Hội nhập kinh tế sâu rộng hơn ở ASEAN là điều bất khả thi?



Thứ 7, 16/06/2012
Các nhà lãnh đạo ASEAN đang tiến tới một khối kinh tế gắn kết chặt chẽ hơn, tuy nhiên, họ đang gặp phải một thử thách mới : eurozone - mô hình nổi tiếng nhất đang tan rã.
Các quốc gia ASEAN từ lâu đã hy vọng sẽ tạo lập được các mối liên hệ chặt chẽ về mặt kinh tế - điều sẽ thúc đẩy tiêu dùng và thị trường lao động với khoảng 600 triệu dân nhằm nâng cao vị thế kinh tế và chính trị của khu vực. Mặc dù mọi thứ mới chỉ là kế hoạch và đang được hoàn thiện, điều này được hy vọng sẽ mang lại các lợi ích như hàng rào thương mại được giảm bớt, thủ tục hải quan đơn giản hơn, thị trường tài chính khu vực được kết nối chặt chẽ và lao động có thể di cư tự do. 

Tuy nhiên, các vị lãnh đạo ngày càng cảm thấy rõ ràng rằng họ không nên quá tham vọng. Chính việc sáp nhập các sở giao dịch chứng khoán hay phát triển một đồng tiền chung là nguyên nhân gây nên những rắc rối của châu Âu ngày nay. Kết nối các nền kinh tế đa dạng mà không có sự giám sát chặt chẽ là một thảm họa. 

Lấy ví dụ về vấn đề thành lập một sàn chứng khoán chung, CEO Tajuddin Atan của Bursa Malaysia Bhd. cho rằng chỉ cần thành lập Asean Trading Link – sàn giao dịch điện tử xuyên biên giới giữa các nước Malaysia, Singapore và Thái Lan là đủ. Chỉ 3 nước này đã chiếm tới 70% tổng giá trị vốn hóa thị trường hiện ở mức 2 nghìn tỷ USD của các nước ASEAN. 

Trong một cuộc phỏng vấn gần đây, Tổng thống Indonesian Susilo Bambang Yudhoyono cho biết vấn đề mà châu Âu đang gặp phải hiện nay có thể được coi là dấu hiệu cảnh báo dành cho các nước ASEAN. Trong các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây, các nước ASEAN dễ dàng hạ giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu và thoát ra khỏi khủng hoảng. Các nước eurozone không thể làm vậy bởi họ còn phải phụ thuộc vào đồng tiền chung. 

Đối với những người tỏ thái độ hoài nghi, điều này là rất khó khăn nếu không muốn nói là bất khả thi. Các nền kinh tế ở ASEAN vẫn chênh lệch quá lớn với nước Lào kém phát triển cho đến cường quốc như Singapore. Các nước này không thể đi đến thống nhất về luật lao động, các sản phẩm nông nghiệp cũng như sở hữu trí tuệ. Một số nước như Thái Lan và Campuchia còn có xung đột vũ trang trong những năm gần đây.

Bất chấp những điều này, một số công ty Đông Nam Á vẫn đang hối thúc thực hiện ý tưởng này. Họ tin rằng một khu vực kết nối hơn sẽ mang lại nhiều cơ hội kinh doanh cũng như giúp giảm thiểu chi phí sản xuất ở nước ngoài. Các doanh nghiệp còn hy vọng các chính phủ sẽ khôi phục lại những tuyến đường bộ và đường sắt xuyên quốc gia đã bị phá hủy trong thời kỳ chiến tranh và bất ổn chính trị. 

Một trong những công ty ủng hộ ý tưởng này là CIMB Group, tập đoàn đang có tham vọng vượt qua biên giới Malaysia để trở thành ngân hàng mang tầm cỡ khu vực. Nazir Razak, CEO của CIMB lập luận rằng các nước ASEAN vốn dựa nhiều vào xuất khẩu cần phải được tài trợ nhiều hơn trong bối cảnh các thị trường chủ đạo như Mỹ, châu Âu, Trung Quốc và Ấn Độ rơi vào tình trạng ảm đạm. Các doanh nghiệp giờ đây phải quay sang tập trung vào thị trường khu vực. Do đó, để làm được điều này, ASEAN cần giảm bớt các rào cản thương mại và bắt tay vào thực hiện các chính sách tài chính gắn kết với nhau hơn. 

Minh Anh
Theo TTVN/WSJ

No comments:

Post a Comment