25/05 Kinh tế Trung Quốc đã tới hồi suy vi?


▪  HỒNG NGỌC
25/05/2011 11:48 (GMT+7)
 
Dư địa cho tăng trưởng kinh tế Trung Quốc vẫn còn nhiều.
Hôm 24/5, ngân hàng Goldman Sachs đã hạ dự báo tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc, đồng thời nâng mức dự báo tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này.

Cụ thể, Goldman Sachs hạ dự báo tăng trưởng kinh tế năm 2011 của Trung Quốc từ 10% xuống 9,4% và từ 9,5% xuống 9,2% trong năm kế tiếp. Bên cạnh đó, Goldman Sachs nâng dự báo lạm phát năm 2011 từ 4,3% lên 4,7%, riêng năm 2012 giữ nguyên ở mức ước tính 3%.

Cơ sở để Goldman Sachs điều chỉnh dự báo trên là việc giá dầu thời gian qua tăng quá nhanh, từ đó ảnh hưởng trực tiếp tới tăng trưởng kinh tế Trung Quốc. Theo ngân hàng này, mức tăng 20% của giá dầu sẽ cắt xén 0,15 - 0,2% tăng trưởng kinh tế của quốc gia châu Á này.

Động thái của Goldman Sachs được đưa ra đúng thời điểm cộng đồng quốc tế đang đặt dấu hỏi về khi nào thì mô hình tăng trưởng kinh tế hiện nay của Trung Quốc sẽ "xì hơi" và nếu điều đó xảy ra thì tình trạng sẽ như thế nào.

Theo biên tập viên Alan Wheatley của hãng tin Reuters, các nền kinh tế phát triển như Mỹ, Đức cảm thấy rất may mắn mỗi khi đạt mức tăng trưởng hơn 3% mỗi năm. Trong khi, Trung Quốc đạt được mức tăng trung bình 10,1 % mỗi năm suốt từ năm 1978 tới nay.

Cứ mỗi 4 năm, GDP của Trung Quốc, được đo bằng USD trên thị trường ngoại hối lại tăng trưởng gấp đôi, góp phần làm tăng giá dầu và các loại hàng hóa, đồng thời thay đổi mạnh cục diện kinh tế toàn cầu.

Do vậy, biểu đồ tăng trưởng của Trung Quốc, bất kể là sụt giảm từ từ hay gián đoạn đột ngột, đều sẽ có những tác động vượt ra ngoài cương thổ của quốc gia châu Á này.

Alan Wheatley dẫn lời ông Li Daokui, một cố vấn cấp cao của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc, cho hay, nền kinh tế nước này có thể duy trì mức tăng trưởng trung bình 9% một năm trong khoảng thời gian 5 năm tới.

Tuy nhiên, quan điểm này không nhận được sự đồng tình của một số chuyên gia kinh tế khác. Ví như, ông Nouriel Roubini thuộc trường Đại học New York, đã cảnh báo về một sự suy giảm cực mạnh, nhiều khả năng xảy ra sau năm 2013, khi Trung Quốc không thể duy trì việc tăng đầu tư cố định.

Còn nhà chiến lược vĩ mô Andy Rothman thuộc hãng môi giới CLSA ở Thượng Hải thì lấp lửng, "những điều đang xảy ra ở Trung Quốc hiện không bền vững. Điều này không tốt cũng chẳng xấu".

Theo ông này, mức tiêu thụ quặng sắt cao bất thường 5 năm trước đây có thể không kéo dài. Ngay cả mức tăng bùng nổ doanh số bán xe ôtô năm 2010, tình trạng lãi suất thực âm, giá nhà leo cao vút, cũng sẽ không kéo dài như vậy.

Alan Wheatley cho rằng, kinh tế Trung Quốc có khả năng tự cường rất cao. Vài năm gần đây, đã xuất hiện nhiều đồn đoán cho rằng, kinh tế nước này khó mà hạ cánh nhẹ nhàng, do các khoản nợ khó đòi, sự phát triển quá nóng do thâm dụng đầu tư, lạm phát giá lương thực, nguy cơ của các biện pháp bảo hộ....

Những người hoài nghi cho rằng, những khoản đầu tư tràn lan đang khiến cho những khó khăn vốn có của nền kinh tế này trở nên trầm trọng hơn, bởi đã chất lên vai các ngân hàng những gánh nợ nần khó đòi.

Jason Bedford thuộc hãng tư vấn KPMG thừa nhận những rủi ro của các ngân hàng, khi giá địa ốc mà họ đang giữ để ký quỹ cho các khoản vay giảm mạnh. Tuy nhiên, theo ông, khó có thể xảy ra cuộc khủng hoảng thế chấp nhà, do người mua nhà ở Trung Quốc phải thanh toán trước ít nhất là 30% giá trị bất động sản.

Một lý do nữa để phản đối quan điểm cho rằng, Trung Quốc có thể giữ mức tăng trưởng 7 - 8% trong thời gian tới, là việc Nhật Bản, Hàn Quốc và Đài Loan đều có xu hướng sụt giảm kinh tế sau khoảng 30 năm đạt mức tăng trưởng cao. Sự phát triển của kinh tế Trung Quốc có xuất phát điểm thấp hơn nhiều.

Theo Ting Lu thuộc ngân hàng Merrill Lynch, thu nhập bình quân đầu người năm 2010 của Trung Quốc là 4.200 USD, chỉ bằng 9% của Mỹ. Mức sống hiện nay tại Trung Quốc mới bằng mức sống của Nhật Bản giai đoạn năm 1954, Đài Loan năm 1972 và Hàn Quốc năm 1976.

Alan Wheatley cho rằng, bất chấp những thành tích đã đạt được, Trung Quốc vẫn cần phải nỗ lực rất nhiều. Họ phải tăng cường kỹ năng cho lực lượng lao động, thúc đẩy nghiên cứu sáng tạo; tăng vốn cho những vùng kém phát triển ở sâu trong nội địa.

Ngoài ra, Trung Quốc cũng cần đưa thêm 250 triệu nông dân nữa ra các thành phố, đáp ứng các nhu cầu về điều kiện giao thông, nước sạch, cũng như các loại hàng hóa và dịch vụ công cộng khác.

Nói một cách khác, như lời Arthur Kroeber, Giám đốc quản lý của hãng tư vấn GaveKal Dragonomics có trụ sở ở Bắc Kinh, các động lực cho sự tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc vẫn còn rất mạnh.
 
Thảo luận (1 ý kiến)
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
 
Phan Bảo Lâm 15:12 (GMT+7) - Thứ Tư, 25/5/2011
Nếu TQ biết cách “xài” khoản dự trữ ngoại tệ khổng lồ của họ sao cho có hiệu quả thì trong 10 năm tiếp theo, TQ vẫn tăng trưởng “nóng”.

Khu vực nông thôn sẽ chuyển dịch từ sản xuất gia công sang sản xuất hàng tiêu dùng không cần công nghệ cao. Khu vực thành thị sẽ chuyển dịch mạnh mẽ sang sản xuất hàng công nghệ cao với GTGT gần như tuyệt đối. TQ cũng vẫn sẽ tiếp tục đường lối “lấy số lượng bù chất lượng, lấy giá rẻ làm yếu tố cạnh tranh chính”.

Không thể so sánh TQ với phương Tây được. Mọi hàng hóa và dịch vụ ở phương Tây gần như đã bão hòa, động lực kinh tế rất yếu nên tăng trưởng rất chậm. Ngược lại, TQ đang trong giai đoạn “đuổi kịp” phương Tây nên nhiều thứ ở phương Tây là cũ thì ở TQ vẫn còn ở dạng khái niệm.

Chỉ khi TQ đuổi kịp phương Tây về mọi mặt thì tốc độ tăng trưởng của TQ sẽ không thể vượt quá 3%. Lúc ấy mới có thể đem TQ ra so sánh 1 cách công bằng với Mỹ hay bất cứ nền kinh tế phát triển nào.

10 năm tới sẽ là 1 sự lột xác mạnh mẽ trong xã hội TQ, đặc biệt là giáo dục và an sinh xã hội. Chính phủ TQ là 1 Chính phủ mạnh, họ thừa biết họ yếu ở điểm nào và làm gì để giải quyết điểm yếu ấy.

Vấn đề chỉ là thời gian vì mọi điều kiện họ gần như có đủ, đặc biệt là vốn. Với sự chuyển dịch về cơ cấu kinh tế như thế (chiếm lĩnh mặt bằng cao hơn trong chuỗi GTGT), tài nguyên được sử dụng tuy vẫn tăng nhưng tốc độ tăng thì giảm so với 20 năm trước.

Sau giai đoạn này, tức là 10 năm sau nữa, khi TQ chuyển dịch cơ cấu kinh tế 1 lần nữa (chuyển từ xuất khẩu sang tiêu dùng trong nước) thì người ta sẽ đặt câu hỏi, ai sẽ là nước tiếp theo trở thành “công xưởng của TG”.

Lẽ tất nhiên, “công xưởng” tiếp theo sẽ có sự góp mặt của các nhà đầu tư TQ. Đó là vấn đề của 20 năm sau, bàn bây giờ thì hơi sớm.

No comments:

Post a Comment