Mô hình tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc sau khủng hoảng


09:33 | 17/01/2012
(ĐCSVN) - Hàn Quốc là một trong số rất ít những quốc gia đã nỗ lực để tránh được suy thoái trong bối cảnh cuộc khủng hoảng tài chính toàn cầu và cũng là nền kinh tế đầu tiên trong nhóm OECD tăng trưởng trở lại sau khủng hoảng. Năm 2009, khi cả thế giới công nghiệp phát triển đều bị suy thoái, GDP của Hàn Quốc vẫn tăng 0,2% và tăng tới 6,1% (2010).

Những đặc trưng cơ bản của mô hình tăng trưởng kinh tế Hàn Quốc sau khủng hoảng tài chính toàn cầu được thể hiện bởi 4 yếu tố cơ bản sau:

Thứ nhất, xuất khẩu - động lực tăng trưởng bền vững của kinh tế Hàn Quốc.

Là một nước nghèo tài nguyên, Hàn Quốc đã chú ý tới xuất khẩu ngay từ những ngày đầu của quá trình phát triển kinh tế. Tính cạnh tranh xuất khẩu của các doanh nghiệp Hàn Quốc rất mạnh. Xuất khẩu luôn khẳng định vị thế là động lực tăng trưởng bền vững của kinh tế Hàn Quốc. Tăng trưởng cao của Hàn Quốc được “kích thích” bởi “mở rộng xuất khẩu” và được duy trì nhờ quá trình phát triển nhanh chóng của các ngành công nghiệp xuất khẩu. Mở rộng xuất khẩu luôn chịu "sức ép" của Chính phủ. Các ngành xuất khẩu nói riêng và nền kinh tế nói chung cũng luôn nhận được sự "kích thích" và sự “ưu tiên“ của Chính phủ.


Định hướng chiến lược phát triển xuất khẩu đã buộc các công ty Hàn Quốc tiến hành quảng cáo sản phẩm ra thị trường bên ngoài hơn là thị trường trong nước. Nhờ vậy, xuất khẩu của Hàn Quốc liên tục tăng trưởng, ngay cả trong thời kỳ khủng hoảng kinh tế toàn cầu. Xuất khẩu chiếm 50% trong tổng thu nhập quốc dân của Hàn Quốc. Mặc dù, giá đồng won tăng mạnh so với đồng USD, nhưng kim ngạch xuất khẩu của Hàn Quốc vẫn khá cao. Năm 2010, Hàn Quốc vươn lên đứng thứ 7 thế giới về xuất khẩu, chỉ sau Trung Quốc, Mỹ, Đức, Nhật Bản, Hà Lan và Pháp. Năm 2011, các tập đoàn lớn đạt xuất khẩu tăng 17% (khoảng 513 tỉ USD) - là năm đầu tiên Hàn Quốc vượt ngưỡng 1 nghìn tỷ USD về kim ngạch thương mại.

Thứ hai, doanh nghiệp Hàn Quốc hoạt động hiệu quả cả ở thị trường trong nước và thị trường nước ngoài, đặc biệt ở thị trường Trung Quốc
Sau khủng hoảng, Hàn Quốc đã kịp thời điều chỉnh lại chiến lược phát triển kinh tế, trong đó chú trọng tái cơ cấu lại các doanh nghiệp lớn, điều chỉnh lại nhân sự, nhấn mạnh phát triển kinh tế tri thức. Năm 2011, Hàn Quốc có 8 doanh nghiệp được nằm trong top 50 doanh nghiệp hàng đầu tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương do tạp chí chuyên xếp hạng Forbes công bố, chỉ đứng thứ 2 (sau Trung Quốc). Top 50 doanh nghiệp này được chọn lựa từ 1000 doanh nghiệp ở Châu Á, có mức doanh thu hoặc giá trị vốn thị trường ít nhất đạt 3 tỷ USD. Tiêu chuẩn để đánh giá dựa trên hiệu suất tài chính trong vòng 5 năm (2006-2011).

Hàn Quốc đã tận dụng sự thay đổi chiến lược phát triển kinh tế của Trung Quốc (chuyển từ chiến lược xuất khẩu sang chiến lược hướng vào tiêu dùng nội địa) làm cơ hội thuận lợi cho hàng hóa tiêu dùng chất lượng cao của Hàn Quốc (điện, điện tử, ôtô, mỹ phẩm cao cấp và các ngành công nghiệp xây dựng, cung cấp nước, hệ thống nước thải) để xâm nhập vào thị trường Trung Quốc. Theo Cục khuyến khích đầu tư thương mại Hàn Quốc (KOTRA – Korea Trade Investment Promotion Agency), Hàn Quốc có khoảng 4000 công ty, doanh nghiệp đang họat động tại Trung Quốc. Trên thực tế, các doanh nghiệp Hàn Quốc họat động rất hiệu quả ở thị trường Trung Quốc và các thị trường mới nổi.

Để nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp sau khủng hoảng, Chính phủ thực hiện tái cơ cấu doanh nghiệp thông qua các biện pháp cắt giảm thuế, tăng chi ngân sách và bảo đảm tính thanh khoản; loại bỏ những công ty làm ăn thua lỗ và hỗ trợ những doanh nghiệp có tiềm năng cũng như những công ty vừa và nhỏ. Đặc biệt, Chính phủ trợ giúp để những người có thu nhập thấp bảo đảm cuộc sống trong tình hình kinh tế khó khăn.

Năm 2011, các tập đoàn lớn của Hàn Quốc đảm nhiệm vai trò thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Vai trò này được thể hiện trong mục tiêu đặt ra cho 30 tập đoàn hàng đầu quốc gia phải đạt mức đầu tư 101 tỷ USD, tăng 12% so với mức đầu tư của năm 2010 (khoảng 90 tỷ USD), tuyển dụng 1 triệu nhân viên và xuất khẩu 500 tỷ USD. Bên cạnh đó, các doanh nghiệp dành hơn 23 tỷ USD cho hoạt động nghiên cứu và phát triển những động lực tăng trưởng mới. Những con số này cho thấy vai trò to lớn của các doanh nghiệp Hàn Quốc trong lĩnh vực tạo việc làm.

Thứ ba, thực hiện chiến lược kích cầu kinh tế để kích thích sản xuất và khuyến khích tiêu dùng nội địa. 
Nguy cơ suy thoái kép của kinh tế toàn cầu tác động tiêu cực tới xuất khẩu buộc Hàn Quốc phải hướng tới chi tiêu tiêu dùng để duy trì tăng trưởng. Vì vậy, song song với thúc đẩy xuất khẩu, chính phủ Hàn Quốc thực hiện các biện pháp kích cầu trong nước để tạo ra sự cân bằng cho nền kinh tế. Để duy trì tăng trưởng, Hàn Quốc hướng tới chi tiêu tiêu dùng với gói kích cầu được thông qua lớn chưa từng có trong lịch sử, trị giá 28,9 nghìn tỷ won (khoảng 21 tỷ USD) để chặn đứng đà suy giảm kinh tế, tạo việc làm mới. Gói kích cầu của chính phủ Hàn Quốc tương đương với 5,4% tổng sản phẩm nội địa (GDP) và là mức chi ngân sách bổ sung cao nhất trong khu vực. Thông qua kích thích chi tiêu nội địa sẽ có lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và những người có thu nhập thấp để vực dậy nền kinh tế và khuyến khích người nghèo làm việc. Sự phục hồi của nhu cầu tiêu dùng trong nước đi đôi với nền tảng xuất khẩu vững chắc đã tạo đà để kinh tế Hàn Quốc phát triển mạnh hơn.

Thứ tư, vai trò quan trọng của nhà nước trong thúc đẩy kinh tế sau khủng hoảng. 

Nhà nước giữ vai trò quyết định tới tăng trưởng và thay đổi cấu trúc kinh tế Hàn Quốc. Quy mô, tốc độ và định hướng phát triển của kinh tế Hàn Quốc là kết quả nỗ lực của nhà nước trong tích lũy tư bản và thúc đẩy phát triển kinh tế. Nhà nước Hàn Quốc và các chính sách công của nhà nước đóng vai trò quan trọng trong tăng tiết kiệm, đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.

Sau khủng hoảng, do đầu tư và tiêu dùng cá nhân suy giảm, chính phủ Hàn Quốc đề xuất các giải pháp cải cách thuế sâu rộng (cắt giảm thuế thu nhập và thuế doanh nghiệp) để thúc đẩy nền kinh tế trong nước đang gặp khó khăn. Giá trị cắt giảm thuế sẽ lên tới 17,8 tỷ USD vào năm 2012. Giải pháp cải cách thuế của chính phủ đã góp phần kích thích kinh tế tăng trưởng và khôi phục hoạt động đầu tư của các doanh nghiệp Hàn Quốc.

Nhằm phát triển cơ sở hạ tầng để tăng việc làm, tạo điều kiện cho ngành xây dựng cũng như kinh tế địa phương phát triển, chính phủ Hàn Quốc đã nhanh chóng thực hiện “chính sách kinh tế - xã hội mới” với chi phí 38 tỷ USD. Ngoài ra, chính phủ tuyên bố “kế hoạch phát triển kinh tế xã hội xanh” để tạo 96 ngàn việc làm cho đến năm 2012. Hàn Quốc muốn thông qua những kế hoạch này vừa là để tạo việc làm, vừa là để nhằm củng cổ các nền tảng cho sự phát triển sau khủng hoảng.

Để giữ đà tăng trưởng kinh tế sau khủng hoảng, Chính phủ nhấn mạnh tiếp tục nâng cao tỷ trọng ngành dịch vụ và ngành chế tạo trong nền kinh tế quốc dân, cố gắng giảm tỷ trọng ngành nông lâm ngư nghiệp, tiếp tục chú trọng và nâng đỡ một số doanh nghiệp lớn (đóng tàu, hóa dầu, ôtô, điện tử...) hiện đang có sức cạnh tranh và chiếm được thị phần đáng kể trên thế giới. Các doanh nghiệp lớn (Samsung, Hyundai, SK) và một số doanh nghiệp khác tạo ra giá trị tới hơn 60% doanh thu kinh tế được chính phủ ưu tiên phát triển. Chính phủ chọn 17 ngành công nghiệp làm động lực tăng trưởng kinh tế trong tương lai, thuộc ba lĩnh vực chính (công nghệ xanh, công nghiệp công nghệ cao và dịch vụ có giá trị gia tăng cao). Các ngành công nghiệp này sẽ tạo nền tảng tăng trưởng kinh tế qua việc mở rộng thị trường, phát triển các công nghệ cơ bản, tạo ra giá trị gia tăng khoảng 600 tỷ USD, hơn 3,5 triệu việc làm và tăng kim ngạch xuất khẩu trong các ngành công nghiệp lên 700 triệu USD vào năm 2018./.

PGS.TS Phạm Thị Thanh Bình



http://dangcongsan.vn/cpv/Modules/News/NewsDetail.aspx?co_id=30066&cn_id=502365

No comments:

Post a Comment