11/11 Ai đang chịu thiệt nhất trong “bão nợ” châu Âu?


HỒNG NGỌC
11/11/2011 11:41 (GMT+7)
pictureNhiều doanh nghiệp xuất khẩu đang chịu thiệt đơn thiệt kép do ảnh hưởng của bão nợ công ở châu Âu.
E-mailBản để inCỡ chữChia sẻ:facebooktwittergooglerss
Các quốc gia thành viên châu Âu đang trong vòng xoáy nợ nần chưa hẳn đã chịu thiệt lớn nhất khi khủng hoảng nợ công lan rộng từ Hy Lạp sang Italy, mà có khi lại là các nước mới nổi dựa nhiều vào xuất khẩu sang khu vực này.

Theo hãng tin CNBC, các nền kinh tế mới nổi trên thế giới hiện đang phải chịu nhiều rủi ro do mối quan hệ gắn bó của họ với lục địa già. Do đó, các quốc gia này khó có thể lại đảm đương được vai trò đầu tàu kéo thế giới ra khỏi vũng lầy suy thoái như từng làm trước đây.

Đơn cử, trong tháng 10 vừa qua, hoạt động sản xuất và chế tạo tại các cường quốc xuất khẩu ở châu Á đã tăng chậm lại, xuống gần mức thấp nhất trong 3 tháng. Nguyên nhân chính là nhu cầu tại châu Âu giảm sút, người dân lục địa này tìm cách phải thắt lưng buộc bụng.

Tổng giám đốc Quỹ Tiền tệ Quốc tế Christine Lagarde từng nhận định, châu Á không thể tránh khỏi những khó khăn do ảnh hưởng từ châu Âu. Nhiều chuyên gia khác cũng cho rằng, sự suy yếu xuất khẩu sẽ là rào cản chính đối với tăng trưởng kinh tế của châu Á.

Tại Hàn Quốc, chỉ số quản lý sức mua (PMI) của nước này trong tháng 10 ở dưới ngưỡng 50% tháng thứ ba liên tiếp, thời gian giảm mạnh nhất kể từ khủng hoảng tài chính 2008-2009. Xuất khẩu của Hàn Quốc sang châu Âu từ 1 - 20/10 giảm 20% so với cùng kỳ năm 2010, trong khi sang Mỹ chỉ giảm 7%.

Tại Trung Quốc, theo số liệu công bố đầu tháng này, chỉ số quản lý sức mua trong tháng 10 cũng đã giảm mạnh xuống còn 50,4%, mức thấp nhất kể từ tháng 2/2009. Theo đó, chỉ số PMI của nền kinh tế lớn thứ hai thế giới này đang tiến gần tới ranh giới giữa tăng trưởng và suy giảm.

Cũng liên quan tới kinh tế Trung Quốc, theo số liệu ngày 10/11, tổng kim ngạch xuất khẩu trong tháng 10 của quốc gia này chỉ đạt 157,49 tỷ USD, tăng 15.9% so với cùng kỳ năm trước, nhưng đã giảm mạnh từ mức 169,7 tỷ USD trong tháng 9 liền trước.

Giới phân tích nhận định rằng, xu hướng này thực sự rất đáng lo ngại. Trung Quốc tỏ ra vẫn còn lệ thuộc nhiều vào xuất khẩu. Theo Alistair Thornton, kinh tế gia của IHS Global Insight, thì nền kinh tế thứ nhì thế giới đang chịu tác hại của khủng hoảng tại châu Âu.

Theo chuyên gia của Bank of America thì xuất khẩu Trung Quốc vẫn tăng trong những quý tới, trừ phi cả hệ thống tài chính toàn cầu bất ngờ sụp đổ. Song theo Alistair Thornton, khủng hoảng ở Khu vực đồng Euro là yếu tố nguy hiểm nhất trong ngắn hạn đối với kinh tế Trung Quốc.

Ngay với Việt Nam, tại cuộc hội thảo mới đây “Kinh tế Việt Nam 2012: Dự báo những thách thức, cơ hội và giải pháp tài chính cho các doanh nghiệp xuất nhập khẩu”, nhiều công ty tham dự cũng cho biết đang phải đương đầu với việc đơn hàng từ châu Âu giảm mạnh.  

Ông Trần Quốc Khánh, Thứ trưởng Bộ Công Thương cho rằng, thị trường xuất khẩu sẽ có nhiều biến động: Chính phủ các nước Liên minh châu Âu không thể in thêm tiền để thúc đẩy tăng trưởng, đời sống người dân ở đây sút giảm thì chắc chắn cầu sẽ giảm theo.

Tiến sĩ Võ Trí Thành, Phó viện trưởng Viện nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương cũng nhận định, tăng trưởng tại Liên minh châu Âu được dự báo giảm khá sâu sẽ ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam, vì hiện khu vực này chiếm khoảng 20% xuất khẩu của Việt Nam.

Cụ thể hơn, theo ông Đặng Quốc Hùng, Phó chủ tịch Hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ Tp.HCM, với ngành đồ gỗ và thủ công mỹ nghệ, số đơn hàng từ châu Âu đã bắt đầu giảm nhẹ (khoảng 10%) trong quý 4/2011. Nhiều doanh nghiệp đã phải kiếm thêm những thị trường khác để bù lại.

Không chỉ riêng các nước châu Á mới cảm nhận được tác động từ châu Âu. Tại Brazil, một trong 5 nước BRICS, từ cuối tháng 9, giới truyền thông nước này đã đưa tin, xuất khẩu của Brazil bắt đầu xuống dốc do tác động của cuộc khủng hoảng nợ công ở châu Âu.

Nhiều nhà sản xuất ở Brazil đã cảm nhận được sức ép không ngừng gia tăng của cuộc khủng hoảng này khi số đơn đặt hàng từ châu Âu đã giảm đáng kể. Nhiều chi nhánh của các công ty châu Âu tại Brazil cũng đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt tài chính.

Tuy nhiên, tình hình khó khăn tại châu Âu cũng mở ra cơ hội để các nền kinh tế mới nổi thay đổi mô hình dựa vào xuất khẩu để tăng trưởng. Việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng kích thích tiêu dùng nội địa sẽ đảm bảo sự tăng trưởng bền vững hơn.

Chẳng hạn như hôm 9/11 vừa qua, Tổng giám đốc Christine Lagarde đã kêu gọi Trung Quốc nên thay đổi các chính sách tăng trưởng dựa vào xuất khẩu, đồng thời thúc đẩy nhu cầu nội địa để tái cân bằng kinh tế và duy trì tăng trưởng lâu dài.

Hay như Ấn Độ, nền kinh tế mới nổi ít phụ thuộc vào xuất khẩu. PMI tháng 10 của quốc gia này đã tăng nhẹ và chỉ số đơn đặt hàng cũng tăng lên sau chuỗi giảm kéo dài 6 tháng liên tiếp. Nói một cách khác, Ấn Độ không nằm trong xu hướng chung của khu vực, do không đi cùng một mô hình tăng trưởng.
(Các ý kiến bạn đọc được đăng tải không nhất thiết phản ánh quan điểm của Tòa soạn. VnEconomy có thể biên tập lại ý kiến của bạn nếu cần thiết)
  • Mai Thanh Tùng
    13:58 (GMT+7) - Thứ Sáu, 11/11/2011
    Khủng hoảng nợ công ở một số nước Châu Âu và Mỹ có nguồn gốc từ chi tiêu quá mức, trong khi thời gian làm việc giảm (giảm giờ làm việc trong tuần), thất nghiệp tăng kéo theo các chi phí trợ cấp tăng và đều đổ dồn vào nợ công và ngân khố quốc gia. 

    Việc làm thì ít mà tiêu thì nhiều này đã diễn ra trong một thời gian dài trước đây. 

    Trong khi đó, người dân ở các nước đang phát triển số giờ làm việc trong tuần nhiều hơn (chưa kể thời gian làm thêm công việc ngoài công sở), chi tiêu ít mà tiết kiệm để đầu tư, kinh doanh hoặc để dành lớn. 

    Khi khủng hoảng nợ công châu âu và tại một số nước phát triển khác xẩy ra đương nhiên làm ảnh hưởng đến hàng hóa xuất khẩu, việc làm và thu nhập của người dân tại các nước đang phát triển. 

    Như vậy rõ ràng là ngoài người dân châu Âu bị ảnh hưởng (do chính họ tự gây ra) thì đã làm ảnh hưởng đến người dân các nước đang phát triển (bị tác động dây chuyền) cũng như nỗ lực trợ giúp khu vực châu âu để tránh sự đổ vỡ lớn hơn về mặt tài chính trong khu vực này. 

    Như vậy chính người dân các nước đang phát triển mới là người chịu thiệt đơn thiệt kép chứ không phải người dân châu Âu.

No comments:

Post a Comment