12/10 Ngân hàng Dexia: “Lehman Brothers của Châu Âu”?


Thứ tư, 12 Tháng mười 2011, 14:33 GMT+7

Chính phủ Pháp và Bỉ ngày 10/10 đã quyết định cứu Ngân hàng Dexia đang có nguy cơ lặp lại “kịch bản Lehman Brothers” bị vỡ nợ năm 2008.
Ngan hang Dexia Lehman Brothers cua Chau AuDexia
Ngân hàng đầu tư Lehman Brother lớn thứ 4 ở Mỹ có bề dày lịch sử 158 năm với 26.000 nhân viên rải khắp thế giới làm đơn xin phá sản và được bảo lãnh ngày 15/9/2008 làm dư luận Mỹ bàng hoàng.

Sau ba năm, ngày 10/10/2011, kịch bản này lại diễn ra ở Châu Âu khi Ngân hàng Dexia cũng đứng trước nguy cơ đổ bể mà hai Chính phủ Pháp và Bỉ phải tung phao cứu trợ, trực tiếp can thiệp, đưa ra phương án tách Dexia làm hai. Dư luận báo chí các nước ở Châu Âu cho rằng sự đổ bể của Dexia là mốc quan trọng đánh dấu ngành ngân hàng Châu Âu có nguy cơ bị sụp đổ giống như “Kịch bản Lehman Brothers” ở Mỹ năm 2008.

Dexia được hình thành từ hai ngân hàng là Ngân hàng cho vay của Bỉ thành lập năm 1860 và Ngân hàng cho vay của Pháp thành lập năm 1987. Tháng 3/1996, hai ngân hàng này sáp nhập làm một lấy tên Ngân hàng Dexia.

Ngân hàng Dexia có một thời phát triển rực rỡ hồi đầu thế kỷ 21, nhất là khi mua tới 75% cổ phần của Ngân hàng Deniz Thổ Nhĩ Kỳ. Nhưng ngày vui chẳng được là bao thì cuộc khủng hoảng tiền tệ ở Mỹ mà ngân hàng đầu tư Lehman Brothers bị sụp đổ kéo theo hàng trăm ngân hàng khác bị ảnh hưởng, trong đó có các ngân hàng ở Châu Âu.

Cuộc khủng hoảng nợ công ở Châu Âu, trong đó nghiêm trọng nhất là một số nước nằm trong Khu vực đồng euro (Eurozone) như Hy lạp, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha, Italy hiện có nguy cơ vỡ nợ mà Dexia lại nắm giữ rất nhiều trái phiếu của các nước này. Khủng hoảng của Dexia bắt đầu từ  năm 2009 khi đó chính phủ ba nước Pháp, Bỉ và Luxembourg phải hỗ trợ vốn, như Pháp và Bỉ mỗi nước cấp 3 tỉ EUR, Luxembourrg cấp 400 triệu EUR, nhưng 6,4 tỉ EUR không thể giải “cơn khát vốn” của Dexia.

Năm 2009, Dexia nhận được khoản tiền bảo lãnh trị giá tới 150 tỉ EUR, trong đó 55 tỉ của Pháp, nhưng vẫn đứng trước nguy cơ. Từ 2009, Dexia bắt đầu bán bớt các chi nhánh của mình. Các chuyên gia cho rằng hiện nay Dexia cần khoản vốn lưu động khẩn cấp chừng 96 tỉ EUR để trang trải nợ nần, nhưng không thể kiếm ra số tiền đó. Tính tới tháng 6/2011, chỉ riêng tổng số trái phiếu mà Dexia nắm giữ của Hy Lạp đã lên tới 95 tỉ EUR trong khi Hy Lạp đang có nguy cơ vỡ nợ.

Khoản nợ của bốn nước Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha, Tây Ban Nha cao tới 3.270 tỉ EUR, riêng Ngân hàng Trung ương Châu Âu nắm giữ tới 344 tỉ EUR trái phiếu của bốn nước này; vì vậy, không có thể kham nổi cứu vãn cho Dexia. Chính vì vậy, Dexia vừa qua phải tính tới việc bán cổ phần ở Ngân hàng Deniz, một chi nhánh của Dexia ở Thổ Nhĩ Kỳ, nhưng vẫn còn khoảng 100 tỉ EUR tài khoản xấu chưa biết giải quyết ra sao. Chính vì vậy, Dexia đã đứng trước nguy cơ đổ bể, phá sản.

Trước tình hình này, hai chính phủ Pháp và Bỉ phải ra tay cứu “đứa con chung” với phương án tách Dexia làm hai, một phần do Pháp đảm nhiệm, một phần do Bỉ đảm nhiệm. Theo dự tính, phần Pháp đảm nhiệm sẽ do hai ngân hàng đứng ra bảo lãnh và mua lại cổ phần. Ngân hàng Bưu chính và Ngân hàng cho vay của Pháp sẽ đảm nhiệm chi khoản tiền theo tỉ lệ 65% và 35% mua lại Dexia thành lập một ngân hàng mới.

Tuy nhiên, dư luận nhắc nhở chính phủ ở Paris thận trọng, nếu không nước Pháp cũng bị sa lầy theo Dexia. Bộ trưởng ngân sách Pháp Valeria Pecresse nói: “Chính phủ Pháp chỉ ra tay khi thật cần thiết và những biện pháp này sẽ không gây nguy hại tới kinh tế tài chính Pháp”. Nhà kinh tế học Pháp Vidal nói: “Chính phủ không nên lặp lại những sai lầm trước đây. Hiện nay cuộc khủng hoảng nợ công đang diễn biến ngày càng nghiêm trọng và có nguy cơ trở thành cuộc khủng hoảng nợ công toàn khối. Cuộc khủng hoảng này đã thể hiện rõ trong các ngân hàng và đang có nguy cơ biến thành cuộc khủng hoảng tín dụng quốc gia. Bởi vậy chính phủ phải hết sức thận trọng đối với Dexia”.
Michel Barnier, quan chức thuộc Ủy ban dịch vụ và thị trường EU ngày 4/10/2011 cho biết, tháng 7/2011 vừa qua đã tiến hành điều tra tình hình tài chính của 90 ngân hàng ở Châu Âu, trong đó 8 ngân hàng đang có nguy cơ, 16 ngân hàng đang ở bờ vực nguy hiểm. Nếu tình hình các nước đang có khủng hoảng nợ công nghiêm trọng không được trợ giúp thì không ít ngân hàng rơi vào khủng hoảng vỡ nợ.
Dư luận Châu Âu cho rằng nếu “Kịch bản Lehman Brothers” xảy ra ở Châu Âu, nó sẽ gây ra phản ứng dây chuyền kiểu domino và hiện chưa rõ có hậu quả khủng khiếp đến mức nào.
                                                                            Viet Bao (Theo Tamnhin.net)

No comments:

Post a Comment