06/07 Ngân hàng đầu tư (2): Điều tiết chặt


A+ A- A-Kiểu đọc sáchThứ 4, 06/07/2011, 14:33

Tại Credit Suisse, phần lớn nhân viên ngân hàng đầu tư sẽ phải đợi khoảng 4 năm để nhận toàn bộ tiền thưởng cho một năm.
Cú đấm mang tên Volcker
Mối đe dọa về mặt pháp lý thứ hai đối với lợi nhuận ngân hàng đầu tư là các hạn chế giao dịch tự doanh tại Mỹ. Chính sách được biết đến rộng rãi với cái tên “quy tắc Volcker” (đặt theo tên vị cựu Chủ tịch FED đã đề xuất ra nó) là bước lùi trở về với những rào cản đươc dựng lên từ thời Đại suy thoái chia tách ngân hàng đầu tư và ngân hàng thương mại.
Chi tiết của quy tắc Volcker sẽ chưa được hoàn thiện trước nửa cuối năm 2011, nhưng có lẽ cơ quan giám sát hoặc sẽ cấm ngặt hoặc sẽ hạn chế giá trị giao dịch nếu rõ ràng ngân hàng đang tham gia giao dịch trên danh nghĩa của chính mình chứ không phải chỉ hỗ trợ giao dịch cho khách hàng.
“Chúng tôi không muốn giao dịch nào cũng phải xin phép,” một quan chức nói. Xác định giới hạn rất khó. Ngay cả ngân hàng thận trọng nhất cũng sẽ thực hiện các giao dịch của chính mình nhằm trung hòa rủi ro của các biến động bất thường khi thực hiện giao dịch cho khác.
Ngay cả vậy, các ngân hàng Hoa Kỳ đã hạn chế dần các bộ phận nhiều rủi ro của mình, và giống như các ngân hàng Thụy Sỹ, đang cố tiến sang những mảng sử dụng ít vốn hơn. Điều này có thể dẫn tới ba hậu quả không mong đợi sau.
Thứ nhất khi ngân hàng đầu tư không còn có thể ổn định lợi nhuận bằng cách bán ra trái phiếu trước kỳ báo cáo, khả năng sinh lời của họ sẽ kém ổn định hơn. Kết quả là cổ phiếu của họ sẽ rủi ro hơn trong mắt giới đầu tư và có thể khuyến khích họ chấp nhận rủi ro ở những mảng nằm ngoài phạm vi của các quy định mới.
Thứ hai, thị trường mà các ngân hàng đầu tư lớn đang tranh chấp ngày càng trở nên tập trung hơn. Năm ngân hàng giao dịch ngoại hối nhiều nhất nay chiếm tới 55% thị trường, so với 36% một thập kỷ trước. Nếu xu hướng này tiếp diễn và lan sang cả các thị trường khác như sản phẩm có thu nhập cố định và hàng hóa cơ bản, tổng rủi ro của hệ thống ngân hàng toàn cầu sẽ tăng lên và khiến toàn hệ thống dễ bị tổn thương hơn nếu một tổ chức tài chính lớn sụp đổ.
Cơ quan giám sát khó có thể chống lại xu hướng tập trung hóa này. Tính kinh tế theo quy mô ở phần lớn các bộ phận của ngành ngân hàng, đặc biệt là ngân hàng bán lẻ, đều không chắc chắn.
Nhưng trong ngành ngân hàng đầu tư, quy mô là một yếu tố quyết định thành công, phần vì giao dịch trái phiếu, tiền tệ và phái sinh đang dần được thực hiện trên máy tính, vốn có chi phí xây dựng và vận hành lớn. Công ty tư vấn Celent tính toán rằng các ngân hàng trên khắp toàn cầu năm nay sẽ chi 170 tỷ đôla vào máy tính và công nghệ.
Thị phần giao dịch lớn cũng đem lại lợi thế về thông tin vì ngân hàng sẽ biết được khách hàng của mình đang làm gì và đi trước một bước. Với các ngân hàng nhỏ, “bài” của họ là tập trung vào chỉ một vài thị trường nơi họ có thể giữ vị trí thống trị.
Miếng bánh lớn hơn cũng đang bé lại. Phân tích của Morgan Stanley cho thấy doanh thu từ giao dịch trái phiếu và từ các sản phẩm có thu nhập cố định, tiền tệ và hàng hóa cơ bản năm nay sẽ giảm thêm 3-5% sau khi đã giảm kể từ nửa cuối năm 2010. Vì bộ phận này là nguồn lợi nhuận chính của các ngân hàng đầu tư trong vài năm trở lại đây, nên thông tin này là rất u ám.
Hậu quả thứ ba của quy tắc Volcker là nó sẽ đẩy rủi ro vào những khu vực không dễ quản lý. Quy tắc này áp dụng đối với hoạt động kinh doanh trên toàn cầu của các ngân hàng Mỹ và hoạt động kinh doanh tại Mỹ của các ngân hàng toàn cầu.
Ngân hàng đầu tư ở Châu Âu và Châu Á có thể chuyện hoạt động này đi bất cứ đâu, nhưng ngân hàng Mỹ thì không. Giá bất động sản ở những khu cao cấp ở London có lẽ sẽ hưởng lởi, nhưng vẫn chưa rõ xuất khẩu rủi ro từ Mỹ có làm hệ thống ngân hàng toàn cầu an toàn hơn.
Vấn đề lương thưởng
Phần thiệt không chỉ ở ngân hàng Mỹ. Về phần mình, ngân hàng Châu Âu cũng đang mất mối làm ăn vào tay ngân hàng Mỹ vì các quy định tại quê nhà. Ủy ban Châu Âu đã đưa ra dự thảo quy tắc nghiêm ngặt hạn chế quy mô và kết cấu khoản thưởng cho giới ngân hàng.
Theo các quy tắc này, chỉ khoảng 20% thưởng là tiền mặt, phần còn lại sẽ được trả chậm trong thời gian có thể lên tới 6 năm. Ví dụ như tại Credit Suisse, phần lớn nhân viên ngân hàng đầu tư sẽ phải đợi khoảng 4 năm để nhận toàn bộ thưởng cho một năm làm ăn có lãi. Và nếu bộ phận của họ sau đó có lỗ thì khoản thưởng này có thể giảm đi hay thậm chí hủy bỏ.
Trả chậm thưởng của giới ngân hàng cũng có cái lý của nó: tập quán thưởng trước đây có thể khuyến khích họ theo đuổi lợi nhuận ngắn hạn và gây ra rủi ro dài hạn. Dù ngân hàng vẫn cần giữ chân nhân viên giỏi nên họ sẽ tăng lương cơ bản lên.
Các nhà phân tích tại JPMorgan tính toán rằng các quy tắc mới sẽ khiến các ngân hàng Châu Âu bất lợi so với các đối thủ tại Mỹ, đặc biệt là ở các thị trường cạnh tranh đang tăng trưởng nhanh chóng như Châu Á. Các ngân hàng đầu tư cỡ vừa ở Châu Âu có thể bất lợi trước các đổi thủ lớn có khả năng trả lương cơ bản cao hơn.
Các ngân hàng đầu tư nhỏ kiểu cổ điển và các quỹ đầu cơ (vốn đều được loại trừ khỏi các hạn chế về lương thưởng) có lẽ sẽ hưởng lợi nhờ tính cạnh tranh giảm.
Mỉa mai là các quy tắc mới này có thể khiến ngành ngân hàng đầu tư rủi ro hơn đối với giới đầu tư. Thưởng thường chiếm khoảng 60% tổng chi phí tiền lương tại ngân hàng đầu tư, tiền lương lại thường chiếm khoảng 50% doanh thu. Một phần lương lớn hơn nay đã cố định nên lợi nhuận của các ngân hàng đầu tư Châu Âu sẽ bấp bênh hơn. Điều này có thể khiến một số hoạt động của ngân hàng đầu tư phải chuyển tới Mỹ.
“Chạy” để thoát điều tiết
Liệu điều này có báo trước cho xu hướng ngân hàng chuyển hoạt động đi khắp mọi nơi để tránh bị giám sát?
Có nhiều lời đồn thổi rằng hai ngân hàng lớn của Thụy Sỹ có thể đang tìm cách tránh bị điều tiết tại quê nhà bằng cách niêm yết hai ngân hàng đầu tư của mình ở nước ngoài.
Những lời bàn tán tương tự cũng đang khiến London xôn xao. Dù sao thì cứ ba năm một lần HSBC lại đánh giá lại về nơi đặt trụ sở hoạt động của mình, nhờ thế mà việc chuyển đi sẽ dễ dàng hơn. Barclays đã tuyên bố họ đang cân nhắc chuyển đi.
Các ngân hàng Châu Âu khác thậm chí còn có nhiều lý do thuyết phục hơn để chuyển đi. Các ngân hàng khỏe mạnh ở một quốc gia ốm yếu đang bị thiệt vì phải trả chi phí huy động vốn cao hơn. Ví dụ như hai ngân hàng Santander và BBVA của Tây Ban Nha đều có bảng cân đối kế toán lành mạnh hơn nhiều so với nhiều đối thủ ở nước ngoài nhưng vẫn đang phải trả chi phí huy động vốn cao hơn 1-1,5% vì người ta lo ngại khả năng trả nợ của chính phủ nước này.
Dù vậy trên thực tế hiếm khi ngân hàng lại chuyển đi. Rút cục thì cả họ và chính phủ đều cần nhau. “Chúng tôi sẽ bị quốc hữu hóa”, ông chủ của một ngân hàng tầm cỡ ở Châu Âu nói sau một phút trầm tư suy nghĩ.
Bên cạnh đó, ngân hàng không nhanh chân như người ta vẫn tưởng. Nhân viên ngân hàng đầu tư có thể bay khắp toàn cầu để làm việc. Các quỹ cũng có thể chuyển từ nước này sang nước khác. Dù vậy một bài học đau đớn từ cuộc khủng hoảng vừa qua là thị trường tiền tệ bán buôn có thể cạn kiệt chỉ sau một đêm.
Vì thế, nay các ngân hàng đang tích cực thu thập tiền gửi ở bất cứ nơi nào họ tiến hành kinh doanh. Điều đó có nghĩa là họ sẽ phải thu hút và giữ chân khách hàng nhỏ lẻ, vì tiền tiết kiệm của những khách hàng này này chính là dòng máu nuôi sống nền tài chính.
Minh Tuấn
Theo Economist

No comments:

Post a Comment