23/05 Trung Quốc đã “sập bẫy” thu nhập trung bình?


▪  HỒNG NGỌC
23/05/2011 09:55 (GMT+7)
 
Trung Quốc bắt đầu có hiện tượng của nước từng rơi vào bẫy thu nhập trung bình.
Trung Quốc bắt đầu xuất hiện hiện tượng giống như những nước từng rơi vào “bẫy” thu nhập trung bình trải qua.

Hội nghị thường niên lần thứ 44 của Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) diễn ra hồi đầu tháng tại Hà Nội một lần nữa nhắc tới khái niệm "bẫy thu nhập trung bình". Theo đó, ADB cảnh báo, các nền kinh tế có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng tại châu Á đang đứng trước nguy cơ rơi vào "bẫy thu nhập trung bình", khi dịch chuyển nguồn của tăng trưởng từ việc phụ thuộc vào tài nguyên như lao động rẻ và vốn, sang tăng trưởng dựa trên năng suất cao và đổi mới công nghệ.

Giới phân tích cho rằng, một trong số những quốc gia có nguy cơ rơi vào kịch bản này, nhiều nhất là Trung Quốc. Căn cứ vào số liệu thống kê mới nhất, GDP bình quân đầu người của Trung Quốc đã vượt qua ngưỡng 4.000 USD, bước vào hàng ngũ các nước có thu nhập trung bình. Và nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này cũng đã bắt đầu xuất hiện hiện tượng giống như ở những nước từng rơi vào "bẫy thu nhập trung bình".

Bẫy thu nhập trung bình là khái niệm chỉ tình trạng một quốc gia thoát nghèo, gia nhập vào nhóm nước có thu nhập trung bình nhưng mất nhiều thập kỷ vẫn không trở thành quốc gia phát triển. Đó là bởi vì khi đang thực sự nghèo, một đất nước có thể biến chính cái nghèo thành lợi thế. Nhân công giá rẻ làm cho một nền kinh tế có thu nhập thấp cạnh tranh trong sản xuất thâm dụng lao động (ví dụ trong các ngành dệt may, giày dép và đồ chơi).

Tuy nhiên, mô hình đó cuối cùng không tăng trưởng được nữa. Khi thu nhập tăng, chi phí tăng, các ngành công nghiệp sản xuất cũ kỹ, công nghệ thấp mất khả năng cạnh tranh. Các quốc gia sau đó phải chuyển "chuỗi giá trị" sang xuất khẩu các sản phẩm công nghệ tiên tiến hơn. Nhưng ngay cả như thế cũng không đủ để tránh bẫy. Để trở thành nền kinh tế có thu nhập cao, nó cần làm nhiều hơn là chỉ làm ra sản phẩm bằng cách tăng người và lao động cho các nhà máy. Nền kinh tế cần đổi mới và sử dụng lao động cũng như nguồn vốn hiệu quả hơn.

Điều đó đòi hỏi một mô hình hoàn toàn khác trong kinh doanh. Thay vì chỉ lắp ráp các sản phẩm được thiết kế bởi những nước khác, với công nghệ nhập khẩu, các công ty phải chủ động đầu tư mạnh vào nghiên cứu và phát triển, sử dụng lao động có tay nghề cao để chuyển hóa những khoản đầu tư thành sản phẩm mới và lợi nhuận. Đó sẽ là một sự thay đổi không dễ đạt được.

Theo Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên thuộc Đại học Quốc gia Singapore, xét trên nhiều phương diện, Trung Quốc bắt đầu rơi vào "bẫy thu nhập trung bình". Thực tế, quốc gia này bắt đầu xuất hiện hiện tượng giống như những nước từng rơi vào "bẫy thu nhập trung bình" trải qua. Ví như tăng trưởng kinh tế thiếu động lực bền vững, phân hóa giàu nghèo, đô thị hóa quá mức, thiếu hụt dịch vụ công, khó khăn trong tạo việc làm...

"Bẫy thu nhập trung bình" cũng có thể nhìn thấy ở rất nhiều quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới như Brazil, Mexico, Chile, Thái Lan, Malaysia, Indonesia, Philippines... Những nước này đều bước vào hàng ngũ các quốc gia có thu nhập trung bình từ nhiều chục năm trước, nhưng tới nay vẫn loay hoay trong giai đoạn phát triển thu nhập GDP bình quân đầu người từ 2.000 USD đến 5.000 USD. Khó đến mức mà nhà kinh tế người Nhật Kenichi Ono đã gọi đó là cái "trần thủy tinh" của các nước ASEAN.

Philippines là quốc gia điển hình về tình trạng vướng bẫy thu nhập trung bình, khi mất hàng thập kỷ không thể vượt qua ngưỡng 2.000 USD. Indonesia cũng mất hơn một thập kỷ để từ trên 1.000 USD vượt lên hơn 2.000 USD. Còn Thái Lan thì cũng mất hơn hai thập kỷ mới vượt qua con số 3.000 USD, nhưng vẫn chưa bước vào được nhóm nước có mức thu nhập trung bình của trung bình.

Nguyên nhân của tình trạng vướng bẫy trung bình được mô tả như là (i) sự suy giảm hiệu quả vốn đầu tư sau quá trình kích thích tăng trưởng; (ii) tiếp tục tình trạng của một nền kinh tế gia công (nền kinh tế trong nước không đủ sức tạo ra giá trị gia tăng mới để tham gia vào chuỗi giá trị công nghiệp toàn cầu; sự thống trị của các hãng mang thương hiệu nước ngoài); (iii) sự phân hóa thu nhập dẫn đến phân cực và bất ổn.

Quá trình phát triển từ thu nhập thấp đến thu nhập trung bình, bản thân nó cũng ngầm chứa nhiều yếu tố là nguyên nhân để một nước rơi vào bẫy trung bình. Đó là sự hủy hoại môi trường sống phải mất nhiều nguồn lực và thời gian khắc phục (có yếu tố vĩnh viễn không phục hồi được), sự thay đổi môi trường xã hội (kết cấu văn hóa, kết cấu xã hội biến đổi trong thời gian quá ngắn) dễ tạo ra những xung đột; sự tự tin thái quá của các tầng lớp dẫn dắt đến thành công, tâm lý đòi tưởng thưởng công trạng biểu hiện ở nhu cầu hưởng thụ sớm.

Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên cho rằng, muốn thoát khỏi "bẫy thu nhập trung bình", rất đơn giản, Trung Quốc phải đi sâu cải cách kinh tế, thúc đẩy kinh tế phát triển bền vững. Trên thực tế, nếu không thể giải quyết vấn đề dân sinh, cái gọi là đi sâu cải cách kinh tế chỉ là dừng lại ở mức độ nói suông mà thôi. Người dân sớm nhận thấy rằng, mô hình phát triển kinh tế truyền thống đã đến đỉnh điểm, cần phải chuyển đổi, tìm kiếm điểm tăng trưởng kinh tế mới, đó chính là xây dựng xã hội tiêu dùng.

Nhưng trong tình hình hiện nay, xã hội tiêu dùng tuyệt nhiên không có cơ sở. Một là, thiếu hụt chính sách xã hội, gồm chính sách bảo đảm xã hội, y tế, giáo dục và nhà ở. Trong bối cảnh không có sự giúp đỡ từ xã hội, cho dù người dân có chút tích lũy cũng không dám chi tiêu. Hai là, người dân nhận được quá ít từ lao động, thu nhập không cao. Rất rõ ràng, phương pháp trực tiếp nhất để xây dựng xã hội tiêu dùng chính là tiếp tục nâng cao mức sống của nhân dân, cải thiện dân sinh.

Theo Giáo sư Trịnh Vĩnh Niên, nếu vấn đề dân sinh không được giải quyết, trong tương lai gần Trung Quốc sẽ phải đối mặt với rủi ro cấp tiến hóa xã hội. Người dân hy vọng vào sự ổn định xã hội lâu dài, không có ổn định sẽ không có phát triển. Nhưng nếu phát triển không giải quyết được vấn đề dân sinh, xã hội sẽ cấp tiến hóa. Những gì xảy ra ở châu Á sau cuộc khủng hoảng tài chính năm 1997 và gần đây là ở thế giới Arab đều cho thấy tầm quan trọng của vấn đề dân sinh đối với xã hội, thậm chí là đối với sự ổn định xã hội.

Xem xét từ góc độ kinh nghiệm lịch sử thế giới của việc giải quyết vấn đề dân sinh, Trung Quốc rõ ràng đã bước vào thời kỳ của cơ hội chiến lược. Muốn giải quyết vấn đề dân sinh, Trung Quốc phải giải quyết một vấn đề hiện thực, đó là vấn đề tài lực quốc gia. Không có tài lực, không thể làm gì. Cho nên, việc giải quyết vấn đề dân sinh của một quốc gia thường diễn ra trong giai đoạn nước đó có sự phát triển đi lên về kinh tế trong thời gian tương đối dài và chính quyền hoặc xã hội đã tích lũy được của cải tương đối.

Một khi tăng trưởng kinh tế của quốc gia đó chậm lại, tài lực bị suy thoái, vấn đề dân sinh sẽ không thể giải quyết được. Trung Quốc hiện đang trong giai đoạn tăng trưởng kinh tế tốc độ cao và chính quyền đã tích lũy được một lượng của cải lớn. Do đó, từ 5 - 10 năm tới, đương nhiên trở thành thời kỳ của cơ hội chiến lược cho việc giải quyết vấn đề dân sinh của Trung Quốc.

Trên thực tế, gần đây Trung Quốc cũng đã có hành động thiết thực trong vấn đề dân sinh. Các bên liên quan cũng đã bày tỏ phải động viên tài lực cho đất nước, tập trung hoàn thành các nhiệm vụ trọng điểm về dân sinh. Đây là dấu hiệu rất tốt, thống nhất với cách đề cập rằng phải tìm kiếm đột phá khẩu của cải cách được nhấn mạnh trong kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm lần thứ 12 (2011 - 2015).

Cụ thể, trong kế hoạch này, Trung Quốc đặt mục tiêu tăng trưởng GDP hằng năm là 7% và tăng thu nhập đầu người hằng năm là hơn 7%. Theo Giáo sư kinh tế Chu Thiên Dũng thuộc trường Đảng của Đảng Cộng sản Trung Quốc, “đây là lần đầu tiên Trung Quốc đặt mục tiêu giữ cho tăng trưởng thu nhập hàng năm theo kịp với tăng trưởng GDP để tất cả mọi người đều được hưởng lợi từ phát triển kinh tế”.
 
Thảo luận (5 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
Nguyễn Thị Mỹ Bình 17:14 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011
Nghĩ ra và thực hiện các ý tưởng sáng tạo là nguồn lực để phát triển xã hội, nên phải phát triển con người bằng việc đầu tư vào giáo dục, nghiên cứu cả khoa học cơ bản và ứng dụng, y tế cộng đồng và quan trọng là tạo ra một tinh thần sáng tạo trong dân chúng.

Những cải tiến nhỏ bé trong công việc hàng ngày từ nội trợ cho đến quản lý công ty hay lãnh đạo quốc gia có thể làm nên những hiệu quả to lớn. Đọc bài viết xong, tôi đang nghĩ đến làm sao mình thoát ra khỏi bẫy thu nhập trung bình cá nhân.
Minh 15:29 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011
Nói chung là không nên coi nhẹ Trung Quốc vì họ có ý thức tự cường phát triển khoa học tốt, nội lực cũng khá, lãnh đạo quyết tâm cao.

Chỉ khác các nước tư bản ở chỗ, không có vài chục năm làm thực dân bóc lột thuộc địa, không đầu cơ vũ khí chiến tranh nên cũng khó giàu nhanh, bước đường trở thành nước thu nhập cao sẽ phải khó khăn hơn nhiều.
Phan Bảo Lâm 14:26 (GMT+7) - Thứ Ba, 24/5/2011
TQ hiện nay đúng là có hiện tượng “sập bẫy” thu nhập trung bình.

Dù cho khoa học của TQ có phát triển bằng với TG thậm chí vượt lên trước mà sáng tạo khoa học chỉ loanh quanh trong khu vực các học viện và công ty to, không phát triển ra toàn xã hội thì chi phí cho sự sáng tạo ấy là rất tốn kém và thời gian là rất chậm chạp.

Nghiên cứu khoa học dựa vào tài trợ của Nhà nước là có tính ngẫu hứng không thể hiệu quả bằng nghiên cứu khoa học ngoài xã hội do các doanh nghiệp tài trợ vì các mục tiêu kinh tế khác nhau.

Để phát triển nghiên cứu khoa học (động lực chính của kinh tế tri thức) ra toàn xã hội thì kiến thức, kỹ năng nghiên cứu phải được phổ cập tới mọi người dân. Chính vì thế, giáo dục phương Tây coi trọng kỹ năng hơn lý thuyết.

Kỹ năng luôn đi kèm với lý thuyết. Lý thuyết mà không có kỹ năng đi kèm thì lý thuyết ấy là loại “học cho biết, biết chỉ để biết chớ chả dùng được vào việc gì”. Điều này tương tự như các nho sinh thời xưa học Tứ Thư Ngũ Kinh (chuyên về văn thơ đạo đức lời hay ý đẹp) đi thi đậu xong ra làm quan, tức là học 1 đằng làm 1 nẻo.

Trong khi đó, sáng tạo khoa học ở Mỹ khá phổ biến, bất cứ ai có ý tưởng gì “hay ho mới lạ” đều có thể tìm được những “đồng chí” cùng phát triển ý tưởng ấy thành 1 giá trị nào đó cụ thể và kinh doanh chính giá trị ấy. Hàng ngày hàng giờ, nước Mỹ luôn tạo ra những công ty nhỏ, thậm chí là siêu nhỏ, nhưng ý tưởng công nghệ thì không nhỏ.

Chính những công ty này, nếu thành công trong việc phát triển ý tưởng sáng tạo, chỉ trong thời gian rất ngắn đã vươn lên tầm cỡ toàn cầu. Những công ty này luôn tìm được cái mà nó cần trong quá trình phát triển.

Nhân lực ư? Không thành vấn đề. Mỹ không có thì quảng cáo ra cả TG mà tìm người. Vốn ư? Chuyện nhỏ, lúc nào mà chả có các quỹ đầu tư mạo hiểm luôn săn lùng những ý tưởng kinh doanh mới lạ, mình chưa kịp tìm đến họ là họ đã tìm đến mình rồi. Phương tiện máy móc thiết bị? Đầy những công ty công nghệ sẵn sàng nhận bất cứ đơn đặt hàng nào, chế tạo ra đủ thứ máy móc mà mình cần thậm chí những máy móc ấy chỉ để đáp ứng nhu cầu của riêng mình thôi.

TQ liệu có khả năng đạt đến “nền tảng” ấy hay không? Chắc chắn là không khi tư duy “sản xuất hàng loạt, lấy số lượng bù chi phí” còn tồn tại. Tư duy đầu tư của người Mỹ là tư duy đầu tư mạo hiểm, tức là rủi ro cao, khả năng thất bại cao nhưng khi thành công thì lợi nhuận là ngoài sự mong đợi.

1 công ty siêu nhỏ chỉ có 2 người là Bill Gates và bạn của anh ta với số vốn ban đầu là… 500 đô la sau 10 năm trở thành 1 công ty toàn cầu với doanh thu hàng trăm tỷ đô la. Nếu kinh doanh theo đường lối thông thường thì mất bao lâu mới đạt đến tầm cỡ đó?

Những công ty như thế vẫn hàng ngày hàng giờ được thành lập mới sẵn sàng cạnh tranh với những “người khổng lồ” đi trước vì lợi thế cạnh tranh là vốn, là nhân lực, là công nghệ thiết bị không còn nữa, lợi thế bây giờ chính là ý tưởng sáng tạo.

Đã gọi là ý tưởng sáng tạo thì không phân biệt công ty to công ty nhỏ. Công ty to là cái bộ máy của nó to chớ những người có khả năng sáng tạo cũng chả nhiều hơn công ty nhỏ bao nhiêu. TQ có lợi thế là vốn dự trữ lớn tới hàng nghìn tỷ đô nhưng thiếu cái “nền tảng” trên nên vốn vẫn tiếp tục tích tụ và tích tụ chớ không thoát đi đâu được. Đó chính là sự bế tắc, bế tắc về khả năng sử dụng vốn.

Nước Mỹ lại ngược lại. Nền tảng trên phát triển quá nhanh khiến cho cả nền kinh tế thiếu vốn trầm trọng. Cứ tưởng tượng 10 dự án mạo hiểm chỉ có 1 dự án thành công, thực tế là còn thấp hơn nhiều, sao mà không thiếu vốn được. 40% tài chính của TG bị hút về Mỹ nên Mỹ khủng hoảng tài chính là cả TG lãnh đủ.

Để phát triển cái nền tảng ấy, khoa học xã hội phải đi trước tạo điều kiện phát triển nguồn nhân lực. Khoa học xã hội là thứ không tốn nhiều tiền mà tốn thời gian vì… tranh cãi nhiều. Đó là luật pháp, là giáo dục, là y tế, là an sinh xã hội, là dịch vụ công,… Đó cũng chính là cái bẫy mà không phải chỉ có những nước có thu nhập trung bình mới vướng phải mà cả những nước có thu nhập cao cũng “dính”.

Tuy nhiên, vì đại đa số các quốc gia trên TG đều có thu nhập trung bình (1000 đến 10 nghìn đô/người/năm) nên người ta gọi là bẫy thu nhập trung bình.

Nói nôm na, cái bẫy ấy là sự thiếu động lực để phát triển kinh tế.
Hà 15:49 (GMT+7) - Thứ Hai, 23/5/2011
TQ là nước lớn nên có nhiều thuận lợi hơn những nước lôm côm ĐNA. Họ có những tiếng nói ảnh hưởng đến chính sách tài chính, an ninh, môi trường của toàn cầu. Tuy nhiên, nước lớn quá cũng có bất lợi: gần như không thể xây dựng được một xã hội công bằng cho toàn dân.
Văn Trung 15:25 (GMT+7) - Thứ Hai, 23/5/2011
Vì dân số quá lớn nên TQ sẽ mất thời gian rất dài để trở thành nước phát triển. Tuy nhiên tôi không nghĩ TQ bị vướng bởi bẫy thu nhập trung bình bởi vì hiện nay TQ rất chú trọng đến nghiên cứu phát triển.

Hiện tại, lương bổng của nhà khoa học TQ rất cao, tương đương với phương Tây và họ cũng không phân biệt "nội, ngoại" như nước ta.

Nếu TQ sập bẫy thì nguyên nhân là do sự trì trệ và khan hiếm tài nguyên của toàn cầu, chứ không do bản thân người TQ.

No comments:

Post a Comment