13/12 WTO : Đũa thần của phép mầu kinh tế Trung Quốc


THỨ BA 13 THÁNG MƯỜI HAI 2011
2001-2011 là chặng đường 10 năm để Trung Quốc trở thành một thành viên có trọng lượng của Tổ Chức Thương Mại Thế Giới và là chủ nợ lớn nhất của các nền kinh tế công nghiệp phát triển nhờ 3.200 tỷ đô la dự trữ ngoại tệ. Với WTO, hàng Trung Quốc tràn ngập thế giới nhưng Bắc Kinh vẫn bảo vệ chặt chẽ thị trường rộng lớn của mình trước cạnh tranh của các nước phát triển phương Tây. Phân tích của chuyên gia kinh tế Vũ Quang Việt.
 
Trung Quốc đã lợi dụng được thế mạnh trong khuôn khổ của tổ chức WTO như thế nào để phát triển và đâu là những bài học đối với các nước nhỏ có mô hình phát triển tương tự như Trung Quốc ?

Là chuyên gia kinh tế từng làm việc tại Liên Hiệp Quốc, và hiện là một nhà tư vấn độc lập biết rất rõ về tình hình kinh tế Trung Quốc, ông Vũ Quang Việt nhấn mạnh đến hai yếu tố giúp Trung Quốc thành công : Một mặt thâu tóm kỹ thuật của phương Tây, dùng nguồn nhân lực dồi dào của mình để xâm nhập thị trường quốc tế, mặt khác tạo ra những hàng rào kỹ thuật đẻ bảo vệ thị trường nội địa trước sức cạnh tranh của tư bản Âu Mỹ.
Dù là thành viên WTO, Trung Quốc vẫn là nhà vô địch về bảo hộ mậu dịch
Trả lời ban Việt ngữ RFI ông Vũ Quang Việt trước hết phân tích về những lợi ích Trung Quốc gặt hái được kể từ khi gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới ngày 11/12/2001, sau 15 năm thương thuyết với tổ chức có trụ sở tại Genève này.
Chuyên gia Vũ Quang Việt - New York
 
12/12/2011
 
 

Ngày 11/12/2011 Trung Quốc kỷ niệm 10 năm gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới WTO. Thập niên qua được đánh dấu bằng rất nhiều những «bất đồng» với các đối tác thương mại của Bắc Kinh : các cuộc đọ sức trên quota hàng dệt may, các vụ kiện về bản quyền, sở hữu trí tuệ giữa Trung Quốc và Liên Hiệp Châu Âu hay với Hoa Kỳ đã thường xuyên chiếm trang nhất các tờ báo kinh tế thế giới. Gần đây hơn, lại cũng Mỹ và châu Âu gây áp lực đòi Trung Quốc nâng giá nhân dân tệ, tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng hơn cho các nhà xuất khẩu của Âu Mỹ.
Thâu tóm kỹ thuật của nước ngoài 
Trung Quốc đã có những bước tiến rất dài trong thập niên qua để trở thành đối tác thương mại quan trọng thứ nhì của cả Mỹ lẫn Liên Hiệp Châu Âu và là ban hàng số 1 của Nhật Bản, Hàn Quốc, Úc và Nam Phi. Trung Quốc ngày nay không chỉ đơn thuần là « xưởng sản xuất của thế giới » với nhân công rẻ nhưng không có chuyên môn cao. Mạng lưới công nghiệp Trung Quốc đã được nâng cấp nhờ được chuyển giao kỹ thuật trong nhiều ngành công nghệ mũi nhọn, từ viễn thông đến sản xuất xe hơi, công nghiệp chế tạo máy bay và thậm chí là cả công nghiệp hàng không không gian.
Trong 10 năm qua tổng sản phẩm nội địa Trung Quốc tăng lên gấp 4 lần. Kim ngạch xuất khẩu được nhân lên gấp 5 lần so với cột mốc của năm 2000, và tỷ trọng của Trung Quốc trên bàn cờ thương mại thế giới trong thập niên qua nhảy vọt từ 4,3 % lên thành 10, 4 %.
Tỷ lệ nghèo khó ở nông thôn từ 10,2 % năm 2000 đã xuống còn 2,8 % năm 2010
Sự thành công vượt bực của Trung Quốc cũng đã làm thay đổi cục diện kinh tế của thế giới : các chuyên gia nói đến giai đoạn « phi công nghệ hóa » của các nước công nghiệp phát triển. Hàng nhập khẩu từ Trung Quốc tràn ra thế giới đã giúp người tiêu dùng ở năm châu thoải mái hơn trong việc mua sắm từ quần áo đến đồ gia dụng, từ đồ chơi cho trẻ nhỏ đến xe đạp made in China. Nhờ có hàng rẻ nhập cảng từ Trung Quốc mà trung bình mỗi năm, một hộ gia đình ở Hoa Kỳ có thể tiết kiệm thêm được 600 đô la.
Đổi lại thì khối lượng nhân công Mỹ làm việc trong ngành công nghiệp trong thập niên qua cũng đã bị giảm đi mất 25 %. Nhiều tập đoàn Mỹ, kể cả ngành đòi hỏi nhiều trị giá gia tăng, đã di dời cơ sở sản xuất đến quê hương của ông Mao Trạch Đông. Cùng lúc, cán cân thương mại Mỹ - Trung luôn nghiêng về phía Trung Quốc. Hoa Kỳ luôn trong tình trạng nhập siêu.
Không riêng Mỹ mà cả châu Âu phải mất 10 năm để hiểu rằng Trung Quốc là một đối tác không thể thiếu, nhưng làm ăn chung với Trung Quốc không phải là dễ, và chen chân được vào thị trường rộng lớn với gần 1,5 tỷ người của nước đông dân nhất địa cầu là cả một con đường đầy cam go.
Bảo vệ thị trường nội địa 
10 năm trong gia đình WTO, còn nhiều lĩnh vực mà giới đầu tư nước ngoài vẫn khó chen chân vào thị trường Trung Quốc. Trong số đó phải kể đến thị trường xe hơi, ngành tài chính ngân hàng, công nghệ hàng không, viễn thông, xây dựng hay điện toán.
Hiện tại ba tập đoàn China Mobile, China Telecom và China Unicom đang độc quyền trên thị trường viễn thông Trung Quốc. Bắc Kinh thường xuyên viện lý do « an ninh quốc gia » để cản đường các đối thủ nước ngoài muốn vào hoạt động tại Trung Quốc.
Đối với ngành công nghiệp xe hơi, tuy đã là thành viên của đại gia đình WTO gồm 153 anh chị em, nhưng cánh cổng của thị trường nội địa của Trung Quốc vẫn thường đóng chặt. Bởi lẽ ngay từ ban đầu, khi thương thuyết để gia nhập Tổ Chức Thương Mại Thế Giới, Bắc Kinh đã được quyền duy trì thuế nhập khẩu cao đối với hàng nước ngoài.
Cụ thể là nếu một chiếc xe hơi Mỹ bán ra trên thị trường Hoa Kỳ với giá là 27.500 đô la thì khi xuất khẩu qua Trung Quốc, cũng chiếc xe đó sẽ được bán với giá 85 000 đô la. Đó là điều giải thích vì sao tập đoàn Chrysler của Mỹ đến giờ vẫn chỉ bán được vào khoảng 2500 chiếc xe một năm cho các khách hàng Trung Quốc. Năm 2010, Trung Quốc đã trở thành thịt rường xe hơi lớn nhất thế giới với 14 triệu chiếc xe lưu hành.
Giới hạn của mô hình Trung Quốc 
Trở thành cơ xưởng sản xuất của thế giới nhưng mô hình kinh tế Trung Quốc cũng có những giới hạn : để trở thành nhà cung cấp hàng hóa cho thế giới, Trung Quốc đã chấp nhận nhiều hy sinh, như là đã phá hoại môi trường, gây ô nhiễm sông ngòi … để phục vụ mục tiêu sản xuất. Lạm dụng lực lượng nhân công dồi dào để kiếm lời …Thế nhưng ý thực được mặt trái của việc khai thác ồ ạt đó, Trung Quốc đang xuất khẩu mô hình phát triển của mình tới các nước chậm tiến hơn, trong đó số đó có Việt Nam.
Ngoài ra thành tựu kinh tế và tài chính vượt bực của Trung Quốc cũng đang dẫn tới những mối nguy hiểm. Tình trạng dư thừa ngoại tệ, thặng dư thương mại dẫn tới hiện tượng đầu tư quá tải vào hạ tầng cơ sở kém hiệu quả, nợ công của cấp chính quyền địa phương tương đương với 85 % tổng sản phẩm nội địa. Nợ xấu của các ngân hàng chiếm tới gần 40 % tín dụng.

No comments:

Post a Comment