15/11 IMF cảnh báo rủi ro hệ thống tài chính ở Trung Quốc


AN HUY
15/11/2011 17:03 (GMT+7)
pictureCác ngân hàng Trung Quốc có thể gặp rủi ro hệ thống nếu các cú sốc đồng loạt xảy ra.
E-mailBản để inCỡ chữChia sẻ:facebooktwittergooglerss
Các ngân hàng thương mại lớn nhất của Trung Quốc đang đối mặt với những rủi ro hệ thống trong trường hợp các cú sốc về tín dụng, bất động sản, tiền tệ và đường cong lãi suất đồng loạt xảy ra, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) vừa lên tiếng cảnh báo. 

Tuy nhiên, theo tin từ Reuters, định chế này cũng cho rằng Bắc Kinh hoàn toàn có thể ngăn chặn được nguy cơ trên bằng cách tăng cường mức độ linh hoạt cho thị trường tài chính.

Dù không dự báo về một “thảm họa” tài chính sắp sửa nổ ra ở Trung Quốc, bản báo cáo lần đầu tiên trong lịch sử của IMF về hệ thống tài chính của nước này chỉ rõ, Trung Quốc cần có hành động nhanh chóng vì mức độ dễ bị tổn thương cao trước sự leo thang nhiều rủi ro của giá tài sản. Giải pháp, theo IMF, chỉ có thể là Trung Quốc thúc đẩy mạnh tiến trình tự do hóa thị trường tài chính, tạo các nhà đầu tư, ngân hàng thương mại và Ngân hàng Trung ương (PBoC) một mức độ độc lập cao hơn khỏi sự kiểm soát của Chính phủ nước này.

 “Mô hình chính sách tài chính hiện nay của Trung Quốc khuyến khích tỷ lệ tiết kiệm cao, mức độ thanh khoản cao trong nền kinh tế, cũng như nguy cơ cao về phân bổ vốn không đúng chỗ và bong bóng tài sản, đặc biệt trong lĩnh vực địa ốc”, báo cáo của IMF có đoạn viết.

Bản báo cáo được hoàn thành vào tháng 6 nhưng vừa mới được IMF công bố vào ngày hôm nay (15/11), đưa ra 29 khuyến nghị cho Trung Quốc. IMF cho biết đã cùng nhà chức trách Trung Quốc thực hiện cuộc kiểm tra năng lực tài chính đối với 17 ngân hàng chiếm 83% hệ thống ngân hàng thương mại của nước này. Kết quả kiểm tra cho thấy, tỷ lệ nợ xấu tăng ít nhất 1 điểm phần trăm đối với mỗi điểm phần trăm giảm xuống trong GDP.

Trong kịch bản xấu nhất mà IMF đưa ra, nếu các ngân hàng Trung Quốc gặp phải một loạt cú sốc xảy ra đồng thời, tỷ lệ an toàn vốn (CAR) của các ngân hàng chiếm khoảng 1/5 tổng tài sản của hệ thống ngân hàng nước này sẽ giảm xuống dưới mức yêu cầu tối thiểu 8%. Kịch bản này dựa trên mức tăng GDP hàng năm 4%, thấp hơn nhiều so với mức 9,1% trong quý 3 vừa qua, cung tiền M2 tăng khoảng 10%, giá bất động sản giảm khoảng 26%, lãi suất tiền gửi và cho vay thay đổi 95 điểm cơ bản.

Phản ứng trước báo cáo trên của IMF, Bắc Kinh tuyên bố sẽ không vội thực hiện các khuyến cáo mà định chế này đưa ra. “Chúng tôi nhận thấy bản báo cáo đưa ra một số quan điểm chưa toàn diện và khách quan. Việc Chính phủ Trung Quốc kiểm soát thị trường tài chính từ chỗ can thiệp trực tiếp đã chuyển sang gây ảnh hưởng bằng cách kiểm soát các công ty tài chính”, PBoC nói trong một tuyên bố. Thêm vào đó, Bắc Kinh cũng nói thêm là họ cần thực hiện các nghiên cứu riêng để xác định mức độ khả thi của các khuyến nghị mà IMF đưa ra.

Tuy nhiên, báo cáo của IMF chỉ rõ, các ngân hàng của Trung Quốc chỉ đối diện rủi ro hệ thống một khi các cú sốc xảy ra đồng thời. Định chế này cũng tỏ ra tin tưởng vào mức độ vững vàng của các ngân hàng Trung Quốc, cho dù nhấn mạnh là các ngân hàng này có hoạt động cho vay “ngầm”.

“Các chỉ số cơ bản về thanh khoản của hệ thống ngân hàng Trung Quốc là tốt”, báo cáo viết. Theo báo cáo, cho dù nếu tỷ lệ nợ xấu trong hệ thống này tăng 4 lần trong 2 năm lên 6%, thì vẫn chưa có ngân hàng nào có CAR giảm dưới mức tối thiểu theo quy định của nhà chức trách. Theo IMF, cho dù lãi suất ở Trung Quốc có tăng và giá nhà giảm 30%, thì các ngân hàng của nước này cũng chỉ chịu ảnh hưởng ở mức hạn chế, với CAR giảm 0,25 điểm phần trăm.

Ở thời điểm thực hiện báo cáo, IMF không đánh giá là thị trường bất động sản Trung Quốc sẽ hình thành bong bóng cho dù đến tháng 6 năm nay, giá nhà ở nước này vẫn cao ngất ngưởng bất chấp gần 2 năm Bắc Kinh nỗ lực giảm nhiệt thị trường địa ốc. “Giá nhà ở tại nói chung tại Trung Quốc chưa phải là quá cao, mặc dù có những tín hiệu về sốt giá ở một số phân khúc thị trường”, báo cáo viết.

No comments:

Post a Comment