobiFone, hãng di động này thậm chí còn có những bước tăng trưởng đột phá mà điển hình là năm 2008. Năm đó, bất chấp khủng hoảng kinh tế, MobiFone có doanh thu vượt mốc 1 tỷ USD, mức tăng trưởng thuê bao bằng cả 15 năm trước cộng lại, lợi nhuận trên doanh thu cũng đạt mức kỷ lục trong ngành với tỷ lệ gần 35%.

Trong khi đó, các yếu tố mang thương hiệu ngoại ở các mạng di động khác thì chưa chứng minh được vai trò đáng kể nào. Với S-Fone, đối tác ngoại là SK Telecom sau nhiều năm trầy trật kinh doanh đã bỏ cuộc. Còn Vietnamobile đã một lần phải “thay áo” từ HT Mobile và đối tác ngoại là Hãng viễn thông khổng lồ Hutchison cũng chưa thể chứng minh được điều gì trên thị trường thông tin di động Việt Nam.

Beeline - nhà mạng có cùng tên thương hiệu với hãng viễn thông lớn của Nga, cũng đang loay hoay với định hướng phát triển ở Việt Nam khi chưa thể tìm được hướng cạnh tranh có hiệu quả với các mạng di động thuần Việt.

Trên thực tế, cả 3 thương hiệu có yếu tố ngoại là Vietnamobile, S-Fone hay Beeline chưa từng là sự lựa chọn ưu tiên của người tiêu dùng nội địa. Thay vào đó, các thương hiệu thông tin di động thuần Việt là MobiFone, VinaPhone, Viettel luôn là sự lựa chọn đầu tiên về cả chất lượng lẫn độ tin cậy.

Đầu năm 2010, một nghiên cứu độc lập về thương hiệu các mạng di động của Công ty nghiên cứu thị trường TNS Việt Nam cho thấy, các thương hiệu viễn thông thuần Việt vẫn giành được sự tín nhiệm vượt trội của người sử dụng. Theo kết quả điều tra, MobiFone dẫn đầu trên cả 3 chỉ tiêu chủ chốt: độ nhận biết thương hiệu, mức độ ưa thích và mức độ mong muốn sử dụng.

Trong đó, kết quả về mức độ ưa thích của MobiFone tính theo tỷ lệ phần trăm (%) vượt rất xa mạng đứng thứ hai là Viettel (54% so với 29%). Còn ở chỉ tiêu về mức độ mong muốn sử dụng, MobiFone là 56%, Viettel là 44%, VinaPhone là 25%. Trong khi đó, các hãng di động có yếu tố nước ngoài thấp hơn rất xa so với con số của các mạng trong nước.

Gần đây nhất, AC Nielsen lại vừa công bố một kết quả nghiên cứu khác về mức độ yêu thích của các thương hiệu tiêu dùng nổi tiếng nhất Việt Nam. Trong số 10 thương hiệu hàng đầu, MobiFone đứng thứ 4 và Viettel xếp hạng 7 và không có một cái tên viễn thông có yếu tố nước ngoài nào lọt vào danh sách này.

Chưa hết, trong danh sách các thương hiệu viễn thông được yêu thích nhất mà AC Nielsen điều tra chấm điểm, Beeline là cái tên nước ngoài duy nhất lọt vào nhưng xếp cuối cùng. Đứng đầu vẫn là MobiFone, tiếp đến là Viettel và các hãng nội địa khác.

Cho tới thời điểm hiện tại, chưa có một hãng nghiên cứu thị trường nào đưa ra các phân tích chi tiết về lý do khiến yếu tố thương hiệu ngoại lại lép vế trong lĩnh vực thông tin di động. Nhưng bằng chứng có thể thấy rõ nhất trong thời gian gần đây là bản thân những chuyên gia trong ngành viễn thông nội địa cũng tin vào khả năng kinh doanh của ta hơn tây ở lĩnh vực này.

Ngoài ví dụ đến từ MobiFone, một ví dụ điển hình khác là EVN Telecom. Sau khi kinh doanh gặp nhiều khó khăn, hãng này đã đi tới quyết định bán cổ phần cho đối tác chiến lược. Tuy nhiên, khi lựa chọn, hãng viễn thông này đã “chấm” FPT – một công ty nội địa 100% chứ không phải một hãng viễn thông lớn nước ngoài. 'Nghịch lý' trong lĩnh vực viễn thông di động vẫn đang tiếp diễn.

Nguyễn Hà

CMC TI đã thông kết nối với FPT qua VNIX

ICTnews- Các thuê bao CMC TI đã có thể kết nối bình thường với FPT Telecom qua trạm trung chuyển quốc gia (VNIX) giống như khi chưa xảy ra sự cố, dù tại Hà Nội thỉnh thoảng kết nối vẫn còn chập chờn.

Bài liên quan:

>> CMC TI trục trặc kết nối với mạng FPT Telecom

Ông Hoàng Minh Cường, Phó Giám đốc Trung tâm Internet Việt Nam (VNNIC) cho biết, từ ngày 11/1, các thuê bao của CMC TI đã thông kết nối với FPT Telecom thông qua trạm VNIX. Tuy nhiên, kết nối ở Hà Nội vẫn chưa thực sự ổn định nên đội ngũ kỹ thuật của FPT và CMC đang tiếp tục theo dõi và xử lý. Còn kết nối ở TP.HCM đã hoạt động bình thường trở lại giống như trước khi xảy ra sự cố.

Đại diện của FPT Telecom và CMC TI đã xác nhận thông tin trên và hiện chỉ còn kết nối với CMC TI qua VNIX ở Hà Nội thỉnh thoảng còn chập chờn.

Giải thích về hiện tượng này, đại diện của FPT Telecom cho rằng do một số thiết bị mới được đưa vào thay thế nên FPT Telecom vẫn đang phải tiến hành theo dõi lưu lượng để khớp dần với hệ thống. "Dự kiến chỉ khoảng 1, 2 ngày tới là kết nối ở Hà Nội sẽ đi vào ổn định", đại diện FPT cho biết thêm.

Qua sự việc này, đại diện CMC TI cho rằng, với vai trò của một đơn vị trung chuyển, VNNIC nên yêu cầu các doanh nghiệp cam kết có các thiết bị dự phòng trong trường hợp xảy ra sự cố giống như trường hợp vừa qua.

Về vấn đề này, ông Hoàng Minh Cường cho rằng, cách đây khá lâu, VNNIC đã có kiến nghị với các doanh nghiệp thực hiện các phương án dự phòng như đường truyền doanh nghiệp này bị sự cố thì có thể sử dụng đường truyền của các doanh nghiệp khác. "Mặc dù vậy, cho đến nay, còn 1,2 đơn vị vẫn chưa thực hiện", ông Cường nhấn mạnh.

Thế Phương

12/01 IMF và ECB lạc quan về tiến trình phục hồi kinh tế toàn cầu

(12/01/2011)


Tại Hội nghị kinh tế toàn cầu diễn ra ở thành phố Basel (Thuỵ Sỹ) ngày 10/1/2011, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), Jean-Claude Trichet và Phó Giám đốc điều hành thứ nhất của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), John Lipsky đã lạc quan cho rằng tiến trình phục hồi của nền kinh tế toàn cầu đang diễn ra tốt hơn mọi dự báo.


Tuy nhiên, chính tiến trình phục hồi lạc quan này lại làm tăng sức ép lạm phát, đặc biệt là đối với các nền kinh tế đang phát triển mới nổi dù các nền kinh tế này hiện là động lực đưa nền kinh tế toàn thế giới ra khỏi khủng hoảng.

Theo đại diện ECB và IMF, vấn đề quan trọng hiện nay là các nước cần kiểm soát nguy cơ lạm phát bằng đối sách thích hợp, đặc biệt trong bối cảnh nền kinh tế toàn cầu đã tập trung được sức mạnh to lớn để phục hồi nhưng giá dầu và giá lương thực tăng chạm mức “khu vực nguy hiểm” có thể gây hậu quả xấu.

IMF dự báo nền kinh tế toàn cầu tăng trưởng chậm lại với tốc độ 4,2% trong năm 2011 (năm 2010 là 4,8%). Các ngân hàng trung ương của các nền kinh tế mới nổi sẽ tăng lãi suất để ngăn chặn nguy cơ lạm phát làm suy thoái thị trường chứng khoán ở các nước này.

Chủ tịch ECB cho biết, Hội nghị kinh tế toàn cầu ở Basel đã thống nhất mục tiêu ổn định giá lương thực toàn cầu vì đây chính là một nguyên nhân quan trọng thúc đẩy lạm phát ở hầu hết các nền kinh tế thế giới.

CKH