14/11 Tương lai Eurozone “hậu Berlusconi, Papandreou” ra sao?


HỒNG NGỌC
14/11/2011 08:39 (GMT+7)
pictureChâu Âu đang chờ đợi một phép lạ cho vấn đề nợ công của khu vực này và tương lai Khu vực đồng tiền chung châu Âu.
E-mailBản để inCỡ chữChia sẻ:facebooktwittergooglerss
Sáng sớm nay (14/11, theo giờ Việt Nam), Tổng thống Italy Giorgio Napolitano đã chính thức đề cử ông Mario Monti, cựu ủy viên Liên minh châu Âu về bảo vệ tự do mậu dịch, làm thủ tướng tạm quyền của nước này với nhiệm vụ lãnh đạo đất nước thoát khỏi cuộc khủng hoảng nợ.

Quyết định này được Tổng thống Napolitano đưa ra sau một ngày tham vấn với lãnh đạo các chính đảng ở Italy và đã được sự đồng ý của ông Monti. Cựu ủy viên Liên minh châu Âu Monti được đánh giá là một chuyên gia kinh tế nổi tiếng và rất có uy tín trong mắt các nhà đầu tư.

Nổi danh nhờ những thành tích đáng nể trong lĩnh vực tài chính quốc tế, ông từng giữ chức ủy viên Liên minh châu Âu trong suốt một thập kỷ và phụ trách các mảng tài chính, thị trường và thuế từ năm 1995 tới năm 1999. Ông lãnh đạo Ủy ban cạnh tranh của Liên minh châu Âu từ năm 1999 tới năm 2004.

Trong tuyên bố vào ngay sau quyết định của Tổng thống Napolitano, ông Monti cho biết ông sẽ nhanh chóng thành lập chính phủ mới. “Italy phải sửa chữa những vấn đề tài chính và bắt đầu tăng trưởng vì giới lãnh đạo hiện tại có bổn phận phải làm như thế đối với các thế hệ tương lai”, ông nói.

Dự kiến Thủ tướng tạm quyền Monti sẽ sớm đệ trình lên quốc hội danh sách các thành viên trong chính phủ của ông cùng với một “chiến lược cứu nguy” nền kinh tế để xem xét thông qua. Tiến trình này có thể mất một vài ngày.

Giới quan sát nhận định rằng, với việc trở thành Thủ tướng Italy, ông Monti sẽ thành lập một chính phủ kỹ trị với cách thức điều hành đất nước mà người dân chưa từng trải nghiệm trong ba năm qua.

Ông Monti đã được sự ủng hộ của nhiều chính đảng đối lập lớn và một số đảng viên của đảng cầm quyền trung hữu PDL của ông Berlusconi. Theo kế hoạch, chức vụ thủ tướng Italy do ông Monti nắm giữ sẽ kéo dài cho tới khi cuộc bầu cử kế tiếp được tổ chức vào năm 2013.

Như vậy là Italy đã nhanh chóng có thủ tướng mới, chỉ vài giờ sau khi ông Silvio Berlusconi chính thức đệ đơn từ chức. Trước đó, ngày 12/11, Hạ viện Italy đã thông qua kế hoạch vực dậy nền kinh tế với 380 phiếu thuận, 26 phiếu chống và 2 người vắng mặt, để mở đường cho việc thành lập tân chính phủ.

Chính phủ của ông Berlusconi sụp đổ vào thời điểm mà dư luận lo ngại cuộc khủng hoảng chính trị và nợ công tại Italy sẽ nhấn Liên minh châu Âu (EU) chìm sâu hơn nữa vào cuộc khủng hoảng nợ công hiện nay. Italy là nền kinh tế lớn thứ ba trong khu vực sử dụng đồng Euro.

Trước cuộc chia tay của ông Berlusconi không lâu, đầu tuần qua, cựu Thủ tướng Hy Lạp George Papandreou cũng đã phải rời nhiệm để nhường chỗ cho người mới. Sự ra đi của ông Papandreou cũng được xem là tất yếu và nhà lãnh đạo này chấp nhận điều đó với thái độ có vẻ dễ dàng hơn ông Berlusconi.

Tối 9/11, ông Papandreou đã chính thức tuyên bố từ chức. Phát biểu trên truyền hình, ông George Papandreou đã chúc thủ tướng mới và Chính phủ Hy Lạp thành công trong việc lèo lái đất nước ra khỏi cuộc khủng hoảng trầm trọng hiện nay. Đồng thời, ông Papandreou cũng cam kết sẽ giúp đỡ người kế nhiệm hết sức có thể.

Và cũng rất nhanh chóng, ngay ngày hôm sau, thông báo phát đi từ Văn phòng Tổng thống Hy Lạp cho biết, cựu Phó chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), ông Lucas Papademos, đã trở thành thủ tướng lâm thời, đứng đầu chính phủ liên minh mới và gánh trọng trách chèo lái con thuyền Hy Lạp thoát khỏi khủng hoảng nợ công trầm trọng hiện nay.

Tiếp đó, trưa ngày 11/11, Thủ tướng tạm quyền Papademos cùng nội các mới đã chính thức làm lễ tuyên thệ nhậm chức. Chính phủ liên minh Hy Lạp được thành lập bao gồm 49 thành viên từ hai đảng chính là đảng Xã hội, đảng Dân chủ mới và đảng cực hữu nhỏ LAOS.

Tại lễ nhậm chức, ông Papademos cam kết chính phủ đoàn kết dân tộc mới sẽ nỗ lực thực hiện các biện pháp kinh tế "khắc khổ" nhằm bảo đảm nhận được gói cứu trợ thứ hai từ châu Âu. Ưu tiên hàng đầu của Athens là thuyết phục các đối tác châu Âu và IMF giải ngân khoản vay 8 tỷ Euro trong gói cứu trợ thứ nhất.

Như vậy là từ giữa tuần qua tới giờ, hai nhà lãnh đạo Hy Lạp và Italy, hai nền kinh tế được ví như những trái bom nợ chờ nổ, đã trước sau từ chức và nhường chỗ cho nhưng người mới có năng lực và uy tín lớn hơn lên nắm quyền. Và sau mỗi động thái này, thị trường lại một phen hân hoan và kỳ vọng lớn hơn vào tương lai khu vực.

Với Hy Lạp, trong một tuyên bố chung, Chủ tịch thường trực Liên minh châu Âu Herman Van Rompuy và Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jose Manuel Barroso cho rằng thỏa thuận về việc thành lập chính phủ đoàn kết dân tộc sẽ mở ra một chương mới đối với đất nước Hy Lạp.

Còn ở Italy, đoạn kết của ông Berlusconi thật thê lương. Theo các nguồn tin, ông Berlusconi đã rời khỏi văn phòng bằng cửa hậu trong tiếng la ó phản đối của người dân Rome. Vị chính khách lắm tài nhưng cũng đầy tật này bị dư luận đánh giá là đã hết khả năng lãnh đạo Italy thoát khỏi mớ bòng bong hiện tại. Điểm tín nhiệm của ông đã rơi xuống vực thẳm.

Hàng ngàn người biểu tình tại Rome đã hát, nhảy múa và mở rượu sâm-banh để chúc tụng nhau, ngay sau khi có thông tin chính thức về việc ông Berlusconi đệ đơn xin từ chức. Họ tiếp tục di chuyển từ dinh Thủ tướng tới nhà riêng của ông Berlusconi để tiếp tục lễ kỷ niệm ồn ào. Thậm chí có người còn hét lớn: “Bỏ tù! Bỏ tù!”.

Tuy nhiên, việc thay mới lãnh đạo ở Italy và Hy Lạp chỉ là những bước đi ban đầu. Quá trình để hai quả bom kinh tế này thực sự được tháo ngòi còn rất dài và không dễ thực hiện.

Hôm 12/11, tân Thủ tướng Hy Lạp đã hội đàm khẩn cấp với Tổng thống Pháp và Thủ tướng Đức xung quanh gói cứu trợ mới của châu Âu dành cho Hy Lạp. Việc thuyết phục các đối tác châu Âu và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) giải ngân khoản vay tiếp theo trị giá 8 tỷ Euro trong gói cứu trợ thứ nhất là ưu tiên hàng đầu của nội các mới ở Hy Lạp.

Nếu không nhận được khoản vay này trong tháng 11 để thanh toán các khoản nợ đáo hạn, Athens sẽ rơi vào tình trạng mất khả năng thanh toán, thậm chí phá sản hoặc phải rời khỏi Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone).

Tại cuộc hội đàm, cả Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy và Thủ tướng Đức Angela Merkel đều thúc ép Hy Lạp sớm thi hành đầy đủ các cam kết trong thỏa thuận cứu trợ của Liên minh châu Âu và IMF, và khẳng định đó là điều kiện bắt buộc để Hy Lạp có thể được giải ngân trong khuôn khổ gói cứu trợ mới.

Cũng trong ngày 12/11, tại một cuộc họp riêng rẽ, lãnh đạo Pháp, Đức khẳng định quyết tâm bảo vệ đồng Euro và cũng tính đến khả năng Hy Lạp có thể không đáp ứng các điều kiện để được giải ngân. Trường hợp này đồng nghĩa với việc Hy Lạp sẽ phải đương đầu với nguy cơ vỡ nợ và có khả năng phải rút khỏi Eurozone.

Tại Italy, cuối tuần trước, lưỡng viện nước này đã thông qua kế hoạch khắc khổ mới cho năm 2012. Do đó việc thực thi kế hoạch này như thế nào sẽ là một thách thức lớn cho tân chính phủ. Mặc dù lợi suất trái phiếu chính phủ của Italy đã hạ nhiệt trong phiên cuối tuần, nhưng sự tái bình ổn này không có gì đảm bảo là chắc chắn.

Theo dự báo của Ủy ban châu Âu, tăng trưởng kinh tế của Italy chỉ đạt 0,1% năm 2012, thấp hơn nhiều so mức dự báo 0,7% trước đó. Tỷ lệ thất nghiệp liên tục tăng cao lên mức 7,9% trong tháng 8 và 8,3% tháng 9/2011. Tỷ lệ người nghèo từ 13,1% năm 2008 tăng lên 13,8% năm 2010.

Ủy ban châu Âu cảnh báo Italy nhiều khả năng không đạt mục tiêu cân bằng ngân sách vào năm 2013 do kinh tế gần như ngừng trệ, trong khi lợi suất trái phiếu tăng vọt, có thể hủy hoại nền kinh tế nước này trong vài tháng tới. Hơn nữa, Italy khó giảm thâm hụt ngân sách xuống 1,6% GDP vào năm tới, mà thậm chí còn có thể tăng lên 2,3% GDP.

Trong một diễn biến khác, theo trang Courant, hôm 12/11, chuyên gia kinh tế Nouriel Roubini cảnh báo, gói các biện pháp cải cách tài chính khẩn cấp của Italy theo yêu cầu của Liên minh châu Âu nhiều khả năng sẽ không giúp nước này duy trì được tỷ lệ lãi suất trái phiếu chính phủ ở mức mà các thị trường tài chính có thể chấp nhận được.

Theo ông, Italy đang đứng trước nguy cơ vỡ nợ và buộc phải rời khỏi khu vực sử dụng đồng tiền chung châu Âu nếu không có thêm những hành động kiên quyết hơn. Ngoài ra, Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Tây Ban Nha cũng đang có nguy cơ bị buộc phải rời khỏi liên minh tiền tệ này.

Theo ông , "trong 12 tháng tới, rất nhiều khả năng Kế hoạch A cho Italy sẽ không có hiệu quả. Rome có thể bị buộc phải tái cơ cấu nợ và tiếp đó có khả năng bị buộc phải rời khỏi Eurozone. Nếu Italy hoặc Tây Ban Nha rời khỏi liên minh tiền tệ này, điều đó thực sự đồng nghĩa với sự tan rã của khu vực đồng Euro".




No comments:

Post a Comment