18/10 “Gáo nước lạnh” từ Đức hay sự thận trọng hợp lý?

HỒNG NGỌC
18/10/2011 08:27 (GMT+7)
pictureBài toán nợ công châu Âu vẫn đang chờ một lời giải hợp lý và nhanh chóng.

Cuối tuần trước, tại hội nghị của nhóm 20 nền kinh tế phát triển và mới nổi (G-20), lãnh đạo tài chính các quốc gia tham dự đã kêu gọi Liên minh châu Âu tại hội nghị thượng đỉnh diễn ra vào ngày 23/10 tới đưa ra được một kế hoạch tổng thể để giải quyết dứt điểm cuộc khủng hoảng.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Pháp Francois Baroin khẳng định, kết quả của cuộc họp nói trên sẽ mang tính quyết định và châu Âu sẽ hành động kiên quyết để duy trì sự ổn định của hệ thống tài chính.

Còn Bộ trưởng Bộ Tài chính Brazil, ông Guido Mantega khẳng định thế giới đang chờ đợi giải pháp cho các vấn đề của châu Âu mà giờ đây đã biến thành vấn đề toàn cầu. "Tôi là một người lạc quan và tôi tin rằng trên con đường giải quyết đang có những tiến bộ", ông Mantega cho hay.

Các bộ trưởng bộ tài chính Nhật Bản và Canada cũng cho rằng để có thể giải quyết được khủng hoảng, tránh đẩy thế giới trở lại thời kỳ suy thoái, châu Âu cần phải hành động tập thể và hội nghị thượng đỉnh sắp tới sẽ là cơ hội cuối cùng để các nhà lãnh đạo kinh tế châu Âu đưa ra giải pháp cho cuộc khủng hoảng nợ.

Những tuyên bố đầy hứng khởi trên của giới chức cũng như những cam kết đạt được tại hội nghị G-20 tưởng chừng sẽ mang lại niềm tin cho nhà đầu tư trên các thị trường hàng hóa, thúc đẩy các thị trường này khởi sắc mạnh mẽ trở lại. Tuy nhiên, có vẻ như giới phân tích đã vui mừng quá sớm.

Phát biểu ngày hôm qua (17/10), Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble bất ngờ cho rằng kỳ vọng trên là quá lạc quan. Ông nói: “Chúng tôi sẽ chưa đưa ra được giải pháp dứt khoát vào cuối tuần này”. Tuyên bố của ông Shaeuble đã ngay lập tức dội một gáo nước lạnh lên các thị trường.

Trên sàn chứng khoán Mỹ, chốt ngày giao dịch 17/10, chỉ số công nghiệp Dow Jones giảm 246,58 điểm, tương ứng 2,12%, xuống 11.397,91 điểm. Chỉ số S&P 500 hạ 23,72 điểm, tương ứng 1,94%, xuống 1.200,86 điểm. Chỉ số Nasdaq giảm 52,93 điểm, tương ứng 1,98%, xuống 2.614,92 điểm.

Các sàn châu Âu cũng lao dốc khá mạnh. Chỉ số FTSE 100 của Anh giảm 29,66 điểm, tương ứng 0,54% xuống 5.436,70 điểm. Chỉ số CAC 40 của Pháp giảm 51,83 điểm, tương ứng 1,61%, xuống chốt ở 3.166,06 điểm và chỉ số DAX của Đức hạ tới 107,77 điểm, tương ứng 1,81%, xuống còn 5.859,43 điểm.

Trên thị trường xăng dầu, giá dầu thô ngọt, nhẹ giao tháng 11 giảm 42 xu, tương ứng 0,5%, xuống còn 86,38 USD/thùng trên sàn giao dịch hàng hóa New York. Cùng chiều với dầu, giá xăng loại hợp đồng tháng 11 giảm tới 8 xu, tương ứng 2,9%, xuống 2,74 USD/gallon.

Sự suy giảm cũng diễn ra trên thị trường vàng, kết thúc ngày giao dịch, giá vàng giao ngay giảm 0,4% xuống 1.670,79 USD/ounce, dù đầu phiên đã lên 1.694,6 USD/ounce. Trong khi đó, giá vàng giao tháng 12 giảm 6,4 USD/ounce xuống 1.676,6 USD/ounce. Khối lượng giao dịch vàng phiên này xuống mức thấp.

Mặc dù tuyên bố của Bộ trưởng Bộ Tài chính Đức Wolfgang Schaeuble đã khiến nhà đầu tư hoang mang lo sợ, từ đó nhấn chìm các thị trường, nhưng nếu xét lại toàn bộ quá trình giải quyết cuộc khủng hoảng vừa qua thì lời nói của chính khách này không phải là vô lý.

Thị trường đã từng kỳ vọng không ít vào các cuộc hội đàm giải quyết nợ công ở châu Âu và phần lớn các cuộc gặp này chỉ đưa ra những tuyên bố suông hoặc cho thấy sự bất đồng sâu sắc giữa các quốc gia thành viên. Ngay như việc mở rộng Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu gần đây cũng trầy trật mãi mới xong.

Điều này cho thấy, sự thận trọng của ông Schaeuble cũng là điều hợp lý và nhà đầu tư nên chuẩn bị sẵn tâm lý là vừa, để tránh lại thêm một lần thất vọng nếu cuộc họp sắp tới lại không mang lại kết quả gì như mong đợi.

Trên thực tế, sự đi xuống của các thị trường hàng hóa đêm qua còn xuất phát bởi những số liệu mới nhất về kinh tế Mỹ cho thấy triển vọng của nền kinh tế đầu tàu thế giới chưa thực sự hết u ám như nhiều người tưởng.

Hôm qua, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) công bố, sản lượng công nghiệp tháng 9 của nước này tăng trước 0,2%, cao hơn so với mức dự báo 0,1%. Tuy nhiên, con số lạc quan này ngay lập tức bị lu mờ khi sản lượng công nghiệp tháng 8 sau khi điều chỉnh chỉ còn 0%, từ mức 0,2% công bố ban đầu.

Cũng trong ngày, Cục Dự trữ Liên bang tại New York cho biết chỉ số hoạt động sản xuất tháng 10 tại khu vực này giảm xuống âm 8,5 điểm, sau khi đã âm 8,8 điểm trong tháng 10.

Liên quan tới hoạt động doanh nghiệp, hôm qua là một ngày kém may mắn của nhóm cổ phiếu tài chính ngân hàng. Cổ phiếu ngân hàng Wells Fargo chìm 8,4% sau khi công bố kết quả thấp hơn kỳ vọng của các nhà phân tích. Chỉ số ngân hàng KBW Bank (BKX) rớt 3,9%.

Trước đó, cũng về lĩnh vực ngân hàng, các chuyên gia của Goldman Sachs dự báo, những đợt sát hạch ngân hàng mới mà Cơ quan Quản lý Ngân hàng châu Âu (EBC) dự kiến tiến hành trong thời gian tới có thể cho thấy, các ngân hàng trong khu vực sẽ phải tăng thêm vốn gần 300 tỷ Euro.

Theo đánh giá của Goldman Sachs, có tới 68 trong số 91 ngân hàng dự kiến được thanh tra sẽ không thể vượt qua được cuộc sát hạch của EBC. Triển vọng đó cho thấy những ngân hàng này cần phải tăng thêm vốn 298 tỷ Euro, cao hơn con số 221 tỷ Euro mà ngân hàng Credit Suisse đưa ra hôm 13/10.

Thậm chí cả những ngân hàng chủ chốt của Đức và Pháp cũng không qua được các đợt sát hạch. Hai ngân hàng của Pháp là BNP Paribas và Societe Generale sẽ lần lượt cần thêm khoản vốn 13 tỷ Euro và 11,6 tỷ Euro, trong khi hai ngân hàng Đức Deutsche Bank và Commerzbank của Đức lần lượt cần thêm 12,2 tỷ Euro và 10,7 tỷ Euro.

Goldman Sachs cho rằng chỉ tái cấp vốn các ngân hàng không thôi sẽ không đủ để giải quyết các vấn đề hiện nay của châu Âu, song đây là điều cần thiết để phối hợp với các hành động chính sách song song.

Trước đây, các chuyên gia kinh tế của Goldman Sachs từng dự báo 17 nền kinh tế thành viên Khu vực đồng Euro sẽ đối mặt với 40 - 50% khả năng suy thoái vào cuối năm nay, đồng thời cho rằng khả năng hồi phục của châu Âu có thể yếu và không dứt khoát.

No comments:

Post a Comment