04/12 Châu Phi: Tốc độ phát triển kinh tế vượt Đông Á


Ngày 04.12.2011, 20:57 (GMT+7)
SGTT.VN - Trong thập kỷ qua, 6 trong số 10 nước có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới là nằm ở châu Phi. Khu vực này được ghi nhận phát triển nhanh hơn so cả Đông Á, bao gồm Nhật. IMF dự báo lục địa đen tăng trưởng 6% trong năm nay và gần 6% năm 2012, tương tự châu Á.
Lao động Trung Quốc ở Angola. Ảnh: Economist
Tầng lớp trung lưu đang tăng cao tại châu Phi, khoảng 60 triệu người có thu nhập 3.000 USD/năm, năm 2015 con số này sẽ đạt 100 triệu. Tỷ lệ đầu tư nước ngoài đã tăng gấp mười lần trong thập kỷ qua.
Tại Onitsha, miền nam Nigeria, người ta chứng kiến cảnh các cửa hàng chất chồng hàng hóa, người mua sắm và nhân viên bán hàng đổ mồ hôi trong lúc buôn bán. Cảnh này diễn ra quanh năm suốt tháng. Nhiều người gọi địa phương này là thị trường lớn nhất thế giới. Ước tính khoảng ba triệu người đến Onitsha hàng ngày để mua gạo, xàbông, máy tính và thiết bị xây dựng.
Một số quốc gia được nhìn nhận có tốc độ tăng trưởng kinh tế chóng mặt, như Angola và Guinea. Một số nước bắt đầu công cuộc phát triển kinh tế như Rwanda và Ethiopia. Nam Phi được đánh giá là hình mẫu kinh tế cho châu lục này, dù nạn tham nhũng tràn lan.
Sau khi Trung Quốc đổ bộ vào châu Phi và đầu tư cơ sở hạ tầng tại đây, các nước Brazil, Thổ Nhĩ Kỳ, Malaysia và Ấn Độ đã mau chóng theo chân. Châu Phi hiện là nhà sản xuất đèn và đáp ứng dịch vụ khách hàng (call centre) cho thị trường toàn cầu. Thương mại khu vực này phát triển nhanh nhờ chính sách giảm thuế và các rào cản thương mại được tháo gỡ.
Thị trường công nghệ tại châu Phi tăng trưởng nhờ có hơn 600 triệu người dùng điện thoại di động - nhiều hơn cả Mỹ hoặc châu Âu. Tỷ lệ phủ sóng điện thoại di động và internet tại lục địa đen còn cao hơn Ấn Độ.
Giống như tại châu Á vào ba thập kỷ trước, thị trường việc làm châu Phi đang có lợi thế nhờ tỷ lệ người trong độ tuổi lao động tăng, với đa số được đào tạo kỹ năng bài bản. Lượng lao động trẻ đông đảo được xem là yếu tố thúc đẩy cho các nền kinh tế đang phát triển.
Tuy có những ưu thế, nhìn chung châu Phi vẫn cần cải cách sâu rộng để đạt được những bước tiến mới. Chính phủ các nước tại khu vực này cần tạo điều kiện thuận lợi hơn cho doanh nghiệp, nhà đầu tư nước ngoài. Điều quan trọng hơn, các chính trị gia cần minh bạch giữa thương trường và chính trường, cũng như có những chính sách chống tham nhũng hiệu quả hơn.
Richard Sezibera - Tổng thư ký của cộng đồng Đông Phi, cho biết các nhà hoạch định chính sách tại khu vực đang vật lộn với áp lực lạm phát do hạn hán. Họa vô đơn chí, tăng trưởng kinh tế bị ảnh hưởng bởi cuộc khủng hoảng nợ châu Âu xấu đi. Châu Âu là thị trường chính cho hàng xuất khẩu Đông Phi: trà, cà phê và hoa tươi. Ngay cả các thị trường xuất khẩu khác như Mỹ và Nhật đang gặp khó khăn cũng khiến triển vọng kinh tế của Đông Phi xấu đi trông thấy.
Trước thực tế này, các nước Đông Phi đang chuyển sang cung cấp nguyên liệu cho Ấn Độ, Trung Quốc, đẩy mạnh xuất khẩu trà, cà phê và khoáng sản, cung cấp dịch vụ du lịch nhắm vào các quốc gia châu Á.
Nam Phi cần tăng tốc độ tăng trưởng kinh tế đạt 7%/năm nhằm chuyển biến tỷ lệ thất nghiệp 25% lực lượng lao động. Bộ trưởng Tài chính Nam Phi, Pravin Gordhan thừa nhận nước này khó đạt mục tiêu tạo ra 5 triệu việc làm vào năm 2020. "Nếu không cải thiện được tình trạng thất nghiệp, nền kinh tế Nam Phi sẽ mất đà tăng trưởng, ảnh hưởng xấu đến an sinh xã hội", ông Kevin Zerglings, nhà kinh tế tại Stanlib, nhận định.
BÁ NHA (ECONOMIST, BLOOMBERG)


No comments:

Post a Comment