10/10 Ngân hàng nạn nhân đầu tiên của khủng hoảng nợ công châu Âu

AN HUY
10/10/2011 14:21 (GMT+7)
pictureDexia nắm giữ một lượng lớn trái phiếu của Hy Lạp, quốc gia đang ngấp nghé bờ vực vỡ nợ - Ảnh: Reuters.

Chính phủ Bỉ tuyên bố mua lại bộ phận tại Bỉ của ngân hàng Dexia với giá 4 tỷ Euro, tương đương 5,4 tỷ USD, đồng thời sẽ bảo lãnh cho các tài sản còn lại của nhà băng này. 

Theo hãng tin Reuters, thông tin trên vừa được Thủ tướng Bỉ Yves Leterme công bố ngày hôm nay (10/10). Nhà chức trách Bỉ cuống cuồng đi tới kế hoạch hỗ trợ Dexia sau khi ngân hàng này trở thành nhà băng nạn nhân đầu tiên của cuộc khủng hoảng nợ công đã kéo dài hai năm của khu vực Eurozone. 

Theo kế hoạch, Chính phủ Bỉ sẽ giành lấy quyền kiểm soát bộ phận tại Bỉ của Dexia - ngân hàng liên doanh giữa Pháp và Bỉ. Đây là bộ phận có 6.000 nhân viên, nắm giữ số tiền gửi lên tới 80 tỷ Euro của 4 triệu khách hàng.

Với kế hoạch mua lại từ Chính phủ Bỉ, Dexia sẽ còn lại 90 tỷ Euro tài sản, trong đó có một số tài sản rủi ro, bao gồm 7,7 tỷ Euro trái phiếu hạng không khuyến nghị đầu tư (junk bond) và 7,4 tỷ Euro trái phiếu bảo đảm bằng nợ địa ốc (MBS).

Số tài sản này dự kiến sẽ được nhận được sự bảo lãnh của ba quốc gia mà Dexia đang có hoạt động, trong đó 60,5% được Bỉ bảo lãnh, 36,5% được Pháp bảo lãnh, 3% còn lại nằm dưới sự bảo lãnh của công quốc Luxembourg. Bộ phận tại Luxembourg của Dexia cũng sẽ được bán lại. 

Kế hoạch trên đã được các chính phủ Pháp, Bỉ và Luxembourg thông qua. Theo tin mới nhất, sau một cuộc thảo luận thần tốc kéo dài từ chiều Chủ nhật, ngân hàng Dexia cũng đã chấp nhận bản kế hoạch này.

Tình thế của Dexia hiện nay khiến nhiều người nhớ đến vụ giải thể của tập đoàn tài chính Fortis hồi năm 2008, với sự tham gia của các chính phủ Hà Lan và Bỉ cùng ngân hàng BPN Paribas của Pháp.

Thời gian qua, Dexia đã sử dụng nguồn vốn ngắn hạn cho các khoản vay dài hạn. Thanh khoản của Dexia vì thế càng xấu đi khi nguồn vốn tín dụng cạn dần cùng sự leo thang của cuộc khủng hoảng nợ châu Âu. Tệ hơn, Dexia nắm giữ một lượng lớn trái phiếu của Hy Lạp, quốc gia đang ngấp nghé bờ vực vỡ nợ. 

Từ chiều thứ Năm tuần trước, cổ phiếu của Dexia đã bị tạm ngừng giao dịch. Tuy nhiên, cổ phiếu này sẽ được giao dịch trở lại tại Bỉ khi thị trường chứng khoán châu Âu mở cửa hôm nay. Tuần trước, giá cổ phiếu ngân hàng này giảm 42%. 

Đối với Chính phủ Bỉ, việc giải cứu Dexia sẽ đem đến cho ngân sách của họ những khó khăn mới. Năm ngoái, tỷ lệ nợ công/GDP của Bỉ đã lên tới 96,2%, cao thứ ba trong số các nước thuộc Eurozone, chỉ thua Hy Lạp và Italy, đồng thời ngang với Ireland - nước đã phải nhận hỗ trợ tài chính từ Liên minh châu Âu (EU) và Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) để tránh bờ vực vỡ nợ công.

Gánh nặng từ kế hoạch cứu Dexia đã khiến hãng định mức tín nhiệm Moody’s hôm thứ Sáu vừa rồi lên tiếng cảnh báo cắt giảm điểm tín nhiệm trái phiếu Bỉ từ mức Aa1 hiện nay. Mặc dù vậy, Bộ trưởng Bộ Tài chính Bỉ tuyên bố, kế hoạch cứu Dexia sẽ không đẩy tỷ lệ nợ công/GDP của nước này lên quá 100%.

Việc Chính phủ Bỉ phải chìa tay cứu Dexia được xem là một động thái làm gia tăng những lo ngại của giới đầu tư toàn cầu về sức khỏe của các ngân hàng châu Âu nói chung. Tuần trước, các nhà lãnh đạo của Đức và Pháp đã đi đến nhất trí về việc sẽ bơm vốn cho các ngân hàng trong Eurozone, nhưng tới nay, việc vốn sẽ lấy từ đâu và bơm như thế nào vẫn chưa được ngã ngũ.

Trong khi Paris muốn sử dụng tiền từ quỹ bình ổn tài chính khu vực (EFSF) có quy mô 440 tỷ Euro, tương đương 594 tỷ USD, Berlin lại muốn sử dụng quỹ này như một công cụ chống khủng hoảng cuối cùng.

Cuối tuần vừa rồi, đã xuất hiện tin đồn rằng các nhà băng lớn của Pháp gồm BNP Paribas và Societe General có thể đã chấp nhận được bơm vốn để củng cố năng lực tài chính. Tuy nhiên, cả BNP Paribas và Societe General đều phủ nhận thông tin này.

No comments:

Post a Comment