Một số nước phát triển bắt đầu xem xét áp dụng Basel 3



Thứ 2, 18/06/2012, 16:34
Theo kế hoạch, Mỹ, EU và Nhật Bản sẽ thực hiện trước, sau đó sẽ xem xét áp dụng đại trà trên toàn cầu.
Sau khi lãnh đạo khu vực đồng tiền chung euro quyết định cho Chính phủ Tây Ban Nha vay 100 tỉ euro (125 tỉ USD) để vực dậy các ngân hàng trong nước, thế giới bắt đầu tỏ ra lo ngại về tác động dây chuyền của khủng hoảng nợ châu Âu, khi hàng loạt ngân hàng tại nhiều nước khu vực euro tiếp tục bị đánh tụt hạng và tác động của nó đến hệ thống ngân hàng toàn cầu.

Bên ngoài khu vực đồng tiền chung euro, các Chính phủ và Ngân hàng Trung ương (NHTW) bắt đầu tập trung quan tâm đến việc bảo vệ hệ thống ngân hàng trong nước nhằm tránh lặp lại những thảm kịch như đã xảy ra vào năm 2008 mà nguyên nhân cơ bản là do những khiếm khuyết trong các qui định tài chính. Trong đó, NHTW các nước phát triển đang yêu cầu các ngân hàng thương mại (NHTM) phải tăng vốn và khả năng thanh toán, tăng cường tiềm lực tài chính, thực hiện các thỏa thuận về giám sát ngân hàng theo Basel 3 vốn đã được chỉnh sửa về cơ bản vào cuối tháng 3 vừa qua, và bắt đầu áp dụng từ năm 2013. Basel 3 cũng đề ra qui định mới về tỉ lệ thanh khoản, dự kiến bắt đầu áp dụng từ năm 2015.

Basel 3 yêu cầu các ngân hàng lớn trên toàn cầu phải đạt tỉ lệ vốn trên 7%, đồng thời phải có phần vốn phụ để phản ánh rủi ro qui mô của ngân hàng trong hệ thống tài chính. Những ngân hàng này có thể cần tới 2,5% vốn bổ sung, đưa tỉ lệ vốn tự có lên 9,5%. 

Theo kế hoạch, Mỹ, EU và Nhật Bản sẽ thực hiện trước, sau đó sẽ xem xét áp dụng đại trà trên toàn cầu. Ủy ban Basel cho rằng, do sự khác biệt trong cấu trúc hệ thống tài chính của mỗi nước, Hiệp ước Basel cần được luật hóa trước khi áp dụng.

Tại Mỹ, sau hàng loạt đợt kiểm tra và các biện pháp củng cố hệ thống tài chính, đầu tháng 6/2012, Fed đã soạn thảo qui định yêu cầu các ngân hàng trong nước chấp nhận toàn bộ gói điều chỉnh Basel 3, buộc các ngân hàng phải duy trì lượng vốn đệm mạnh hơn để đối phó với thiệt hại do các cú sốc kinh tế - tài chính trong nước và quốc tế.

Qui định do Fed đề xuất sẽ lấy ý kiến công khai của dư luận trong thời gian 90 ngày, tập trung vào lượng vốn mà các ngân hàng phải nắm giữ để tự bảo vệ trước các khoản thua lỗ tiềm tàng. Yêu cầu cấp bách là tăng tỉ lệ vốn thông thường cấp 1 so với tổng tài sản ngân hàng, dự kiến các ngân hàng sẽ tăng tỉ lệ vốn thông thường cấp 1 là 7% so tổng tài sản vào cuối năm 2018, khi giai đoạn điều chỉnh này kết thúc.

Nhiều điểm trong yêu cầu đã được biết đến từ nhiều tháng qua, và các ngân hàng đã chủ động củng cố bảng cân đối tài chính để chuẩn bị thực hiện các qui định mới của Fed. Thí dụ, Citigroup ước lượng đã đạt tỉ lệ vốn theo Basel 3 là 7,2% vào cuối tháng 3, mặc dù bị thiếu vốn trầm trọng khi bước vào khủng hoảng tài chính 2008. JPMorgan Chase đang cân nhắc do thua lỗ nhiều tỉ USD trong giao dịch phái sinh, nên chưa công bố ước tính tỉ lệ vốn theo Basel 3.

Bất chấp các qui định khắt khe, Fed có thể cho phép các ngân hàng trừ phần vốn mà ngân hàng đã thanh toán dưới dạng tiền lãi cổ phần và mua lại cổ phiếu. Một quan chức Fed cho biết, các đợt kiểm tra ngân hàng gần đây được tiến hành nhằm xác định những ngân hàng còn đáp ứng yêu cầu vốn tối thiểu, yêu cầu tạm thời của Basel 3 sau khi hoàn vốn. Các ngân hàng sẽ có trên 6 năm để tuân thủ các qui định mới, bắt đầu từ năm 2013. 

Tiêu chuẩn Basel 3 bị nhiều chỉ trích, một số ngân hàng cho rằng họ quá mệt mỏi và qui định này có thể hạn chế cho vay. Theo Basel 3, các ngân hàng có thể phải nắm giữ thêm vốn để đề phòng một số loại tài sản cầm cố, nó có thể ngăn cản các ngân hàng trong việc cho vay trong nước. Tuy nhiên, một quan chức Fed đáp lại, các qui định Basel 3 là nhằm mục tiêu khuyến khích các ngân hàng đóng thuế tài sản cầm cố, chứ không cản trở cho vay.

Trái lại, một số phân tích cho rằng, các qui định Basel 3 quá yếu ớt và có thể dẫn đến hậu quả nguy hiểm khôn lường, khi qui định này cho phép các ngân hàng duy trì ít vốn hơn so với tài sản được cho là ít rủi ro hơn, như trái phiếu chính phủ chẳng hạn, và khủng hoảng nợ châu Âu đã chỉ ra mối nguy hiểm tiềm tàng của cách tiếp cận này.

Tại vương quốc Anh, Chính phủ và NHTW đã thông báo các kế hoạch đặc biệt theo hướng tăng mua trái phiếu của các NHTM nhằm thúc đẩy cho vay đối với nền kinh tế, đồng thời tăng cường giám sát hệ thống ngân hàng. Tuy nhiên, một số chuyên gia nghi ngờ động thái này không cải thiện nền kinh tế quốc gia do nhu cầu vay vốn của các doanh nghiệp rất thấp, nhiều chương trình đầu tư lớn bị trì hoãn do bất ổn kinh tế và rối loạn tại khu vực euro.

Trong khi đó, NHTW Thụy Sĩ đang chuẩn bị các biện pháp ngăn chặn nguy cơ tăng giá bản tệ frank khi euro mất giá, đồng thời tăng vốn cho các ngân hàng nhằm chủ động trước tình hình khủng hoảng nợ ngày càng xấu đi. Mặc dù NHTW Thụy Sĩ có thể vẫn mua các loại ngoại tệ với khối lượng không hạn chế và đồng frank đang được định giá cao, nhưng nếu đồng frank tăng thêm sẽ gây tác động tiêu cực đến giá cả và nền kinh tế. NHTW Thụy Sĩ cũng đề nghị Ngân hàng Tín dụng Thụy sĩ cân nhắc tạm hoãn việc thanh toán tiền lãi cổ phần hoặc tăng vốn bằng cách bán cổ phiếu.

Theo đánh giá của NHTW Thụy Sĩ, tỉ lệ vốn tự có tại Credit Suise và UBS (hai ngân hàng lớn nhất Thụy Sĩ) thấp hơn mức trung bình của các ngân hàng lớn trên thế giới với tỉ lệ tài sản có rủi ro tại hai ngân hàng này lần lượt là 5,9% và 7,5%. Trong khi đó, Thụy Sĩ chủ trương thực hiện các qui định Basel 3 từ năm 2013.

Theo Quang Hải
SBV

No comments:

Post a Comment