11/12 Phương Tây nhòm ngó thị trường điện hạt nhân Trung Quốc


Chủ nhật, 11/12/2011, 11:42 GMT+7

Những lo lắng về an toàn điện hạt nhân ở Trung Quốc có thể tạo ra nhiều cơ hội làm ăn mới cho các công ty phương Tây.

Ảnh: EPA.
Nhà máy điện hạt nhân Daya Bay mới được xây dựng của Trung Quốc. Ảnh: EPA.
Từ đầu năm nay, Trung Quốc giảm tiến độ phát triển điện hạt nhân từng được coi là “đầy tham vọng” và tạm ngừng việc thông qua triển khai các chương trình hạt nhân mới sau sự cố ở nhà máy điện hạt nhân Fukushima I hồi tháng 3 ở Nhật Bản.
Hiện tại, các quan chức Trung Quốc dường như đang chuẩn bị cho việc tái khởi động các kế hoạch trị giá nhiều tỷ đô la nhằm đưa nước này lên vị trí số một về sản xuất điện hạt nhân trên thế giới, với việc chú trọng vào độ an toàn của các dự án. Điều này có nghĩa là Trung Quốc sẽ phải dựa vào các phương pháp quản lý nhà máy sản xuất và kỹ thuật lò phản ứng của phương Tây - điều mà các nhà cung cấp thiết bị và dịch vụ điện hạt nhân phương Tây đã phải cạnh tranh để giành được một chỗ đứng trong ngành công nghiệp do nhà nước quản lý này.
“Chắc chắn các công ty phương Tây sẽ có nhiều cơ hội hơn”, ông Kevin Tu, chuyên gia về ngành năng lượng Trung Quốc tại Quỹ nghiên cứu Canergie vì hòa bình quốc tế tại Washington DC, nói. “Trung Quốc nhận ra rằng họ cần làm nhiều hơn để cải thiện cũng như đảm bảo các yếu tố an toàn cho ngành công nghiệp hạt nhân, bởi so với các nước phương Tây, thì công nghệ hạt nhân của Trung Quốc vẫn còn kém xa”.
Khủng hoảng Fukusima đã khiến Trung Quốc phải xem xét lại các tiêu chuẩn an toàn. Hiện vẫn chưa biết việc kiểm tra mức độ an toàn hạt nhân của Trung Quốc sẽ được tiến hành như thế nào. Ủy ban An toàn hạt nhân quốc gia Trung Quốc, cùng với các công ty nhà nước về hạt nhân vẫn chưa có bình luận gì. Tuy nhiên các quan chức và chuyên gia luật pháp cho rằng Bắc Kinh có thể tiếp tục cấp phép xây dựng các nhà máy điện hạt nhân mới sau khi báo cáo kiểm tra mức độ an toàn được công bố trước khi bước sang năm sau.
Việc thực hiện một cách nhanh chóng các lò phản ứng loại CPR-1000 đồng nghĩa với việc tăng cường vai trò của các nhà máy dựa trên kĩ thuật AP1000 của công ty điện lực Westinghouse có trụ sở đặt tại Mỹ và là một chi nhánh của công ty Nhật Toshiba. Trong vài năm trở lại đây chính phủ đã chỉ ra rằng mô hình của Westinghouse cần được áp dụng rộng rãi trong việc xây dựng các nhà máy hạt nhân ở đất nước này. Các quan chức chính phủ cũng khen ngợi mức độ an toàn của mô hình này sau vụ nổ hạt nhân Fukushima.
Theo các nguồn tin trong lĩnh vực này, việc xây dựng các lò phản ứng hạt nhân CPR-1000 ở Trung Quốc nhanh hơn dự kiến. Trước khi vụ nổ Fukushima xảy ra, Trung Quốc đã có kế hoạch xây dựng hàng chục lò phản ứng theo mô hình cũ. Tuy nhiên sau khủng hoảng thì các lò công nghệ mới có thể được chú ý nhiều hơn.
Westinghouse đã chuyển giao công nghệ AP1000 cho Trung Quốc như là một phần của thỏa thuận đã ký kết năm 2007 là bán cho nước này bốn lò phản ứng. Bắc Kinh đang cố gắng để tăng số lượng các lò phản ứng dựa vào công nghệ này, nhưng Westinghouse nói rằng trong tương lai họ sẽ thu lợi ở Trung Quốc một phần thông qua việc cung cấp nhiên liệu và các dịch vụ cho số lượng các lò hạt nhân ngày một nhiều ở quốc gia này. Theo đó, cứ thêm một lò phản ứng A1000 mới nào được xây dựng cũng sẽ mang lại cơ hội kinh doanh mới cho công ty.
Sự cố hạt nhân của Fukushima có thể cũng ảnh hưởng đến các tiêu chuẩn về việc quản lý các nhà máy điện hạt nhân ở Trung Quốc, nơi các công ty phương Tây đang mong muốn được áp dụng kinh nghiệm quản lý các nhà máy của họ trong việc kinh doanh tư vấn và đào tạo. Các chuyên gia cho rằng việc thiếu các nhân viên quản lý và vận hành nhà máy có kinh nghiệm là một trong những trở ngại lớn nhất trong việc cải thiện vấn đề an toàn hạt nhân của Trung Quốc. Vụ Fukushima xảy ra đã làm cho các cơ quan chính phủ và các công ty nhà nước về lĩnh vực điện hạt nhân hiểu rõ hơn những vấn đề mà họ cần giải quyết để tránh lặp lại tai nạn này.
Tháng trước, công ty Exelon có trụ sở đặt tại Chicago nói rằng họ có thể cung cấp các dịch vụ về tư vấn và đào tạo cho một chi nhánh của Tập đoàn hạt nhân quốc gia nhà nước Trung Quốc (CNNC). Thỏa thuận này rất có ý nghĩa với CNNC, một trong số những công ty hạt nhân lớn nhất của Trung Quốc.
Cao Thu (theo Wall Street Journal)

No comments:

Post a Comment