23/04 Mô hình kinh tế: Thực tiễn hay chỉ là lừa đảo?

Thứ 7, 23/04/2011, 09:16

Về lý thuyết thì một triệu năm mới có khủng hoảng một lần, nhưng thực tế cứ 10 năm khủng hoảng lại bùng phát.

Khi khủng hoảng tài chính bùng nổ vào tháng 08/2007, Giám đốc Tài chính của Goldman Sachs, ông David Viniar, từng nói một câu nổi tiếng rằng “liên tiếp mấy ngày gần đây đã diễn ra những sự kiện ở ngoài 25 lần độ lệch chuẩn (tức cực hiếm xảy ra – ND).

Nếu mỗi ngày bạn đều định giá khoản đầu tư của mình theo giá trị thị trường trong vài triệu năm liên tục thì xác suất để những sự kiện như thế xảy ra vẫn dưới một phần triệu. Chẳng có gì kỳ lạ cả, chỉ có mô hình mà Goldman sử dụng để quản lý rủi ro đã không thể diễn tả được cái thế giới của nó mà thôi.

Nếu nước trong cốc của bạn hóa thành rượu, bạn nên cân nhắc tới những lý do bớt lãng mạn hơn chứ đừng vội tuyên bố đó là phép màu của Chúa. Nếu 10 lần bạn tung đồng xu đều ra mặt ngửa (một sự kiện có xác suất dưới một phần nghìn), có lẽ đây là ngày may mắn của bạn.

Nhưng nhiều khả năng hơn là đồng xu của bạn có vấn đề, người tung đồng xu đang gạt bạn hoặc chính cái kết quả 10 lần tung đều ngửa đó là không có thật. Các kết quả cực đoan không phải là sự hiện thực hóa những trường hợp có khả năng nhưng không chắc chắn của mô hình mà là những sự kiện nằm ngoài phạm vi của mô hình đó.

60 năm trước, một nhà kinh tế Pháp đã nêu lên nghịch lý Allais dựa trên phát hiện rằng phần lớn con người có thái độ rất khác nhau giữa những sự kiện có xác suất rất cao và những điều chắc chắn. Một con người bình thường tư duy như vậy là rất hợp lý. Trong thế giới thực không tồn tại cái gọi là xác suất 99%.

Xác suất cực cao hay cực thấp đều là sản phẩm của các mô hình, và xác suất bất kỳ một mô hình nào có thể diễn tả hoàn toàn chính xác thế giới lại nhỏ hơn 1 rất rất nhiều. Một khi đã cân nhắc cả xác suất mô hình mang lại và cái xác suất cực lớn nhưng hoàn toàn chưa được xác định rằng mô hình đó thất bại, bạn sẽ chẳng còn có thể yên tâm nổi nữa.

Các kỹ thuật như mô hình hóa VaR (value at risk), phương pháp chính được các ngân hàng sử dụng, có thể hữu ích khi xác định biến động lợi nhuận thường nhật. Nhưng chúng hoàn toàn vô dụng với các sự kiện cực đoan, mà hài hước ở chỗ các mô hình ấy chủ yếu được sử dụng để đối phó với những sự kiện như thế. Đây chính là điều là Viniar và những người khác đã học được (hay là “đáng lẽ đã học được”) trong năm 2007.

Dù vậy, việc sử dụng những mô hình quản trị rủi ro kiểu này là một trong rất nhiều lĩnh vực của ngành tài chính vẫn chẳng có mấy thay đổi. Liên minh Châu Âu (EU) đang nghiên cứu bản hướng dẫn dành cho các công ty bảo hiểm có tên Solvency II.

Khó tin là Solvency II lại được xây dựng dựa trên hiệp định Basel II về giám sát khả năng thanh toán của ngân hàng vốn đã thất bại trong khủng hoảng tài chính. Solvency II yêu cầu các doanh nghiệp xây dựng các mô hình cho thấy xác suất sụp đổ của công ty dưới 0,5%.

Các công ty bảo hiểm vẫn sụp đổ, nhưng không phải vì những lý do nêu trong các mô hình như thế. Chúng sụp đổ vì những sự kiện không lường trước được hoặc đã bị bỏ qua, ví dụ như nguy cơ từ việc tiếp xúc với chất amiăng trong thời gian dài. Chúng sụp đổ vì người bảo hiểm không hiểu được đặc điểm rủi ro trong các đơn bảo hiểm của họ (như tại AIG) hay vì lừa đảo (như tại Equity Fundings).

Các kết quả vượt quá nhiều lần giá trị độ lệch chuẩn không xảy ra trong thực tế. Khi tất cả các con tàu của “Lái buôn thành Venice” cùng đắm trên biển, chúng ta hiểu mình đang xem kịch chứ không đọc sách lịch sử. Shakespeare đủ thông minh để hiểu được điều đó. Trong Hồi V, Antonio (chính là “Lái buôn thành Venice” – ND) vẫn có thể tính toán đầy đủ dự phòng thua lỗ của mình dù cho khi ấy đã quá muộn để anh hoàn thành được giao kèo vay vốn với Shylock.

Nhưng ngày nay, không phải nhà thơ, mà chính những người xây dựng mô hình tài chính đang nắm số mệnh trong tay. Giống như giả kim thuật, những người xây dựng mô hình này hưởng lợi nhờ khao khát tin vào những điều không thể của chúng ta. Nhưng cuộc tìm kiếm các biện pháp quản trị rủi ro khách quan có thể giám sát một cách đáng tin cậy từ bên ngoài cũng vô vọng như hành trình biến chì thành vàng.

Giống như các nhà giả kim thuật, những người xây dựng mô hình tài chính đã dựng nên cả một chuyên ngành mà những tranh luận dữ dội giữa họ với nhau khiến những người nhẹ dạ tin rằng quả có một chuyên ngành ấy thật.

Chúng ta chỉ có thể quản trị rủi ro tài chính tốt hơn khi nhận ra được những hạn chế của công tác xây dựng mô hình. Kiểm soát rủi ro gần như hoàn toàn nằm ở khả năng quản trị, các khuyến khích hợp lý, hệ thống và cấu trúc vững chắc và các sáng tạo đơn giản và minh bạch.

Minh Tuấn
Theo Economist

No comments:

Post a Comment