5 lý do để suy thoái toàn cầu có thể xảy rav


Thứ 7, 09/06/2012, 08:13
3 năm qua, có một hiện tượng lặp lại ở nhiều nền kinh tế, đặc biệt là Mỹ: kinh tế mạnh lên về cuối năm sau khi yếu ớt suốt những tháng xuân - hè. Rất có thể năm nay điều đó không xảy ra.
Lý do là kinh tế những tháng cuối năm thường được tiếp sức bằng chính sách tiền tệ mạnh mẽ của các ngân hàng trung ương. Các chính sách này cơ bản đã giúp đẩy lùi nguy cơ suy thoái xa thêm vài tháng. Suy thoái được ngăn chặn đồng nghĩa với kinh tế phục hồi và chúng ta chỉ thấy lại sự suy yếu khi mà những ảnh hưởng của chính sách kích thích không còn. Điều này đã xảy ra các năm 2010, 2011 và giờ đang trở lại trong năm 2012.

Sau khi công bố những dấu hiệu hồi phục kinh tế toàn cầu đầu năm nay, các nhà kinh tế và các học giả lại một lần nữa hạ triển vọng kinh tế cho đúng với thực tế hơn. Cũng chính các kinh tế gia và học giả này giờ đang cùng kêu gọi thực hiện thêm một đợt kích thích kinh tế nữa, để các nền kinh tế có thể “tươi tỉnh” trở lại.

Kinh tế toàn cầu liệu có thể thực sự khỏe khoắn được hay không, khi nó cứ phải sống dựa vào những “mũi tiêm” tiền liều cao? Và vì vậy, rất có thể, sau lần “tươi tỉnh” cuối cùng này, kinh tế toàn cầu sẽ lâm vào trạng thái “hôn mê sâu”. Dưới đây là 5 lý do cho viễn cảnh đáng buồn đó.     

Một. Châu Âu, khối liên kết kinh tế lớn nhất thế giới đang ngày càng thu hẹp các hoạt động kinh tế. Tỷ lệ thất nghiệp nơi đây vừa đạt mức kỷ lục là 11% và chỉ số PMI, một đại lượng đo lường sức khỏe khu vực sản xuất, đã co lại trong 10 tháng liền và đang trở nên tồi tệ. Pháp và Đức, hai trụ cột kinh tế của châu Âu cũng không tránh khỏi tình trạng này. Đáng chú ý, xu hướng suy giảm kinh tế đó đang diễn ra giữa lúc các rủi ro chính trị tại châu Âu leo thang và bất ổn của hệ thống ngân hàng tăng lên.     

Hai. Tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc đang chậm lại và không còn là động lực của tăng trưởng toàn cầu như hai năm qua. Như để đáp lại những tranh luận về gói kích thích kinh tế bổ sung của Trung Quốc, chính phủ nước này tuyên bố, họ không nghĩ đến một gói kích thích có quy mô và phạm vi như năm 2009, bởi nó dường như đã góp phần tạo ra một núi nợ xấu tại các ngân hàng nước này hiện nay.     

Ba. Ấn Độ và Brazil, hai sức mạnh kinh tế mới nổi cực kỳ quan trọng khác cũng đang chậm lại. Ấn Độ thì đang đình đốn với số liệu GDP vừa được công bố tồi tệ nhất trong vòng 9 năm (giảm 1% so với cùng kỳ năm trước), còn Brazil chỉ tăng yếu ớt với 0,2% trong quý đầu năm nay. Các thị trường mới nổi tăng chậm lại sẽ chỉ như là những tấm nệm “hết hơi” đối với tăng trưởng kinh tế toàn cầu.     

Bốn. Kinh tế Mỹ, mặc dù vẫn tăng trưởng ở thời điểm hiện tại, vẫn không thể đạt được tốc độ cần thiết để có thể thắng được “lực ma sát nghỉ”, phục hồi một cách ổn định và tự thân. Thị trường lao động thì chưa bao giờ thoát khỏi suy giảm. Từ năm 2008, tỷ lệ việc làm của Mỹ bắt đầu sụt giảm và qua 4 năm, hiện vẫn thấp hơn 3,6% so với mức của năm 2008. Đây thực sự là điều không ngờ tới, khi mà kinh tế đã phần nào nhúc nhích trong hai năm qua. Báo cáo thất nghiệp mới nhất cho thấy, có một sự tăng lên ở loại việc làm bán thời gian, nhưng cùng với đó là một lượng việc làm toàn thời gian “không cánh mà bay”. Vấn đề là, tình trạng thiếu việc làm sẽ chuyển thành tình trạng giảm thu nhập bình quân. Thu nhập khả dụng cá nhân (sau thuế và lạm phát) đã giảm tháng thứ 7 liên tiếp, điều hiếm khi xảy ra ở một nền kinh tế không suy thoái. Với một nền kinh tế chủ yếu dựa trên tiêu dùng như Mỹ, cùng với tỷ lệ tiết kiệm gộp thấp, hiện tượng giảm thu nhập là rất đáng báo động.     

Năm. Chu kỳ ảnh hưởng của các gói cứu trợ ngày một ngắn hơn. Với viễn cảnh như trên, nhiều người hoàn toàn kỳ vọng vào một liều kích thích tiền tệ nữa trong thời gian tới. Tuy nhiên, kinh nghiệm những năm vừa qua cho thấy, các biện pháp kích thích từ các ngân hàng trung ương trên thế giới không đủ giúp các nền kinh tế tự phục hồi, bởi chúng không giải quyết được vấn đề nợ nần chồng chất tại mỗi quốc gia. Các biện pháp đó chỉ xử lý được về mặt triệu chứng, chứ không chữa được tận gốc “cơn bệnh”. Do vậy, tác động tích cực của chúng lên các thị trường và các nền kinh tế ngày càng nhỏ hơn. Các hoạt động tái cấp vốn ở châu Âu chỉ giúp “cầm chân” được cuộc khủng hoảng nơi đây trong khoảng từ 4 – 5 tháng, rồi đâu lại vào đấy, thậm chí, còn tồi tệ hơn. Thêm một lần, các gói kích thích lại được đặt ra, mà suy cho cùng, chỉ để… đánh lừa cảm giác.

Dù không có nhiều nhà dự báo kinh tế nhắc đến một cuộc suy thoái, vẫn có cơ sở để tin rằng, hiện tại, có ít nhất một khả năng rất dễ xảy ra là, chúng ta đang ở ngay trước một cuộc suy thoái toàn cầu khác. Hy vọng điều đó sẽ không xảy đến, nhưng thực sự, chân móng của nền kinh tế toàn cầu đang cực kỳ yếu ớt.            

Theo Quang Huy
ĐTCK

No comments:

Post a Comment