15 nhân vật góp phần thay đổi kinh tế Trung Quốc


HỒNG NGỌC
13/01/2012 10:35 (GMT+7)
pictureHenry Chow là người đã góp phần đặt nền móng cho Tập đoàn IBM (Mỹ) tại Trung Quốc - Ảnh: Fortune.

Trong 15 năm qua, Trung Quốc đã có những thay đổi vượt bậc, trở thành một trong những nền kinh tế lớn nhất thế giới. Đóng góp vào sự thành công đó có không ít doanh nhân, nhà quản lý, chuyên gia kinh tế hàng đầu.


Tạp chí Fortune đã liệt kê ra 15 doanh nhân, nhà quản lý kinh tế… đã góp phần quan trọng vào sự đổi thay của Trung Quốc. Dưới sự lãnh đạo của họ, nhiều công ty không chỉ lớn mạnh trong nước mà còn trở thành những điểm sáng trên toàn cầu.

1. Liu Chuanzhi

Chủ tịch Legend Holdings
Tuổi: 67


Liu Chuanzhi là người sáng lập Tập đoàn Lenovo vào năm 1984, đưa nó trở thành một trong những nhà sản xuất máy tính cá nhân lớn nhất thế giới và là một trong các công ty Trung Quốc đầu tiên có tên trong danh sách 500 công ty lớn nhất hành tinh của tạp chí Fortune. Trước năm 60 tuổi, ông đã chọn được người lãnh đạo kế cận cho Lenovo là Yang Yuanping.
 
2. Zhang Ruimin

CEO của Tập đoàn Haier
Tuổi: 62


Trong suốt 15 năm qua, dưới sự lãnh đạo của Zhang Ruimin, Tập đoàn Haier đã giành được nhiều thành công trên thị trường điện tử gia dụng thế giới, với tư cách là một thương hiệu “Made in China”. Công ty này đã đạt mức doanh số hơn 140 tỷ Nhân dân tệ (22 tỷ USD) và gia nhập đội ngũ thương hiệu điện tử gia dụng cao cấp quốc tế. Thành công lớn nhất của ông Zhang chính ở phong cách quản lý kết hợp giữa phương Đông và phương Tây.
 
3. Ren Zhengfei

Người sáng lập Huawei Technologies 
Tuổi: 67


Đã 21 năm trôi qua kể từ khi Ren Zhengfei sáng lập Tập đoàn Huawei, hiện công ty này đã trở thành một trong những thành viên thuộc danh sách 500 công ty lớn nhất thế giới của tạp chí Fortune. Ren chưa từng tiếp nhận phỏng vấn của bất kỳ cơ quan truyền thông nào, nhưng một số bài viết của ông đã được lưu truyền rộng rãi trong ngành công nghiệp này và triết lý quản lý doanh nghiệp của ông đã được nhiều nơi đánh giá cao. 

4. Wang Shi

Chủ tịch của China Vanke Co.
Tuổi: 60


Vào năm 1984, Wang Shi đã xây dựng lên Trung tâm triển lãm giáo dục khoa học hiện đại Thâm Quyến, tiền thân của Công ty Vanke sau này. Đầu năm 1991, Vanke đã niêm yết cổ phiếu tại Sở giao dịch chứng khoán Thâm Quyến. Vào thời điểm đó, Vanke còn kinh doanh mọi thứ, từ bất động sản cho tới khách sạn, bán lẻ… Tới năm 1996, Wang Shi đưa công ty tập trung vào lĩnh vực bất động sản. Ông đã mất 11 năm để đưa Vanke thành một trong những công ty phát triển nhà ở lớn nhất hành tinh. 

5. Jack Ma

Chủ tịch kiêm CEO của Tập đoàn Alibaba
Tuổi: 47


Tập đoàn Alibaba mới được 12 tuổi, nhưng Jack Ma đã được xem là một trong những doanh nhân đáng kính trọng nhất thế giới. Dưới sự lãnh đạo của Jack Ma, Alibaba hiện là một địa chỉ giao dịch trực tuyến hàng đầu thế giới, đưa việc kinh doanh và giao dịch trên mạng Internet trở thành một thói quen của người Trung Quốc. Cuối năm ngoái, Alibaba cho biết có kế hoạch thâu tóm Yahoo!. 

6. Li Rongrong

Cựu Chủ tịch Ủy ban Giám sát tài sản thuộc Chính phủ Trung Quốc (SASAC), ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa 17, Phó chủ tịch Ủy ban Kinh tế Hội nghị Chính hiệp khóa 11
Tuổi: 67


Trong suốt cuộc đời của mình, Li Rongrong luôn gắn bó với các doanh nghiệp nhà nước. Là người đứng đầu SASAC, một tổ chức của Chính phủ Trung Quốc có những quyết định tác động mạnh tới hạ tầng chính trị, kinh tế của Trung Quốc, ông quản lý 152 công ty thuộc chính phủ trung ương. Sau 3 năm lãnh đạo, 16 công ty thuộc danh sách này đã có tên trong top 500 doanh nghiệp lớn nhất hành tinh của tạp chí Fortune. 

7. Zhou Xiaochuan

Thống đốc Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBoC)
Tuổi: 63


Trong suốt giai đoạn khủng hoảng tài chính và suy thoái kinh tế toàn cầu, Zhou Xiaochuan đã kiểm soát hiệu quả vấn đề lạm phát song vẫn đảm bảo tăng trưởng kinh tế ổn định của Trung Quốc. Bằng cách thắt chặt lãi suất cơ bản, Zhou đã giảm bớt nguy cơ “hạ cánh cứng” của nền kinh tế Trung Quốc”. Gần đây, ông được tạp chí Euromoney suy tôn là “Thống đốc ngân hàng trung ương của năm”.

8. Wu Jinglian

Nhà nghiên cứu thuộc Trung tâm Nghiên cứu phát triển thuộc Quốc vụ viện Trung Quốc, chuyên gia kinh tế 
Tuổi: 83


Là một trong những chuyên gia kinh tế xuất sắc của Trung Quốc, Wu Jinglian đã giành được vô số giải thưởng, chẳng hạn như “Giải thưởng Khoa học kinh tế Sun Yefang”, “Giải thưởng thành tựu nổi bật” của IAM… Wu đã nhận được những lời tán thưởng khi ông phê phán thị trường chứng khoán Trung Quốc chưa đạt tới tiêu chuẩn của “một sòng bạc được quản lý hiệu quả”. Ông đã đề xuất ra các quy định mới để bảo vệ tốt hơn cho các nhà đầu tư cá nhân. 

9. Neil Shen

CEO của Sequoia Capital China
Tuổi: 42


Trong chương trình “Nhân vật kinh tế Trung Quốc của năm” do Đài Truyền hình trung ương Trung Quốc tổ chức mới đây, Neil Shen đã được mô tả là người đàn ông có phép thần “chạm vào đâu, chỗ đó biến thành vàng”. Shen đã thành công đưa một số công ty Trung Quốc niêm yết cổ phiếu thành công tại Mỹ. Anh tốt nghiệp trường Đại học Yale và từng làm việc cho một số ngân hàng quốc tế lớn như Citigroup sau khi kết thúc việc học. 

10. Ma Huateng

CEO của Tencent
Tuổi: 40


Tencent được Ma Huateng thành lập năm 1998 và hiện là cộng đồng trực tuyến lớn nhất ở Trung Quốc. Công cụ chat do Tencent cung cấp đã trở thành cầu nối giao tiếp của người dân ở đất nước châu Á này. Hiện Tencent đạt mức lợi nhuận hàng năm là 19,6 tỷ Nhân dân tệ (3,1 tỷ USD). Ma thường được mô tả là một người lặng lẽ, nhưng anh là một trong số các doanh nhân được kính trọng nhất của Trung Quốc. Khi Ma xuất hiện ở các hội nghị Internet ở Trung Quốc, luôn có đám đông người trẻ tuổi nôn nóng được chụp hình cùng anh hoặc cố nhét danh thiếp của họ vào túi anh. 

11. Wang Jianzhou

Chủ tịch China Mobile 
Tuổi: 64


Từ China Mobile cho tới China Unicom, Wang Jianzhou đều được xem là nhân vật có sức ảnh hưởng lớn nhất trong lĩnh vực viễn thông của Trung Quốc. Năm ngoái, ông đã nhận được giải thưởng của Chủ tịch Hiệp hội GSM tại Hội nghị Di động GSMA tổ chức tại Barcelona, Tây Ban Nha. 

12. Liu Yonghao

Chủ tịch Tập đoàn New Hope
Tuổi: 60


Liu Yonghao là một trong những nhà đầu tư cá nhân nổi tiếng ở Trung Quốc trong thập niên 1990, Ông khởi nghiệp bằng nghề nuôi lợn và sau hơn 20 năm thành công trong lĩnh vực này, ông đã chuyển sang mua cổ phần trong ngân hàng Minsheng và đầu tư vào các ngành công nghiệp sinh lợi từ bất động sản cho tới hóa chất. Liu luôn coi nông nghiệp là ngành trụ cột của Trung Quốc. Với New Hope, Liu và các đồng sự đã tạo nên những trải nghiệm đầy sáng tạo mới trong lịch sử nông nghiệp Trung Quốc. 

13. Zhang Jindong

Chủ tịch Tập đoàn Suning
Tuổi: 48


Sau 15 năm cạnh tranh trực tiếp với các doanh nghiệp trong và ngoài nước, tập đoàn của Zhang Jindong hiện đã trở thành một trong những chuỗi siêu thị điện máy lớn nhất ở Trung Quốc với thị phần và doanh số ngày càng được mở rộng. Dự kiến trong 10 năm tới, Zhang sẽ biến Sunning trở thành một tập đoàn “công nghệ hơn và thông minh hơn” bằng cách áp dụng các nền tảng kỹ thuật cao và hiệu quả vào công tác bán hàng.

14. Henry Chow

Cựu Chủ tịch kiêm CEO của IBM Greater China
Tuổi: 65


Henry Chow là người đã góp phần đặt nền móng cho Tập đoàn IBM (Mỹ) tại Trung Quốc. Chow đã hỗ trợ xây dựng trung tâm dịch vụ toàn cầu, trung tâm sáng tạo toàn cầu của IBM và biến Trung Quốc trở thành một thị trường chiến lược của IBM. Chow cũng đóng vai trò quan trọng vào việc bán mảng kinh doanh máy tính cá nhân của IBM cho Tập đoàn Lenovo. Dưới sự lãnh đạo của ông, IBM Greater China đã trở thành một trong những nguồn đóng góp lợi nhuận quan trọng của Tập đoàn IBM. 

15. Zong Qinghou

Chủ tịch kiêm CEO của Hangzhou Wahaha
Tuổi: 66


Zong Qinghou đã nhận ra cơ hội thách thức hai tập đoàn nước giải khát Mỹ là Coca-Cola và PepsiCo. Zong xây dựng nên Tập đoàn Wahaha và đưa nó trở thành một đế chế trong lĩnh vực thức uống với doanh thu hàng năm đạt hơn 50 tỷ Nhân dân tệ (7,9 tỷ USD). Trong hai năm qua, Wahaha đã mở rộng từ các sản phẩm đồ uống và bơ sữa sang ngành vật liệu thô và bán lẻ, với mục tiêu trở thành một trong các công ty hàng đầu thế giới trong Fortune Global 500 trong vòng 5 năm.


No comments:

Post a Comment