08/12 Khủng hoảng EU: Khi nước Đức cũng là mối đe dọa


Ngày 08.12.2011, 17:01 (GMT+7)

SGTT.VN - Tháng 5.2010, thủ tướng Angela Merkel tuyên bố không cứu Hy Lạp trong cơn khủng hoảng nợ. Nước Đức sau đó bị chỉ trích vô trách nhiệm và không ý thức được vai trò của mình trong Liên Âu. Hệ quả trực tiếp sau đó là đảng cầm quyền Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) thua tại bầu cử Nghị viện một trong những tiểu bang quan trọng nhất là Nordrhein-Westfalen. Một vố đau không những cho chính sách EU của chính phủ Merkel, mà còn là một câu hỏi nghi ngờ về vai trò của Đức từ các đồng minh và các đối tác chiến lược trong liên minh châu Âu.
Nhiều nước ở châu Âu đang nghi ngại mối đe dọa về một của một Liên minh châu Âu dưới sự thống trị của người Đức. Trong ảnh là thủ tướng Đức Angela Merkel (trái) và tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy tại cuộc gặp thượng đỉnh Pháp-Đức. Ảnh: Reuters
Hơn 18 tháng sau, cũng nước Đức của chính phủ Merkel muốn đi một bước xa. Từ chối trái phiếu châu Âu (eurobond), như một giải pháp đối phó lại khủng hoảng, nghi ngờ đề nghị để ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB) đóng vai trò “người cho vay cuối cùng” thu mua không giới hạn trái phiếu chính phủ của những nước đang gặp khủng hoảng tài chính như Hy Lạp, Ý, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, chiến lược chống khủng hoảng của Berlin tham vọng và nhiều quyết liệt. Đặt trọng tâm vào yếu tố kỷ luật ngân sách mỗi quốc gia, "văn hóa ổn định" là từ khóa trong kỷ luật ngân sách là bí quyết quan trọng đảm bảo sức khoẻ nền kinh tế. Tại Hội nghị thượng đỉnh Pháp-Đức ngày 5.12, thủ tướng Đức Merkel nhấn mạnh nhu cầu cần hội nhập sâu rộng hơn các chính sách thuế khóa và chi tiêu của các quốc gia thành viên trong khu vực đồng euro. Điều đó đồng nghĩa Brussels có thể sở hữu thêm những biện pháp trừng phạt lên các thành viên vi phạm. Liên minh châu Âu cần gắn cơ chế lợi ích với cơ chế kiểm soát và chế tài, mà cụ thể là cho phép áp đặt các chuẩn mực vể kỷ luật ngân sách.
Bộ trưởng tài chính Đức Wolfgang Schäuble tuyên bố: "Nếu mỗi nước đều tuân thủ chuẩn ổn định, vấn đề khủng hoảng sẽ tự giải quyết". Và để tuân thủ các chuẩn ổn định này, nói như một lãnh đạo đảng khác của CDU: "Ở châu Âu hiện nay tất cả phải cùng nói tiếng Đức". Mặc dầu lên tiếng đính chính câu nói của mình chỉ mang tính ẩn dụ, ám chỉ rằng chính phủ các nước châu Âu cần theo mô hình minh bạch và ổn định tài khóa theo kiểu Đức, câu nói trên cũng gây nên làn sóng phẫn nộ. Trên một kênh truyền hình Pháp, chính trị gia đảng đối lập cảnh bảo về sự trỗi dậy của chủ nghĩa quốc gia mới từ Đức, mà từ thế kỷ 19 đến nay luôn là một ám ảnh cho các nước láng giềng. Ở xứ sở sương mù, báo chí nước Anh sôi sục, đặc biệt trước chuyến thăm Berlin của thủ tướng David Cameron vào giữa tháng 11 vừa qua. Trong khi giới truyền thông Đức kêu gọi một nước Anh tích cực hơn vào dự án chung của hội nhập châu Âu, thì ngược lại, công luận Anh lại miêu tả về một viễn cảnh EU với chính phủ từ Berlin trong vai trò bá chủ, điểu khiển và ra lệnh các nước chư hầu xung quanh. Khi cuộc khủng hoảng EU vẫn còn chưa được giải quyết, thì một mối đe dọa khác lại nỗi lên, mối đe dọa về một của một Liên minh châu Âu dưới sự thống trị của người Đức.
Có người nói rằng nước Đức ở châu Âu không bao giờ có thể là một nước bình thường, bất chấp người Đức có mong muốn hay không. Kể từ kế hoạch thống nhất châu Âu khởi động đến nay, vai trò của đất nước nằm ở trung tâm lục địa già này luôn là một đề tài tranh cãi miên man không dứt. Khi họ mạnh, các nước khác lo ngại dè chừng. Khi họ yếu và hành động lưỡng lự, mọi người đặt câu hỏi tại sao Đức lại không dám dấn thân. Sự trỗi dậy của một nước Đức, dù không phải ở góc độ quân sự cũng không ai cảm thấy yên tâm. EU và các thiết chế của nó chính là tấm chắn, không phải chỉ vỉ lý do kinh tế, mà sâu xa hướng vào việc xây dựng một hợp đồng bảo hiểm với các nước láng giềng. Hợp đồng đảm bảo rằng: Nước Đức cùng châu Âu chúng ta sẽ sống chung với nhau cùng một mái nhà, trong hòa bình, an ninh và cùng chia sẽ thịnh vượng. Nay tấm chắn đó đang lung lay, người ta hỏi ai nếu không phải nước Đức phải đứng ra chống đỡ. Hơn nữa, bên ngoài nước Đức, ai cũng tin rằng, trong quá trình thống nhất, nước Đức là người hưởng lợi nhiều nhất. Người Đức thì ngược lại, họ nghĩ rằng, hưởng lợi có thể đúng, nhưng chỉ còn là quá khứ, hiện tại và tương lai nước Đức sẽ là người trút hầu bao nhiều nhất.
Xét cho cùng, sự sợ hãi nước Đức còn là sự sợ hãi về việc chủ quyền quốc gia tiếp tục bị giới hạn thông qua công cụ chế tài từ các định chế mới của Liên minh châu Âu. Người Pháp có quyền lo lắng khi chính họ -vì nổi lo đánh mất chủ quyền của quốc gia- đã từng phủ định Hiến pháp châu Âu năm 2005 bằng một cuộc trưng cầu dân ý. Nay sự sợ hãi đó quay trở lại, nhưng hoàn cảnh đã khác. 2011-2012 khi cỗ xe hội nhập đang bị cuốn vào cơn bảo khủng hoảng, quyền lựa chọn và phủ quyết, dù đó có là chính phủ hay từ phía người dân, có thể chỉ là một mảnh gỗ mong manh.
TRƯƠNG MINH (CHLB ĐỨC)

No comments:

Post a Comment