23/09 Thách thức khó khăn



07:06 | 23/09/2011
Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc (ĐHĐ LHQ) khóa 66 đang đối mặt với một trong những thách thức gai góc nhất trong lịch sử, đó là việc thành lập Nhà nước Palestine độc lập và chủ quyền. Mong muốn này của người Palestine có thể rơi vào hư vô mặc dù có rất ít nước phản đối. Ý nguyện của người Palestine là trăn trở lớn của LHQ, khiến vấn đề cải tổ thể chế lớn nhất hành tinh này càng mang tính cấp bách hơn.

Nguồn: U.N
Kết quả cuộc điều tra mới đây của BBC cho biết, đa số người dân của 19 nước thành viên LHQ được hỏi ủng hộ một Nhà nước Palestine có chủ quyền. Nhưng có vẻ mong muốn ấy không song hành với ý muốn chính trị. Theo thủ tục pháp lý quốc tế, chính quyền Palestine (PA) phải đệ trình yêu cầu trở thành thành viên chính thức trong LHQ lên Ban thư ký LHQ. Sau đó Tổng thư ký LHQ sẽ chuyển yêu cầu này tới 15 nước thành viên thường trực và không thường trực trong Hội đồng Bảo an (HĐBA), và nếu được phê chuẩn, đề nghị đó mới được đưa ra Đại hội đồng. Để được thông qua, Palestine sẽ cần 2/3 lá phiếu đồng ý của ĐHĐ LHQ gồm 193 nước thành viên.
 Hôm nay, 23.9, Palestine trình lên ĐHĐ LHQ yêu cầu công nhận đầy đủ tư cách thành viên cho Nhà nước Palestine độc lập, gồm Bờ Tây, Dải Gaza và Đông Jerusalem - các vùng lãnh thổ bị Israel chiếm đóng trong cuộc chiến tranh Trung Đông năm 1967. Hành động đơn phương của Palestine được đưa ra trong bối cảnh vòng hòa đàm cuối cùng giữa Palestine - Israel sụp đổ hồi tháng 10.2010, do bất đồng về việc Israel mở rộng các khu định cư Do Thái tại Bờ Tây và Đông Jerusalem.
Mặc dù Hiến chương LHQ không hạn chế tăng thêm các nước thành viên vào tổ chức quốc tế này, nhưng việc phê chuẩn tư cách thành viên đầy đủ của Palestine sẽ đòi hỏi nhiều vấn đề pháp lý. Toàn bộ kết quả từ các cuộc đàm phán của PA với các nước khác trong ĐHĐ LHQ cho thấy hơn 124 nước lên tiếng sẵn sàng bỏ phiếu ủng hộ. Tuy nhiên Mỹ, một ủy viên thường trực có quyền phủ quyết trong HĐBA, đã gửi thư cho 70 nước châu Phi, châu Á và Hồi giáo yêu cầu các nước này không bỏ phiếu ủng hộ việc thành lập một nhà nước Palestine độc lập. Liệu HĐBA có chấp thuận tư cách thành viên đầy đủ của Palestine, trong khi Mỹ - do ảnh hưởng của cuộc vận động hậu trường của những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái – cảnh báo sẽ phủ quyết đạo luật của LHQ? Hơn 65 năm qua, Mỹ đã phủ quyết ít nhất 60 đạo luật của HĐBA để ủng hộ đồng minh Israel.
Washington lo ngại việc công nhận quy chế nhà nước độc lập cho Palestine sẽ làm phức tạp thêm nỗ lực của Mỹ trong việc nối lại các cuộc hòa đàm cho Trung Đông bị đổ vỡ hồi năm ngoái do bất đồng giữa Palestine và Israel về vấn đề các khu định cư Do Thái. Nếu Palestine giành được tư cách thành viên đầy đủ tại LHQ, theo luật pháp quốc tế và các công ước Geneve, Nhà nước Palestine sẽ được coi là một nhà nước bị Israel chiếm đóng và như vậy có thể tự vệ bằng mọi biện pháp có thể. Tương tự, nếu Israel liều lĩnh tấn công bất cứ thành phố nào của Palestine, Palestine có quyền yêu cầu LHQ xử lý Israel theo Chương II của Hiến chương LHQ quy định bất cứ khi nào một nước thành viên của LHQ được xác định là mối đe dọa cho hòa bình và an ninh của thế giới, quốc gia đó có thể bị các lực lượng quốc tế can thiệp.
Liên đoàn Ảrập (AL) tuyên bố ủng hộ việc xem xét vấn đề tư cách thành viên của Palestine tại LHQ, khiến Israel rất lo ngại khi mà tại hội nghị ĐHĐ LHQ lần này, Qatar giữ ghế Chủ tịch và Iran là Phó chủ tịch. Điều này có thể tạo nên một mặt trận mạnh mẽ có lợi cho Palestine. Mặt khác, những diễn biến gần đây trong thế giới Ảrập và việc Cairo trục xuất các đại sứ Israel khỏi Ai Cập và Jordan đang đẩy chế độ của những người theo chủ nghĩa phục quốc Do Thái vào tình thế khó khăn trên mặt trận quốc tế và khu vực. 
Trong bầu không khí như vậy, cộng đồng quốc tế và đặc biệt LHQ đang đứng trước một thách thức lịch sử đầy khó khăn. LHQ khó phê chuẩn tư cách thành viên của Palestine tại phiên họp của ĐHĐ LHQ lần thứ 66 do áp lực của Mỹ và phương Tây. Trong khi đó, dư luận khu vực và quốc tế sẽ đặt câu hỏi làm sao LHQ phê chuẩn tư cách thành viên của Nam Sudan chỉ trong 2 giờ mà lại không ủng hộ tư cách thành viên của Palestine? Hậu quả của hành động này là sẽ dẫn đến sự bùng nổ làn sóng phẫn nộ mới ở các vùng đất bị chiếm đóng và khu vực Ảrập của Trung Đông. Việc Mỹ sẽ phủ quyết cuộc bỏ phiếu tư cách thành viên của Palestine trong LHQ cũng có thể dẫn đến việc phá hủy sức mạnh của LHQ trong tương lai. PA cho rằng, lá phiếu của Mỹ phủ quyết tư cách thành viên của Palestine tại ĐHĐ LHQ sẽ vạch trần rõ hơn bản chất thực sự của Mỹ trước dư luận công chúng. Cứ theo chiều hướng này, hố sâu toàn cầu sẽ được tạo ra giữa các nước phía Bắc và phía Nam cũng như giữa các nước Hồi giáo và châu Âu.
Hồng Ngọc

No comments:

Post a Comment