10/10 G7 nhóm họp giữa lúc căng thẳng tiền tệ gia tăng

Cuối tuần qua tại Washington, các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương nhóm 7 nước phát triển (G7) đã nhóm họp giữa lúc những căng thẳng về chính sách ngoại hối gia tăng khi một số nước hạ giá đồng nội tệ, đe dọa làm nổ ra một cuộc chiến tiền tệ trên toàn cầu.

Ngày 15/9 vừa qua, Chính phủ Nhật Bản đã lần đầu tiên trong hơn sáu năm qua đã can thiệp vào thị trường tiền tệ nhằm làm yếu đồng yen. Sau hành động can thiệp, đồng tiền của nước này giảm xuống mức 85 yen/USD.

Tuy nhiên, đồng tiền này tăng lên mức cao nhất trong hơn 15 năm, giao dịch ở mức 81,72 yen/USD trong phiên giao dịch cuối tuần qua tại New York, khi Cục Dự trữ Liên bang Mỹ có thể sẽ thực hiện chính sách tiền tệ nới lỏng hơn nữa.

Trong khi đó, cùng với Trung Quốc, một số nước châu Á khác, trong đó có Hàn Quốc, cũng đang áp dụng những biện pháp nhằm làm giảm giá đồng nội tệ để duy trì khả năng cạnh tranh của hàng xuất khẩu. Các nghị sỹ Mỹ và châu Âu đã chỉ trích hành động can thiệp vào thị trường tiền tệ của Nhật Bản vì điều này sẽ làm phức tạp những nỗ lực của họ trong việc khuyến khích Trung Quốc thực thi chính sách tiền tệ linh hoạt hơn.

Tại cuộc họp, Bộ trưởng Tài chính Nhật Bản Yoshihiko Noda nói nước này không thể cho phép đồng yen tăng giá quá mức để tránh những ảnh hưởng đến sự ổn định của nền kinh tế vốn đang gặp khó khăn trước tình trạng giảm phát.

Ông nói Nhật Bản vẫn giữ vững quan điểm về việc thực hiện những bước đi mạnh mẽ trong trường hợp cần thiết, trong đó có thể có những can thiệp tiếp theo vào thị trường, nhằm ngăn chặn việc đồng yên tăng giá mạnh.

Trong khi đó, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BoJ) Masaaki Shirakawa nói BoJ sẽ nghiên cứu việc thiết lập một quỹ nhằm tăng khả năng thanh khoản trong nền kinh tế và hỗ trợ các hoạt động kinh doanh thông qua việc tạo thuận lợi trong cấp vốn cho các doanh nghiệp. Ngân hàng này mới đây đã áp dụng trở lại mức lãi suất thực tế 0%.

Nhiệm vụ của các bộ trưởng tài chính và thống đốc các ngân hàng trung ương G7 tại cuộc họp là tìm kiếm một giải pháp để những căng thẳng tiền tệ đang gia tăng không gây ảnh hưởng xấu đến sự phục hồi của kinh tế toàn cầu.

Các bên sẽ hợp tác trong việc yêu cầu các nền kinh tế đang nổi đạt thặng dư thương mại, trong đó có Trung Quốc, áp dụng chính sách tiền tệ linh hoạt hơn. Kinh tế toàn cầu đang trong quá trình phục hồi ổn định, song với tốc độ chậm và khác nhau ở mỗi nước./.


Lê Minh (TTXVN/Vietnam+)

No comments:

Post a Comment