10/06 Xây đường sắt cao tốc đừng chỉ nghĩ mỗi chuyện kinh tế

Mỗi năm, VN phải dốc hàng tỷ USD để mua, thuê máy bay nhằm phát triển hàng không thì theo tôi số vốn dự kiến bỏ ra cho đường sắt cao tốc (khoảng 2-3 tỷ USD mỗi năm) không lớn.

Chưa bao giờ tôi thấy báo chí cũng như các tầng lớp nhân dân lại quan tâm đến một vấn đề nào nhiều như dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Tôi cũng muốn đóng góp ý kiến dưới góc nhìn của một doanh nhân, thông qua ví dụ thế này.

Một doanh nhân trẻ khi khởi nghiệp với đồng vốn ít ỏi nhưng chịu áp lực nuôi sống bản thân và gia đình. Vậy mà anh vẫn quyết vay tiền mở công ty nhằm thoát khỏi nghèo khó và khẳng định năng lực bản thân, đồng thời tạo ra việc làm cho nhiều người, đóng thuế cho Nhà nước.


Ông Cao Duy Phong. Ảnh nhân vật cung cấp.


Khi quyết định khởi nghiệp, bạn bè, người thân... khuyên ngăn anh đừng mạo hiểm vì chưa chắc thành công 100%. Dù vậy, công ty vẫn được thành lập. Thời gian đầu anh chỉ có 3 nhân viên bán thời gian, tiền vốn và tiền vay thêm chỉ đủ chi trả các khoản như tiền thuê nhà, điện, lắp đặt các thiết bị văn phòng cùng bộ salon vừa phải để tiếp đối tác, khách hàng.

Anh cật lực làm việc và xoay sở để công ty cho ra mắt sản phẩm đầu tiên sau hai tháng thành lập. Có sản phẩm, nhưng lại không cạnh tranh được với đối thủ vì đây là sản phẩm mới, chưa có thương hiệu nên không được niềm tin của khách hàng. 6 tháng đầu, anh gồng mình chịu lỗ. Sản phẩm chỉ bắt đầu bán được từ tháng thứ 4, nhưng rất ít và giá trị không cao, chẳng bù chi cho các khoản đầu tư và tiền lương, tiền điện thoại và Internet thỉnh thoảng bị cắt vì nợ.

Tháng thứ 7, công ty có được một khách hàng lớn, sản phẩm bắt đầu có thương hiệu và trở thành đòn bẩy của công ty. Khách hàng và doanh thu tăng tỷ lệ thuận. Nhưng do không có kinh nghiệm về quản lý tài chính nên tiền vốn ban đầu hết, nợ chồng chất, tài sản công ty phải đem cầm để chi trả, khoản tiền nợ cứ tăng dần tới cả chục triệu vì không tính toán được điểm hòa vốn. Đó là chưa tính việc phải thuê các công ty làm IT, website, mua nguyên vật liệu, in ấn… tốn kém và đắt đỏ vì không biết giá cả thị trường. Nhờ vào giải pháp bán cổ phần mà công ty có tiền đủ để trả các khoản nợ đọng và dư một một khoản để đầu tư... Cứ thế, công ty lớn dần và rồi khẳng định vị thế trên thương trường...

Quay trở lại chuyện đường sắt cao tốc, với một quốc gia đang phát triển, phải đầu tư rất nhiều và luôn phải đi vay thêm. Dự tính của chúng ta là vay 30% và vốn tự có 70%, thì tỷ lệ này không phải quá cao. Nếu tính con số đầu tư 60 tỷ USD (dự kiến là 56 tỷ USD) thì chúng ta sẽ phải vay 18 tỷ USD, nhưng dự án được triển khai trong 20-30 năm. Do đó, nếu tính ra mỗi năm, chúng ta không phải vay quá nhiều và khoản vay này đã nằm trong các tính toán (dù chỉ là dự kiến) nhưng chắc chắn sẽ chính xác hơn nhiều so với câu chuyện về anh doanh nhân trẻ ở trên.

Vài năm trở lại đây chúng ta cũng đã đầu tư hàng tỷ USD để mua, thuê máy bay nhằm phát triển hàng không và phát triển thêm đội bay. Như vậy, số vốn bỏ ra cho đường sắt cao tốc (dự kiến là 2-3 tỷ USD mỗi năm) không phải là con số lớn.

Khi tuyến đường sắt cao tốc được xây dựng và khai thác thì sẽ tạo ra hàng nghìn việc làm thường xuyên cho người dân, góp phần thúc đẩy kinh tế các vùng đô thị dọc tuyến phát triển. Tôi chắc rằng nhiều người Việt Nam rất muốn đi du lịch xuyên Việt nhưng lại ngại đi ôtô vì tính rủi ro cao, còn máy bay thì không phải ở đâu cũng có và không phải ai cũng có khả năng chi trả. Đó là chưa kể những phiền toái khi chọn máy bay là phương tiện đi lại như mất thời gian (chúng ta thường phải ra sân bay từ một giờ rưỡi đến 2 giờ trước khi máy bay cất cánh. Đấy là chưa kể đến thời gian di chuyển từ nhà đền sân bay), phát sinh thêm nhiều chi phí khá tốn kém (như đi taxi) và sự phiền toái về mặt kiểm tra thủ tục giấy tờ…

Trong khi nếu có đường sắt cao tốc chúng ta cũng chỉ mất hơn 5 giờ cho toàn tuyến, chẳng mất thời gian chờ đợi ra sân bay hay làm thủ tục, đồng thời chi phí lại thấp, chỉ vào khoảng 50%-70% so với máy bay. Vì vậy, tôi nghĩ sẽ có nhiều người lựa chọn giải pháp này.

Tôi cũng muốn nói thêm rằng muốn có nhiều người đi tàu cao tốc thì chúng ta cũng phải truyền thông để tất cả người dân có nhu cầu đi lại đều biết, hiểu và sử dụng. Tôi chắc chắn rằng sẽ có rất nhiều người lựa chọn tàu cao tốc thay cho máy bay, nếu không quá gấp về thời gian thì tàu cao tốc là giải pháp di chuyển hợp lý. Tôi nhấn mạnh thêm về truyền thông cho người sử dụng (khách hàng) rất quan trọng là bởi nếu sản phẩm, dịch vụ tốt mà không ai biết tới thì cũng sẽ chẳng ai mua hàng. Ví dụ, tôi là người thường xuyên di chuyển giữa Hà Nội và TP HCM nhưng không hề biết đến phương tiện khác tàu biển ngoài máy bay và tàu hỏa.

Đọc nhiều ý kiến, tôi thấy nhiều người không nghĩ tới cái tích cực của dự án mà chỉ nghĩ về số tiền đầu tư. Họ cũng chưa đưa ra được các dẫn chứng cụ thể để thấy rằng dự án này là không cần thiết. Tôi nghĩ chúng ta cũng khó có thể so sánh với Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản là tổng đầu tư chiếm bao nhiêu % của GDP. Bởi họ là họ, còn ta là ta, ở mỗi thời điểm, quy mô GDP khác nhau nhưng không có nghĩa chiếm tỷ trọng bao nhiêu % thì khả thi hay không khả thi. Hơn nữa, phải nhắc lại là chúng ta đầu tư từ 10-30 năm mới hoàn thành toàn tuyến nên mỗi năm chỉ chi 2-3 tỷ USD chứ không làm gấp như các nước (chỉ trong vòng 10 năm) chưa tính tới tổng số km của ta lớn, qua địa hình phức tạp.

Tôi không phải là chuyên gia kinh tế, cũng không phải là chuyên gia về xe lửa hay tàu hỏa (dù tôi học ngành xe lửa của ĐH Giao thông Vận tải). Tôi làm kinh doanh nhưng tôi kể câu chuyện trên để chúng ta thấy cái quan trọng là xác định được mục tiêu, suy nghĩ tích cực và tại sao tất cả chúng ta (ai thường xuyên đi lại giữa Bắc - Nam) không ủng hộ để có thêm nhiều sự lựa chọn khi di chuyển? Khi dự án được hoàn thành nó còn là biểu tượng của Việt Nam, là tinh thần và sự tự hào, thể hiện sức mạnh và thúc đẩy tất cả bứt phá. Cứ thử tính một năm hay thậm chí 30 năm như dự án, chúng ta sẽ chi bao nhiêu tiền cho việc xây dựng các công trình văn hóa để khẳng định vị thế. Song nó có mang lại lợi ích đáng kể so với một dự án giao thông quan trọng như đường sắt cao tốc?

Chúng ta cũng đã chuẩn bị 3 năm để trình kế hoạch sơ bộ chứ chưa phải là kế hoạch triển khai chính thức, sẽ còn rất nhiều khó khăn chờ chúng ta, nhưng với sự quyết tâm, đồng lòng và khát vọng khẳng định sức mạnh của Việt Nam thì chúng ta hoàn toàn có thể thành công từ dự án này.

Vậy, tôi nghĩ để làm được dự này, chúng ta cần có:

- Một kế hoạch cụ thể, chi tiết và tính toán kỹ lưỡng.

- Suy nghĩ tích cực nhưng cần biết ngay những khó khăn và hạn chế để khắc phục.

- Tự tin và quyết tâm làm chủ công nghệ, khát vọng vươn lên của cả đất nước, cả dân tộc.

- Cần có kế hoạch truyền thông làm sao cho tất cả người Việt Nam (và cả khách du lịch) đều phải biết về con đường này để họ sử dụng phương tiện này di chuyển.

- Cần tính toán thêm về lượng khách du lịch tới Việt Nam vì đây cũng là một lượng khách hàng tiềm năng và chiếm một tỷ lệ không nhỏ của đường sắt cao tốc, chứ hiện nay tôi thấy không mấy khách du lịch đi bằng đường sắt của ta.

So sánh giữa một cá nhân vay tiền khi đang khó khăn và không có kinh nghiệm với một đất nước xây dựng tuyến đường sắt cao tốc có số vốn khổng lồ thì quả là quá khập khiễng. Nhưng tôi rất ủng hộ và mong muốn dự án sớm được triển khai thành công.

Cao Duy Phong, Chủ tịch HĐQT Hasaico Group

No comments:

Post a Comment