08/09 Khủng hoảng nợ châu Âu đẩy lui chứng khoán Mỹ

9:52 AM, 08/09/2010

Tình hình trở xấu của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu đã khiến các chỉ số chứng khoán Mỹ đi xuống ngay ngày giao dịch đầu tiên trong tuần (phiên thứ hai, thị trường Mỹ đóng cửa nghỉ lễ). Khối lượng giao dịch đạt gần mức thấp kỷ lục từ đầu năm tới nay. Chốt phiên giao dịch 7/9, chỉ số công nghiệp Dow Jones hạ 107,24 điểm, tương ứng 1,03%, xuống 10.340,69 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 12,67 điểm, tương ứng 1,15%, xuống 1.091,84 điểm. Chỉ số Nasdaq hạ 24,86 điểm, tương ứng 1,11% xuống 2.208,89 điểm.

Thị trường hạ điểm ngay từ đầu phiên với mức giảm từ 0,37 - 0,52%. Tốc độ giảm càng mạnh hơn khi thị trường sắp kết thúc phiên giao dịch.

Giới đầu tư lo ngại về kết quả kiểm tra "sức khỏe" của các ngân hàng châu Âu cũng như mức thua lỗ dự kiến của các tổ chức tài chính ở châu lục này. Theo Hiệp hội ngân hàng Đức, 10 ngân hàng lớn nhất nước này có khả năng cần thêm 105 tỷ Euro tiền vốn.

Trước đó, hôm 2/9, Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cũng cảnh báo nợ công của Nhóm các nước phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (nhóm G20) đã tăng từ mức 78% tổng sản phẩm quốc nội (GDP) năm 2007 lên mức kỷ lục 97% GDP trong năm ngoái, và sẽ tăng tới 115% GDP vào năm 2015.

Cả ba nghiên cứu độc lập của IMF đều kết luận rằng nợ công của các nền kinh tế phát triển trong nhiều thập kỷ qua đóng vai trò "công cụ giảm sốc cuối cùng," vì vậy, sẽ tăng nhanh trong khủng hoảng nhưng cũng không giảm nhanh sau khủng hoảng.

Thị trường cũng bị tác động bởi báo cáo của Đức cho thấy số lượng đơn đặt hàng các nhà máy bất ngờ giảm, bởi nhu cầu tiêu thụ tại châu Âu bị suy yếu. Đà phục hồi của nền kinh tế lớn nhất châu Âu đang chững lại.

Cùng ngày, các ngân hàng trung ương của Nhật Bản và Australia tuyên bố không nâng lãi suất cơ bản, do vẫn còn lo ngại về triển vọng phục hồi của nền kinh tế Mỹ cũng như kinh tế toàn cầu.

Toàn cảnh phiên giao dịch 7/9 của thị trường chứng khoán Mỹ - Nguồn: G.Finance.

Ngân hàng Trung ương Nhật Bản (BOJ) tuyên bố duy trì lãi suất ở mức 0,1% và ngưng áp dụng các chính sách mới. BOJ không thay đổi đánh giá về nền kinh tế khi cho rằng kinh tế Nhật tiếp tục bộc lộ các dấu hiệu phục hồi khiêm tốn.

Trong khi đó, Ngân hàng Trung ương Australia (RBA) cũng quyết định giữ nguyên lãi suất ở mức 4,5% tháng thứ tư liên tiếp, do lo ngại rằng đà phục hồi chậm của nền kinh tế toàn cầu có thể ảnh hưởng đến tăng trưởng kinh tế trong nước.

Giá cổ phiếu của các ngân hàng Bank of America, Citigroup giảm khoảng 2%. Trong khi, cổ phiếu của nhóm tổ chức tài chính thuộc S&P 500 hạ sâu nhất so với cổ phiếu 10 nhóm ngành khác.

Chỉ số biến động quyền chọn trên thị trường chứng khoán Mỹ tăng mạnh nhất trong gần 1 tháng. Chỉ số VIX tăng 12% và ghi nhận mức tăng mạnh nhất từ ngày 11/8. Chốt phiên hôm qua chỉ số đứng ở mức 23,8.

Khối lượng giao dịch trên cả 3 sàn New York, American và Nasdaq đạt 6,26 tỷ cổ phiếu, gần sát mức thấp nhất từ đầu năm tới nay và thấp hơn nhiều so với mức giao dịch trung bình 9,65 tỷ cổ phiếu trong năm 2009.

Khu vực chứng khoán châu Âu ngập tràn sắc đỏ trong phiên giao dịch 7/9. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 31,37 điểm, tương ứng 0,58%, xuống 5.407,82 điểm. Chỉ số DAX của Đức hạ 37,15 điểm, tương ứng 0,6%, xuống 6.117,89 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 40,92 điểm, tương ứng 1,11%, xuống còn 3.643,81 điểm.

Hầu hết các thị trường chứng khoán châu Á cũng trong tình trạng giảm điểm khi chốt phiên giao dịch 7/9, nhưng mức giảm được giới hạn phần nào, do những lo lắng của nhà đầu tư đã được xoa dịu một phần. Đồng Yên Nhật tiếp tục tăng giá mạnh.

Chỉ số Nikkei 225 của Nhật Bản giảm 0,81%. Chỉ số Straits Times của Singapore hạ 0,4%. Chỉ số Kospi của Hàn Quốc giảm 0,26%. Chỉ số Taiex của Đài Loan hạ 0,08%. Ở chiều ngược lại, chỉ số Shanghai Composite của Trung Quốc tăng 0,08%, chỉ số Hang Seng của Hồng Kông tăng 0,22%.






(Theo Vneconomy/ Đầu tư)

No comments:

Post a Comment